Một trong những kết luận mà ta cố gắng thống nhất với nhau ở thảo luận đầu tiên có thể tóm tắt như sau: nếu cuộc sống có ý nghĩa thì đau khổ cũng phải có ý nghĩa.
Tất nhiên, bệnh tật là một phần của đau khổ. Chúng ta nói “một phần” bởi vì “đau khổ” và “bệnh tật” không giống nhau. Một người có thể không bị bệnh mà vẫn đau khổ, và họ có thể bị bệnh mà không đau khổ. Đau khổ là một vấn đề thuần túy của con người, là một phần của cuộc sống, trong một số trường hợp, chính sự “không đau khổ” lại là một căn bệnh. Chúng ta có thể quan sát điều này rất rõ trong những trường hợp thường được gọi là “bệnh tâm thần”, vốn chỉ là những căn bệnh liên quan đến tâm trí. Bởi tâm trí không thể thật sự bị bệnh, nên khuôn khổ nhận thức của nó chỉ có thể đúng hoặc sai, hợp lệ hoặc không hợp lệ, chứ không bao giờ bị bệnh. Thứ duy nhất có thể bị bệnh, có thể suy nhược, là tâm lý. Tuy nhiên, trong những bệnh về tâm lý, đặc biệt là những bệnh không phải do chính tâm lý gây ra, mà nguyên nhân cơ bản là do thể chất, hay nói cách khác thì là bệnh tâm thần (rối loạn tâm thần, trái ngược với chứng loạn thần kinh chức năng do tâm lý gây ra): nhiều trường hợp trong những ca bệnh này cho thấy việc không có khả năng cảm giác sự đau đớn chính là một triệu chứng.
Với một tỷ lệ xác suất khá nhỏ, người đã bị bệnh giang mai sẽ có nguy cơ mắc bệnh về não sau vài năm hoặc vài chục năm, căn bệnh được gọi là chứng “liệt toàn thể của người mất trí1”. Chỉ cần kiểm tra dịch não tủy vào những thời điểm nhất định hoặc cách quãng, bác sĩ có thể xác định chính xác và chắc chắn liệu người bệnh có thuộc nhóm bị đe dọa này hay không. Nhưng nếu anh ta không biết về phương pháp ấy thì anh ta sẽ lo sợ sự khởi phát của chứng rối loạn tâm thần này. (Trong trường hợp ngẫu nhiên kết quả xét nghiệm dịch não tủy dương tính thì liệu pháp trị bệnh sốt rét có thể ngăn ngừa chứng tê liệt, và dù căn bệnh đã diễn biến thì liệu pháp này vẫn có thể chữa khỏi trong giai đoạn đầu). Chính nỗi sợ chứng liệt toàn thể có thể được xét là một phạm trù thuộc về bệnh lý, hay nói cách khác, có thể được phóng đại thành bệnh lý – chứng loạn thần kinh chức năng. Nhưng chúng ta quan sát được điều gì nếu một người như thế thật sự bị bệnh liệt toàn thể, và nếu căn bệnh đáng sợ (về mặt bệnh lý), trên thực tế, đã xảy ra? Ngay lúc đó, anh ta không còn sợ hãi căn bệnh nữa! Tại sao? Bởi lẽ các triệu chứng của bệnh liệt toàn thể có bao gồm cả việc khiến cho tâm trạng của người bệnh trở nên thoải mái, dễ chịu, tức là anh ta không bị đau đớn.
Chú thích:
1 Bệnh liệt toàn thể, còn được gọi là bệnh liệt toàn thể của người mất trí (general paralysis of the insane – GPI) ở Anh, được phát hiện có liên quan đến bệnh giang mai giai đoạn cuối vào thập niên 1880. Penicillin vẫn chưa được dùng để chữa bệnh giang mai ở Áo vào năm 1946, do đó liệu pháp trị bệnh sốt rét vẫn được sử dụng rộng rãi. Người mắc chứng bệnh này sẽ mất dần khả năng tinh thần và thể lực, cuối cùng dẫn đến sa sút trí tuệ và tử vong.
Một bác sĩ thường sẽ cẩn trọng, tránh tuyên bố trước mặt bệnh nhân chẩn đoán về một căn bệnh phổ biến, nghiêm trọng, đáng sợ như liệt toàn thể. Chỉ trong trường hợp một người thật sự bị liệt toàn thể thì mối bận tâm này mới không có cơ sở. Bác sĩ có thể thẳng thắn giải thích bản chất chính xác của căn bệnh cho người bị liệt toàn thể: anh ta sẽ mỉm cười và nói rằng chẩn đoán không chính xác; nếu sau đó bác sĩ chỉ ra rằng bệnh nhân thậm chí còn không thể nói chuyện đàng hoàng thì người bệnh vẫn sẽ khá bình tĩnh, điều thường xảy ra trong tình huống thế này, anh ta đổ lỗi chứng rối loạn ngôn ngữ của mình cho việc răng xấu hoặc răng giả.
Bất cứ điều gì vốn dĩ gây ấn tượng hay khó chịu cho một người bình thường đều không thể làm cảm động hay lay chuyển trí óc của một người mà khả năng chịu đựng đã bị suy giảm do một chứng bệnh tâm lý. Chúng ta hãy khảo sát một trường hợp nhập viện tâm thần làm ví dụ. Tôi nhớ có một bệnh nhân bị liệt toàn thể đã bước vào căn phòng để bác sĩ khám lần đầu cho những người mới nhập viện: với một nụ cười thân thiện và tâm trạng hẳn là rất hạnh phúc, anh chào hỏi chúng tôi và nói rằng anh rất vui khi được ở đó cùng chúng tôi. Trong khi chỉ chốc lát nữa thôi, anh phải sẵn sàng để chọc dò cột sống nhưng anh không hề tỏ ra sợ hãi mà chỉ nói: “Tất nhiên, tôi hiểu tại sao bác sĩ lại làm chuyện đó: để tôi không cảm thấy buồn chán nữa”. Khi thủ thuật chọc dò được thực hiện, lẽ ra anh phải cảm thấy đau nhói trong suốt quá trình này, nhưng trên thực tế, anh chỉ khẽ thốt ra một tiếng “ối!”, rồi sau đó ngay lập tức nói thêm: “Đã quá ha?”.
Nếu bạn bỏ qua việc một người bị bệnh về tâm lý, đặc biệt là người ở mức độ “bệnh tâm thần” vốn đã mất đi khả năng chịu đựng bình thường, thì chuyện từng xảy ra với tôi đây một ngày nào đó cũng có thể sẽ xảy ra với bạn. Lúc bấy giờ, tôi đang làm nhiệm vụ tiếp nhận trong một bệnh viện tâm thần và được gọi đến sảnh để thu xếp cho một bệnh nhân mới nhập viện. Khi đến đó, tôi thấy hai người phụ nữ: một già một trẻ, rõ ràng là hai mẹ con. Người mẹ đang có hành vi cực kỳ kích động, than vãn rằng mọi thứ thật kinh khủng biết bao, trong khi cô con gái lại cố gắng trấn an và vỗ về mẹ bằng cách nhấn mạnh rằng mọi chuyện sẽ ổn. Khi cần hỏi chuyện bệnh nhân, tôi đã quay sang phía người mẹ đau khổ, bà liền chỉ tay về phía con gái mình – cô ấy mới là bệnh nhân! Bản thân bệnh nhân không hề khó chịu và cũng không đặc biệt lo lắng khi phải vào “nhà thương điên”: bởi vì căn bệnh đã khiến cô phản ứng trước tình huống hiếm gặp và thường đem lại cảm giác khó chịu này theo cách tương đối thờ ơ. Đó là trường hợp mà phản ứng bất thường (kích động, xúc động) trước một tình huống bất thường lại thể hiện hành vi bình thường.
Nhưng nghịch lý là cũng có những rối loạn liên quan đến tâm lý khiến bệnh nhân đau khổ vì không có khả năng đau khổ! Trên thực tế, có một dạng u sầu đặc biệt, không giống như dạng thông thường, không xảy ra đồng thời với trầm cảm theo hướng cảm thấy buồn bã hay lo lắng; đúng hơn, bệnh nhân chỉ than phiền rằng họ không thể hạnh phúc mà cũng không thể đau khổ, rằng họ không có khả năng cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào, cho dù đó là trải nghiệm dễ chịu hay khó chịu – điều đó khiến cho họ cảm thấy uể oải và lãnh đạm về mặt cảm xúc. Những bệnh nhân này còn phàn nàn rằng họ thậm chí không thể khóc, và sự tuyệt vọng chỉ vì không thể trải qua đau khổ của họ là một trong những hình thức tuyệt vọng khủng khiếp nhất mà bác sĩ tâm thần từng chứng kiến. Sâu xa trong ý thức của loài người hẳn là có tiềm ẩn nhận thức rằng đau khổ là thứ thuộc về cuộc sống!
Nhưng đối với tất cả chúng ta, sự thật này cũng không quá lạ lùng như ấn tượng nó tạo ra ban đầu; trong đời sống tinh thần bình thường, mọi người đều biết trong phạm vi nào thì đau khổ vốn thuộc về cuộc sống. Bởi lẽ, thử hỏi bản thân một cách trung thực và nghiêm túc, liệu ta có muốn xóa bỏ những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, từ cuộc sống yêu đương chẳng hạn, liệu ta có muốn ngừng dính líu vào tất cả mọi thứ đau đớn hoặc gây đau đớn không. Khi đó, chắc chắn tất cả chúng ta sẽ nói không. Phần nào đó, ta biết rằng mình đã trưởng thành và khôn lớn như thế nào thông qua những khoảng thời gian thiếu vắng niềm vui trong cuộc sống.
Đến đây, một số bạn có thể phản đối rằng đây là phép ngụy biện đánh lừa, một thủ đoạn ít nhiều ma mãnh từ phía tôi, rằng có lẽ tôi nên hỏi ai đó đang chịu đau khổ xem liệu họ có đồng ý sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của mình hay không! Để giải quyết nghi vấn này, chúng ta có thể rút tỉa từ những kinh nghiệm, những kinh nghiệm trực tiếp, sống động của tôi.
Cách đây chưa đến một năm, những người trong trại tập trung còn đang đứng dưới mương, lê bước nặng nhọc, dùng xẻng để xúc, dùng cuốc chim để bổ xuống mặt đất đóng băng khiến những tia lửa bắn lên tung tóe. Nếu lính gác đã đi khá xa thì sau một khoảng thời gian không bị theo dõi, xẻng và cuốc lại nằm yên trong đôi tay mệt mỏi của nhóm người khổ sai, khi đó cuộc trò chuyện giữa những người xao nhãng công việc bắt đầu, và những cuộc trò chuyện tại nơi này luôn luôn giống nhau, xoay quanh tinh thần đơn điệu lặp đi lặp lại cùng một chủ đề: ăn uống. Công thức nấu ăn được trao đổi và thực đơn được lập ra, một người sẽ hỏi han món ăn yêu thích của người kia hoặc say sưa nói về nhiều món cao lương mỹ vị khác nhau, rồi họ cùng tưởng tượng một ngày nào đó họ sẽ mời nhau đi ăn tối, sẽ thết đãi nhau những món gì sau khi được trả tự do. Nhưng những người cừ khôi nhất trong số họ không mong ngày giải phóng đến để có thể một lần nữa nuông chiều thú ẩm thực, mà họ mong được giải phóng vì lý do hoàn toàn khác: để kết thúc toàn bộ tình cảnh hạ cấp con người này, tình cảnh mà ta chỉ có thể nghĩ về việc lấp đầy chiếc bụng đói; tình cảnh mà bạn không thể nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài việc bây giờ đã là chín giờ mười lăm hay chín giờ rưỡi sáng hay mười một giờ rưỡi hay mười hai giờ (trưa), và bao nhiêu giờ nữa sẽ trôi qua với cái bụng đói meo trong con mương đóng băng này mới đến giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, hoặc cho đến tối – khi bạn có thể bắt đầu lê bước quay về trại rồi chạm tay vào bát xúp trong bếp. Chúng ta khao khát được hưởng nỗi đau khổ thích đáng của con người biết bao vào thời điểm ấy, những vấn đề thật sự của con người, những xung đột thật sự của con người, thay cho các câu hỏi hèn mọn về việc ăn hay đói, chết cóng hay ngủ say, khổ sai hay bị đánh đập. Trong nỗi u uất và sầu muộn sâu sắc, ta nghĩ lại thời ta vẫn còn những đau khổ, những vấn đề và xung đột của con người, chứ không phải những đau khổ và sợ hãi của một con vật; nhưng khi nghĩ về tương lai, ta khao khát chân thành làm sao một tình cảnh mà đời sống sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu vắng những khổ đau, trở ngại và phân tranh, một đời sống mà ta thật sự sẽ phải đau khổ, nhưng đó là nỗi đau đặc biệt có ý nghĩa được áp đặt lên một con người, nằm trong nhân tính của anh ta.
Chúng ta đã biết rằng ý nghĩa có thể tìm thấy theo ba hướng chính: trước tiên, con người có thể mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của họ bằng cách hành động hay tạo tác (cho ra đời một tác phẩm); thứ hai, bằng cách trải nghiệm thiên nhiên, nghệ thuật hoặc yêu thương con người; và thứ ba, con người có thể tìm thấy ý nghĩa ngay cả khi họ không thể tìm thấy theo cách thứ nhất hoặc thứ hai – cụ thể là khi họ phải đưa ra lập trường của mình đối với sự giới hạn trong khả năng của họ, những giới hạn không thể tránh khỏi, đã được định sẵn, không thể thay đổi: cách họ thích ứng với giới hạn này, cách họ phản ứng với nó, cách họ chấp nhận số phận mình. Trong quá trình sống, con người phải luôn sẵn sàng thay đổi định hướng hoàn thành ý nghĩa của mình, vốn thường sẽ biến chuyển đột ngột theo “những thử thách trong từng thời khắc” cụ thể. Vì chúng ta đã chỉ ra rằng ý nghĩa cuộc sống là một ý nghĩa cụ thể trong mối quan hệ với từng cá nhân và trong từng thời khắc riêng lẻ; vậy nên, câu hỏi mà cuộc sống đặt ra sẽ thay đổi từ người này sang người khác, từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Đến đây, tôi muốn chứng minh bằng một ví dụ cho thấy sự thay đổi định hướng có thể do cuộc đời “yêu cầu” và được con người “ngoan ngoãn” hoàn thành.
Có một người đàn ông trẻ cống hiến hết mình khi làm công việc năng động và đòi hỏi năng suất cao: anh là nhà thiết kế đồ họa bận rộn trong lĩnh vực quảng cáo. Đột nhiên, anh phải rời xa công việc vì có khối u tủy sống ác tính ở đỉnh cột sống và khối u này không thể phẫu thuật. Khối u nhanh chóng khiến tay chân anh bị liệt. Giờ đây, anh không còn có thể đi theo con đường đã từng khiến cuộc sống của anh có ý nghĩa, ấy là sống chủ động và được làm việc: anh bị gạt sang bên lề và buộc phải đi theo một hướng hoàn toàn mới; sự chủ động ngày càng trở nên xa vời, anh ngày càng dựa vào những trải nghiệm thụ động trong tình cảnh bị hạn chế của bản thân để kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống. Vậy bệnh nhân của chúng ta đã làm gì? Trong thời gian nằm viện, anh chú tâm đọc sách, tìm hiểu những cuốn mà anh chưa từng có thời gian đọc vì công việc bận rộn, anh nghe nhạc trên đài và bàn luận thật sôi nổi với những bạn điều trị chung. Vậy là, anh đã lùi về phạm vi tồn tại mà ở đó ngoài cách chủ động, người ta có thể hoàn thành ý nghĩa cuộc đời và trả lời câu hỏi cuộc sống trong việc thụ động hòa mình vào thế giới. Do đó, thật dễ hiểu khi ngay cả vào thời điểm ấy, con người dũng cảm này cũng hoàn toàn không có cảm giác rằng cuộc đời hiện bị đóng khung thành một dạng thức hạn chế ấy của anh đã thành ra vô nghĩa. Nhưng rồi cũng đến lúc anh bệnh nặng đến mức tay không cầm được sách nữa, cơ bắp yếu đi; anh cũng không thể đeo nổi tai nghe vì mỗi lần đeo lại khiến anh đau đầu dữ dội; cuối cùng, đến nói năng khó khăn, anh không thể tiếp tục bàn luận sôi nổi với những bệnh nhân khác. Vậy là, người đàn ông này lại bị gạt sang bên lề, lại bị số phận từ chối, nhưng giờ đây không chỉ trong phạm vi sáng tạo giá trị, mà còn trong phạm vi trải nghiệm giá trị. Do diễn biến căn bệnh, đây là tình trạng của anh vào những ngày cuối đời. Nhưng anh vẫn có thể rút ra ý nghĩa ngay cả khi ở trong tình trạng này, chỉ đơn giản là vì anh đã chấp nhận vị thế của mình. Bệnh nhân của chúng ta hoàn toàn biết rằng những ngày, hoặc thậm chí những giờ còn lại của anh đã được ước lượng bằng con số cụ thể. Vào buổi chiều cuối cùng của người đàn ông này, tôi nhớ rõ mình đã đi mấy vòng để kiểm tra vì hôm đó là ca trực của tôi. Khi tôi đi ngang qua giường, anh ra hiệu cho tôi đến gần. Khó nhọc cất lời, anh nói với tôi rằng trong đợt thăm khám của bác sĩ sáng hôm đó, anh nghe lỏm rằng Giáo sư G. đã ra lệnh tiêm morphine cho bệnh nhân trong vài giờ cuối cùng để xoa dịu cơn đau vì cái chết sắp ập đến. Anh nói tiếp rằng vì anh đang có linh cảm đêm nay anh sẽ ra đi nên anh nhờ tôi tiêm cho anh ngay lúc này, trong lần khám này, để y tá trực đêm không phải gọi tôi chỉ vì anh, làm phiền khi tôi đang ngủ. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, người đàn ông ấy vẫn có ý định tránh đem đến rắc rối cho người khác thay vì “làm phiền” họ! Ngoài sự dũng cảm đã giúp anh chịu đựng hết mọi nỗi thống khổ và những cơn đau, cái gọi là thành tựu, không phải là thành tựu trong lĩnh vực chuyên nghiệp, mà là một thành tựu vô song của con người, chính là nằm trong lời căn dặn ấy, trong cái mong muốn quan tâm đến người khác, cho đến những giây phút cuối đời!
Hẳn bạn sẽ hiểu tôi khi tôi tuyên bố rằng không có mẩu quảng cáo xuất sắc nào – thậm chí cứ cho là tối ưu hay đẹp đẽ nhất trên thế giới đi chăng nữa (nếu bệnh nhân này từng tạo ra khi anh ta còn làm việc chuyên nghiệp) – lại có thể sánh ngang với thành tựu nhân văn giản dị này của người đàn ông ấy vào thời khắc cuối cùng.
Vì vậy, ta có thể thấy rằng bệnh tật không hẳn làm mất đi ý nghĩa hay làm hao mòn giá trị tồn tại của chúng ta; mà tùy thuộc vào khả năng của mỗi người, chúng luôn có thể mang lại ý nghĩa. Việc mất đi ý nghĩa không nhất thiết xảy ra, ngay cả khi một người chịu những mất mát về thể xác, điều này thể hiện rõ qua trường hợp sau: một ngày nọ, vị thẩm phán được kính trọng hàng đầu ở Áo được chuyển đến bệnh viện tôi đang công tác. Xơ cứng động mạch đã gây ra tình trạng viêm mạn tính và bệnh nhân phải cắt cụt một bên chân. Sau khi sống sót qua ca mổ, rồi cũng đến ngày đầu tiên ông phải tập đi bằng một chân. Với sự trợ giúp của tôi, ông leo ra khỏi giường và bắt đầu nhảy lò cò một cách khó nhọc, khổ sở khắp căn phòng, hệt như con chim sẻ. Rồi đột nhiên ông bật khóc. Tôi nắm lấy đôi tay người đàn ông đáng kính, tên tuổi vang xa thế giới đang khẽ khóc như một đứa trẻ ấy, ông thút thít: “Tôi không thể chịu nổi, sống như một kẻ què quặt thì có ích gì”. Thế là tôi nhìn vào mắt ông, hỏi một cách cương quyết nhưng có phần dí dỏm: “Hãy nói tôi nghe, ngài Chủ tịch, ông định làm một vận động viên điền kinh vang danh ở cự ly ngắn hay cự ly dài?”. Ông ngước lên nhìn tôi, sửng sốt. “Bởi vì khi ấy”, tôi tiếp tục, “chỉ khi ấy, tôi mới hiểu được sự tuyệt vọng và tuyên bố vừa rồi của ông; bởi vì khi đó ông coi như đã hết đường, khi đó cuộc đời phía trước của ông, cuộc sống mà ông phải tiếp tục, sẽ trở nên vô nghĩa đối với ông: bởi vì ông không còn có thể là vận động viên điền kinh dù ở cự ly ngắn hay dài. Nhưng ngoại trừ điều đó ra, một người đã từng cống hiến cả cuộc đời, làm nhiều việc có ý nghĩa, một người đã vang danh trong một lĩnh vực chuyên nghiệp như ông thì làm sao cả cuộc đời có thể mất đi ý nghĩa chỉ vì bị mất một chân?”. Người đàn ông ngay lập tức hiểu những điều tôi đang nói và một nụ cười nở trên khuôn mặt đẫm nước mắt của ông.
Vậy là, bệnh tật không hẳn sẽ làm mất đi ý nghĩa. Thực ra còn hơn thế, đôi khi bệnh tật có thể dẫn đến một lợi ích nào đó. Để giúp bạn hình dung rõ hơn, tôi sẽ kể một trường hợp đã xảy ra ở trại tập trung. Ở đó, tôi gặp người phụ nữ trẻ, người mà trước đó tôi đã từng quen biết. Khi tôi gặp lại cô ở trại, tình trạng của cô rất tồi tệ, cô bệnh nặng và đang hấp hối. Cô cũng tự nhận thức được điều đó. Nhưng vài ngày trước khi qua đời, cô nói: “Tôi biết ơn số phận đã dẫn đưa tôi đến đây; trong đời sống trưởng giả trước kia, tôi khao khát được là người tri thức nhưng phần nào đó tôi đã không thật sự nghiêm túc với nó. Nhưng giờ đây, bất chấp mọi thứ, tôi đang hạnh phúc. Giờ đây, mọi thứ đã trở nên nghiêm túc và tôi có thể, tôi phải chứng tỏ được bản thân mình”. Khi thốt ra những lời ấy, cô dường như phấn khởi hơn con người tôi từng biết trước đây. Xét trên phương diện này, cô đã may mắn thành công khi thực hiện điều mà Rilke đòi hỏi hay mong muốn cho từng con người: “chết theo cách của riêng mình1!”. Nói cách khác, đó là việc kết hợp cái chết vào cuộc đời một cách có ý nghĩa, vâng, ta có thể hoàn thành ý nghĩa cuộc đời thông qua cái chết.
Chú thích:
1 Trích dẫn từ tác phẩm The Book of Hours [tạm dịch: Cuốn sách về những thời khắc] của Rainer Maria Rilke, năm 1905.
Do đó, chúng ta không còn phải ngạc nhiên khi có những người (nhận thức được ý nghĩa cái chết trong tổng thể ý nghĩa cuộc sống) không nhìn thấy mất mát trong bệnh tật và cái chết, đồng thời nhận ra đó không chỉ là lợi ích, mà còn gần như một “món quà”. Có một lá thư nguyên gốc đang ở trước mặt tôi, một lá thư mà tôi phải nhấn mạnh là không viết cho tôi, người viết chắc không thể đoán được rằng sẽ có lúc nào đó, tôi lại sử dụng những lời của anh để làm ví dụ trong bài diễn thuyết. Nhưng trước khi đọc những đoạn có liên quan đến chủ đề của chúng ta trong lá thư, tôi muốn kể cho các bạn nghe bối cảnh câu chuyện.
Người đàn ông này đột ngột mắc một căn bệnh về tủy sống nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Để được chăm sóc tốt hơn, anh đã ở lại căn nhà của cô bạn tại một vùng đồng quê cách xa Vienna. Bạn bè anh đã hỏi ý kiến một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất châu Âu và biết rằng anh không đủ điều kiện để phẫu thuật. Dù được phẫu thuật, anh cũng chỉ có nhiều nhất là năm phần trăm cơ hội thành công. Tất cả những chuyện này do một người bạn khác thuật lại qua lá thư gửi đến nữ chủ nhân căn nhà mà bệnh nhân của tôi đang ở. Người nữ giúp việc đã vô ý đặt lá thư này lên khay đem vào phòng lúc cô chủ và người khách ốm yếu đang ăn sáng cùng nhau. Trong lá thư mà tôi đang cầm trên tay đây, bệnh nhân đã kể lại tất cả những việc này, sau đó anh tiếp tục:
“Vậy là… cũng không ngăn được tôi nhìn thấy lá thư do… gửi, nếu không thì cô ấy sẽ phải phá vỡ thói quen trung thực của mình mà giấu giếm tôi, và kể cả khi đó tôi vẫn có thể tự rút ra kết luận cho chính mình… Từng có lần, tôi được một người bạn nài nỉ, nếu tôi nhớ không lầm, mời đi xem cùng anh bộ phim có tiếng nói đầu tiên, công diễn ở…, phim Titanic1. Bằng kỹ thuật hóa thân bậc thầy, Fritz Kortner đã nhập vai một nhà thơ bị liệt ngồi trên xe lăn, khi nhận ra có kháng cự cũng vô ích, ông để mặc dòng nước dâng lên xung quanh mình rồi đọc Kinh Lạy Cha, vững vàng và kiên quyết dẫn đầu một nhóm người đi đến cái chết định mệnh dành cho họ. Trải nghiệm điện ảnh đầu tiên này khiến tôi hoàn toàn run rẩy và nghĩ rằng đó ắt hẳn là một món quà của định mệnh, khi người ta có thể tiến đến cái chết quyết liệt như thế. Bây giờ, tôi cũng đã được ban ân huệ này cho chính cái chết của mình! Tôi lại có thể một lần nữa thực hiện bài kiểm tra tinh thần chiến đấu của mình; nhưng ngay từ lúc bắt đầu, trận chiến này không phải để chiến thắng mà là để gom lại chút sức lực cuối cùng của tôi, vì vậy có thể nói, nó giống như một bài tập thể dục cuối cùng. Tôi muốn chịu đựng cơn đau khi không có thuốc mê càng lâu càng tốt. ‘Đấu một trận tất bại’… cách diễn đạt này không được phép tồn tại trong thế giới quan của chúng ta! Tiếp tục chiến đấu mới là điều quan trọng. Sau khi đọc lá thư từ… có trích ý kiến của Giáo sư… chúng tôi đã nghe Bản giao hưởng số bốn của Bruckner, một bản giao hưởng lãng mạn, vào buổi tối. Trong tôi đong đầy cảm giác êm ả, dễ chịu. Nhân tiện, mỗi ngày tôi đều giải toán và không cảm thấy buồn bã chút nào. Kính thư, …”
Chú thích:
1 Bộ phim có tiếng nói thời kỳ đầu, Atlantik (1929), do E. A. Dupont làm đạo diễn, dựa trên một vở kịch về thảm họa Titanic. Phiên bản tiếng Anh, Pháp, Đức được thực hiện với những dàn diễn viên khác nhau.
Đến đây, có lẽ không còn ai trong số các bạn có thể trách cứ tôi và cho rằng tôi chỉ giỏi nói thôi còn bạn sẽ thật sự muốn thấy một người bệnh giữ vững thái độ khi đối diện với cái chết, theo những gì tôi trình bày thì điều đó hoàn toàn khả thi và do đó cũng là cần thiết: người viết lá thư này gặp khó khăn với việc nói, nhưng anh đã hành động và cho thấy những gì được đòi hỏi cũng có thể được thực thi.
Rõ ràng bây giờ các bạn đã thấy rằng ý nghĩa được sinh ra từ bệnh tật và chết chóc không thể bị ảnh hưởng trước bất kỳ sự thiếu vắng ngoại tại của thành công hay thất bại nào trong cuộc đời này, đúng hơn thì đó là một thành công nội tại và thành công nội tại này tồn tại bất chấp thất bại ngoại tại. Rõ ràng là tất cả những điều này không chỉ đúng trong một vài trường hợp đặc biệt mà có thể áp dụng cho toàn bộ đời sống của chúng ta. Đến cuối cùng, cuộc sống của tất cả chúng ta phần nào đó cũng đều không thành công, nếu chúng ta hiểu thành công theo nghĩa những thành công bên ngoài: không có thành công hay tác động nào, tức là, không có bất kỳ ảnh hưởng sinh học hay xã hội nào trong thế giới ngoài kia được đảm bảo sẽ trụ lâu hơn chúng ta hoặc thậm chí là tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, thành công nội tại, hay việc hoàn thành ý nghĩa nội tại của cuộc sống, là thứ mà nếu đạt được thì sẽ “còn đó vĩnh cữu”. Thực tế rằng mục tiêu này thường chỉ có thể đạt được ở ngưỡng cuối cùng của kiếp người cũng không làm giảm đi ý nghĩa cuộc sống mà còn khiến điểm “kết thúc” này trở nên trọn vẹn đúng nghĩa. Thật khó để minh họa những điều này một cách rõ ràng và đáng tin thông qua các ví dụ thường nhật. Nghệ thuật sẽ cho ta nhiều cơ hội hơn để làm rõ việc này. Đơn cử, tôi muốn nhắc các bạn nhớ đến đoản thiên tiểu thuyết của Werfel1, The Man who Conquered Death (tạm dịch: Người đàn ông chinh phục cái chết). Werfel miêu tả hình mẫu một người tư sản nhỏ bé, thủ cựu, hèn mọn, cả cuộc đời chỉ có phiền muộn cùng lo lắng, và ông ta dường như đã bị những thứ này nuốt chửng. Người đàn ông này đổ bệnh và được đưa đến bệnh viện. Từ đây, Werfel cho ta thấy người đàn ông đã trải qua trận thư hùng chống lại cái chết đang đến gần như thế nào, bởi vì nếu ông chết sau ngày đầu năm mới gia đình ông sẽ nhận được một khoản tiền bảo hiểm, còn ngược lại thì không thể yêu cầu bồi thường. Và trong trận chiến chống lại tử thần này, trong nỗ lực sống đến ngày đầu năm, trong cuộc đấu tranh vì sự an toàn tài chính cho cả gia đình, người đàn ông giản dị, chất phác ấy đã đạt đến tầm vĩ đại của con người mà chỉ một nhà thơ mới có thể khắc họa được. Hoặc ta hãy nghĩ về sự kiện ít nhiều tương đồng trong cuốn tiểu thuyết The Death of Ivan Ilyich (tạm dịch: Cái chết của Ivan Ilyich) của Tolstoy. Ở đây chúng ta cũng theo dõi hành trình của một người tư sản hèn mọn, ban đầu, khi đối diện với cái chết và sự vô nghĩa khó hiểu trong cuộc sống trước đây của mình mà bây giờ ông mới nhận ra, nhưng trong cơn tuyệt vọng về sự vô nghĩa này, ông đã thay đổi, và cùng với sự thay đổi này, ông đã nhìn thấy ý nghĩa trong cuộc đời phù phiếm trước kia; thực tế, chính nhờ những trải nghiệm phù phiếm trong quá khứ mà ông mới có thể cống hiến toàn bộ cuộc đời theo cách có ý nghĩa.
Chú thích:
1 Franz Werfel (1890 - 1945): Tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch, nhà thơ người Áo.
Nếu những ví dụ này đã có thể chứng minh được rằng kể cả một cuộc đời bị bệnh tật bủa vây hoặc thậm chí đã ở trước cửa tử vẫn còn có ý nghĩa, vậy thì bây giờ ta sẽ chuyển sang câu hỏi: với quyền gì mà bất cứ ai cũng có thể khẳng định rằng một người ốm đau hay một người đang hấp hối, một người “bệnh ở giai đoạn cuối” là kẻ vô dụng, là cuộc đời của họ đã “không còn giá trị”. Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến bất kỳ giá trị nào mang tính thực tiễn, như khi nhìn vào việc cuộc đời của những người bệnh, chính xác hơn là tính mạng của họ, trong chừng mực nào đó đã hữu ích vì giúp ta phát hiện những căn bệnh mới hoặc tạo ra những liệu pháp điều trị mới. Vậy, tại sao ta lại muốn loại bỏ vị thế đánh giá này ngay từ đầu?
Theo ý kiến của tôi, chỉ người bệnh mới có quyền đứng ở vị thế đó. Từ góc nhìn của anh ta, việc anh tự hỏi rằng cuộc đời bệnh nhân của mình có thể đem đến giá trị gì cho khoa học có lẽ sẽ chính đáng hơn; dù sao, người ta cũng biết là có rất nhiều người hiến xác cho viện giải phẫu để phục vụ khoa học kể cả khi cuộc đời họ đã chấm dứt. Tuy nhiên, từ góc nhìn của chúng tôi, từ góc nhìn của bác sĩ, việc đánh giá con người dựa trên tiêu chí cực kỳ khách quan này là không thể chấp nhận được. Hiển nhiên, sự khách quan là điều cần có ở bác sĩ, cư xử với bệnh nhân bằng tác phong y khoa chuyên nghiệp là một trong những khoảng cách tinh thần thiết yếu. Thử hình dung một ca trực của bác sĩ ở bệnh viện diễn ra như thế nào. Đối với từng bệnh nhân, bác sĩ không xem họ là con người mà chỉ là “ca bệnh” trước mắt. Người hộ lý “dẫn” bác sĩ cấp trên đi kiểm tra sẽ giới thiệu bệnh nhân cho bác sĩ biết theo kiểu đây là “một ca bệnh của” căn bệnh này hoặc căn bệnh kia. Nhìn chung, bác sĩ cũng có xu hướng điều trị căn bệnh chứ không phải điều trị cho con người, cho người bệnh. Và cách diễn đạt mà ta thường nghe đi nghe lại là “đây là một ca bệnh”. Hãy lưu ý rằng người ta nói “đây”, chứ không phải là “người này đây”; hơn nữa còn dùng động từ “là”, nói cách khác là bỏ đi động từ “có”, tức là ở đây không tồn tại nhận thức về một con người “có” bệnh, chỉ có một trường hợp mà người này “là” đại diện; cuối cùng “một” ca bệnh, nghĩa là một trường hợp tùy ý nào đó, chỉ đơn thuần đại diện cho một căn bệnh đặc thù – hoặc có lẽ là ca bệnh được đánh số trong một chuỗi dãy số, được gọi là “tư liệu bệnh lý”. Những cách diễn đạt như thế này đã âm thầm len lỏi vào thuật ngữ chuyên môn y khoa, cho thấy rõ ràng khuynh hướng tách biệt và vật thể hóa con người của giới y sĩ đã tiến triển ở mức sâu xa như thế nào.
Chúng ta đều biết rằng một bác sĩ tốt cũng là một người tốt, do đó người ấy sẽ ngăn bản thân định giá con người dựa trên tính khách quan. Thái độ của anh ta càng có nguy cơ trở nên khách quan chừng nào, (và sẽ trở nên như thế, đặc biệt là khi liên quan đến những trường hợp bệnh tâm thần), anh ta sẽ lại càng ép mình quay về cách cư xử nhân văn chừng nấy, đôi khi anh sẽ tự hỏi: “Phải rồi, đây là một trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt. Vậy nếu mình ở trong vị thế của anh ấy, mình sẽ làm gì?”. Đây là một câu chuyện rất khác mà chúng ta sẽ không bàn sâu hơn ở đây, rằng sự thay đổi hướng về con người này, sự quay lưng với góc nhìn thuần túy dữ kiện, khoa học để hướng đến con người, và thực tế, hướng sang góc độ y khoa này còn cho thấy rằng tính nhân văn ở bác sĩ đã giúp anh ta lần đầu tiên khám phá ra con người trong mỗi bệnh nhân (đây vốn là điều có ý nghĩa hơn tất thảy đối với một bác sĩ tâm thần) – hơn nữa, còn đánh thức con người trong bệnh nhân (vốn hóa ra lại là điều quan trọng chính yếu trong lĩnh vực chăm sóc tinh thần).
Vậy là, nếu câu hỏi về tính hữu ích thuần túy cho xã hội loài người và cho tiến trình khoa học của cuộc đời một người bệnh được đặt ra, thì câu hỏi này đã phơi bày một góc nhìn phi nhân và phản y học, một góc nhìn cực kỳ vật thể hóa và hạ cấp con người – vốn là điều chúng ta đã phản bác ngay từ đầu. Thậm chí cả người mắc bệnh tâm thần cũng không phải chỉ “là” một căn bệnh đối với chúng ta, mà trước tiên và trên hết là một con người, tức là, một con người “có” bệnh. Người này có thể đậm tính người biết bao, kể cả khi đang ở trong trạng thái không được khỏe mạnh, cô ấy có thể rất con người, không chỉ trong căn bệnh đang mắc phải, mà còn trong thái độ của cô với căn bệnh. Nhiều năm trước, tôi biết một bà lão đã phải chịu chứng rối loạn tâm thần tồi tệ suốt mấy chục năm, thường xuyên bị ảo giác hành hạ; bà liên tục nghe những giọng nói chỉ trích tất cả mọi thứ bà làm với những nhận xét mỉa mai – đây chắc chắn là trạng thái khổ sở nhất. Nhưng cách người phụ nữ này ứng phó với số phận nghiệt ngã của bà mới thật đáng nể làm sao! Bà tìm được cách hòa giải với số phận! Điều đó thể hiện rõ qua những gì bà làm: khi miêu tả tình trạng của mình, bà nói rất điềm tĩnh và vui vẻ; thậm chí bà vẫn chăm chỉ làm việc, còn được lâu chừng nào tốt chừng ấy. Quá ngạc nhiên khi biết những việc này, tôi tự cho phép bản thân hỏi một câu đúng ra mình phải thận trọng, rằng bà nghĩ gì về tình trạng của bản thân, làm sao bà có thể mỉm cười như thế và chẳng lẽ việc liên tục nghe những giọng nói như vậy không quá khủng khiếp sao? Và bà đã trả lời thế nào? “Ôi Chúa ơi, bác sĩ, tôi chỉ nghĩ là nghe thấy những giọng nói vẫn tốt hơn là tôi bị điếc như cột.”
Thế là bà lại tiếp tục mỉm cười hóm hỉnh. Quả là con người, quả là thành tựu của con người – người ta sẽ phải thốt lên như thế, hàm chứa trong câu nói ấy là một trí tuệ sắc sảo làm sao!
Mặt khác, ta hãy hỏi bản thân rằng ta phải nói gì trước thực tế là những người mắc bệnh nan y, đặc biệt là những người mắc bệnh tâm thần không thể chữa khỏi, luôn bị tuyên cáo là không đáng sống, chỉ vì căn bệnh của họ, có người còn bị đe dọa thanh trừng, thậm chí là sát hại. Ta vẫn thường nghe mọi người nói rằng việc giết những người mắc bệnh tâm thần không thể chữa khỏi là việc duy nhất chính đáng mà cộng đồng “có thể thông cảm” khi xét chung với những hành động không thể chấp nhận khác thuộc về tư tưởng chính trị. Đó là lý do tại sao đến đây chúng ta nên xem xét tất cả những lý do dẫn đến các nhận định như thế – những lý do phần lớn chỉ dựa trên cơ sở ngầm, sau đó giải thích rõ ràng bằng những phản biện càng chặt chẽ càng tốt.
Vì chủ yếu ta đang bàn về việc liệu có được quyền giết những người mắc bệnh tâm thần không thể chữa khỏi hay không, khi mà cuộc sống của họ đã bị cho là vô nghĩa, “không đáng sống”, nên trước tiên ta phải tự hỏi “không thể chữa khỏi nghĩa là gì?”. Thay vì đưa cho các bạn – những người không chuyên – một số giải thích không thể hiểu thấu đáo và trên hết là không thể xác minh, tôi muốn tự giới hạn mình bằng cách chỉ giới thiệu một trường hợp cá biệt cụ thể mà chính tôi đã chứng kiến. Có một chàng trai trẻ trong bệnh viện rơi vào tình trạng “ức chế toàn diện”: trong suốt năm năm anh ta không hề nói được một chữ nào, cũng không thể tự ăn nên phải được bơm thức ăn nhân tạo bằng một cái ống xuyên qua mũi; anh nằm trên giường hết ngày này tháng nọ nên cuối cùng cơ chân cũng bị teo. Nếu tôi giới thiệu ca bệnh này trong những chuyến tham quan thường xuyên của đoàn bác sĩ đến bệnh viện, chắc chắn sẽ luôn có một sinh viên hỏi tôi: “Bác sĩ, nói thật thì thầy không nghĩ rằng để một người như thế chết đi sẽ tốt hơn sao?”. Thôi thì, tương lai sẽ cho cậu sinh viên ấy câu trả lời. Bởi đến một ngày, chẳng vì lý do rõ ràng nào, bệnh nhân của chúng tôi ngồi dậy, hỏi y tá rằng anh có thể ăn theo cách thông thường được không và còn nhờ cô đỡ ra khỏi giường để bắt đầu tập đi. Anh cũng cư xử hoàn toàn bình thường ở những khía cạnh khác, xét trong hoàn cảnh của anh. Dần dần, cơ chân của anh cũng bắt đầu có lực hơn, và chỉ mất vài tuần là anh “xuất viện vì đã khỏi bệnh”. Ít lâu sau, anh không chỉ bắt nhịp lại công việc trước đây mà còn diễn thuyết tại một trung tâm giáo dục người trưởng thành ở Vienna, anh nói về những chuyến xuất ngoại và du hành qua vùng núi cao mà anh đã tham gia rồi đem về những bức ảnh tuyệt đẹp. Tuy nhiên, có lần anh cũng diễn thuyết trước một nhóm nhỏ mang tính chất thân mật giữa các bác sĩ tâm thần là bạn đồng nghiệp của tôi, sau khi tôi mời anh thuyết giảng về đời sống nội tâm của anh trong suốt năm năm nguy kịch ở bệnh viện. Trong bài diễn thuyết ấy, anh đã miêu tả đủ mọi dạng thức trải nghiệm thú vị từ quãng thời gian đó và giúp chúng tôi hiểu cặn kẽ không chỉ về đời sống tinh thần phong phú bị ẩn dưới sự thiếu vận động bên ngoài (theo cách nói của bác sĩ tâm thần) mà còn là nhiều chi tiết đáng kinh ngạc về những gì đã diễn ra ở “hậu trường”, những sự kiện mà nếu không phải là một bác sĩ đặc biệt tận tâm mà chỉ đi đảo vài vòng, không để tâm nhiều, thì sẽ không thể nhận ra. Người bệnh vẫn nhớ chuyện này chuyện nọ nhiều năm về sau, phần lớn là sự chán nản không giấu giếm của một số y tá, có lẽ các cô không bao giờ ngờ rằng người bệnh sẽ phục hồi và tiết lộ những ký ức về khoảng thời gian ấy.
Nhưng cứ cho là thậm chí có một trường hợp nào đó thật sự đã đạt được ý kiến nhất trí chung là không thể chữa khỏi, ai có thể dám nói là trường hợp này, cụ thể là căn bệnh được nêu ra ở đây, sẽ thật sự kéo dài trạng thái bất khả hồi phục trong bao lâu? Chẳng phải là chúng ta đã từng thấy trong lịch sử bệnh học tâm thần, đặc biệt là trong vài chục năm gần đây, có những chứng bệnh rối loạn tâm thần dù cho đến nay vẫn được xếp vào loại vô phương cứu chữa nhưng ít nhất đều có thể thuyên giảm đôi chút, nếu không thể hồi phục hoàn toàn, khi đi theo một liệu pháp điều trị nào đó? Vậy ai có thể nói rằng trường hợp rối loạn cá biệt mà chúng ta đang đối phó sẽ không có một liệu pháp điều trị hữu hiệu nào giống như thế, một liệu pháp vốn đang lưu hành ở nơi nào đó trên thế giới, trong bệnh viện nào đó, mà ta không hề biết?
Đến đây, ta phải tự hỏi: cứ cho là ta thấu suốt hết mọi điều cần biết để có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn rằng căn bệnh đó không phải là tạm thời mà là vĩnh viễn vô phương cứu chữa; vậy thì khi đó ai sẽ là người trao cho bác sĩ quyền sát nhân? Bác sĩ có bao giờ được xã hội dùng để giết người? Chẳng phải đúng hơn là bác sĩ có nhiệm vụ cứu chữa khi có thể và chăm sóc khi không thể cứu chữa? (Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các bệnh viện tâm thần đều được gọi là Heil- und Pf legeanstalten [tiếng Đức, tạm dịch: Viện điều trị và chăm sóc]). Những bác sĩ như thế chắc chắn không phải là quan tòa phán xét việc “tồn tại hay không tồn tại” của bệnh nhân được giao phó cho anh ấy, hoặc thậm chí có những người còn tự giao phó bản thân họ cho anh. Do đó, ngay từ đầu, anh ta không có quyền – và không bao giờ nên cho là mình được quyền – đưa ra phán xét về giá trị hay sự vô giá trị của những cuộc đời đã bị tuyên bố là vô phương cứu chữa hoặc thật sự vô phương cứu chữa.
Cứ hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu “quyền” này (trên thực tế, anh ta vốn không có) được nâng lên mức thành một luật (dù cả khi luật này không được viết ra). Tôi sẽ nói cho bạn nghe kết quả: sự tin tưởng của bệnh nhân và người thân của họ vào ngành y sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn! Bởi vì chẳng ai biết được liệu bác sĩ có còn tiếp cận họ với vai trò một người giúp đỡ, người cứu chữa không, hay họ đã trở thành quan tòa và đao phủ mất rồi.
Đến đây có thể bạn sẽ phản đối tiếp, có lẽ bạn cho rằng những lý lẽ phản biện mà tôi trình bày là không chặt chẽ, bởi chúng ta phải hỏi bản thân một cách trung thực rằng liệu nhà nước có nhiệm vụ cấp cho bác sĩ quyền triệt tiêu những cá nhân thừa thãi, vô dụng hay không. Dù sao, cũng dễ hiểu khi nhà nước, vốn được xem là cánh tay bảo vệ lợi ích quần chúng, có thể giúp cộng đồng giải thoát gánh nặng từ những cá nhân cực kỳ “không còn năng suất”, đã tiêu thụ phần bánh mì của những người khỏe mạnh và còn giá trị cho cuộc đời.
Vâng, khi nói đến khía cạnh tiêu thụ hàng hóa như thực phẩm, giường bệnh, khối lượng công việc của y, bác sĩ thì việc xem xét các nguồn lực này vốn không liên quan đến thảo luận đang tranh cãi, nếu ta ghi nhớ một điều: nếu một nhà nước gặp khó khăn về mặt kinh tế đến mức phải dựa vào việc loại bỏ một tỷ lệ tương đối không đáng kể những công dân mắc bệnh nan y chỉ để tiết kiệm cho những nguồn lực nói trên thì phương diện kinh tế của nhà nước đó cũng đã đến hồi cáo chung.
Khi xem xét khía cạnh ngược lại của vấn đề này, khi nghĩ rằng bệnh nhân vô phương cứu chữa không còn hữu dụng cho xã hội, do đó việc chăm sóc họ tượng trưng cho khoản chi “không đem lại năng suất”, thì ta nên nhớ rằng tính hữu dụng cho xã hội không phải và không bao giờ có thể là tiêu chuẩn duy nhất mà chúng ta công nhận để áp dụng vào một con người. Không khó để tìm ra bằng chứng cho vấn đề này: bệnh nhân bị mất trí ở viện điều trị tâm thần vẫn có thể thực hiện những công việc đơn giản ở đây, như đẩy xe cút kít chất đầy gạch hoặc thậm chí là phụ rửa chén bát. Những người này hữu dụng và năng suất hơn ông bà của chúng ta rất nhiều. Vì những năm tháng xế chiều của ông bà trôi qua cực kỳ không có năng suất, ấy thế nhưng nếu ta trừ khử họ chỉ vì lý do họ không có năng suất thì không chừng sẽ phải nhận lấy sự phản đối từ chính những người ủng hộ việc loại bỏ những phận đời không còn năng suất. Hãy cứ thử nghĩ xem sự tồn tại của một bà lão không có năng suất sẽ như thế nào: bà ngồi trong nhà, ngủ lơ mơ trong tình trạng bán thân bất toại trên chiếc ghế bành bên khung cửa sổ, vậy mà, xung quanh bà lại ngập tràn sự yêu thương, chiều chuộng của con cháu! Được thứ tình yêu đó ấp ôm, bà vẫn chỉ là một người bà – không hơn không kém; nhưng khi sống trong tình yêu ấy, bà trở thành người không thể thiếu và không thể thay thế được, cũng giống như một người còn đang làm công việc của mình và anh ta là người không thể thiếu, không thể thay thế khi xét đến khía cạnh phụng sự của anh đối với cộng đồng!
Trong bài diễn thuyết đầu tiên của tôi, khi nói về việc tính độc nhất và tính cá nhân mỗi con người tạo nên giá trị của họ, và giá trị này phải liên quan đến một cộng đồng, thì tất cả chúng ta đều chủ yếu nghĩ đến khía cạnh phục vụ cộng đồng; nhưng bây giờ ta có thể thấy rằng còn có một cách nhìn thứ hai về giá trị, trong đó con người, với tư cách là một cá thể độc nhất luôn hướng về chính mình, vẫn có thể đạt được giá trị và ý nghĩa cuộc đời: đó là thông qua con đường yêu thương, hoặc tốt hơn là được yêu thương. Đây là một con đường tương đối thụ động, không cần bất kỳ nỗ lực nào, không cần phải làm gì để được yêu – những gì mà người ta phải nỗ lực trong hoạt động, trong công việc mới có được thì giờ dường như tự rơi đến tay; trên đạo lộ đón nhận tình yêu thương này, không cần cố gắng, anh vẫn đạt được những điều mà bình thường anh phải chiến đấu để giành lấy. Quả thực người ta không thể giành giật tình yêu, tình yêu không phải là một phần thưởng, mà là một phúc lành.
Do đó, trên đạo lộ tình yêu, người ta sẽ nhận được “ân phúc” mà trong các hoàn cảnh khác, anh sẽ phải nỗ lực mới có hoặc đạt được thông qua hành động: việc hiện thực hóa tính độc nhất lẫn tính cá nhân. Bởi bản chất của tình yêu là khiến chúng ta thấy được tính độc nhất và tính cá nhân trong người mình yêu.
Bây giờ, tôi sắp sửa chuyển sang một luận điểm khác: mọi điều tôi nói hầu như đều áp dụng được chung cho tất cả, nhưng có lẽ khó mà đúng với những sinh thể đáng thương không hiểu sao lại bị gán nhầm cái danh “con người” – tức là những đứa trẻ khiếm khuyết nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Nhưng bạn sẽ sửng sốt (bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm thì hoàn toàn không ngạc nhiên) nếu tôi cho bạn biết người ta chứng kiến thường xuyên thế nào hình ảnh chính những đứa trẻ này được nâng niu, chiều chuộng với tình yêu thương trìu mến nhất từ phía cha mẹ. Hãy cho phép tôi đọc một đoạn trong bức thư của người mẹ đã mất con trong giai đoạn tiến hành một chiến dịch an tử khét tiếng:
“Do bị dị tật ở xương sọ khi còn trong bụng mẹ, đứa con mà tôi sinh ra vào ngày 6 tháng Sáu năm 1929 mang căn bệnh vô phương cứu chữa. Bản thân tôi lúc đó mới mười tám tuổi. Tôi thương yêu con bé vô ngần. Mẹ và tôi đã làm tất cả những gì có thể để giúp đứa con bé nhỏ đáng thương của tôi, nhưng vô vọng. Bé không thể đi đứng hay nói năng gì, nhưng tôi còn trẻ và không muốn từ bỏ hy vọng. Tôi làm việc ngày đêm chỉ để mua cho con gái cưng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và thuốc men. Khi tôi vòng đôi tay nhỏ xíu, tí hon của con quanh cổ mình rồi hỏi, ‘Con gái cưng của mẹ, con có yêu mẹ không?’ thì bé ôm tôi thật chặt, cười khúc khích, đôi tay bé nhỏ vụng về vuốt ve khuôn mặt tôi. Khi đó tôi hạnh phúc lắm, bất chấp mọi thứ khác, tôi thấy hạnh phúc vô cùng.”
Nhưng tôi nhận ra là các bạn vẫn còn vài lập luận phản bác, hoặc có vẻ là như thế. Bởi vì cuối cùng bạn có thể khẳng định rằng, trong những trường hợp bệnh tâm thần được đề cập ở trên, bác sĩ giết một bệnh nhân vô phương cứu chữa là đang hành động như một người đại diện cho ý nguyện đã tỏ tường của bệnh nhân, vì ý nguyện này đã bị “rối loạn”, chính xác hơn là bởi chứng rối loạn tâm thần của mình nên bệnh nhân không nhận thức được ý nguyện cũng như quyền lợi thật sự của bản thân, vì lý do đó, bác sĩ phải trở thành một kiểu người được ủy quyền đối với ý nguyện của bệnh nhân, không chỉ có vai trò chính đáng, mà còn buộc phải gánh vác nghĩa vụ kết liễu bệnh nhân.
Nếu hiểu đúng như thế, người ta có thể nghĩ rằng hành động đó là một giải pháp thay thế cho việc tự sát mà người bệnh chắc chắn sẽ thực hiện nếu anh ta biết được sự thật về tình cảnh của mình.
Tôi sẽ đáp lại lập luận này bằng cách kể về một trường hợp khác mà mình từng trải nghiệm: khi tôi còn là bác sĩ trẻ đang làm việc tại bệnh viện nội tổng quát thì có một hôm, phòng khám tiếp nhận một bác sĩ cũng còn trẻ đến khám. Anh ta đem theo tờ chẩn đoán anh mắc một căn bệnh ung thư ác tính, đặc biệt bất thường, không thể phẫu thuật và chẩn đoán này là chính xác! Đây là một dạng ung thư đặc biệt – y học gọi là melanosarcoma1 – có thể được phát hiện thông qua một phản ứng nước tiểu đặc trưng. Tất nhiên, chúng tôi cố gắng đánh lừa bệnh nhân: chúng tôi đổi nước tiểu của anh với một bệnh nhân khác và cho anh thấy kết quả phản ứng là âm tính. Nhưng sau đó anh đã làm gì? Một buổi tối, vào giữa đêm, anh lẻn vào phòng thí nghiệm, tự kiểm tra nước tiểu rồi làm chúng tôi sửng sốt với kết quả dương tính vào ngày hôm sau, trong ca thăm khám của bác sĩ. Chúng tôi cực kỳ ngượng ngùng, chẳng còn hy vọng gì, e rằng người đồng nghiệp kia sẽ tự tử. Mỗi khi anh có quyền rời bệnh viện – và chúng tôi hầu như không thể ngăn anh đi – để ghé qua tiệm cà phê nhỏ gần đó mà anh thường đến, chúng tôi lại nơm nớp lo sợ nghe tin anh tự đầu độc bản thân trong buồng vệ sinh của quán cà phê. Nhưng điều gì đã thật sự xảy ra? Khi căn bệnh càng diễn biến rõ ràng hơn, bệnh nhân càng hoài nghi về kết quả chẩn đoán; thậm chí khi đã bị di căn vào gan, anh còn đặt giả định rằng đây chỉ là căn bệnh gan vô hại. Vậy điều gì đã xảy ra? Khi cuộc đời người đàn ông này càng tiến gần đến hồi cáo chung, ý chí sống của anh càng mãnh liệt, và anh càng ít muốn thừa nhận việc mình đang ngày một đến gần hồi kết. Dù bạn nhìn việc này theo hướng nào thì cũng có thể thấy là ý chí sống của anh đang bùng cháy, và việc này rõ ràng nhắc ta phải nhớ kỹ (và có thể áp dụng cho tất cả những trường hợp tương tự) rằng ta không có quyền chối bỏ ý chí sống của bất kỳ bệnh nhân nào!
Chú thích:
1 Melanosarcoma là một dạng ung thư da, tên của nó có nghĩa là bệnh “sarcom (ung thư xuất phát từ mô liên kết) có chứa melanin”.
Tôi sẽ đi xa hơn nữa để bảo vệ luận điểm này ngay cả trong tình cảnh mà chúng tôi, trong tư cách là bác sĩ, phải đối mặt với chuyện đã rồi khi một người bằng hành động của mình chứng minh rằng họ không còn ý chí sống. Ý tôi là những vụ tự tử. Và tôi có quan điểm rằng ngay cả trong trường hợp bệnh nhân thật sự cố gắng tự tử, bác sĩ không chỉ có quyền mà còn có nhiệm vụ can thiệp y tế: cứu chữa và giúp đỡ trong khả năng có thể. Đã từng có thời điểm, vấn đề này được cho là không liên quan đến bác sĩ. Nhiều năm trước, chính tôi đã tham gia vào việc phát triển một quy trình cấp cứu bệnh nhân ngay cả trong những trường hợp ngộ độc thuốc ngủ nghiêm trọng nhất mà mọi phương pháp điều trị thông thường cho đến nay đều thất bại. Các đồng nghiệp phản đối vì cho rằng đối với những người có lý do tự tử hợp lý (đã từng có cả một nạn dịch tự tử khi đối mặt với hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, đe dọa một nhóm người cụ thể1), tôi không có quyền “trả lại sự sống cho họ” hoặc kéo họ trở lại cuộc sống. Những gì tôi đang làm – theo lập luận của họ – chính là đóng vai số phận. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên quyết với quan điểm của mình. Tôi không từ bỏ nguyên tắc ấy kể cả khi chính trợ lý của tôi, người cũng thường xuyên chỉ trích cách tiếp cận này, phải nhập viện sau khi cố gắng tự sát: trong trường hợp của cô ấy, tôi cũng giữ vững nguyên tắc của mình và tôi cũng đã áp dụng phương pháp của bản thân – chắc chắn không nhận bất kỳ lời cảm ơn nào, nhưng đảm bảo thành công. Tuy nhiên, tôi đã giải thích với những người chỉ trích phương pháp của tôi dựa trên nền tảng đạo đức (những lời phê bình về mặt y khoa cố nhiên sẽ bị bác bỏ bằng sự thật) đại loại như thế này: không phải là tôi muốn đóng vai số phận, mà chính những bác sĩ bỏ mặc một người tự tử cho số phận mới là người đang cố đóng vai số phận khi cho số phận quyền được ngồi vào vị trí của anh ta, tự do kiểm soát dây cương mà lẽ ra anh vẫn còn có thể can thiệp để giúp đỡ. Bởi vì nếu “số phận” thật sự muốn người tự sát phải chết, thì số phận chắc chắn sẽ tìm ra những cách và phương tiện để ngăn chặn người sắp chết tìm đến một bác sĩ khi vẫn còn thời gian. Tuy nhiên, một khi sinh mạng bệnh nhân đã được giao phó cho đôi tay bác sĩ thì lúc ấy, vị bác sĩ này phải hành động như-một-bác-sĩ và không được khuất phục trước sức mạnh của thứ số phận cá biệt này, tức là một số phận “nhân đạo”.
Chú thích:
1 Tác giả đề cập đến việc người dân Do Thái ở Vienna bị vây hãm sau cuộc bạo động Kristallnacht – sự kiện mở màn cho cuộc diệt chủng người Do Thái vào tháng Mười Một, 1938. Theo nhiều nguồn tài liệu, đã có hàng trăm người Do Thái tự sát liên quan tới sự kiện này.
Đến đây, tôi hy vọng rằng thông qua thảo luận về các lập luận thường được viện dẫn để ủng hộ chủ trương cái chết “nhân đạo”, tôi đã cho các bạn thấy được là sự tồn tại có ý nghĩa tuyệt đối và do đó, niềm tin của chúng ta vào ý nghĩa cuộc đời là thứ bất biến. Nếu lúc đầu, ta đã chứng minh là một cuộc đời có ý nghĩa như thế nào thì sau đó, ta lại thấy rằng ngay cả đau khổ cũng đóng góp cho ý nghĩa và là một phần ý nghĩa cuộc sống. Tiếp đó, ta lại thấy rằng ngay cả cái chết cũng có ý nghĩa, rằng ý nghĩa có thể được tìm thấy trong việc “chết theo cách của riêng mình”. Cuối cùng, ta nhận ra rằng ngay cả trong bệnh tật, thậm chí là những căn bệnh vô phương cứu chữa, vâng, thậm chí là những căn bệnh tâm thần vô phương cứu chữa, cũng không trao cho bất kỳ ai quyền phán xét một con người là “không đáng sống” và khước từ quyền được sống của họ. Như vậy, chúng ta dường như đã khám phá câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống từng chút một, từ nhiều góc độ khác nhau. Khi xem xét sơ bộ kết luận của chính mình, dựa trên những quan sát căn cơ, chúng tôi thấy rằng bản thân cuộc sống trước hết có nghĩa là bị chất vấn và ta không có quyền chính đáng để hỏi về ý nghĩa của nó, bởi lẽ ý nghĩa chỉ hiện diện qua việc chúng ta trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, câu trả lời mà ta phải đưa ra cho những câu hỏi cụ thể của cuộc sống không phải được thể hiện qua lời nói mà bằng hành động, và còn hơn thế: qua cuộc sống, qua toàn bộ con người hữu thể của chúng ta! Như ta đã nói, những câu hỏi về “cuộc đời của chúng ta” chỉ có thể được trả lời thông qua việc mỗi người chịu trách nhiệm về “cuộc đời của chính mình”.
Tóm lại, ta không được quên rằng câu hỏi ban đầu về ý nghĩa cũng có thể cho ra một cách diễn đạt khác, cũng có thể mang nghĩa khác, trong chừng mực câu hỏi ấy nằm trong mối liên hệ với toàn thế giới, đặc biệt là đối với những gì ta vô tình hoặc buộc phải gặp, theo sắp xếp của số phận. Chúng ta không thể chỉ đạo số phận vì số phận là những thứ ta không tác động được, vượt khỏi quyền lực ý chí của ta. Chắc chắn ta đã thấy rằng ý nghĩa cuộc sống bao gồm một phần không nhỏ ở cách ta liên hệ với số phận bên ngoài, cách ta ứng xử với nó khi không còn có thể định hình được nó hoặc khi nó vốn không thể thay đổi ngay từ đầu. Nhưng, tiến thêm một bước nữa, bây giờ ta phải đặt câu hỏi là liệu chính số phận đích thực này và những thứ khác kèm theo nó, vượt ngoài tầm của nó, tất cả mọi thứ diễn ra ở vũ trụ ngoài kia có ý nghĩa gì không.
Tôi tin rằng ở đây chúng ta đều đã được giới thiệu qua hai cách tư duy then chốt, mỗi cách đều có lý lẽ riêng không thể phản bác và đều không thể chứng minh! Dẫu sao, ta có thể quả quyết rằng đến phút cuối thì mọi thứ đều hoàn toàn vô nghĩa, cũng giống như ta có thể khẳng định rằng mọi thứ không chỉ cực kỳ có ý nghĩa mà còn có ý nghĩa tới mức ta không thể nắm bắt được cái toàn thể, ý nghĩa của vũ trụ này; đến nỗi, trên thực tế, ta chỉ còn có thể nói về “ý nghĩa tối hậu của thế giới”. Do đó, một người có thể tranh cãi về tính hoàn toàn vô nghĩa của thế giới với cùng một lý lẽ chứng minh như người đứng về lập trường có tồn tại ý nghĩa tối hậu của thế giới. Với cùng một lý lẽ chứng minh, trong trường hợp này có nghĩa là với cùng một logic hợp lý hoặc không hợp lý. Thực tế, quyết định mà ta đối mặt không còn là một quyết định hợp lý nữa. Bởi ta lập luận theo hướng này hay hướng ngược lại đều hợp lý. Về mặt logic, cả hai khả năng về cách tư duy của chúng ta đều là những khả năng tư duy thực tế. Quyết định mà chúng ta đang nói đến ở đây, về mặt logic, là một quyết định không có căn cứ; nó không có gì để làm căn cứ: trong quyết định này, chúng ta lơ lửng trên vực thẳm hư vô – nhưng đồng thời cũng trong quyết định này, ta đứng trước một chân trời ý nghĩa tối hậu! Người ta không thể đưa ra quyết định này dựa trên cơ sở của một quy tắc hợp lý, mà chỉ có thể dựa trên bản ngã từ trong sâu thẳm của họ; đó là cách duy nhất để quyết định đồng ý với quan điểm này hay quan điểm kia. Nhưng chúng ta chắc chắn biết một điều: nếu một người quyết định tin vào ý nghĩa tối hậu, vào ý nghĩa siêu việt của sự tồn tại, vậy thì niềm tin này, giống như mọi niềm tin khác, sẽ có hiệu ứng sáng tạo. Bởi vì niềm tin không chỉ là tin vào chân lý của riêng một người, mà còn hơn thế rất nhiều: niềm tin sẽ hình thành cái được tin tưởng! Do đó, ta có thể nói rằng: việc áp dụng một khả năng tư duy nào đó không chỉ đơn thuần là áp dụng một khả năng tư duy riêng lẻ – đó là việc thật sự hình thành một khả năng tư duy riêng lẻ.