Dành nhiều công sức để thảo luận về Bà-la-môn giáo [gọi chính xác là Vệ Đà giáo (Vedism hoặc Vaidika), dựa trên một thuật ngữ Ấn Độ là Vệ Đà mà có; còn ‘hinduism’ là từ vay mượn tiếng nước ngoài, nghĩa ít chính xác hơn, gần như là ‘Indianism’ (Ấn Độ giáo)], không phải nhiệm vụ của tập sách này. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ giới thiệu bộ khung ấn tượng cơ bản của nó.
Từ brahman (bà-la-môn) có nghĩa là một cuốn sách thiêng trong giai đoạn ngôn ngữ Vệ Đà (Vedic) thời kỳ đầu, với hàm ý ‘to lớn’ hoặc ‘tuyệt vời’. Về sau, ở thời đại của những vị vua Pauravas, từ brahman được nhân cách hóa như một Đấng tối cao hoặc Phạm thiên (ở thể giống đực, chủ cách được viết là brahmā), Đấng thủy tổ sáng tạo ra vũ trụ. Đôi lúc, từ brahma thiên về tính trừu tượng và triết học, được xem là sự tồn tại tuyệt đối không thuộc về người, trung tính, nhưng vẫn có sinh mạng (bởi vì sinh mạng của toàn vũ trụ đều sinh ra từ thân thể của brahman và được brahman bao bọc, che chở). Từ thuật ngữ brahman sinh ra thuật ngữ brāhmana, nghĩa là một giáo sĩ gìn giữ kinh điển thiêng liêng, hoặc về sau trở thành một giáo sĩ của Thượng đế. Thuật ngữ này theo cách viết của tiếng anh là brahman (hoặc brahmin) và từ đó những tác giả châu Âu chế tác thành ‘brahmanism’ (Bà-la-môn giáo).
Tôn giáo Vệ Đà cổ đại của người Aryan ban đầu bao gồm thờ cúng những vị thần, diễn đọc những bài thơ và bài hát trong kinh Vệ Đà, là một bộ phận cấu thành lâu đời nhất của bộ kinh này, chúng hầu hết ở thể loại thơ ca tụng và cầu nguyện. Các vị thần này bắt nguồn từ hệ thống đa thần thuộc tín ngưỡng Ấn-Âu cổ đại, một mặt biểu hiện cho các loại hình trừu tượng của xã hội và mặt khác đại diện các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên trong giai đoạn biên soạn pháp luật trong kinh Vệ Đà ở triều đại Paurava, chúng ta tiếp xúc với một tôn giáo hoàn toàn khác, cho dù họ tiếp tục sử dụng những bài thơ cổ này trong việc tán tụng hay không. Việc cúng tế các vị thần diễn ra rất dài dòng, là một bộ phận trong tôn giáo cổ đại, lúc bấy giờ công việc cúng tế này là chính và cốt yếu trong tôn giáo ở đây. Nghi lễ được họ tiến hành với ‘cảm giác’ biến thành phúc báo để có được những điều tốt đẹp và các vị thần giáng xuống chỗ mà tín đồ đang thực hiện các nghi lễ này để nhận sự cúng tế. Kết quả tốt đẹp mong muốn của hành động cúng tế này không phải đến từ sự ban ơn của các vị thần mà đến từ những kết quả huyền bí của chính hành động cúng tế, có được thành tựu này đích xác là nhờ vào cách cúng tế mà họ đã thể hiện. Về sau bộ phận quan trọng và có tác dụng của kinh Vệ Đà là phần thực hành nghi lễ, được hiểu là việc cử hành chuỗi nghi lễ một cách chính xác trong cúng tế.
Thực tế các vị thần mất đi tất cả ý nghĩa độc lập của họ, tách rời khỏi lĩnh vực thần học, vũ trụ học, thuyết nguồn gốc vũ trụ, mở ra một sự tìm tòi mới, khéo biện luận hơn, trừu tượng hơn và hệ thống hơn. Ở đây, khái niệm về thể tuyệt đối và sự tồn tại tối thượng được phát triển thành brahman (Đại Phạm thiên). Đồng thời, thuyết nguồn gốc vũ trụ đã cho ra đời triết lý giải thích một cách hợp lý về nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ. Những cách tìm tòi cổ xưa nhất này đã xuất hiện trong một số bài thơ của kinh Vệ Đà và nay được đan bện thêm những ngụy biện nghi lễ qua các bài văn tế, nhưng ở những phần cuối cùng của kinh điển Vệ Đà gồm có những kinh văn vốn trước tiên dành cho loại hình triết học cổ xưa, tức những bộ Upaniṣads (Áo nghĩa thư) hay đúng hơn là giữa những kinh điển này có năm bộ sớm nhất nghiêm túc thuộc về kinh điển Vệ Đà và duy trì những tư tưởng của thời đại Paurava, gồm: Chāndogya, Bṛhadāraṇyaka, Aitareya, Kauṣī- taki và Taittirīya.
Thi ca của người Aryan trái ngược rất lớn với cư dân bản địa Ấn Độ và văn minh của họ, nhưng ở thời Paurava thì sự đối nghịch cổ hủ này và thậm chí sự thật về sự chinh phạt xâm lược đó cũng bị lãng quên. hiển nhiên giữa những kẻ chinh phục và người bị chinh phục từng xảy ra hỗn loạn ở quy mô lớn, thật sự cho thấy rằng13 sống trong xã hội của những người chinh phục thì đa số giáo sĩ Bà-la-môn kế thừa nhau không phải là người Aryan. Rõ ràng họ duy trì văn minh Indus, nhờ vào kỹ năng tri thức và giáo dục vượt trội mà họ hòa giải tinh thần, điều hành khéo léo, vì thế có được một địa vị tôn kính. Thực tế một số phả hệ của Bà-la-môn rất khả nghi và nhiều chỗ cho thấy sự hiện diện của người không thuộc Aryan, nhưng cần nói ở thời quá xa xưa đó người nguyên thủy Ấn Độ thành công trên diện rộng trong việc đồng hóa những kẻ chinh phục của họ thì không thể. Có một vài quan niệm, thật sự không nhiều lắm trong hệ thống kinh điển Vệ Đà, đến từ những truyền thống bên ngoài truyền thống của người Aryan chứ không phải phát xuất từ chính nó. Có lẽ ở mặt lễ nghi cúng tế hoặc biện luận triết học đến từ những truyền thống của người Indus, nhưng không có tài liệu hay chứng cứ để xác định vấn đề này. Tuy nhiên, trong những kinh điển thời Paurava ngoài hệ thống kinh điển Vệ Đà, còn có nhiều tư tưởng thường có nguồn gốc không phải phát xuất từ người Aryan. Giữa truyền thống Aryan và truyền thống cổ đại Ấn Độ, có một giai đoạn dường như dần dần ảnh hưởng qua lại, đó là điều rõ ràng (không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về niên đại của sử thi và lịch sử được các tác giả thời Paurava mô tả như những hình thức hiện còn của họ khá muộn về sau này). Xu hướng này là nét đặc trưng của lịch sử tư tưởng Ấn Độ, được phát triển không phải loại trừ nhau mà từ sự hấp thu đồng hóa. Những học thuyết truyền thống ngoại lai không bị chối từ nhưng đưa ra cách giải thích hợp lý, do đó chúng được điều chỉnh cho khớp với một số hệ thống lớn. Đồng thời chúng có thể được tu chỉnh và cải đổi để tạo thành sự hài hòa trong tổng thể.
13. Pargiter, Ancient Indian Historical Tradition (truyền thống lịch sử Ấn Độ cổ đại), Chương XXVI.
Những yếu tố không thuộc Aryan đáng chú ý nhất trong sử thi và lịch sử (purāṇas) của Bà-la-môn giáo là những đặc tính thần thoại của thần Viṣnu (Vāsudeva), thần Śiva và Nữ thần Devī. Ba vị thần này rõ ràng khác hẳn bản chất ban đầu thuộc về ba dân tộc khác nhau ở Ấn Độ. Nữ thần như hiện nay được biết thường có liên quan bạn bè hoặc phối ngẫu của cả hai vị thần Viṣnu và thần Śiva, nhưng đây là sự kết hợp rất xa xưa. Bản thân thần thoại về thần Viṣnu dường như cho thấy sự tổng hợp giữa nhiều vị thần khác nhau, họ biểu hiện nhiều đặc tính của cùng một đấng tối cao. Những khái niệm về những vị thần này cuối cùng được đưa vào các loại sách lịch sử để kết nối với bharma hay Brahmā trong nhiều cách khác nhau, dựa vào chức năng của một trong bốn vị thần này để chọn ra vị nào thật sự là Thượng đế và vị nào có biểu hiện phụ thuộc. Những bộ sách lịch sử đều dùng cách diễn đạt thật sự về sau này bắt đầu bằng sự khởi nguyên và diễn biến của vũ trụ, do vậy có liên quan đến thần học.
Hầu như chắc chắn có một yếu tố khác không thuộc Aryan trong nhiều sử sách liên quan đến nguồn gốc và tiến trình phát triển của nền văn minh này, bao gồm việc người dân bầu ra vị vua và những người lập pháp (bảo đảm duy trì nguyên tắc mối quan hệ xã hội), và truyền thuyết về vua Pṛthu, ông đã san bằng đất đai, phát triển nông nghiệp và buôn bán, xây dựng đô thị và làng mạc.
Chắc chắn trong những học thuyết không thuộc Aryan này có một hình thức liên quan đến thuyết đầu thai và chuyển kiếp của linh hồn, thuyết này rõ ràng được đề cập trong kinh điển Vệ Đà phần sau cùng, nhưng trong kinh điển ngoài hệ thống Vệ Đà của truyền thống Bà-la-môn giáo thực tế thừa nhận sự thật này. Việc này rất có khả năng ban đầu liên quan đến tình huống diễn tiến của vũ trụ và đo lường thời gian được thai nghén trong sách sử là hoàn toàn hợp lý. Vũ trụ diễn biến rồi lại tái diễn trải qua những chu kỳ tuần hoàn lớn hàng trăm triệu hay hàng tỷ năm, cuối cùng nó tan rã trở về với những nguyên tố tạo thành nó, bao gồm cả linh hồn, rồi lại tái diễn theo tiến trình tự nhiên do Thượng đế tạo nên. Ở đây cũng có một học thuyết rất khác lạ giữa nhiều trường phái tư tưởng trong truyền thống Bà-la-môn giáo, đặc biệt về vấn đề phải chăng ban đầu trước những chu kỳ tuần hoàn ở trên thì linh hồn và những yếu tố của các nguyên tử đã không tồn tại nhưng được tạo ra không phải bởi đấng siêu phàm hay không phải từ cái gì cả. Đối với tất cả các tôn giáo và tư tưởng triết học của Ấn Độ thì điều này cực kỳ quan trọng, họ cho rằng thời gian là vô cùng, thật sự điều này giống với quan điểm về vũ trụ của thiên văn học hiện đại đã xác lập và rất mạnh mẽ tương xứng với những truyền thống tôn giáo phương tây (người Babylon có những quan niệm tương tự như vậy nhưng thời lượng có quy mô hạn định hơn nhiều). Tư tưởng Ấn Độ về thời gian thật sự hoàn toàn có rất sớm, liên quan đến sự quan sát thiên văn, đặc biệt là sự vận động của các hành tinh. Sự vận động của các hành tinh trước hết là sự biến hóa vô thường, nhưng quan sát xa hơn và nghiên cứu kỹ sẽ cho thấy đây là một kiểu lặp đi lặp lại nhất định, kết hợp sự vận động của các hành tinh với kiểu lặp đi lặp lại này, bạn sẽ thấy rằng dựa vào sự quan sát và tính toán chính xác của mình, sẽ cho thấy một vòng thời gian cực kỳ dài hiện ra ở trên trời. Người Ấn Độ quan niệm rằng tại điểm khởi đầu của chu kỳ thời gian, tất cả các hành tinh đều ở một chỗ, hoặc trên cùng một vạch xuất phát (kinh tuyến), họ cố gắng xác định mốc thời gian của sự kết hợp to lớn này từ hàng triệu năm trước, dường như để xác nhận lại niên đại thật sự không thể nghĩ bàn được tính toán trong vũ trụ bằng những ý nghĩ có tính chất suy đoán.14
14. Có chứng cứ đầy đủ cho thấy rõ vô số vạch thời gian ở Ấn Độ trước Phật giáo. Sự trùng nhau của các hành tinh, xem ví dụ trong bản dịch của burgess về tác phẩm Sūryasiddhānta (Thái dương luận), tr. 15 trở xuống và 328, bản in lại của Calcutta, 1935 và Deedham, Science and Civilisation in China III, tr. 119f, 202 (I-Hsing [Nghĩa tịnh], tu sỹ Phật giáo), cũng xem Colebrooke, Miscellaneous Essays, vol. II, 329 trở xuống và 426, London, 1873. xem tr. 74 ở dưới, nói về truyền thống Chính mạng luận (Ājīvaka).
Cuối cùng chúng ta phải nói về những truyền thống pháp luật và nhiều tập quán xã hội được quy định trong những kinh điển về luật lệ cho thấy dấu ấn gốc gác không thuộc truyền thống của người Aryan. Như vậy, bốn giai đoạn trong thói quen sống (āśramas) về sau được xem là một phần căn bản của xã hội chính thống (học tập - đời sống hôn nhân - về hưu - đi tu) không thấy nói trong kinh điển Vệ Đà. Giai đoạn cuối trong các giai đoạn này ngày càng gia tăng không giới hạn ở độ tuổi khi họ từ bỏ thế tục, điều này khiến chúng ta nghĩ đến chứng cứ của chủ nghĩa khổ hạnh trong xã hội Ấn Độ cổ đại hoàn toàn không dính dáng chút gì đến truyền thống của người Aryan.
Khái niệm giải thoát khỏi luân hồi tựa hồ không đơn giản để đồng hành với thuyết luân hồi, nhưng nó đi cùng với chuỗi rộng lớn của sự đo lường thời gian được công nhận trong tư tưởng Ấn Độ. Quan niệm giải thoát thật sự dường như không có ngọn nguồn từ những người Aryan, truyền thống Aryan từng có quan niệm về đời sống ở kiếp sau trong một số cõi của sự tồn tại không có gì khác với đời sống ở trái đất (một trong số thế giới đó là mặt Trăng) và sau đó phát triển thành khái niệm nhờ vào lễ nghi cúng tế để có thể được lên thiên đàng như mong ước. Mặt khác, trong việc suy đoán về sự giải thoát của linh hồn, họ cố gắng giải thích một số trạng thái hoàn toàn siêu việt thế giới kinh nghiệm, chẳng hạn như sự kết hợp với sự tồn tại tối thượng. Điều này chỉ biểu hiện một cách mơ hồ trong những phần cuối cùng của kinh điển Vệ Đà, thậm chí cũng không có gì nổi trội ở kinh điển không thuộc hệ thống Vệ Đà của truyền thống Bà-la-môn. Sự đạt đến thiên đường chỉ có trong tư tưởng của những người ưu việt mà thôi.