Sau khi Đại đế Janamejaya lên ngôi (khoảng thế kỷ IX TTL), đế quốc Paurava đã đạt đến đỉnh điểm hưng thịnh và hùng mạnh, và đã xuất hiện nhiều nhà tư tưởng sáng tạo phong phú nhất tô điểm cho Bà-la-môn giáo, nhưng sau đó thì dần dần suy thoái. Có điểm chuyển tiếp mang tính quyết định vào khoảng thế kỷ VIII TTL, thời đại của Vua Nicakṣu, khi thủ đô của đế chế Paurava là hastināpura nằm ở thượng lưu sông ganges bị lũ lụt tàn phá. Nhà vua cho dời đô về Kauśāmbī bên dòng sông Yamunā. Sau sự kiện này, thời kỳ sáng tác của Bà-la-môn giáo tựa hồ như dừng lại: những câu chữ của các bậc thầy này được ghi chép lại và rõ ràng có một số dị bản của kinh điển Vệ Đà với nhiều sự tu chỉnh trong sử thi và sử ký, nhưng những tác phẩm mang tính sáng tạo dường như chỉ giới hạn ở mặt hỗ trợ nghiên cứu, nghi lễ, luật lệ, ngôn ngữ học, thiên văn học và hình học. Những loại hình nghiên cứu này rất quan trọng đối với lịch sử khoa học nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đối với Bà-la-môn giáo vốn chú trọng về mặt tôn giáo hay triết học hoặc tư tưởng chỉ đạo. hơn nữa, trong đó dường như không để lại tác phẩm nào quan trọng, có lẽ những tác phẩm này ra đời trong vòng một thế kỷ rưỡi sau thời đại Vua Nicakṣu; thời đại vàng son đối với những lĩnh vực nghiên cứu đặc thù này bắt đầu ngay sau đó.
Sau khi đế chế dời đô suy vong, những tù trưởng địa phương và các nước chư hầu dưới sự thống trị của triều đại Paurava tuyên bố độc lập. Lúc bấy giờ là thời đại của đức Phật (500 năm TTL), gồm có 16 nước lớn ở phía bắc Ấn Độ, trong số đó vương quốc Pauravas nhỏ và yếu hơn, ngoài ra còn có hàng loạt nước nhỏ. Những nước lớn (kể cả những nước nhỏ) có nhiều loại hình nhà nước khác nhau; đặc biệt có một số thuộc chế độ quân chủ, một số khác thuộc chế độ cộng hòa. Như vậy, Ấn Độ thời đức Phật rất khác biệt với Ấn Độ thời của nhà thơ Vyāsa. Những nước này thường gây chiến lẫn nhau, trong đó một số nước có mưu đồ xưng bá. Thế nhưng trong cuộc chiến này, thắng lợi thuộc về những nước không phải chính thống hay những triều đại hợp lẽ nhất. Ngược lại, triều đại Paurava suy vi trong cảnh sương mờ của nỗi nhớ quê hương và hoài vọng, và cuộc chiến này thật sự dành cho nền Cộng hòa bạt-kỳ (Vṛji), một quốc gia của người cộng hòa hùng mạnh nhất cùng với vương quốc Ma-kiệt-đà.
Ma-kiệt-đà là triều đại dường như ít chính thống nhất. Vương quốc này nằm bên ngoài vùng ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo và những vị vua trị vì đã phát triển một nền chuyên chế cao độ, trung ương hóa hệ thống nhà nước, không để truyền thống Bà-la-môn can thiệp. Bà-la-môn giáo quy định chức trách của vua mà xem nhẹ quyền lực của vua, đưa ra nhiều hạn định tiêu chuẩn đối với hành động của vua. Thật sự, kinh điển Vệ Đà không cần đến nhà nước quân chủ, mặc dù về sau truyền thống Bà-la-môn dần dần ủng hộ hình thức này. Trên thực tế, chúng ta có lẽ cần phải nói rằng với trào lưu theo khuynh hướng quân chủ của thời đại sau này, những trường phái theo truyền thống Vệ Đà cấu kết với triều đại nổi tiếng Paurava và không có trường phái nào hưng thịnh dưới sự thống trị của những người cộng hòa, mà chỉ tồn tại và duy trì mà thôi. Thuật ngữ được diễn tả trong những kinh điển theo truyền thống Vệ Đà thời kỳ đầu rõ ràng liên quan đến những hội chúng và nhiều đoàn thể tự chủ trong xã hội, do truyền thống có sức mạnh diễn giảng mang tính thuyết phục nên xem nhẹ độc tài và thống trị tập quyền. Những kinh điển truyền thống Vệ Đà về sau, trong đó đa số còn lưu hành đến ngày nay, cho thấy chúng được sáng tác dưới thời của đế chế Paurava và những nhà nước cộng hòa chỉ ở vùng ngoại ô quanh vương quốc trung tâm Paurava (hay Kuru-Pañcāla).1
1. Ví dụ như Aitareya Brāhmaṇa, viii 14 (bản dịch của Keith không chính xác).
Những cuộc chiến ở thời đức Phật là sự cạnh tranh về sức mạnh kinh tế, thủ đoạn chính trị và hiệu lực quản lý, trong đó truyền thống Bà-la-môn hiến kế rất nhỏ cho những người thống trị hoặc dân chúng. Cả hai mặt nghi lễ và triết học của Bà-la-môn giáo hầu như không liên quan đến điều này. Vấn đề là không bao lâu nữa sẽ ra đời một đế chế hài hòa, một hoàng đế trị vì anh minh dựa vào những tập quán truyền thống của xã hội thuộc văn minh Vệ Đà, đối xử với thần dân cũng như các nước chư hầu một cách thân thiện, nhân ái, đồng thời tiếp nhận những quy định và chỉ dẫn luật lệ để thi hành nghĩa vụ trong kinh điển Vệ Đà do những Bà-la-môn giải thích. Trong xã hội truyền thống đó, một cá nhân có thể mưu cầu hòa bình và tự do một cách hợp lý cho mình, tìm kiếm ở cấp độ cao có thể đạt được những thứ tốt đẹp ở thế gian này, nếu một người tín phụng pháp (dharma, khái niệm về nghĩa vụ và quyền lợi của Bà-la-môn giáo), nhờ nó mà người đó có được sự tôn trọng từ mọi người và tìm thấy nó có lợi cho hạnh phúc của mình. Nhưng ở thế kỷ VI TTL, do kinh tế phát triển - sự khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, sự phát triển công nghiệp và hơn hết là thương mại - giải tỏa hoàn toàn những áp lực sinh ra trong xã hội mới: Tài sản được tính theo cách cũ (đặc biệt tính bằng trâu, bò) nay đã phát triển, thay vào đó bằng kinh tế tiền tệ. Theo quy luật lưu thông này đã sinh ra của cải chưa từng thấy và nhà nước muốn kiểm soát nó bằng cách ban hành pháp luật. Tầng lớp buôn bán mới trở nên giàu có hơn cả vua, cho nên vua đã phản ứng với điều này bằng uy quyền và tịch thu tài sản, lấy cớ đơn giản là sung công: Họ dùng sức mạnh chính trị để đè bẹp sức mạnh kinh tế. Những kẻ thống trị ở phía bắc Ấn Độ đã thử nghiệm nhiều hình thức pháp quyền mới về nhà nước, nhưng xu hướng chung là đem quyền lực tập trung vào tay nhà vua. Trong xã hội này, hầu hết người dân đều thấy tự do của họ ngày càng bị đè nặng và uy hiếp, tài sản và mạng sống của họ không an toàn, tương lai không chắc chắn và rõ ràng ngày càng thua hẳn trước đây.
Có nhiều thảo luận đối với sự thật hoặc tưởng tượng về thời đại hoàng kim trong quá khứ và những vị hoàng đế đã làm cho thế giới hài hòa, hạnh phúc, nhưng mô hình mà truyền thống Bà-la-môn đưa ra đã thất bại, không đem lại tiến bộ gì. Những người lương thiện đã thấy được bản thân họ không có chỗ đứng và không có tự do trong một xã hội trung ương hóa ngày càng gia tăng, dưới sự cai trị của tiền bạc và quyền lực. Có một thời kỳ hy vọng dường như được gửi gắm vào nền Cộng hòa bạt-kỳ (Vṛji), nền cộng hòa này dựa vào những truyền thống cổ truyền làm cho xã hội hài hòa và tôn trọng mỗi cá nhân, nhưng trong cuộc đấu tranh sống còn ấy, chống lại đế chế Ma-kiệt-đà, những bậc hiền đức thời đó như đức Phật thấy rõ điều này, nhưng nền cộng hòa chỉ tạm thời, chỉ là vấn đề thời gian trước khi đế chế Ma-kiệt-đà giàu có hơn áp đảo. Hơn nữa, sự phòng vệ cơ bản của nước cộng hòa thuần túy là chủ nghĩa bảo thủ, kiên trì gìn giữ cách của người xưa để chống lại thế lực băng hoại của một xã hội mới Ma-kiệt-đà (hối lộ và gieo rắc bất hòa). Nền cộng hòa này hầu như không đủ sức mạnh phát triển hình thức kinh tế hiệu quả cho xã hội để có thể nâng cao khả năng chống lại chính thể chuyên chế. Đức Phật đã ca ngợi những tập quán cổ truyền của nền cộng hòa này, nhà nước dân chủ, tôn trọng những bậc hiền đức, nhưng Ngài không đưa ra giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề hạnh phúc của con người. Ngài và những triết gia khác thời kỳ này đi tìm kiếm khắp nơi một giải pháp nhưng không ưu tiên bên trong xã hội mà nằm ngoài nó. Để gìn giữ tự do, họ rời khỏi xã hội tuế toái, từ bỏ tài sản và quyền lực để truy tìm sự bình an trong tâm và sự thể nghiệm của tinh thần. Xuất phát từ vị trí cao trong xã hội, họ hy vọng - họ chắc chắn hy vọng - việc từ bỏ này ảnh hưởng đến xã hội, chứng minh rằng lý tưởng hơn hẳn tiền tài và bạo lực.