Căn cứ vào bằng chứng khảo cổ, người Aryan di cư đến đất ấn vào thời đại suy tàn của văn minh cổ đại Indus (khoảng 1.700 năm TTL). Thực tế, họ có thể là những bộ tộc thiểu số chinh phạt người bản địa Indus và phá hủy những đô thị của họ. Những người Aryan này nói một loại Phạn ngữ cổ đại, được gọi là ngôn ngữ Vệ Đà (Vedic), hiện còn một số kinh Vệ Đà sớm nhất ở Ấn Độ ngày nay có thể đọc hiểu được. Những kinh điển Vệ Đà thuộc loại sớm nhất này của người Aryan có lẽ được biên tập vào khoảng hai hoặc ba thế kỷ sau khi chiếm được Ấn Độ. Cuộc chinh phạt này có nói thoáng qua trong kinh Vệ Đà: Thần Indra đã phá hủy những thành quách của kẻ thù (có thể là thành thị hoặc thị trấn của người cổ đại Indus), ngài phóng thích súc vật (bởi vì người Aryan là những bộ tộc du mục, đương nhiên họ không thích người định cư đem súc vật nhốt trong vườn của xóm làng), và ngài khơi thông những con sông (sông bị nông dân định cư chắn đập và đào mương dẫn nước tưới tiêu). Mà theo cách nói truyền thống của họ là phục hồi bản chất tự do của vũ trụ.
Do đó, văn minh cổ đại Ấn Độ đã một thời rơi vào u ám trong tay của những người du mục thiểu số này. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những người thiểu số này bắt đầu học theo cách sinh sống của người bản địa mà họ đã chinh phục: Họ định cư lâu dài trong những ngôi làng và cuối cùng lấn sang thành phố sinh sống lâu dài, họ nuôi gia súc trên những cánh đồng (có lẽ từ đó gia súc ở Ấn Độ có được sự tự do mà không nơi nào có được) và họ cũng đã khai thác sông ngòi cho việc tưới tiêu. Nhưng khi chú giải về các cổ kinh sau này, có khả năng quên mất bối cảnh lịch sử chân thật và thay vào đó phủ lên lớp ý nghĩa thần thoại liên quan đến thần Indra (Thiên Đế thích) với quyền năng hô mưa gọi gió.
Ngoài thần Indra, kinh Vệ Đà còn đề cập đến những thủ lĩnh là con người thật của người Aryan và những chiến công của họ, nhưng chỉ nói qua loa về lịch sử của họ một cách rời rạc. Ngoài ra còn có những văn bản khác ghi chép lịch sử thật sự ở những phần sau của Vệ Đà (khoảng thế kỷ IX TTL), đó là bộ Purāṇas (Vãng thế thư), cho chúng ta thấy những sự thật lịch sử này nhưng văn phong sau thời Vệ Đà mấy thế kỷ. Những văn bản được biên tập sau này có nhiều sửa đổi lớn và mở rộng, đồng thời có lẽ thay đổi niên đại bằng sự sắp xếp giả mạo, nhưng dựa trên một số tư tưởng truyền thống đương thời ở Ấn Độ trước thời đức Phật, chúng ta có thể biết được văn minh cổ đại và một số triều đại vua chúa, cùng với một số tu sĩ, nhà thơ và triết gia cổ đại. Đến đây vẫn chưa rõ lắm nếu tất cả lịch sử này không kết nối với những truyền thống của người dân bản địa thuộc văn minh Indus. Cuộc chinh phạt của người Aryan không được ghi chép dưới hình thức rõ ràng nhưng triều đại đó đã thống trị trên lãnh thổ Ấn Độ cổ đại (bao gồm cả afghanistan ngày nay) ngay từ đầu. Phần sau của Vệ Đà ghi lại giai đoạn văn minh này khá luộm thuộm, thậm chí còn cho phép giả tạo tối đa để phủ lấp thời đại văn minh Indus cũng như văn minh Aryan ở Ấn Độ. Chỉ duy nhất có một sự phân biệt lớn giữa các bộ tộc xuất hiện trong giai đoạn của các triều đại vua chúa Mặt trời (Solar) và Mặt trăng (Lunar). Sự phân biệt này có ý nghĩa quan trọng mặc dù cả hai là bà con với nhau: Vương triều Mặt trời do Manu trị vì, là con trai của thần Mặt trời; vương triều Mặt trăng do Pururavas trị vì, là cháu nội của thần Mặt trăng, cũng là cháu ngoại của Manu. Do kinh điển Vệ Đà thời đầu có đề cập đến một số vua thuộc triều đại Mặt trăng, trong khi đó những vị vua thuộc triều đại Mặt trời thì rõ ràng không nói đến, cho nên chúng ta có thể suy luận rằng những vị vua triều đại Mặt trời là người Indus cổ đại, những truyền thống của họ về sau được kết hợp với người Aryan tạo thành một lịch sử hỗn hợp. Trước mắt đây chỉ là một sự suy đoán và không cần phải bàn nhiều về nó.
Đối với giai đoạn kể từ khi người Aryan xâm chiếm Ấn Độ cho đến khoảng thế kỷ XIII TTL, chúng ta có thể truy nguyên một số đời chi nhánh thuộc triều đại Mặt trăng. Những chi nhánh này có thể được xem là các bộ tộc người Aryan và không phải triều đại thống trị chính thức. Những kẻ thống trị mới thường đấu đá nhau cũng như với người khác. Đến thế kỷ XIII TTL, Saṃvaraṇa là kẻ thống trị thuộc dòng họ Paurava của triều đại Mặt trăng, sau lần đầu vương quốc bị thất thủ bởi một nhánh khác cùng dòng họ, nhờ vào sự giúp đỡ của Bà-la-môn phục hồi vương vị và thành lập một đế chế thống trị các chư hầu khác. Con trai của ông là Kuru và con cháu của ông đã thừa kế trị vì đế chế này tồn tại nhiều thế kỷ, và thời kỳ hưng thịnh này có thể cho thấy quyền uy thật sự phủ rộng ít nhất lên đến phía bắc Ấn Độ. Triều đại Mặt trăng hay Paurava, là một đế quốc đã cho thấy sự củng cố của nền văn minh Bà-la-môn ở Ấn Độ: Về cách sống, tôn giáo và nhiều cảnh thịnh vượng khác được tư tưởng truyền thống Ấn Độ xem là một mô phạm cổ điển.
Trong suốt thời đại của đế chế Paurava, cổ kinh theo hệ ngôn ngữ Vệ Đà được sưu tập và sáng tác thêm nhiều phần nữa; kinh cũ và kinh mới tạo thành một tổng tập kinh điển, gọi là Vệ Đà (có vài phần riêng biệt cũng được gọi là Vệ Đà). Thực tế trong Phật giáo không có một bộ kinh đơn lẻ, nhưng có nhiều bản do các tu sĩ của nhiều trường phái Phật giáo tu chỉnh, tạo thành những bộ Đại tạng của Phật giáo sớm nhất về sau, nhưng đây chỉ là một điểm nhỏ đối với việc thảo luận của chúng ta hiện tại. Từ Vệ Đà có nghĩa là ‘tri thức’, cho nên kinh điển Vệ Đà là bộ toàn thư dành cho việc học của các Bà-la-môn hay tu sĩ. Nó bao gồm thi ca, bài hát, nghi lễ và triết học.
Suốt thế kỷ IX TTL, khi đế quốc Paurava gần như đạt đến đỉnh cao của quyền lực, có một nhóm tu sĩ, thi sĩ và một số nhà sáng tạo tư tưởng sống ở đó. Người ra tin rằng họ đã biên soạn ra một số kinh điển về sau này, trong đó có một số kinh điển thuộc văn học và một số khác thuộc kỹ thuật, những kinh điển này dường như có danh tiếng nhưng thật sự chưa được nhập vào kinh điển Vệ Đà. Những tác phẩm khác của nhóm này và những bản chú giải trên các tác phẩm này ngược lại được nhập vào hệ thống kinh điển Vệ Đà, cho thấy kinh điển này có nhiều cách biểu đạt, nhưng trên thực tế những văn bản đó nằm ngoài hệ thống kinh điển chính thì quan điểm của họ mới có dịp phát huy rộng rãi. Nhưng những kinh điển hiện còn này ngoài Vệ Đà còn nhiều trước tác có các mức độ tin cậy khác nhau lại không được bảo tồn cẩn thận như Vệ Đà, dù chúng không phải thật sự là một bộ phận trong đó, nhưng chúng vẫn rất quan trọng, có thể thấy được người sau hồi cố như thế nào về một thời đại cổ điển.
Thông qua những tác phẩm hiện còn giúp chúng ta có thể hiểu được một số nhà tư tưởng ở thế kỷ IX TTL mong muốn đem những gì thuộc truyền thống từ xưa để lại mà họ cho là tốt nhất và đúng nhất, tìm cách củng cố chắc chắn. Họ cho rằng thời đại của chính họ là thời đại đọa lạc và thiếu những tiêu chuẩn đạo đức cổ xưa. Mặc dù đây không phải thời lý tưởng cho việc điều hành chính trị hay đời sống đạo đức tốt đẹp, nhưng vẫn còn khả năng và ước mơ nhất của mọi người là xuất hiện những vị anh hùng, những người có đạo đức để gìn giữ tôn giáo cổ đại và gánh vác trách nhiệm xã hội của họ. Liên quan đến những điều này chúng ta có thể thêm vào ý kiến rằng theo những chứng cứ khảo cổ học giai đoạn 1000-800 TTL, là thời đại Đồ sắt của Ấn Độ bắt đầu, do đó rất có khả năng bước sang giai đoạn chuyển biến lớn, dao động và gia tăng sức chiến đấu - sự phát triển cuối cùng này hầu như thật sự in đậm trong sử thi và truyền thống lịch sử Ấn Độ.
Dưới những triều đại của thế hệ Paurava đã soạn ra luật pháp có hiệu lực trong kinh Vệ Đà, và những nhà tư tưởng thuộc nhóm này đã đóng góp những sáng tác như vậy vào khoảng thế kỷ IX TTL, từ đó dẫn đến tư tưởng chính thống và bảo thủ của Ấn Độ chuyển hướng sang tôn giáo, nghi lễ, triết học, sử thi anh hùng ca, truyền thuyết lịch sử cổ đại, pháp luật, hình học, thiên văn học và khoa học ngôn ngữ. Tất cả tạo thành những gì thường được biết là Bà-la-môn giáo (Brahmanism), một nền văn minh, một lối sống, một tôn giáo và hơn thế nữa. Trong ý nghĩa nào đó thì giai đoạn hình thành của Bà-la-môn giáo là ‘giai đoạn anh hùng’, đó là những anh hùng nổi tiếng nhất được ca ngợi trong sử thi. Người ta tin rằng sử thi được biên soạn trong giai đoạn này, nhưng nhờ vào truyền thống truyền miệng mà kinh điển được lưu truyền nên đã liên tục phát triển. Tiến trình biên soạn và chú giải được tiếp tục bởi những thi nhân sau này bằng cách chọn những chủ đề của sử thi viết thành tác phẩm riêng biệt và đặc biệt những nhà viết kịch đã đưa các nhân vật anh hùng trong sử thi lên sân khấu, nhờ vậy phổ cập truyền thống Bà-la-môn trong suốt thời đại của họ.