Đ
ể trả lời cho câu hỏi trước, – Ngài Lou nói tiếp, – chúng ta cần phải tìm hiểu xem vì sao ta không thể “thoát ra khỏi hộp”. Ông viết lên bảng dòng chữ: “Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp”.
– Nào, cậu bắt đầu trước đi. Hãy nghĩ đến những điều mà chúng ta cố gắng thực hiện khi đang “nhốt mình trong hộp”, chẳng hạn như khi đó, cậu nghĩ ai là người có vấn đề nào?
– Những người khác. – Tôi trả lời, giọng chắc chắn.
– Đúng thế. – Ngài Lou nói. – Theo đó, chúng ta thường có xu hướng thay đổi người đối diện. Nhưng liệu điều đó có giúp ích gì không? Nó có giúp ta “thoát ra khỏi hộp” không?
– Không, thưa ngài.
– Vì sao?
– Bởi vì khi ở trong đó, tôi cho rằng chính họ mới là người cần phải thay đổi. Đó chính là vấn đề cốt yếu.
– Nhưng có phải điều đó nghĩa là chẳng ai cần thay đổi cả? Có phải mọi người đều làm việc rất tốt?
Tôi tự hỏi tại sao ngài Lou lại hỏi một câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn như vậy. “Nào Callum, mạnh dạn lên nào!” – Tôi tự cổ vũ mình.
– Không, tất nhiên là không. Bất kỳ ai cũng cần phải phát triển.
– Được, vậy thì tại sao không phải là những người đó? Có gì sai nếu tôi muốn họ phải tiến bộ hơn?
Quả là một câu hỏi hóc búa. “Có gì sai nhỉ?” – Tôi tự hỏi mình. Tôi đoán chắc chắn phải có một nguyên nhân đặc biệt nào đó, nhưng lại không nghĩ ra được điều gì.
– Tôi không rõ, thưa ngài. – Tôi nói.
– Nào, hãy nghĩ theo hướng này nhé. Có thể những người xung quanh tôi cũng có những vấn đề cần phải giải quyết, nhưng liệu có phải chính do những lỗi lầm đó mà tôi “nhốt mình trong hộp” không?
– Không, đó chỉ là những gì ngài nghĩ khi “nhốt mình trong hộp”. Đó là một nhận thức sai lầm.
– Chính xác! Thế nếu tôi thành công, nghĩa là những người tôi cố gắng thay đổi đã thật sự thay đổi, thì liệu nó có giúp tôi “thoát ra khỏi hộp” không?
– Tôi cho là không.
– Đúng vậy.
– Thậm chí còn tệ hơn nữa kia. – Bud xen vào. – Hãy nhớ đến sự liên đới mà chúng ta đã bàn hôm qua. Liệu khi cố thay đổi người khác, ta có đạt được điều mong muốn đó không?
– Không, bởi rốt cuộc ngài chỉ khiêu khích sự chống đối.
– Đúng thế. – Bud nói. – Nghĩa là, nếu tôi cố gắng “thoát ra khỏi hộp” bằng cách làm thay đổi người khác, tôi sẽ chỉ khiến họ tạo thêm điều kiện để tôi “nhốt mình trong hộp” mà thôi. Đến đây, ngài Lou vừa nói vừa quay lại và viết lên bảng dòng chữ “Cố gắng thay đổi người khác: Thất bại”
Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp:
1. Cố gắng thay đổi người khác.
– Thế còn việc cố gắng đương đầu với người khác thì sao? – Ngài Lou quay lại, hỏi. – Liệu nó có hiệu quả không?
– Tôi nghĩ là không. Tôi thường làm việc này nhưng chúng không mang lại bất kỳ hiệu quả nào.
– Đúng vậy. – Ông tán thành. – Lý do đơn giản là: Việc đương đầu cũng tương tự như việc cố gắng thay đổi người khác. Thực chất đó chỉ là một hình thức khác của thái độ kết tội mà thôi.
Ông quay lại bảng và bổ sung thêm từ “đương đầu” vào bản danh sách Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp:
1. Cố gắng thay đổi người khác.
2.Cố gắng đương đầu với người khác.
– Thế còn chuyện từ bỏ thì sao ? – Bud bổ sung trong khi ngài Lou đang viết.
– Có thể. – Tôi nói. – Đôi khi bỏ cuộc cũng là một giải pháp hiệu quả.
– Khoan đã Tom, khi cậu “nhốt mình trong hộp”, cậu sẽ cho nguyên nhân của mọi vấn đề bắt đầu từ đâu?
– Từ những người khác. – Tôi đáp.
– Đúng thế. Nhưng trên thực tế, vấn đề nằm ở đâu nào?
– Từ chính bản thân tôi.
– Vậy nếu tôi từ bỏ vấn đề thì điều gì sẽ cùng bỏ đi với tôi?
– Tôi hiểu rồi, chiếc hộp cũng sẽ đi cùng với ngài. – Tôi nói nhỏ, gật đầu.
– Đúng thế. – Bud nói. – Có thể là trong một số tình huống nhất định, việc từ bỏ là một điều nên làm. Nhưng về cơ bản, chỉ rời bỏ tình huống không thì chưa đủ. Cậu cần phải rời bỏ cả chiếc hộp nữa.
– Được, tôi sẽ thêm vào danh sách. – Ngài Lou nói.
Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp:
1. Cố gắng thay đổi người khác.
2. Cố gắng đương đầu với người khác.
3. Từ bỏ tình huống.
– Ở đây còn một vấn đề khác cần được cân nhắc. – Ngài Lou nói. – Đó là vấn đề giao tiếp. Ngài Lou nhìn lên bảng. – Câu chuyện của ai nói về sự tự phản bội đây? Có phải là của ông không, Bud?
– Vâng. – Bud gật đầu
– À, đúng rồi, tôi nhìn thấy tên Nancy ở đây. – Ngài Lou nói tiếp. – Hãy lấy câu chuyện của Bud làm ví dụ nhé. Sau khi tự phản bội, Bud đã nhìn nhận Nancy lười biếng, thiếu chu đáo, thiếu nhạy cảm… Vậy nếu Bud trò chuyện với Nancy ngay trong thời điểm vẫn còn “nhốt mình trong hộp” thì ông ấy sẽ nói với Nancy những điều gì?
– Những cảm nhận của ông ấy về Nancy. Và tất nhiên, đó toàn là những điều tiêu cực.
– Phải. Thế thì, điều đó có ích gì không? Liệu Bud có “thoát ra khỏi hộp” bằng cách nói cho vợ biết những nhận định tiêu cực của mình về cô ấy hay không?
– Không. – Tôi nói. – Nhưng nếu Bud biết tỏ ra khéo léo hơn, nghĩa là, biết cách truyền đạt sự việc một cách tế nhị hơn thì sao?
– Câu hỏi hay lắm, Tom. – Ngài Lou tán thành. – Nhưng hãy nhớ là một khi đang “nhốt mình trong hộp”, Bud chỉ biết đổ lỗi. Bởi vậy, cậu có chắc rằng Bud có đủ kỹ năng để che giấu sự chê trách của ông ấy với Nancy không?
– Tôi e là không. – Tôi nói.
– Tôi cũng cho như vậy. – Ngài Lou tán thành. – Khi ở trong chiếc hộp, dù cho có là bậc thầy về giao tiếp, tôi cũng khó có thể che giấu được những nhận định tiêu cực của mình. Đó chính là vấn đề.
Ngài quay lại và thêm dòng “giao tiếp” vào danh sách.
Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp:
1. Cố gắng thay đổi người khác.
2. Cố gắng đương đầu với người khác.
3. Từ bỏ tình huống.
4. Giao tiếp khéo léo.
– Còn một khả năng khác mà chúng ta nên cân nhắc. – Bud nói. – Đó là, liệu việc cố gắng thay đổi bản thân hoặc thay đổi thái độ của bản thân có giúp tôi “thoát ra khỏi hộp” được không?
– Dường như đây là cách duy nhất có ích thì phải. – Tôi đáp.
– Nào, chúng ta cùng xem xét vấn đề này nhé. – Bud đứng lên và bắt đầu đi đi lại lại. – Vấn đề này rất tế nhị, nhưng cũng rất quan trọng. Hãy nhớ lại câu chuyện tranh cãi giữa tôi và Nancy mà tôi đã kể cho cậu. Tôi đã cố gắng giải thích và kết thúc chuyện đó. Cậu còn nhớ chứ?
– Vâng. – Tôi gật đầu.
– Lúc đó, tôi đã cố gắng thay đổi triệt để: Tôi chuyển từ cãi nhau sang ôm nhau. Nhưng điều đó có khiến tôi “thoát ra khỏi hộp” không?
– Không, vì ngài đã không thực lòng mong muốn như vậy. – Tôi đáp. – Khi đó, ngài vẫn “nhốt mình trong hộp”.
– Chính xác. Và đó mới là điểm mấu chốt.
– Bud nói, hướng về phía tôi. – Bởi khi ở trong chiếc hộp, mọi sự thay đổi mà tôi có thể nghĩ tới chỉ là thay đổi tư thế của mình khi ở bên trong đó mà thôi. Tôi có thể chuyển từ cãi nhau sang ôm nhau. Tôi có thể chuyển từ vẻ hờ hững với ai đó sang quan tâm dồn dập tới họ… Nhưng tất cả chỉ là sự thay đổi bên trong chiếc hộp. Và đó mới là vấn đề.
– Đúng thế đấy. – Ngài Lou tán thành, đi về phía chiếc bảng và ghi thêm một dòng mới.
Điều không làm được khi ở bên trong chiếc hộp:
1. Cố gắng thay đổi người khác.
2. Cố gắng đương đầu với người khác.
3. Từ bỏ tình huống.
4. Giao tiếp khéo léo.
5. Thay đổi thái độ bản thân.
– Nhưng khoan đã. – Tôi nói, giọng bức xúc. – Chẳng lẽ như thế nghĩa là tôi không thể nào “thoát ra khỏi hộp”, cho dù tôi cố gắng thay đổi thái độ bản thân ư? Vậy thì làm cách nào mới có thể ra khỏi chiếc hộp?
– Đó là điều chúng ta vừa nói. – Bud đáp.
– Thật mâu thuẫn. Chẳng phải ngài vừa bảo rằng tôi không thể thoát ra ngoài bằng cách thay đổi người khác, hoặc đương đầu với họ, hoặc bỏ đi, hoặc thay đổi thái độ giao tiếp. Sau đó ngài nói rằng tôi cũng không thể thoát ra ngoài bằng cách thay đổi bản thân mình sao?
– Ồ, cậu không thể thoát ra ngoài bằng cách tiếp tục tập trung vào chính mình, tức là việc cậu cố gắng để thay đổi thái độ bản thân. Đó chính là điều mà chúng ta vừa nói tới. – Ngài Lou trả lời, vẻ từ tốn.
– Vậy làm cách nào và bao giờ chúng ta mới có thể “thoát ra khỏi hộp” đây?
– Sự thực là có một lối thoát. – Ngài Lou trả lời một cách dứt khoát. – Và nó khác hẳn những gì mọi người vẫn nghĩ. Hẳn cậu đã biết nó là gì, như tôi đã nói từ trước với cậu. Chỉ có điều cậu chưa nhận ra đấy thôi.
Tôi lắng nghe, lòng nôn nóng muốn biết được điều đó.
– Đêm qua cậu đã “thoát ra khỏi hộp” đối với gia đình của mình, đúng không?
– Tôi cho là vậy.
– Nghe cách cậu kể lại thì đúng là như thế.
– Ngài Lou mỉm cười. – Điều đó có nghĩa là có một giải pháp cho vấn đề này. Vậy chúng ta hãy nhớ lại những trải nghiệm của cậu tối qua nhé. Cậu có thử thay đổi vợ và con trai mình không?
– Không.
– Cậu có thấy mình “đương đầu” với họ hay không?
– Không.
– Và rõ ràng là cậu đã không bỏ đi. Vậy còn việc giao tiếp? Có phải cậu đã thoát ra nhờ sự giao tiếp không?
– Ồ, có thể. Đúng là chúng tôi đã có một buổi trò chuyện tốt đẹp, có thể nói là tốt nhất trong suốt thời gian gần đây.
– Được, nhưng cậu đã “thoát ra khỏi hộp” nhờ việc giao tiếp tốt hay là cậu đã giao tiếp tốt nhờ “thoát ra khỏi hộp”?
– Để xem nào. – Tôi nói, cảm thấy lúng túng hơn bao giờ hết. – Tôi đã “thoát ra khỏi hộp” ngay từ khi trên đường về nhà. Như vậy, giao tiếp không phải là nguyên nhân giúp tôi “thoát ra khỏi hộp”. Tôi đoán là thế.
– Được, thế còn điều cuối cùng này, – Ngài Lou nói và chỉ vào danh sách – cậu có “thoát ra khỏi hộp” vì đã tập trung và cố gắng thay đổi chính mình hay không?
Tôi ngồi đó băn khoăn với câu hỏi: “Điều gì đã xảy ra với mình hôm qua?”. Mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp, thế nhưng tôi không hiểu vì sao mình lại làm được như vậy. Có phải tôi đã thay đổi chính mình không? Không, dường như là có cái gì đó đã thay đổi tôi. Ít ra thì, tôi không nghĩ mình có kế hoạch thay đổi bản thân. Sự thật, dường như tôi đã cưỡng lại gợi ý tự thay đổi. “Vậy thì điều gì đã xảy ra? Làm thế nào tôi “thoát ra khỏi hộp”? Tại sao cảm xúc của tôi lại thay đổi?”.
– Tôi cũng không biết nữa. – Cuối cùng tôi nói. – Dường như là, có cái gì đó đã thay đổi tôi. Nhưng tôi hoàn toàn không biết được nó đã diễn ra như thế nào.
– Ở đây có một số gợi ý có thể giúp cậu tìm ra. – Bud nói.
– Cậu còn nhớ, hôm qua chúng ta đã từng nói rằng, sự khác nhau giữa việc ở bên trong hay bên ngoài chiếc hộp nằm ở một điều gì đó sâu xa hơn thái độ cư xử, đúng không?
– Đúng vậy, tôi vẫn còn nhớ điều đó. – Tôi đáp, đột nhiên cảm thấy mình sắp tìm ra lời đáp.
– Một trong những lý do khiến cậu không thể hiểu làm thế nào mình ra khỏi hộp là vì cậu cố gắng nhận diện một thái độ đã giúp cậu “thoát ra khỏi hộp”. Nhưng vì “chiếc hộp”, tự bản thân nó không chỉ nằm ở thái độ cư xử, nên đòi hỏi cách thoát ra khỏi nó cũng không đơn thuần nằm ở thái độ cư xử.
– Nói cách khác, – Ngài Lou xen vào – có một vấn đề quan trọng liên quan đến câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để ra khỏi chiếc hộp?”. Nếu ở trong hộp, thái độ-cư-xử-bên-trong-chiếc-hộp đó không thể là phương cách để cậu thoát ra ngoài. Còn nếu đã ở bên ngoài, thì khi ấy cậu không còn cần đến bất cứ thái độ nào để “thoát ra khỏi hộp” nữa. Tóm lại, thái độ không phải cái đã giúp cậu “thoát ra khỏi hộp”, mà đó là một điều gì khác.
– Nhưng nó là điều gì kia chứ? – Tôi hỏi, hoàn toàn mất kiên nhẫn.
– Điều đó đã hiện diện ngay trước cậu đấy thôi.