Có những quy định để quản lý việc khoan dầu nên chúng ta có thể thu được nhiều lợi ích của tài nguyên thiên nhiên trong khi vẫn có thể bảo tồn vùng đất mà chúng ta khai thác. Cũng có những quy định khác về ngăn chặn và kiểm soát khí thải ô tô và máy móc để đảm bảo chúng ta có cuộc sống tiện nghi mà vẫn duy trì được không khí trong lành. Đây là những điều tốt đẹp mà những quy định đã tạo nên: Nỗ lực cân bằng lợi ích và cái giá của lợi ích đó. Tuy chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể, nhưng vẫn có rất ít người tỏ ra nghi ngờ việc mất cân bằng sẽ phá hủy kinh tế hay cuộc sống của chúng ta. Và vì thế, quá trình cố gắng duy trì sự cân bằng đó vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ.
Vào đầu thế kỷ XX, quang phổ điện từ được xem như một tài nguyên thiên nhiên được sở hữu công khai và là một tài nguyên khan hiếm. Với sự xuất hiện của đài phát thanh, ngành công nghiệp truyền hình có một chút giống như miền Tây hoang dã với quá nhiều đài phát thanh cố gắng bắt được sóng. Và sau đó, Quốc hội Mỹ ban hành Luật Phát thanh năm 1927 để giúp tổ chức theo hệ thống. Bộ Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Truyền thông năm 1934, với sự ra đời của Ủy ban Truyền thông Liên bang, như một phần của Chính sách kinh tế mới của Franklin D. Roosevelt. Bộ luật mới và ủy ban mới cũng đặt ra trách nhiệm cho các phương tiện truyền hình mới, như đài phát thanh, vừa giúp đỡ phát triển ngành phát thanh, đồng thời cũng bảo vệ sự tiếp cận thông tin của cộng đồng.
Một trong những cách mà Ủy ban Truyền thông Liên bang có thể điều chỉnh nguồn phát thanh hạn chế là yêu cầu các đài phát thanh phải có giấy phép phát sóng truyền hình trên phổ quang chung. Một trong những yêu cầu để có được giấy phép phát sóng là đài phát thanh cung cấp chương trình phục vụ cộng đồng cho xã hội trên làn sóng mà nhà đài đang thu lợi nhuận. Các đài phát thanh này lo sợ mình sẽ mất giấy phép nếu họ không tuân theo quy định. Chính vì vậy, chương trình tin tức buổi tối được hình thành: Chương trình phục vụ lợi ích cộng đồng bên cạnh các chương trình còn lại mang mục đích thương mại của các đài phát thanh. Mặc dù các đài phát thanh không kiếm được nhiều tiền từ các chương trình tin tức này, nhưng họ đã giành được một điều gì đó dường như rất quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh, một điều mà tiền bạc cũng không thể mua nổi: Danh tiếng cho sự tin cậy.
Walter Cronkite, bình luận viên trong chương trình Tin tức buổi tối của đài CBS từ năm 1962 đến năm 1981, được xem như “người đàn ông đáng tin cậy nhất nước Mỹ”, một danh hiệu thực sự rất có lợi cho toàn bộ đài CBS. Cả Cronkite và những người làm tin tức ngày đó luôn nghĩ rằng họ luôn có một sứ mệnh. Ted Koppel, nhà báo từng đoạt giải thưởng và là cựu dẫn chương trình của chương trình tin tức Nightline cho biết: “Trong những năm 1960, chúng tôi là kiểu định hướng tương tự như sự định hướng của tôn giáo để mang tới cho mọi người thông tin mà họ cần phải có”. Tất cả tin tức thực hiện một nghĩa vụ với công chúng. Có vẻ là “Chiến lược chịu lỗ” cho phép các đài NBC, CBS và ABC chứng minh rằng họ thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các bộ phận giải trí,” Koppel giải thích, “nhưng sẽ không bao giờ xảy ra với các đài truyền hình rằng tin tức có thể thu được lợi nhuận.” Hệ thống cho và nhận luôn cân bằng.
Nhưng đến cuối năm 1979, một số sự kiện đã xảy ra. Vào ngày 4 tháng 11, một nhóm chiến binh và sinh viên Hồi giáo đã tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt giữ 52 người Mỹ. Không lâu sau đó, kênh Tin tức ABC cho ra mắt chương trình: Những người Mỹ bị bắt làm con tin: Khủng hoảng ở Iran, hàng loạt chương trình đã hình thành để phủ toàn bộ diễn biến trong cuộc khủng hoảng con tin. Sau đó chương trình này đổi tên thành Nightline, chương trình Ted Koppel làm người dẫn chương trình trong suốt 25 năm đã cập nhật cho người Mỹ những tin tức về cuộc khủng hoảng con tin mỗi tối trong suốt 444 ngày. Ngay lập tức, chương trình này trở nên phổ biến và lần đầu tiên trong lịch sử tin tức, những nhà điều hành các đài truyền hình đã chú ý đến tin tức. Thay vì để các tin tức chỉ được phát triển bởi những nhà báo lý tưởng và bị thu hút vào nguyên nhân, người ta bắt đầu thấy tin tức như một trung tâm lợi nhuận và vì thế họ bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này nhiều hơn.
Mặc dù những chương trình như chương trình 60 phút, đã xuất hiện trên đài truyền thanh hơn một thập kỷ, thu được lợi nhuận, nhưng chương trình này lại không được phát sóng mỗi tối. Hơn nữa, lúc này thời đại đã khác. Bây giờ là những năm 1980. Sự giàu có, sung túc của người Mỹ đang ở trong giai đoạn đỉnh cao và nhu cầu về sự giàu có và sung túc trở thành một sức mạnh gần như định hướng hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống trên toàn đất nước trong cả thập kỷ và xa hơn nữa là ngành công nghiệp truyền hình. Sự khao khát dopamine của chúng ta tăng lên. Sự cân bằng được đẩy lên cao.
Cuộc khủng hoảng con tin đã kết thúc với sự can thiệp của chính quyền Reagan và một quận trưởng mới được cử tới thành phố, được bổ nhiệm chức chủ tịch của Ủy ban Truyền thông Liên bang, ông Mark Fowler. Fowler và những người ủng hộ ông thấy rằng những chương trình phát thanh truyền hình bao gồm cả truyền hình tin tức đang cố gắng thu được nhiều lợi nhuận trong thời gian ngắn. Với sự ra đời của truyền hình cáp và kênh CNN, tin tức bắt đầu chuyển từ phục vụ cộng đồng và viên kim cương trên vương miện truyền thông thành cơ hội 24 giờ để kiếm được nhiều kim cương hơn nữa.
Bất kỳ trở ngại nào trên con đường mà các đài phát truyền hình đạt được thành công đều phải được loại bỏ. Công việc của nhân viên cơ quan nhà nước lúc này không còn là đưa ra sự bảo vệ mà là giúp định hướng lợi ích. Từng bước một, đôi khi có sự hỗ trợ của Quốc hội và đôi khi hành động một mình, Fowler và những người trong Ủy ban Truyền thông Liên bang đã từ từ tháo gỡ những tiêu chuẩn mà đài truyền hình cần phải tuân thủ để có được giấy phép phát sóng, những tiêu chuẩn nhằm ít nhất duy trì một vài cảm giác cân bằng bằng cách phục vụ tốt cho công chúng. Bắt đầu là từ thời gian các đài truyên hình cần làm lại giấy phép đã được gia hạn từ 3 năm lên đến 5 năm, nghĩa là nỗi lo lắng mất giấy phép phát sóng trước đây bây giờ không phải là vấn đề nữa. Số trạm phát thanh mà một công ty có thể được sở hữu cũng tăng từ bảy lên đến 12 trạm, tạo cơ hội lớn cho những người nắm giữ cổ phần của công ty nỗ lực để nắm lấy thị phần nhiều hơn. Bất cứ quy định nào liên quan đến số lượng quảng cáo có thể được thực hiện đều bị loại bỏ.
Ủy ban Truyền thông Liên bang của Fowler đã đi xa tới mức xóa bỏ những nguyên tắc thiết lập số chương trình không mang tính giải trí tối thiểu của một đài truyền hình được yêu cầu trên sóng radio, như một điều kiện về khả năng đài có thể thu lợi nhuận từ các tần số công cộng. Mục đích của Đạo luật 1934 là để kiểm soát ngành theo hướng Miền Tây hoang dã và đảm bảo mỗi đơn vị truyền thông phải có một chương trình phục vụ xã hội, nhưng bấy giờ nó đã bị xóa bỏ. Và không chỉ dừng lại ở đó. Có lẽ bất ngờ nhất với ngành truyền hình và phát thanh là việc loại bỏ Học thuyết Công bằng năm 1987.
Học thuyết Công bằng ra đời năm 1949 nhằm ngăn chặn đài truyền hình sử dụng mạng lưới truyền thông để bênh vực, ủng hộ cho một quan điểm. Học thuyết cho rằng bất kỳ một đài truyền hình nào cũng phải được FCC cấp giấy phép. Đài truyền hình không chỉ đồng ý bàn bạc những vấn đề có thể gây tranh cãi và phải có sự quan tâm của xã hội, mà phải đảm bảo những quan điểm được nêu ra cân bằng và hài hòa với những tiếng nói đối lập. Khi quy định này bị loại bỏ, mạng lưới truyền thông hiện đại của chúng ta bấy giờ có quyền ủng hộ quan điểm của một đảng phái nào đó và đứng về bên nào mà họ thích – miễn sao có lợi cho công việc kinh doanh. Những gì mà Ủy ban Phát thanh Truyền hình Công bằng về các vấn đề gây tranh cãi (Committee for the Fair Broadcasting of Controversial Issues) năm 1973 được xem không thể thiếu được và là “yêu cầu quan trọng nhất của hoạt động trong lợi ích cộng đồng” đã bị vứt bỏ. Con đường phát triển lúc này hoàn toàn xóa sạch các tin tức, như một dịch vụ, được thay thế bởi những tin tức để bán dịch vụ quảng cáo. Việc theo đuổi sự sung túc, giàu có hơn tiếp tục diễn ra trong những năm 1980, và những yếu tố tạo dựng nên niềm tin của ngành truyền thông bị phá hủy một cách không có điểm dừng. Và dopamine tiếp tục chảy.
Không ai nghi ngờ quyền của người lãnh đạo công ty để phát triển doanh nghiệp theo bất kỳ hướng nào họ lựa chọn, miễn là con đường đó không gây nguy hại đến những người mà họ tuyên bố sẽ phục vụ. Nhưng vấn đề là, kinh doanh tin tức và truyền thông dường như đã lãng quên những con người mà họ có trách nhiệm phải phục vụ. Nếu xem xét hiện trạng hiện tại của truyền hình, chúng ta sẽ có một cái nhìn hoàn hảo về những gì xảy ra khi định hướng tăng cường, thúc đẩy tỷ lệ xem được đặt trước định hướng phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong số các dấu hiệu tồi tệ nhất của phương tiện truyền thông là sẵn sàng báo cáo không đầy đủ những câu chuyện quan trọng, trong khi lại nuôi dưỡng những kiểu câu chuyện có thể giải trí chứ hầu như không đem lại thông tin hữu ích. Hơn bao giờ hết, nhiệm vụ phải truyền đạt thông tin đã trở thành ngành kinh doanh cung cấp tin tức.
Những gì đã xảy ra không phải do các phóng viên. Thực tế, vẫn có rất nhiều người trong số những nhà báo cũng được định hướng bởi cam kết “tương tự tôn giáo” để đưa ra sự thật như Koppel đã mô tả. Vấn đề nằm ở những người điều hành công ty truyền thông – những người xem sự phổ biến thông tin như một phần trong danh mục đầu tư kinh doanh của họ, chứ không phải một điều gì đó như nghĩa vụ. Những người điều hành này nhanh chóng biện minh cho các sản phẩm của mình như là để hoàn thành nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công. Nhưng mục tiêu của họ thì không thể chấp nhận được. Có một sự xung đột rõ ràng về lợi ích khi họ tính toán tỷ lệ người xem mà Nielsen đưa ra và thiết lập tỷ lệ quảng cáo cho phù hợp. Giống như bác sĩ kê thuốc mà bệnh nhân yêu cầu, chứ không kê loại thuốc mà bệnh nhân thực sự cần, Koppel nói rằng những đơn vị truyền thông đi từ việc truyền tải tin tức mà bạn cần, thậm chí là bạn không muốn đến những việc đưa ra những tin tức bạn muốn, thậm chí bạn không thực sự cần. Koppel tiếc nuối những ngày tháng trong quá khứ, khi là thành viên của đơn vị truyền thông, khi việc mưu cầu thứ cao thượng nhiều hơn là mưu cầu kinh tế – đó là lúc phòng tin tức tạo ra sự thú vị trong tin tức thay vì những gì họ đang làm ngày nay: Tạo ra tin tức thú vị.
Như một nghị sĩ tìm cách thu hút những người tài trợ thay vì dành thời gian đáp ứng các nhu cầu của cử tri. Hay người lãnh đạo một công ty quyết định bán ra một sản phẩm mà họ biết rằng nó có chứa các thành phần độc hại nhưng mang lại lợi nhuận, cuộc đua giành chiến thắng luôn tồn tại và luôn luôn gây ra các vấn đề. Trong một tổ chức vững mạnh, cũng như một xã hội lành mạnh, việc định hướng giành chiến thắng không bao giờ được đặt trước yêu cầu chăm sóc những người mà họ có trách nhiệm phải phục vụ.
NHIỀU HƠN! NHIỀU HƠN! NHIỀU HƠN NỮA!
Trước khi thị trường cổ phiếu rơi vào khủng hoảng năm 1929, ở Mỹ đã có hơn 25.000 ngân hàng. Tuy nhiên, có rất nhiều ngân hàng được xây dựng trên nền tảng không vững chắc, nên một nửa trong số đó đã phá sản ngay sau cuộc khủng hoảng. Năm 1933, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Glass-Steagall hay còn được biết đến là Đạo luật Ngân hàng 1933, nhằm nỗ lực hạn chế rủi ro và đầu cơ tích trữ của ngành ngân hàng để các thế hệ tương lai không gặp phải những trường hợp tương tự. Ngoài sự ra đời của Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), như một cơ quan độc lập, “tăng cường và duy trì niềm tin xã hội vào hệ thống tài chính nước Mỹ”, một số quy định khác cũng được thiết lập nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công chúng và nhà nước phải gánh chịu khi các ngân hàng chú ý đến việc thúc đẩy lợi ích của chính họ.
Một trong những điều khoản quan trọng nhất của Đạo luật này là tách ngân hàng thương mại ra khỏi ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng thương mại cung cấp những dịch vụ được xem là của ngân hàng truyền thống như: nhận tiền gửi, thanh toán tiền mặt, cho vay… Ngược lại, ngân hàng đầu tư có thể phát hành chứng khoán để giúp khách hàng tăng vốn và cung cấp các dịch vụ khác bao gồm các giao dịch của thị trường chứng khoán, trao đổi thương mại và các công cụ tài chính khác. Nhận thấy rằng ngân hàng thương mại là nơi lưu giữ quỹ của cá nhân và doanh nghiệp, nên lúc đó, Quốc hội đã quyết định nên hạn chế những khoản quỹ này với mọi ngân hàng đầu tư sử dụng cho những mạo hiểm có rủi ro cao và đầu cơ tích trữ của chính họ.
Thật không may, những thế hệ tương lai mà cha ông chúng ta đã cố gắng bảo vệ lại không quan tâm tới những rủi ro cho lợi ích công để mở con đường cho một nguồn doanh thu mới. Chính vì vậy, năm 1999, trên đỉnh của sự bùng nổ bong bóng internet, trong suốt thời kỳ đầu cơ tràn lan, phần lớn Đạo luật Glass-Steagall đã bị bãi bỏ.
Nếu “sự cạnh tranh trong nền kinh tế mới” nghĩa là tạo nên những điều kiện cho sự sụp đổ thị trường cổ phiếu thì những chính trị gia và những người vận động hành lang cho ngân hàng quả thực đã làm được một điều tuyệt vời. Với việc áp dụng Đạo luật, rất ít ngân hàng lớn bị phá sản trong những năm 1933 đến năm 1999 và cũng chỉ có ba lần sụp đổ của thị trường chứng khoán ở Mỹ kể từ lần sụp đổ do cơn Đại Suy thoái Kinh tế năm 1929. Một lần sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1973 là do kết quả của giá dầu tăng đột ngột chứ không phải do khủng hoảng ngân hàng. Một cuộc khủng hoảng nữa năm 2000 do sự bất cẩn trong việc đầu tư vào bong bóng dot-com). Và cuộc khủng hoảng thứ ba năm 2008 là do mạo hiểm và đầu cơ quá mức của một bộ phận ngành ngân hàng cũng như sử dụng chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Những yếu tố đã thúc đẩy thêm vào sự sụp đổ năm 2008 là những công ty như Citigroup, trước đó là ngân hàng thương mại và tập đoàn quốc tế Mỹ (AIG), một công ty bảo hiểm kinh doanh chứng khoán, một thực tế có thể bị ngăn cấm nếu như Đạo luật Ngân hàng 1933 không bị gỡ bỏ trước đó một thập kỷ.
Việc bãi bỏ phần lớn nội dung trong Đạo luật Glass-Steagall là một trong những ví dụ cực đoan và rõ ràng hơn cho nỗ lực của một số người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sửa chữa hoặc phá vỡ các điều luật nhân danh phát triển xã hội. Đây là một ví dụ về những gì sẽ xảy ra khi những nhà lãnh đạo của chúng ta đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của những người mà đáng lẽ ra họ cần phải bảo vệ. Sự nghiện ngập là một con đường tồi tệ khiến chúng ta mất đi nhận thức về thực tại.
Giống như một người nghiện tỉnh dậy vào buổi sáng và cảm thấy hối tiếc về những gì mình đã làm đêm hôm trước, có rất nhiều người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số bây giờ nhìn lại sự phá hủy vô tình xảy ra dưới sự chứng kiến của chính họ. Và đối với một số người có liên quan vào thời điểm đó, sự phá hủy đó dường như chỉ có một tác động nhỏ bé. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg năm 2010, David Komansky, cựu giám đốc điều hành của Merrill Lynch, đã nói rằng việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall chính là một sai lầm. “Thật tệ khi tôi chính là một trong những người đầu tiên cố gắng để xóa bỏ Đạo luật Glass-Steagall”, ông nói, “Tất nhiên, khi tôi điều hành một công ty, tôi không muốn họ thực thi [các quy định] một cách nghiêm ngặt”. Lúc này David Komansky thừa nhận: “Tôi thực sự rất hối tiếc về những hành động đó và ước mình đã không hành động như vậy”. John Reed, cựu đồng chủ tịch điều hành của Citigroup cũng đã nói rằng việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall là một ý tưởng tồi tệ. Điều gì đã khiến các cựu CEO đột nhiên có thể có sự tỉnh táo rõ ràng mà chúng ta hi vọng họ có được khi còn đang đương nhiệm? Tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều có thể nhận ra sai lầm sau khi mọi việc đã xảy ra, nhưng không phải chúng ta trả công cho những người lãnh đạo vì tầm nhìn xa trông rộng của họ sao?
Bắt đầu trong những năm 1980 và 1990, một số người trong thế hệ bùng nổ dân số đã xem xét việc tháo dỡ những kiểm soát vững chắc được thiết lập nhằm bảo vệ chúng ta khỏi sự dư thừa, mất cân bằng, nghiện ngập trong hệ thống. Các nhà lãnh đạo của chính phủ và những người đứng đầu các công ty đã tạo ra một vòng tròn nội bộ mạnh mẽ và hầu như không chú ý đến sự bảo vệ mà họ phải dành cho những người khác. Khi các nhà lãnh đạo của một tổ chức quan tâm, chăm sóc mọi người nằm trong phạm vi quan tâm, chăm sóc của họ (chính điều này làm cho tổ chức của họ vững mạnh hơn), thì các nhà lãnh đạo của các công ty cũng sẽ xem xét đến môi trường mà họ đang làm việc. Điều này bao gồm cả kinh tế vững mạnh, phát triển hơn và thậm chí là một xã hội văn minh. Vòng tròn an toàn được tạo nên để nhiều người Mỹ có thể cảm nhận sự an toàn đang dần bị phá vỡ, đặt chúng ta vào tình trạng nguy hiểm hơn. Nó sẽ làm suy yếu đất nước, suy yếu công ty khi chúng ta phải tập trung vào bảo vệ chính bản thân mình khỏi những người xung quanh, thay vì cùng nhau làm việc để bảo vệ và phát triển toàn bộ đất nước. Và nếu chúng ta nghĩ thế hệ tiếp theo sẽ được trang bị để sửa chữa những vấn đề của thế hệ trước thì chúng ta phải nhắc nhở bản thân mình rằng thế hệ tiếp theo đang phải đối mặt với sự nghiện ngập của chính họ.