Theo truyền thống muộn hơn sau này,15 kinh điển Vệ Đà được ‘biên tập’ trong thời Paurava (như chúng ta đã ghi nhận ở trên) bởi nhà thơ tên là Vyāsa, ông có thể trong nhóm những nhà tư tưởng sống vào khoảng thế kỷ IX TTL mà chúng ta đã đề cập. Tên của nhà thơ này theo tiếng Phạn có nghĩa là ‘nhà biên soạn’ và có thể chỉ là một tên gọi được vinh danh của nhà thơ. Ông được biết với nhiều tên khác như Kṛṣna Daipāyana, nhưng dù với tên gọi này vẫn chỉ cho thấy gốc gác mờ ảo của ông, vì Daipāyana không phải là họ từ người cha của ông mà xuất phát từ việc ông sinh ra ở một hòn đảo. Sự thật ông là con hoang của một người cha trong dòng họ có huyết thống pha tạp, tuy nhiên một phần huyết thống thuộc Bà-la-môn. Mẹ của ông là thiếu nữ làng chài điều hành một bến thuyền. Ông nội của ông là Vasiṣṭha, một trong những nhà thơ lớn thuộc ngôn ngữ Vệ Đà. Vyāsa rõ ràng là nhân vật mang tính truyền kỳ, có lẽ là huyền thoại, bởi vì ông là một sự biểu hiện ngụy tạo của Bà-la-môn giáo, từ đó đã thổi phồng rộng rãi trong tôn giáo này. Ông là một bậc thánh hiểu biết hết những truyền thống cổ truyền hơn bất kỳ ai khác, đã hệ thống hóa chúng và đưa về một hình thức chuẩn mực để lưu truyền hậu thế. Có một điểm quan trọng là tên tuổi của ông không thấy xuất hiện trong lĩnh vực chú giải về bất kỳ kinh điển uy tín nào của một số tiên sư tiền hiền thời Paurava. Ví dụ những kinh điển sau này của Vệ Đà đưa ra rất nhiều tên tuổi như nhà ngữ pháp học Śākalya, ông chính xác đã tham gia biên tập những kinh điển Vệ Đà; Śaunaka viết các tác phẩm bổ sung về ngữ âm và soạn ra bảng mục lục về kinh điển Vệ Đà; người chuyên môn thực hành nghi lễ là Kauṣītaki và triết gia Śāṇḍilya, uddālaka và Yājñavalkya. Những quan điểm của họ đều được giới thiệu, đôi lúc khá dài. Căn cứ vào truyền thống, tại sao Vyāsa không chú giải kinh điển của các trưởng bối cùng thời cũng như những vị tiền bối? Có lẽ ông là sự tổng hợp của các tiên sư tiền hiền thời đó, được hậu bối biên soạn lại nhằm mục đích cố gắng phục hồi những gì họ nghĩ là cách sống truyền thống cổ xưa mà Bà-la-môn giáo đã sáng lập nhưng bị suy đồi ở thời đại đồ sắt.
15. Purūṇa (Vãng thế thư), xem Pargiter, sđd, tr. 318.
Giả sử niên đại của Vyāsa vào khoảng năm 900 TTL, thời mà kinh điển Vệ Đà thật sự đã được bảo tồn bằng những pho kệ tụng, trong khi đó kinh điển ở thể văn xuôi viết về nghi lễ và triết học được bổ sung lúc đó và một số về sau này. Ngoài biên tập chỉnh lý kinh điển Vệ Đà theo kiểu của Vyāsa còn quy nạp một lượng lớn trước tác mang tính sáng tạo khác và cho đó là sử thi do ông sáng tác như Mahābharata và một số thể loại sử ký (purāṇas). Nếu kinh điển Vệ Đà ghi chép hình thức sinh hoạt cổ điển cần phải được phục hồi, thì sử thi minh họa sự suy đồi của thời đại đồ sắt vừa mới bắt đầu, kể lại chiến tranh dân sự thảm khốc ở thời của các vị vua triều đại Pauravas. Vyāsa có thể là người cùng thời với những anh hùng trong sử thi, là chứng nhân của một số hành động, thậm chí là người tham dự. Tuy nhiên, những sử thi và sử ký lưu truyền cho đến nay ra đời muộn hơn nhiều so với thời đại Paurava. Chúng cho thấy thời đại đó không như được tin là như thế sau khi truyền thống bị suy đồi đã hấp thu nhiều thứ mà vốn không thuộc về nó.