Tôi ngủ mơ
thấy đời là niềm vui.
Tôi tỉnh dậy
thấy đời là bổn phận.
Tôi làm việc – và ô kìa,
bổn phận là niềm vui.
Ngày nay (1946), bàn về ý nghĩa và giá trị cuộc đời dường như đã trở thành việc thiết yếu hơn lúc nào hết; vấn đề chỉ là liệu điều đó có khả thi hay không và nên thực hiện như thế nào. Xét trên vài phương diện, việc đó dễ thực thi ở thời điểm hiện tại hơn so với ngày trước: giờ đây ta lại có thể tự do bàn luận rất nhiều vấn đề – những vấn đề có sự liên quan cố hữu đến ý nghĩa và giá trị tồn tại của nhân loại, những vấn đề liên quan đến phẩm hạnh con người. Dẫu vậy, ở một số khía cạnh, việc bàn về ý nghĩa, giá trị, phẩm hạnh lại trở nên khó khăn hơn. Ta phải tự hỏi: liệu lúc này chúng ta có còn sử dụng những từ ấy một cách dễ dàng nữa hay không? Chẳng phải ý nghĩa sâu xa của những từ này bằng cách nào đó đã khiến ta dấy lên mối hoài nghi? Chẳng phải trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến quá nhiều thông tin tuyên truyền tiêu cực, trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa mà những từ ngữ này vốn mang hoặc đã từng mang?
Những mẩu tuyên truyền này hầu như có thông điệp đi ngược lại với mọi ý nghĩa và giá trị của sự sống – điều đã dẫn chúng ta tới hoài nghi! Thực tế, tình hình mấy năm qua đã cho ta thấy sự vô nghĩa của kiếp nhân sinh.
Kể từ thời Kant, tư duy châu Âu đã thắng thế khi trình bày thấu đáo phẩm chất thật sự của nhân loại: bản thân Kant, trong luận thuyết thứ hai của mệnh lệnh nhất quyết, cũng tuyên bố rằng mọi thứ đều có giá trị, nhưng một con người thì có phẩm giá – một con người không bao giờ nên trở thành phương tiện cho mục đích nào đó. Thế nhưng trong hệ thống kinh tế vài chục năm gần đây, hầu hết người lao động đều bị biến thành phương tiện thuần túy, họ bị hạ cấp thành những công cụ bé mọn cho hệ sinh thái kinh tế. Không còn nữa việc lao động được coi như một phương tiện cho một mục đích, một phương tiện sống hoặc đơn giản hơn là phương tiện để tìm thức ăn nuôi sống bản thân – thay vào đó, chính con người và cuộc sống tràn trề năng lượng của họ, cái mà lẽ ra phải là “nhân lực”, lại trở thành phương tiện cho mục đích.
Thế rồi chiến tranh xảy ra – cuộc chiến khiến con người và sinh mạng của anh ta giờ đây thậm chí đã trở thành phương tiện cho cái chết. Và rồi tiếp đến là những trại tập trung. Ở đó, thậm chí chính sự sống bị xem là đáng chết ấy còn phải chịu sự bóc lột đến kiệt cùng giới hạn. Một sự triệt tiêu giá trị sự sống, một sự băng hoại và thoái hóa của nhân loại! Thử hình dung – để từ đó ta có thể đưa ra một phán quyết – một nhà nước có ý định tìm cách lợi dụng những người đã bị tuyên án tử, bóc lột sức lao động của họ đến tận giây phút cuối đời – có thể bởi cho rằng làm vậy là đúng đắn hơn so với việc đơn giản là hành quyết họ tức thì hoặc nuôi họ suốt đời. Chẳng phải ta đã nghe mòn tai trong trại tập trung rằng ta “không xứng có được bát xúp”, rằng bát xúp này được bố thí cho chúng ta như bữa ăn duy nhất trong ngày và để có được nó ta phải trả giá bằng việc đào đất lam lũ? Chúng ta – những kẻ hạ tiện không xứng đáng – thậm chí còn phải nhận món quà ân huệ mà ta không xứng có được này theo một nghi thức bắt buộc: khi xúp được chuyền đến tay, mỗi tù nhân phải ngả mũ chào. Vậy là, cũng như cuộc sống của chúng ta không đáng giá bằng một bát xúp, cái chết của chúng ta cũng rẻ bèo, thậm chí không đáng ăn một viên đạn chì, chỉ chút khí Zyklon B1 là đủ.
Chú thích:
1 Zyklon B (vốn là thuốc trừ sâu): Tên thương mại của một loại khí ga cực độc (được điều chế từ hydrogen cyanide), Đức Quốc xã đã sử dụng loại khí này để tàn sát tập thể tù nhân tại Auschwitz và những trại tử thần khác.
Cuối cùng là đến những vụ tàn sát tập thể trong viện tâm thần. Tại đây, bất cứ ai có biểu hiện rằng sự sống của họ không còn “năng suất”, thậm chí chỉ là có tác phong sa sút, đều chắc chắn sẽ bị kết án là “không đáng sống”.
Song, như đã nhắc ở trên, thậm chí những điều “phi lý” cũng đã được tuyên truyền vào thời đó. Vậy ta đang muốn hướng đến điều gì?
Ngày nay, thái độ của chúng ta đối với cuộc sống hầu như đã không còn chỗ cho niềm tin vào ý nghĩa. Ta đang sống trong thời hậu chiến điển hình. Mặc dù cách diễn đạt tôi dùng sau đây mang hơi hướng báo chí, nhưng cụm từ “bị dội bom tinh thần” là mô tả chính xác nhất về trạng thái tinh thần và trí óc của con người hiện đại. Chuyện đó thôi đã đủ tồi tệ rồi, nhưng trầm trọng hơn nữa là thực tế chúng ta cùng lúc còn bị thống trị bởi cảm giác rằng ta đang sống lần nữa trong thời tiền chiến.
Sự ra đời của bom nguyên tử đang châm lửa cho nỗi sợ về một thảm họa diễn ra ở quy mô toàn cầu; và vì lẽ đó, trạng thái tâm thức mặc khải “tận thế” đã ngự trị tại tâm điểm của những năm cuối thiên niên kỷ thứ hai. Chúng ta đã biết đến tâm thức mặc khải này trong lịch sử. Nó tồn tại vào thời điểm bắt đầu và kết thúc của thiên niên kỷ thứ nhất. Nổi tiếng là trong thế kỷ vừa qua, có một cảm thức gọi là cảm giác chuyển giao thế kỷ, và đó không phải là thứ duy nhất đượm màu sắc yếm thế; căn nguyên của tất cả những cảm thức này nằm ở thuyết định mệnh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể tiến đến bất cứ hình thức tái cấu trúc tinh thần nào khi cứ giữ một cảm thức về thuyết định mệnh như thế. Trước hết, ta phải vượt qua được cảm thức đó. Nhưng trên tiến trình ấy, chúng ta nên cân nhắc đến việc ngày nay ta không thể cứ lạc quan vô tư phó thác mọi thứ diễn ra những năm vừa qua cho lịch sử. Chúng ta đã trở nên bi quan. Chúng ta không còn tin vào bản thân sự phát triển, vào mức độ tiến hóa cao hơn của nhân loại như một điều gì đó có thể tự nhiên tất thắng.
Niềm tin mù quáng vào sự phát triển tự nhiên đã trở thành vấn đề riêng của những bộ óc thủ cựu tự mãn – mà ngày nay, một niềm tin như thế là đi ngược với sự tiến hóa. Ngày nay, chúng ta biết nhân loại có những khả năng gì. Nếu như có một sự khác biệt cơ bản giữa cách con người tri nhận thế giới xung quanh trong quá khứ và trong hiện tại thì có lẽ định nghĩa sau đây là phù hợp nhất: trong quá khứ, chủ nghĩa tích cực đi đôi với sự lạc quan, trong khi ngày nay chủ nghĩa tích cực lại đòi hỏi sự bi quan. Bởi lẽ ngày nay, mọi động lực thôi thúc hành động đều phát sinh từ nhận thức rằng chẳng có một hình thức nào của sự tiến bộ mà ta có thể tin cậy hoàn toàn. Nếu ngày nay chúng ta chẳng thể bàng quan được nữa thì chính là vì từng người đã xác định rõ ràng cái gì đang “tiến bộ” và đã tiến bộ bao xa. Trong quá trình này, ta nhận thức được sự phát triển nội tại thật sự chỉ khả thi cho mỗi cá nhân, trong khi sự phát triển tập thể phần lớn lại nằm ở phát triển kỹ thuật – thứ vốn gây ấn tượng với chúng ta chỉ vì ta đang sống trong thời đại kỹ thuật. Hành động của chúng ta giờ đây chỉ có thể khởi phát từ sự bi quan; ta chỉ có thể nắm bắt những cơ hội nhìn rõ cuộc sống từ quan điểm hoài nghi, trong khi sự lạc quan cũ kỹ sẽ ru ngủ ta vào miền tự mãn rồi tạo thành thuyết định mệnh, mặc dù đó là thuyết định mệnh màu hồng. Tôi thà là lúc nào cũng giữ được tinh thần chủ nghĩa tích cực một cách chừng mực còn hơn là thứ thuyết định mệnh nhuốm màu hồng kia!
Niềm tin của con người về ý nghĩa cuộc sống phải kiên định đến nhường nào thì mới không bị nỗi hoài nghi làm lay chuyển. Chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối đến nhường nào vào ý nghĩa và giá trị của sự sống nhân loại thì niềm tin ấy mới chấp nhận và chịu đựng được sự hoài nghi cùng bi quan đó. Vào cái thời mà chủ nghĩa lý tưởng gây thất vọng tràn trề, còn lòng nhiệt huyết thì bị lạm dụng quá đà; ta lại chẳng thể làm gì khác ngoài việc cầu cạnh lý tưởng và nhiệt huyết.
Nhưng thế hệ hiện tại, tuổi trẻ ngày nay, đã không còn tồn tại bất kỳ vai trò hình mẫu nào nữa – trong khi chính trong thế hệ trẻ mà ta có thể tìm thấy lý tưởng và nhiệt huyết. Quá nhiều biến động đã xảy ra trước mắt thế hệ này, quá nhiều tác nhân ngoại cảnh dẫn đến hậu quả sụp đổ nội tại; biến động nhiều đến mức vượt ngưỡng chịu đựng của một thế hệ mà ta đã gửi gắm niềm tin rằng họ sẽ duy trì lý tưởng và nhiệt huyết.
Tất cả những cương lĩnh, những câu khẩu hiệu, các nguyên tắc đã hoàn toàn trở nên bất tín như một kết quả tất yếu trong vài năm trở lại đây. Không gì có khả năng sống sót, vậy nên chẳng quá ngạc nhiên nếu triết học đương đại tri nhận thế giới như một thứ không có thực thể. Nhưng thông qua thuyết hư vô này, thông qua sự bi quan và hoài nghi này, thông qua sự chừng mực của “tính khách quan mới mẻ”, vốn không còn quá “mới” nữa mà đã dần trở nên già cỗi, chúng ta phải cố gắng hướng đến một hình thái nhân loại mới. Những năm vừa qua ắt hẳn đã khiến ta vỡ mộng, thế nhưng quãng thời gian ấy cũng cho ta thấy rằng những gì thuộc về con người vẫn còn giá trị; đồng thời dạy ta biết rằng tất cả nằm ở vấn đề cá nhân con người. Dẫu sao, đến cuối cùng, cái còn lại chính là con người! Bởi chính con người đã sống sót giữa tất cả mọi điều ô trọc trong quá khứ mới đây. Và cũng chính con người là điều còn lại trong trải nghiệm trại tập trung. (Có một ví dụ minh chứng cho việc này tại một trại nào đó ở Bavaria. Ở đó có một người chỉ huy trại, vốn là lính SS1, đã âm thầm rút hầu bao cá nhân để đều đặn mua thuốc cho tù nhân “của ông” từ một nhà thuốc gần khu thị trấn Bavaria; trong khi đó ở cùng trại, một tù nhân lớn tuổi hơn người chỉ huy ấy, đã đối xử tồi tệ với bạn tù của ông ta theo cách tàn nhẫn nhất. Từ đó, có thể thấy rằng mọi vấn đề đều nằm ở từng cá thể con người riêng biệt!)
Chú thích:
1 SS: viết tắt của từ tiếng Đức “Schutzstaffel”, là lực lượng vũ trang tinh nhuệ của Đức Quốc xã.
Cái còn tồn tại là con người cá nhân, là loài người – ngoài ra không còn gì khác. Mọi thứ đều sẽ rời bỏ anh ta qua năm tháng: tiền bạc, quyền lực, danh vọng; không còn điều gì vững chắc đối với anh nữa: không còn cuộc sống, không còn sức khỏe, không còn cả niềm hạnh phúc; tất thảy mọi thứ đều dấy lên sự hoài nghi trong anh: hư danh, tham vọng, những mối quan hệ. Mọi thứ đã bị hạ cấp thành sự tồn tại tối thiểu. Bị thiêu đốt trong nỗi đau, tất cả những gì không thiết yếu đều bị nung chảy – con người bị giáng xuống bậc phân hóa cuối cùng: hoặc là một cá thể trong đám đông, do đó không ai thật sự hiện hữu, giờ đây “anh ta” biến thành một kẻ không thật sự tồn tại – một cá thể vô danh, một thứ không tên gọi (!), chỉ còn là con số tù; hoặc là anh ta bị nung chảy tới khi chạm được đến bản chất chân thật nhất của mình. Vậy là cuối cùng, chẳng phải là vẫn còn một thứ gì đó tựa như quyết định mà chúng ta có thể đưa ra hay sao? Chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì “sự tồn tại” – với sự trần trụi và thô sơ mà con người đã bị trả về – không gì khác hơn là một quyết định.
Tuy nhiên, con người đã có sẵn sự trợ giúp trong việc ra quyết định này; yếu tố quan trọng chính là sự tồn tại của tha nhân, bản thể của tha nhân, cụ thể là hình mẫu con người của họ. Điều này mang lại nhiều kết quả hơn bất kỳ bài diễn thuyết hay nghị luận nào. Bởi lẽ sự tồn tại luôn có tính dứt khoát hơn lời nói. Dù như thế nào, ta cũng sẽ luôn cần chất vấn bản thân rằng liệu thực tế này có quan trọng hơn việc viết sách hay diễn thuyết không, để mỗi chúng ta hiện thực hóa nội dung bằng chính hành động con người của mình. Những điều được hiện thực hóa cũng sẽ có hiệu lực hơn rất nhiều. Chỉ mỗi lời nói là không đủ. Tôi đã từng được gọi đến hiện trường một vụ tự sát, đối tượng là một phụ nữ. Ở bức tường phía trên trường kỷ của cô có một câu nói được dán ngay ngắn: “Thứ có quyền lực lớn hơn cả số phận chính là lòng dũng cảm chịu đựng kiên cường”. Và người này đã tước đi mạng sống của chính mình ngay dưới câu châm ngôn đó.
Tất nhiên, những con người gương mẫu, những người có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực chỉ bằng việc tồn tại, chỉ là thiểu số. Tính bi quan của chúng ta nhận thức được điều này; nhưng đó chính xác là lý do tại sao chủ nghĩa tích cực tồn tại lúc này lại có tầm quan trọng, đó cũng chính là nguyên nhân tạo ra trọng trách to lớn dành cho số ít. Một câu chuyện thần thoại cổ xưa kể rằng sự tồn tại của thế giới tại mọi thời điểm thật sự chỉ dựa trên đúng ba mươi sáu con người đang hiện hữu. Chỉ ba mươi sáu mà thôi! Một nhóm thiểu số ở mức vi mô. Vậy mà họ lại đảm bảo cho sự kế tục luân lý được duy trì trên khắp thế giới.
Nhưng câu chuyện này lại tiếp diễn như sau: ngay khi một trong những cá nhân đó được nhận diện và bị bóc trần bởi những người xung quanh, bởi những đồng chí của mình, anh ta liền mất dạng, anh ta bị “triệu hồi” và không lâu sau bị kết án tử. Điều đó có nghĩa là gì? Sẽ không sai khi chúng ta diễn đạt điều đó thế này: ngay khi nhận thấy bất kỳ xu hướng mô phạm nào trong một hình mẫu, ta liền trở nên cáu bẳn; loài người không thích bị dạy đời giống như trẻ con.
Tất cả điều này minh chứng cho việc gì? Điều gì đã xảy ra với chúng ta trong quá khứ? Có hai điều: mọi thứ đều phụ thuộc vào cá thể con người, bất kể số lượng những người có cùng chí hướng với nhau ít ỏi thế nào; và tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào từng con người, thông qua hành động chứ không chỉ trong lời nói, để tạo dựng ý nghĩa cuộc đời một cách sáng tạo trong hiện thực tồn tại của anh hoặc cô ta. Do đó, chúng ta phải chống lại những thông điệp tuyên truyền tiêu cực thời gian gần đây, những thông điệp về sự “Phi lý”, sự “Vô nghĩa” bằng những thông điệp tuyên truyền khác mà trước tiên phải có tính cá nhân, sau đó là sự tích cực. Chỉ khi đó, ta mới có thể đạt được kết quả rõ ràng.
Đến đây, đã có thể khép lại vấn đề đầu tiên của chúng ta, rằng ngày nay liệu một cá nhân còn có thể ủng hộ cho ý nghĩa và giá trị cuộc sống hay không, và ủng hộ theo nghĩa nào, với tinh thần nào. Nhưng ngay khi ta bàn về ý nghĩa của sự tồn tại, chính thời khắc đó đã phần nào khởi phát nỗi hoài nghi. Một khi ta đặt câu hỏi trực diện, ta đã phần nào có sẵn sự nghi ngờ. Việc hồ nghi về sự tồn tại của con người có thể dễ dàng dẫn đến tuyệt vọng. Khi đó, chúng ta sẽ đối diện với nỗi tuyệt vọng này bằng quyết định tự sát.
Khi nói về tự sát, ta phải phân biệt giữa bốn nguyên nhân chính yếu nhưng khác biệt về bản chất, những nguyên nhân làm nảy sinh lý do nội tại dẫn đến hành động tự sát.
Đầu tiên, tự sát có thể là một hậu quả – một hậu quả không phải bắt nguồn từ tinh thần, mà là trạng thái thuộc về thể xác. Nhóm này bao gồm những trường hợp con người trải qua sự biến đổi về trạng thái tinh thần được xác định là thuộc về nguyên nhân thể xác – những người đã cố kết liễu bản thân vì cảm giác thôi thúc phải làm thế. Chúng ta sẽ không đề cập đến trường hợp này, vì đó không phải là vấn đề ta quan tâm trong buổi diễn thuyết hôm nay.
Tiếp theo, có những người nung nấu quyết tâm tự tử mãnh liệt khi tính toán đến hậu quả tác động lên xung quanh: họ muốn trả thù những ai đã làm tổn thương mình, họ muốn những người đó phải dằn vặt, bị lương tâm tội lỗi đè nặng suốt phần đời còn lại, cảm thấy có tội trong cái chết của người tự sát. Những trường hợp này cũng phải bị loại trừ trong lần này, khi ta xem xét ý nghĩa cuộc đời.
Thứ ba, có những người khao khát tự sát chỉ vì họ cảm thấy chán nản cuộc đời. Nhưng sự chán nản này chỉ là một cảm giác – và tất cả chúng ta đều biết rằng cảm giác không phải là nguyên do. Chẳng hạn như khi một người nào đó cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức thì bản thân cái cảm giác ấy không phải là lý do khiến họ muốn dừng bước. Đúng hơn, mọi thứ phụ thuộc vào việc liệu tiếp tục cố gắng có thật sự mang lại ý nghĩa nào không, liệu ý nghĩa đó có đáng để họ vượt qua sự mệt mỏi hiện tại. Thứ cần thiết ở đây chỉ đơn giản là đáp án cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, của việc tiếp tục sống dẫu cho nỗi chán đời cứ kéo dài dai dẳng. Như vậy, đây không phải là phản đề của việc tiếp tục sống; tuy nhiên, việc tiếp tục sống sẽ chỉ khả thi khi đối tượng nhận thức được lẽ sống vô điều kiện.
Nhưng trong thực tế, cả nhóm người thứ tư cũng nằm trong nhóm thứ ba, đó là những người tìm đến cái chết vì họ không tin vào ý nghĩa của việc tiếp tục sống, không tin vào chính lẽ sống. Một vụ tự sát với động cơ như thế thường được gọi là “tự sát dựa theo bảng đối chiếu tài sản và nợ” – vốn bắt nguồn từ cái gọi là quyết toán cuộc sống theo hướng tiêu cực. Người tự sát trước đó lập một “bảng quyết toán” và so sánh giữa những gì họ có (giống như thẻ tín dụng) với những gì họ cảm thấy lẽ ra mình nên có (giống như thẻ ghi nợ); họ chú tâm vào những thứ cuộc đời còn nợ mình dựa vào những lợi ích mà họ nghĩ rằng lẽ ra mình phải nhận được từ cuộc đời, sự quyết toán tiêu cực khi tính toán kiểu như thế đã khiến họ đi đến quyết định tự sát. Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu xem xét bảng quyết toán ấy.
Thông thường, trong cột thẻ tín dụng sẽ bao hàm tất cả những điều khổ sở và nỗi đau, cột thẻ ghi nợ lại chỉ toàn liệt kê hạnh phúc, vận may mà người đó không có được. Nhưng kiểu quyết toán này về cơ bản là không đúng. Bởi lẽ, có một câu nói như thế này: “Chúng ta không đến cuộc đời này để hưởng lạc”. Điều này đúng theo nghĩa kép với những gì đang (hiện hữu) và những gì phải là. Bất cứ ai không cảm thấy mình giống như thế có lẽ cần tham khảo những bài viết của một nhà tâm lý học thực nghiệm người Nga, ông từng chứng minh rằng một người bình thường sẽ trải qua cảm giác bất mãn nhiều hơn hẳn cảm giác hân hoan. Do đó, ngay từ đầu, sống chỉ để hưởng lạc là điều bất khả. Nhưng liệu khoái lạc có quan trọng – đó có phải là những gì cuộc đời hướng tới? Hãy hình dung một người đàn ông đã bị kết án tử, vài giờ trước khi hành hình, người ta nói rằng ông được tự do lựa chọn thực đơn cho bữa ăn cuối cùng. Lính canh đến xà lim và hỏi ông muốn ăn gì, mời ông toàn những món cao lương mỹ vị; nhưng người đàn ông từ chối mọi lời đề nghị.
Ông tự nhủ rằng dù có nhồi nhét thức ăn ngon vào bụng mình thì cũng chẳng ích gì, bởi trong vài tiếng nữa, cơ thể này rồi cũng thành một cái xác. Thậm chí, cảm giác khoái lạc được ghi nhận trong hạch não của cơ quan sinh học dường như cũng vô nghĩa nếu nhìn từ góc độ rằng trong hai tiếng nữa thôi, bộ phận đó cũng bị tiêu hủy vĩnh viễn.
Nhưng toàn bộ sự sống đều đối mặt với cái chết, và nếu người đàn ông đó đúng thì tất thảy cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, bởi lẽ ta chỉ nỗ lực để hưởng khoái lạc và không còn một lý do nào khác nữa – hơn thế, ta còn thích được hưởng khoái lạc ở mức độ cao nhất có thể. Tự thân khoái lạc không thể trao ý nghĩa cho sự tồn tại của con người; do đó, thiếu thốn khoái lạc cũng không thể cướp đi ý nghĩa cuộc đời, điều dường như đã quá hiển nhiên đối với chúng ta.
Một người đàn ông được cứu sống sau nỗ lực tự tử bất thành đã kể với tôi rằng hôm đó anh đã muốn rời thị trấn để bắn một viên đạn xuyên qua đầu mình như thế nào; và rằng khi đó trời đã tối muộn nên những chuyến xe điện không còn hoạt động nữa, anh đã miễn cưỡng ra sao với việc phải bắt một chiếc taxi; rồi anh nhận ra mình bực dọc như thế nào vì phải tốn tiền cho chuyến taxi, và cuối cùng là cái cách anh bật cười khi nghĩ đến việc bản thân còn có thể quan tâm đến chuyện vặt vãnh như thế khi chẳng mấy chốc nữa anh sẽ tự kết liễu đời mình. Đối với người đàn ông đang có ý định tự tử này việc keo kiệt về tiền bạc hẳn phải có vẻ rất vô nghĩa – khi mà anh ta đang đối diện với cái chết. Rabindranath Tagore đã diễn tả tuyệt đẹp tất cả sắc thái về nỗi thất vọng mà con người cảm thấy đối với quyền mưu cầu hạnh phúc trong đời qua bài thơ:
Tôi ngủ mơ
thấy đời là niềm vui.
Tôi tỉnh dậy
thấy đời là bổn phận.
Tôi làm việc – và ô kìa,
bổn phận là niềm vui.
Và với việc trích dẫn bài thơ này, tôi đang giới thiệu hướng đi của chúng tôi trong các thảo luận tiếp theo.
Cuộc sống, theo nghĩa nào đó, là bổn phận, một nghĩa vụ to lớn đơn nhất. Chắc chắn là cũng có cả niềm vui trong cuộc sống, nhưng đó là thứ ta không thể theo đuổi, chúng ta không thể ước niềm vui diễn ra, đúng hơn, nó phải khởi sinh một cách tự phát, và trên thực tế nó cũng luôn khởi sinh một cách tự phát như một kết cục ắt phải đến: hạnh phúc không nên, không cần và không bao giờ có thể trở thành một mục tiêu mà chỉ có thể là kết quả; kết quả của việc hoàn thành điều mà trong bài thơ của Tagore gọi là bổn phận, và đó là điều chúng ta sẽ cố gắng định nghĩa chi tiết hơn nữa ở phần sau. Trong mọi trường hợp, toàn thể nhân loại cố gắng có được hạnh phúc, xét trong hoàn cảnh này, đều sẽ phải chịu thất bại, bởi lẽ vận may chỉ có thể vô tình gõ cửa ai đó, nó không phải là thứ có thể săn lùng được. Triết gia Kierkegaard đã kể một câu chuyện ngụ ngôn thâm thúy về việc cánh cửa dẫn lối đến hạnh phúc luôn mở “hướng ra ngoài”, điều đó nghĩa là nó sẽ tự đóng lại ngay lúc ai đó cố đẩy cánh cửa hạnh phúc “hướng về bên trong”, có thể nói như vậy.
Như thể có duyên sắp đặt, tôi đã từng ngồi đối diện hai người chán đời – một người đàn ông và một người phụ nữ. Cả hai đều khẳng định một cách nhất trí – từng-từ-một, rằng cuộc đời họ thật vô nghĩa, họ “không còn trông mong gì vào cuộc sống”. Phần nào đó, cả hai dường như đều có lý. Tuy nhiên, hóa ra sự thể hoàn toàn ngược lại, có điều gì đó đang chờ đợi mỗi người: với người đàn ông, đó là công trình khoa học còn dang dở; với người phụ nữ, đó là đứa con sống ở nước ngoài xa xôi, không liên lạc được. Đến đây, ta có thể dùng cách nói của Kant là hai người vừa “thực hiện một cuộc cách mạng Copernicus1” khi nhận thức của họ đã thay đổi 180 độ, câu hỏi sau đó không còn là: “Tôi có thể trông đợi gì từ cuộc đời?” mà chỉ có thể là: “Cuộc đời trông đợi gì ở tôi?”. Nhiệm vụ nào mà cuộc đời đã phó thác cho tôi?
Chú thích:
1 Nicolaus Copernicus (1473 - 1543): Nhà thiên văn học người Ba Lan, là người đầu tiên đặt ra thuyết nhật tâm (Mặt Trời nằm ở trung tâm của vũ trụ) trong khi trước đó, giới thiên văn học đều theo thuyết địa tâm (Trái Đất là trung tâm của vũ trụ).
Sau khi đã xem xét mọi thứ, giờ đây chúng ta đã nhận ra câu hỏi về lẽ sống đã không được đặt ra đúng cách: ta không phải là người được quyền hỏi về ý nghĩa cuộc đời, mà ngược lại, chính cuộc đời đặt ra câu hỏi nhắm trực tiếp tới chúng ta – chúng ta mới là những người bị chất vấn! Chúng ta là những người phải trả lời, phải đưa ra lời đáp cho câu hỏi bất biến, liên tục của cuộc sống, những “câu hỏi cuộc sống” thiết yếu. Bản chất việc sống không có ý nghĩa gì khác hơn là bị tra vấn; toàn bộ hành động tồn tại của chúng ta không gì khác hơn là đưa ra câu trả lời với ý thức trách nhiệm hướng về cuộc sống. Từ quan điểm trí tuệ này, không gì có thể khiến ta sợ hãi nữa, không tương lai hay cảm thức vô ích nào hiện hữu rõ ràng nữa. Vì bây giờ, hiện tại là tất cả, bởi lẽ nó nắm giữ câu hỏi đời đời mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào việc cuộc sống mong đợi gì ở chúng ta. Đối với những gì đang chờ ta ở tương lai, ta không cần phải biết vì cũng không thể biết được.
Để liên hệ đến vấn đề này, tôi thường kể câu chuyện xuất hiện trong một bản tin vắn nhiều năm về trước.
Một người da đen chịu án tù chung thân bị đày đến Đảo Quỷ. Khi con tàu Leviathan đang lướt biển thì một đám cháy bùng lên. Trong tình huống ngặt nghèo, người tù được tháo xiềng để tham gia giải cứu. Anh đã cứu được mười mạng người. Kết quả là sau đó anh được ân xá. Tôi hỏi các bạn: nếu có ai đó hỏi người đàn ông này trước khi lên tàu, cứ cho cụ thể là ở bến cảng Marseilles, rằng việc tiếp tục sống có thể có ý nghĩa nào với anh không, anh ta ắt hẳn sẽ lắc đầu: còn có điều gì có thể chờ đợi anh cơ chứ? Nhưng không một ai trong chúng ta biết được điều gì đang chờ đợi mình, khoảnh khắc trọng đại nào, cơ may duy nhất nào sẽ đến để ta hành động theo cách phi thường, cũng giống như việc người đàn ông da đen cứu được mười sinh mạng trên chiếc thuyền Leviathan.
Câu hỏi mà cuộc đời đưa ra cho chúng ta – và với việc trả lời nó, ta nhận ra ý nghĩa của khoảnh khắc hiện tại – không chỉ thay đổi từng giờ từng khắc mà còn thay đổi từ người này sang người kia: câu hỏi là hoàn toàn khác biệt trong mỗi khoảnh khắc, đối với mỗi cá nhân.
Do đó, ta có thể thấy rằng câu hỏi về lẽ sống được đặt ra quá đơn giản, trừ khi nó được đặt ra một cách chi tiết, trong bối cảnh cụ thể về không gian và thời gian. Với chúng ta, việc hỏi về “lẽ sống” theo cách này dường như cũng ngây ngô không kém gì câu hỏi của người phóng viên với một nhà vô địch cờ vua thế giới rằng, “Đại kỳ thủ, xin hãy cho tôi biết ông nghĩ nước cờ nào là hoàn hảo nhất?”. Liệu có thể tồn tại một nước cờ đặc biệt hữu hiệu, hoặc thậm chí hoàn hảo, nếu không xét nó trong một tình huống trận đấu rất cụ thể, chi tiết, hay trong một thế cờ riêng biệt được chăng?
Nhiều năm về trước, có một hôm, một chàng trai cũng ngây thơ không kém khi hỏi tôi, lúc tôi sắp bắt đầu buổi hội thảo có quy mô nhỏ ở đâu đó, về lẽ sống. Những lời cậu nói được tuôn ra một cách thiếu tế nhị như thế này: “Frankl ơi, đừng giận tôi, chuyện là tôi có cái hẹn đến nhà vợ tương lai tối nay. Tôi thật sự phải đi nên không thể ở lại nghe bài diễn thuyết của ông; ông làm ơn có thể nói tôi nghe thật ngắn gọn lẽ sống là gì được không?”.
Bất cứ điều gì đang chờ đợi chúng ta bây giờ, cái “thử thách trong thời khắc” cụ thể này đòi hỏi những câu trả lời khác nhau trong mỗi ý thức khác nhau. Trước hết, câu trả lời của chúng ta có thể là một câu trả lời chủ động, ta đưa ra câu trả lời thông qua hành động, hồi đáp những câu hỏi cuộc sống cụ thể bằng điều ta đã hoàn thành hoặc những công trình ta đã kiến tạo. Nhưng đến đây, chúng ta cũng có một số điều cần phải suy xét. Và điều tôi muốn nói ở đây có lẽ sẽ được truyền đạt hiệu quả nhất bằng cách dẫn chứng trải nghiệm sau đây: có lần, một người thanh niên ngồi trước mặt tôi đã chất vấn tôi về vấn đề ý nghĩa hay sự vô nghĩa của cuộc đời. Lý lẽ của anh ta như sau: “Ông nói thì dễ, ông đã thành lập những trung tâm tư vấn, ông giúp đỡ mọi người, ông vực người ta dậy; nhưng tôi – tôi là ai, là cái thá gì chứ, chỉ là một tay phụ tá thợ may. Tôi có thể làm gì, làm sao tôi có thể khiến cho đời mình có ý nghĩa thông qua những hành động tôi thực hiện?”. Người đàn ông này đã quên rằng vấn đề không bao giờ nằm ở vị thế của một người trong xã hội hay nghề nghiệp của anh ta, vấn đề chỉ là anh ta vẽ ra vòng tròn cuộc sống của mình và lấp đầy nó như thế nào. Một cuộc đời có viên mãn hay không chẳng hề phụ thuộc vào việc bán kính hành động của một người có phạm vi rộng lớn như thế nào mà hầu hết chỉ phụ thuộc vào việc liệu vòng tròn đó có được lấp đầy hay không.
Trong hoàn cảnh cuộc đời riêng biệt, mọi cá thể con người đều là không thể thay thế và không thể sao chép, điều này đúng với tất cả mọi người. Những nhiệm vụ mà cuộc sống đã giao phó cho anh ta là của riêng anh và chỉ anh mới có thể hoàn thành. Kiếp sống của một người có vòng tròn cuộc đời (tương đối) lớn hơn nhưng lại không thể lấp đầy vòng tròn ấy sẽ tồn đọng nhiều điều bất mãn hơn so với kiếp sống của người có vòng tròn cuộc đời dù nhỏ hơn nhưng đã thật sự đáp ứng được những nhiệm vụ anh ta tìm thấy trong vòng tròn của mình. Trong hoàn cảnh cụ thể của người phụ tá thợ may này, anh ta còn có thể đạt được nhiều điều hơn, và qua những việc đã làm cùng những việc còn dở dang, anh ta có thể hướng đến một cuộc sống ý nghĩa hơn những người anh ghen tỵ, nếu người đó không nhận thức được trách nhiệm to lớn hơn của mình trong cuộc sống và không dốc hết sức mình cho trách nhiệm ấy.
Lúc này bạn có thể phản đối: “Vậy còn những người thất nghiệp thì sao?”, bỏ qua thực tế rằng công việc không phải là lĩnh vực duy nhất mà ta có thể chủ động tìm thấy lẽ sống. Có phải chỉ riêng công việc đã khiến cuộc sống có ý nghĩa? Hãy hỏi rất nhiều người than thở với chúng ta (không phải là không có lý do) về chuyện công việc của họ (thường là việc máy móc) vô nghĩa như thế nào, về các dãy số cộng dồn vô tận hoặc động tác đẩy, kéo đơn điệu của đòn bẩy trên một dây chuyền sản xuất không ngừng nghỉ. Những người này chỉ có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa trong khoảng thời gian quá ít ỏi còn lại, lấp đầy khoảng thời gian ấy bằng ý nghĩa con người cá nhân. Mặt khác, những người thất nghiệp, có dư dả thời gian rảnh rỗi, cũng có cơ hội trao cho cuộc đời mình một ý nghĩa. Xin đừng ai nghĩ rằng tôi ngớ ngẩn đến mức đánh giá thấp những khó khăn kinh tế, một hoàn cảnh tài chính khốn cùng, hoặc các yếu tố xã hội, kinh tế xét trong những bối cảnh thực tế khó khăn. Ngày nay, ta thấu hiểu hơn bao giờ hết cái thực tế “có thực mới vực được đạo1” có thể khiến chúng ta liều mạng như thế nào. Ta không còn ảo tưởng gì về việc đó nữa. Nhưng ta cũng ý thức được việc phàm ăn tục uống mà không giữ lại chút phẩm hạnh là vô nghĩa như thế nào, và sự vô nghĩa này có thể gieo tai họa ra sao đối với những ai chỉ chăm chăm hưởng thụ. Và, cuối cùng, chúng ta đều biết rõ “đạo đức” có ý nghĩa như thế nào: đó là niềm tin không lung lay về một lẽ sống vô điều kiện, thứ mà bằng cách này hay cách khác có thể khiến cuộc đời thành ra có thể chịu đựng được. Bởi vì ta đã chứng kiến thực tế là con người sẵn lòng tuyệt thực nếu việc đó có mục đích hay ý nghĩa.
Chú thích:
1 Câu gốc tiếng Đức là “Grub first, then ethics” xuất hiện trong The Threepenny Opera [tạm dịch: Vở Opera ba xu] do Bertolt Brecht soạn thảo cùng Kurt Weill năm 1928.
Tuy nhiên, ta không chỉ chứng kiến việc nhịn đói khó khăn như thế nào khi một người không có “đạo đức”, ta còn chứng kiến việc đòi hỏi đạo đức từ một người đã bị bỏ đói cũng khó khăn không kém. Có lần tôi phải trình tòa án một bản báo cáo sức khỏe tâm thần của cậu bé vị thành niên đã ăn trộm ổ bánh mì trong lúc tuyệt vọng cùng cực; phiên tòa xét xử đã đặt câu hỏi nhắm đúng vào việc liệu cậu bé có cảm thấy “thấp kém” hay không. Trong bản báo cáo, tôi đã phải thừa nhận rằng từ góc nhìn tâm thần học, cậu bé không thể được xét là có mặc cảm thấp kém dưới bất kỳ khía cạnh nào. Nhưng tôi không chỉ viết có như thế mà đồng thời còn giải thích rằng, ở hoàn cảnh cụ thể ấy, cậu bé sẽ phải có tâm thế “thượng đẳng” mới có thể cưỡng lại sự cám dỗ khi đối mặt với cơn đói như thế!
Ta trao ý nghĩa cho cuộc đời không chỉ thông qua những hành động khi đáp lời, với ý thức trách nhiệm, những câu hỏi cụ thể của cuộc sống đã đặt ra, mà còn có thể đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống vừa như một người đại diện tích cực, vừa như một người tràn đầy tình thương trong sự dâng hiến dành cho cái đẹp, cái vĩ đại, cái thiện. Có lẽ, tôi nên giải thích cho các bạn lý do tại sao việc trải nghiệm cái đẹp lại có thể khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa. Tôi thích đặt mình trong trải nghiệm tự tưởng tượng như sau: hãy hình dung bạn đang ngồi trong một khán phòng, lắng nghe bản giao hưởng bạn yêu thích nhất, những đoạn bạn say mê trong bản giao hưởng cứ vang vọng bên tai, âm nhạc khiến bạn xúc động đến nỗi như có cơn run rẩy chạy dọc sống lưng; bây giờ hãy hình dung rằng điều này có thể xảy ra (một điều mà theo tâm lý học là không thể) – trong khoảnh khắc ấy có ai đó hỏi bạn rằng cuộc đời bạn có ý nghĩa gì không. Tôi tin là bạn sẽ đồng ý với tôi rằng trong trường hợp này, bạn chỉ có thể đưa ra một câu trả lời đại loại như thế này: “Cuộc đời tôi có ý nghĩa vì đã được sống trong chính khoảnh khắc này!”.
Những người không thưởng thức nghệ thuật mà tận hưởng thiên nhiên có lẽ cũng có cảm giác tương tự như vậy, và cả những người trải nghiệm việc tìm hiểu người khác cũng vậy. Ta không biết được thứ cảm giác bất thình lình ập đến với sự hiện diện của một người đặc biệt là gì, và ta diễn dịch cảm giác ấy một cách đại khái: việc người ấy tồn tại trong thế giới này, chỉ việc ấy thôi đã khiến cho thế giới và cuộc đời trở nên có ý nghĩa.
Chúng ta trao ý nghĩa cho cuộc đời không chỉ thông qua hành động mà còn thông qua tình yêu, và cuối cùng là thông qua đau khổ. Bởi vì cách con người đương đầu với giới hạn bản thân sẽ liên quan đến việc giới hạn ấy ảnh hưởng thế nào đến hành động và khả năng yêu thương của họ, cách họ cư xử và chấp nhận đau khổ trước những hạn chế – trải qua tất cả những việc này nhưng họ vẫn có khả năng hoàn thiện giá trị con người.
Vậy là, cách ta giải quyết khó khăn sẽ thể hiện ta là ai và cũng giúp ta sống ý nghĩa hơn. Ta không nên quên tinh thần thể thao, thứ tinh thần chỉ có duy nhất ở con người! Vận động viên làm gì nếu không phải là tạo ra những khó khăn cho chính mình để rồi trưởng thành hơn bằng cách vượt qua chúng? Tất nhiên, việc tạo ra khó khăn cho bản thân không phải là điều khôn ngoan; về tổng thể, việc chịu đựng hậu quả bất hạnh chỉ có ý nghĩa nếu sự bất hạnh đó xảy ra là do định mệnh nên không thể né tránh và không thể trốn chạy.
Định mệnh, tức là những gì xảy ra với chúng ta, chắc chắn có thể định hình theo cách này hay cách khác. Goethe1 đã từng phát biểu rằng: “Không có bất kỳ tình cảnh khó khăn nào mà không thể được tôn vinh bằng thành tựu hay sức chịu đựng”. Hoặc ta thay đổi số phận khi có thể, hoặc ta cam lòng chấp nhận nếu cần thiết phải như thế*. Dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng đều đạt đến sự trưởng thành nội tại thông qua những bất hạnh ấy. Bây giờ, ta cũng hiểu được dụng ý của Hölderlin2 khi ông viết: “Nếu tôi giẫm lên sự bất hạnh của mình, tôi sẽ đứng cao hơn”.
Chú thích:
1 Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832): Tác giả, nhà khoa học, chính khách người Đức.
2 Friedrich Hölderlin (1770 - 1843): Nhà thơ, triết gia người Đức theo chủ nghĩa lãng mạn.
Lúc này, ta thấy rằng dường như thật sai lầm khi con người chỉ biết oán trách bất hạnh đến với họ hoặc chì chiết số phận mình. Mỗi chúng ta sẽ trở thành thế nào nếu không có số phận sắp đặt? Sự tồn tại của chúng ta sẽ thành hình, thành dạng khác đi như thế nào nếu không phải chịu những nhát búa số phận và sự thiêu đốt của những thống khổ mà bàn tay số phận bắt ta gánh chịu? Những ai chống lại số phận – tức là chống lại những hoàn cảnh họ không thể chịu đựng và chắc chắn là họ không thể thay đổi – đã không hiểu thấu được ý nghĩa của số phận. Số phận là một phần thiết yếu trong tổng thể cuộc sống của chúng ta; và thậm chí không có chuyện một phần nhỏ nhất bị buộc tách lìa khỏi tổng thể này mà không phương hại đến toàn bộ, đến hình thái của tồn tại.
Vì vậy, số phận là một phần cuộc sống và nỗi thống khổ cũng như thế. Do đó, nếu như cuộc đời có ý nghĩa thì nỗi thống khổ cũng có ý nghĩa. Thế nên, chừng nào nỗi thống khổ còn cần thiết và không thể tránh khỏi, chừng đó nó còn có khả năng mang lại ý nghĩa. Có một sự nhất trí công nhận và đánh giá cao về nỗi thống khổ như thế. Nhiều năm trước, tin tức ghi nhận việc Hội Hướng đạo nam sinh ở Anh đã trao giải thưởng cho ba cậu bé đạt được những thành tựu xuất sắc; vậy ba cậu bé nhận giải thưởng này là ai? Đó là ba bé trai phải điều trị bệnh nan y mà vẫn chịu đựng số phận nghiệt ngã bằng lòng dũng cảm không chút sợ hãi. Đây là một sự công nhận rõ ràng rằng nỗi thống khổ đích thực của một số phận độc nhất vô nhị chính là một thành tựu và là thành tựu cao nhất mà con người có thể đạt được. Do vậy, phần được thêm vào sau câu trích của Goethe ở trên (*) không còn hoàn toàn đúng nữa khi xem xét kỹ lưỡng hơn: điều quan trọng nhất ở đây không phải là thành tựu hay sự chịu đựng – đúng hơn là, trong một số trường hợp, bản thân sự chịu đựng đã là thành tựu vĩ đại nhất.
Theo ý kiến của tôi, điều cốt lõi của thành tựu trong nỗi thống khổ đích thực có lẽ biểu hiện rõ ràng nhất qua lời của Rilke1, ông đã từng có lần thốt lên: “Chúng ta phải chịu hết những đau khổ!”. Tiếng Đức chỉ có cụm từ “làm hết”2. Nhưng Rilke thấu hiểu rằng nếu những thành tựu ý nghĩa trong cuộc đời của chúng ta có thể đạt được trong công việc thì cũng có thể tìm thấy trong nỗi thống khổ.
Chú thích:
1 Rainer Maria Rilke (1875 - 1926): Nhà thơ người Áo.
2 “Làm hết”, tiếng Đức là “aufarbeiten”. Trong tiếng Đức không có từ “aufleiden” (“chịu hết”), nhưng thi sĩ Rilke đã sáng tạo ra từ “aufleiden” để nhấn mạnh rằng việc chịu đựng nỗi thống khổ chính là thành tựu đích thực.
Dù như thế nào, luôn chỉ có một lựa chọn trong cùng một thời điểm để trao ý nghĩa cho cuộc đời, cho khoảnh khắc. Vì vậy, dù ở bất kỳ thời điểm nào, chúng ta chỉ cần đưa ra một đáp án, nhưng mỗi lần như thế, cuộc đời sẽ đặt ra một câu hỏi rất cụ thể. Tất cả những điều này dẫn đến thực tế là cuộc đời luôn cho chúng ta một khả năng để hoàn thiện ý nghĩa, do đó luôn tồn tại một lựa chọn có ý nghĩa. Ta cũng có thể nói rằng con người tạo ra ý nghĩa thông qua sự tồn tại cho đến “tận hơi thở cuối cùng”; miễn là còn thở, còn có ý thức được thì mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trả lời những câu hỏi của cuộc đời. Điều này sẽ không gây ngạc nhiên khi ta nhớ lại chân lý cơ bản sâu xa nhất của việc làm người chính là phải có ý thức và trách nhiệm!
Nhưng nếu cuộc sống luôn có ý nghĩa tương ứng với những khả năng, nếu nó chỉ phụ thuộc vào ta thì liệu ta có thể khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa trong từng khoảnh khắc biến đổi hay không; nếu ta hoàn toàn chịu trách nhiệm và tự quyết việc hiện thực hóa ý nghĩa này, vậy thì chắc chắn ta cũng nên biết rằng: việc vứt bỏ cuộc sống của mình là một điều tuyệt đối phi lý và hoàn toàn không có chút ý nghĩa. Tự sát không phải là câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào; tự sát không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề.
Ở trên, ta đã dùng câu chuyện cờ vua như một ngụ ngôn về vị trí của con người trong sự sống, bởi con người luôn luôn ở trong thế đối chất với câu hỏi cuộc đời; thông qua ví dụ về “nước cờ hoàn hảo nhất”, ta thấy rằng câu hỏi cuộc đời chỉ có thể được tri nhận khi nó là một câu hỏi cụ thể, chi tiết – một câu hỏi đơn lẻ liên quan đến một con người cá biệt trong một khoảnh khắc cá biệt – một câu hỏi được đặt ra ngay tại đây, ngay bây giờ. Vì thế, một lần nữa, ta lại lấy cờ vua làm ngụ ngôn, lúc này ta phải chỉ ra được nỗ lực “giải quyết” vấn đề cuộc sống bằng cách tự sát là hoàn toàn vô lý.
Ta hãy thử hình dung: một kỳ thủ đối mặt với thế cờ nan giải thì anh ta sẽ làm gì? Anh hất tung cả bàn cờ. Đó có phải là một giải pháp cho ván cờ khó khăn? Chắc chắn là không.
Nhưng đó chính xác là cơ chế của hành vi tự sát: anh vứt bỏ sự sống của mình và nghĩ rằng nhờ đó mà anh tìm được giải pháp cho vấn đề dường như không có lời giải. Anh không biết rằng khi làm như thế nghĩa là anh đã xem thường quy luật cuộc đời – cũng giống như người chơi cờ trong câu chuyện ngụ ngôn của chúng ta đã phớt lờ luật chơi cờ – vốn có quy định là giải quyết thế trận bằng cách di chuyển một quân mã, quân xe, hay một quân bất kỳ nào đó, nhưng ít nhất thế trận phải được giải quyết bằng một nước cờ đơn giản, tuyệt đối không phải bằng hành vi miêu tả ở trên. Lúc này, hành vi tự sát cũng đã xem thường quy luật trò chơi cuộc đời; luật không đòi hỏi ta phải thắng bằng bất cứ giá nào, nhưng luật yêu cầu ta không bao giờ được từ bỏ trận đấu.
Có lẽ, đến đây sẽ có người phản đối, họ thừa nhận rằng “hành vi tự sát đúng là đi ngược lại mọi lý lẽ; nhưng chẳng phải chính cuộc đời cũng trở nên vô nghĩa khi đối diện với cái chết không thể tránh khỏi sẽ tìm đến từng người vào lúc cáo chung? Chẳng phải là cái chết khiến cho toàn bộ khởi sinh của ta dường như vô nghĩa ngay từ khi bắt đầu, bởi lẽ chẳng có gì tồn tại mãi?”. Ta hãy cố gắng tìm câu trả lời cho lời phản bác này bằng cách đặt câu hỏi theo những hướng khác; hãy hỏi bản thân, “Nếu như ta bất tử thì sao?”. Và ta có thể đưa ra câu trả lời là: nếu ta bất tử thì ta có thể trì hoãn mọi thứ, đúng nghĩa là tất cả mọi thứ. Bởi vì chẳng có gì quan trọng nếu ta làm một việc cụ thể nào đó ngay bây giờ, hoặc vào ngày mai, ngày mốt, hay một năm sau, mười năm sau, hay bất cứ khi nào. Không có cái chết, không có kết thúc hiện ra lờ mờ trước mặt ta, chẳng có giới hạn cho những khả năng của chúng ta, ta sẽ không nhìn thấy lý do để làm một việc cụ thể nào đó ngay bây giờ hoặc cứ để đó tính sau – sẽ có thời gian, chúng ta có thời gian, một lượng thời gian vô hạn.
Ngược lại, chính cái thực tế rằng chúng ta là sinh vật hữu tử, rằng cuộc sống này hữu hạn, rằng thời gian của chúng ta bị hạn chế và khả năng của chúng ta bị giới hạn, chính thực tế này mang đến ý nghĩa khi ta làm việc gì đó, khi ta khai thác một khả năng và biến nó thành hiện thực, khi ta đáp ứng cuộc sống, sử dụng thời gian của mình và bận rộn với nó. Cái chết thôi thúc ta phải làm như thế. Do đó, cái chết hình thành nền tảng khiến hành động tồn tại trở thành một trách nhiệm.
Nếu ta nhìn bản chất sự vật theo cách này thì sẽ thấy rằng một đời người kéo dài bao lâu là điều không quá quan trọng. Thời gian kéo dài không khiến cho cuộc đời tự động có ý nghĩa và sự ngắn ngủi lại giúp cho cuộc đời có ý nghĩa. Chúng ta cũng không đánh giá cuộc đời một con người qua số trang sách miêu tả về người đó mà qua mức độ phong phú trong nội dung bao hàm.
Đến đây, có một câu hỏi khác mà chúng ta nên bàn đến nhân dịp này: rằng thực tế mà ta đang nhắc đến liệu có khiến cuộc đời của một con người không có hậu duệ nối dõi có trở nên vô nghĩa hay không. Chúng ta có thể trả lời rằng: hoặc là một cuộc đời, một đời sống cá nhân có ý nghĩa và tiếp tục duy trì ý nghĩa, cho dù cuộc đời ấy không tiếp tục sản sinh, cho dù nó không tham gia vào quá trình “bất tử hóa” về mặt sinh học này – điều mà ta có thể nói rằng khá thiếu thực tế; hoặc là cuộc đời cá nhân, cuộc đời của một con người cá nhân không có ý nghĩa, thì nó cũng không bao giờ có được ý nghĩa chỉ với việc tìm kiếm “sự bất tử hóa” thông qua quá trình sinh sản. Bởi vì khi bất tử hóa một điều gì đó vốn dĩ “vô nghĩa” thì chính quá trình đó cũng là vô nghĩa.
Từ góc độ này chúng ta có thể thấy được một điều: cũng giống như nỗi thống khổ của con người, cái chết là một phần ý nghĩa cuộc đời. Cả hai đều không cướp đi ý nghĩa tồn tại của con người mà còn làm cho nó có ý nghĩa ngay từ đầu. Như vậy, chính tính độc nhất về sự tồn tại của chúng ta trên thế giới, tính bất khả vãn hồi của cuộc đời ta, tính bất khả hoán cải trong mọi thứ ta đã thực hiện (hoặc thực hiện thất bại) – chính những đặc tính ấy đem đến ý nghĩa đáng kể cho sự tồn tại của con người. Nhưng không chỉ tính độc nhất của toàn thể cuộc đời mỗi con người mới khiến nó có tầm quan trọng, mà tính độc nhất của từng ngày, từng giờ, từng khoảnh khắc cũng đặt lên sự tồn tại của chúng ta một gánh nặng trách nhiệm vừa khủng khiếp vừa đẹp đẽ! Những giờ khắc mà ta không đáp ứng được đòi hỏi của cuộc đời, hoặc đáp ứng một cách nửa vời sẽ bị mất đi, mất đi “vĩnh viễn”. Ngược lại, những gì ta đạt được khi biết nắm bắt khoảnh khắc rốt cuộc sẽ được bảo toàn trong thực tế, một thực tế mà trong đó khoảnh khắc chỉ “biến mất” – bề ngoài là vậy – khi nó trở thành quá khứ. Nhưng thực tế, nó thật sự đã được bảo tồn, theo nghĩa được giữ an toàn. Trong trường hợp này, thậm chí có lẽ nó là hình thức an toàn nhất cho sự tồn tại. Theo cách này, “bản thể” hay thực tại mà ta đã bảo tồn không còn bị tính tạm thời gây tổn hại.
Theo nghĩa sinh học hay vật lý, tất nhiên cuộc đời của chúng ta chỉ có tính tạm thời trong tự nhiên. Không có gì thuộc về nó tồn tại lâu dài, hoặc nếu có thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu! Cái còn lại của nó, cái còn lại của chúng ta, cái có thể tồn tại lâu hơn chúng ta, chính là những gì ta đã đạt được trong suốt quá trình tồn tại – chúng sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng vượt ngoài phạm vi của chúng ta. Khi tầm ảnh hưởng của ta trở nên vô hình thì sẽ tương đồng với nguyên tố Radium – trong suốt “cuộc đời” Radium (và những vật chất phóng xạ có vòng đời hữu hạn khác), hình dạng vật lý của nó cũng biến chuyển liên tục thành năng lượng phóng xạ và không bao giờ quay trở lại hình thái vật chất. Những gì chúng ta “phóng xạ” vào cuộc đời, những “sóng” phát ra từ con người chúng ta, là những gì còn sót lại của ta khi chính thân thể ta lìa đời từ trước đó rất lâu.
Có một cách đơn giản, gần như có thể nói là mẹo nhỏ, để chứng minh toàn bộ quy mô trách nhiệm mà sự tồn tại của chúng ta buộc phải gánh chịu một cách đắng cay, một trách nhiệm mà ta chỉ có thể run rẩy đối mặt, nhưng cuối cùng bằng cách nào đó vẫn có thể hân hoan gánh vác. Bởi vì có một dạng mệnh lệnh nhất quyết cũng là công thức của “hành động như thể”, về mặt hình thức sẽ tương tự câu châm ngôn nổi tiếng của Kant; trình bày thế này: “Hãy sống như thể bạn đang sống lần thứ hai, như thể lần đầu tiên bạn đã hành động sai lầm như giờ đây bạn sắp sửa sai lầm vậy!”.
Dường như khi đối diện với cái chết, dù là cái chết ở một tương lai xa thì bản chất hữu hạn không phải là thứ duy nhất khiến cho sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa: sự hữu hạn trong mối quan hệ với người khác cũng khiến cho cuộc sống của từng cá nhân không vô nghĩa. Sự hữu hạn này có nghĩa là sự bất toàn của chúng ta, những giới hạn bên trong ta, bởi chúng có thể được xem là những đặc tính khác nhau của con người. Nhưng trước khi suy nghĩ về ý nghĩa của sự bất toàn, ngay lúc này, ta phải tự hỏi liệu những tuyệt vọng của con người trước sự bất toàn và thiếu thốn đó có bao giờ tồn tại chính đáng không. Liệu rằng việc ai đó đo lường giá trị của “sự tồn tại” dựa trên “những gì nên là”, và như thế họ đo lường bản thân dựa trên một lý tưởng, có bao giờ là hoàn toàn vô nghĩa không. Chẳng phải chính việc họ có thể thất vọng về bản thân cũng đã theo cách nào đó chứng minh sự tồn tại của họ và cuối cùng, ở một mức độ nào đó, xóa bỏ sự tuyệt vọng của họ về tính chính đáng? Họ có thể tự phán xét bản thân không, nếu họ vô dụng đến mức không nhìn thấy lý tưởng? Chẳng phải chính khoảng cách với lý tưởng, ngay khi người ta nhận thức được nó, đã xác nhận rằng họ không hoàn toàn bất trung với lý tưởng ấy?
Và bây giờ đến vấn đề thuộc về ý nghĩa của sự bất toàn và tình trạng mất cân bằng đặc thù của chúng ta: đừng quên rằng mỗi con người cá nhân đều không hoàn hảo và không hoàn hảo theo những cách riêng của mỗi người. Chính vì vậy, mỗi con người bất toàn một cách độc đáo, vô song. Như vậy, nếu diễn đạt theo hướng tích cực, người ấy đã trở thành độc nhất vô nhị, không thể bị bất kỳ ai thay thế, đại diện, hoán đổi. Để minh họa cho điều này, chúng ta đã có sẵn một hình mẫu thích hợp trong thế giới sinh học: ban đầu, trong quá trình tiến hóa, các tế bào vốn có khả năng làm mọi thứ. Một tế bào “nguyên thủy” có thể làm đủ mọi việc: tự nuôi dưỡng, di chuyển, tái sản sinh và phần nào đó “nhận thức” môi trường xung quanh, vân vân. Và một tế bào đơn lẻ chỉ có thể biệt hóa sau khi đã trải qua quá trình tiến hóa chậm chạp để chuyển sang hình thái cao hơn của những nhóm tế bào hữu cơ sao cho tế bào đơn lẻ này cuối cùng chỉ còn một chức năng duy nhất. Theo nguyên tắc phân công lao động liên tục trong cơ thể, với cái giá phải trả là việc mất đi đặc tính có thể áp dụng chung những khả năng giống nhau, tế bào đã có được chức năng tương đối không thể thay thế. Do đó, một tế bào trong võng mạc sẽ không còn có thể tự nuôi dưỡng, di chuyển, sinh sôi, nhưng điều duy nhất nó có thể làm – tức là nhìn – thì nó lại làm một cách cực kỳ hiệu quả. Vì vậy, tế bào này trở thành không thể thay thế được nhờ chức năng chuyên biệt. Nó không còn có thể bị một tế bào da, một tế bào cơ hay một giao tử thay thế.
Ví dụ trên cũng tương tự như điều ta đã từng bàn luận, rằng cái chết là cần thiết cho việc tìm kiếm ý nghĩa, ở chỗ, nó lý giải tính độc nhất về sự tồn tại và đi kèm theo là trách nhiệm của chúng ta. Giờ đây, khi nhìn nhận theo hướng tích cực, ta có thể thấy rằng tính bất toàn của con người vô cùng ý nghĩa vì nó đại diện cho tính cá nhân thuộc về con người nội tại cốt lõi của chúng ta. Tuy nhiên, dưới khía cạnh là một giá trị tích cực thì tính độc nhất này không thể tồn tại đơn lẻ. Tương tự như giá trị chức năng của tế bào đơn lẻ đối với toàn bộ cơ thể sinh vật, tính cá thể độc nhất của mỗi con người chỉ có giá trị thông qua mối quan hệ tương quan với một tổng thể bao quát – cụ thể ở đây là một cộng đồng. Tính cá nhân chỉ có giá trị khi nó không tư lợi mà hướng về cộng đồng. Việc mỗi con người đều có vân tay hoàn toàn khác biệt chỉ quan trọng đối với các nhà tội phạm học trong việc nghiên cứu tội ác hoặc điều tra một vụ phạm tội; nhưng “tính cá nhân” về mặt sinh học này không tự động biến con người trở thành cá thể có giá trị cho xã hội.
Khi cố gắng khái quát bản chất độc nhất của con người trên phương diện “cho đi” (tức là tính độc nhất hướng đến người khác và cộng đồng), ta lại được nhắc nhở về trách nhiệm khủng khiếp và vinh quang của con người bởi tính hệ trọng của cuộc đời họ. Gần 2.000 năm trước, Hillel – người biên soạn kinh Talmud – đã đúc kết điều đó thành câu châm ngôn: “Nếu tôi không làm điều đó thì ai khác sẽ làm đây? Nhưng nếu tôi chỉ làm điều đó vì bản thân tôi, thì tôi là gì? Và nếu tôi không làm ngay bây giờ thì khi nào tôi sẽ làm?”. “Nếu không phải tôi” – ngụ ý về tính độc nhất của mỗi con người đơn lẻ; “Nếu chỉ làm vì bản thân tôi”, ngụ ý về sự vô giá trị của tính độc nhất đó nếu nó không mang ý nghĩa “phụng sự”; “và nếu không phải bây giờ”, ngụ ý về tính độc nhất của mọi tình huống cá biệt!
Đến đây, để tóm tắt nội dung đã bàn luận về “ý nghĩa” cuộc đời, ta có thể kết luận: cuộc sống có nghĩa là bị tra vấn, là trả lời; mỗi người phải có trách nhiệm với sự tồn tại của chính mình. Cuộc sống không còn hiện diện trước mặt ta như một thứ được trao tặng, mà là một nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta trong từng khoảnh khắc. Do đó, nhiệm vụ càng khó khăn thì cuộc sống càng thêm ý nghĩa. Vận động viên, người leo núi luôn tích cực tìm kiếm nhiệm vụ, thậm chí tự tạo ra khó khăn cho chính mình: người leo núi đó vui mừng biết bao khi nhận ra một khó khăn mới tiềm ẩn trong tảng đá, một “biến thể” thậm chí còn khó khăn hơn những nhiệm vụ trước đây của anh ta! Tuy nhiên, ở điểm này, chúng ta phải lưu ý rằng những người theo tôn giáo có ý thức về cuộc sống và “quan niệm về bản chất con người” khá khác biệt, ở chỗ, họ đi xa hơn một bước so với người quan niệm cuộc sống chỉ như một nhiệm vụ, những người theo tôn giáo cũng trải nghiệm cảm giác có một cơ quan “giao” nhiệm vụ cho họ: đó là Đấng Thiêng liêng! Nói cách khác, những người mộ đạo trải nghiệm cuộc sống của mình như một sứ mệnh cao cả.
Tóm lại, ta có thể nói gì về “giá trị” của cuộc sống? Quan điểm thể hiện đúng ý ta muốn nói nhất có lẽ nằm trong những lời của Hebbel1, ông đã phát biểu rằng: “Cuộc sống không phải là một điều gì đó, cuộc sống là cơ hội cho một điều gì đó!”.
Chú thích:
1 Christian Friedrich Hebbel (1813 - 1863): Nhà soạn kịch, nhà thơ người Đức.