Chương đầu có đề cập đến kinh điển triết học của Vệ Đà, nhưng ngoài phần liên hệ nguyên thủy với vũ trụ và khái niệm về sau đối với Phạm thiên tuyệt đối thì chưa nói về tính chất và phương pháp của chúng. Tính bảo thủ trong truyền thống Bà-la-môn về sau này, đối với bất kỳ những gì tiếp nhận vào kinh điển thuộc hệ thống Vệ Đà, đều được đặt thành giáo điều có liên quan đến thần khải (còn những cái khác đều bỏ). Mặt khác, khi đọc cẩn thận một số kinh điển này sẽ thấy lượng lớn thực chất không chỉ mang tính nguyên thủy mà còn mang tư tưởng phê phán trong kinh điển Vệ Đà. Những sự phê phán rõ ràng này trong truyền thống kinh điển Vệ Đà được các trường phái Bà-la-môn giáo sau này giải thích lệch lạc hoàn toàn và sáp nhập toàn diện vào hệ thống giáo điều, nhưng phương pháp của họ hầu như không bị mất đi trong những người phê phán về sau này khi mà họ đã đứng ra ngoài các trường phái đó: Theo ghi chép2 chính đức Phật cũng cho rằng Bà-la-môn vốn là những người tốt và kinh điển Vệ Đà (nguyên thủy) là học thuyết thật sự, nhưng cả hai trở nên hủ bại và cần phải gỡ bỏ triệt để (chẳng hạn như một người trở thành Bà-la-môn có phẩm chất đạo đức không phải do di truyền; hoặc kể từ khi kinh điển Vệ Đà được biên tập lại, Bà-la-môn chỉ là người đọc lại kinh điển, không cần làm người suy tư hay ‘người thiền định’). Đức Phật và những người cùng thời với Ngài đã học được gì từ triết học kinh điển Vệ Đà thời kỳ đầu?
2. Ví dụ như D. III 94, I 104 (xem chú sớ của kinh này tr. 273 liên quan đến sự biến chất của Vệ Đà).
Trong kinh điển Vệ Đà ở thể thơ thì vũ trụ có nền tảng từ những hoạt động sáng tạo của các vị thần. Những quy luật này theo ý của vị thần nào đó, rồi vũ trụ được sáng tạo ra, hoặc nói một cách chính xác hơn là được các vị thần ‘xây dựng’ nên (như một cái nhà).3 Hình thức thần thoại này dẫn đến sự tìm hiểu về vũ trụ được sinh ra và phát triển không ngừng, chính vì vậy chúng ta có thể dễ dàng truy nguyên quá trình lớn mạnh của triết học. Về sau đòi hỏi sự giải thích hợp lý hơn về diễn tiến của vũ trụ, cuối cùng hệ thống Upaniṣads (Áo nghĩa thư) đưa ra lối biện luận bỏ qua những vị thần siêu nhiên hoặc Thượng đế, quan sát bản thân của vũ trụ để giải thích vũ trụ. Nó chính là một sự sống, thậm chí là một vị chúa tể, nhưng nó phát triển dựa vào tiến trình của tự nhiên, điều này có thể hiểu được bằng những quan sát và thể nghiệm của khoa học. Từ đòi hỏi này sinh ra chứ không phải có trước nó hoặc thúc đẩy nó, chúng ta tìm thấy có những biểu hiện khả nghi liên quan về các thiên thần và những loại hình thần thoại. Thiên thần có tồn tại không? Nếu có, ít nhất ở những câu chuyện kể về họ theo cách nói truyền thống, cho chúng ta biết là không thật. Đầu tiên tồn tại gì? Ai có thể biết điều này? Thậm chí thần linh cao nhất có biết điều này không? Rõ ràng các thiên thần không biết, bởi vì đầu tiên họ đã không tồn tại.4
3. Ví dụ như RVS ii 15. 2f, I 159, iv 56, vi 17.7, iii 55.19f, x 149, x 81, x72...
4. Ví dụ như RVS ii 12.5, viii 100.3, ŚBr 11.1.6.9-10, RVS x 129.
Đối với những bước chính trong vạch phát triển này, trước tiên chúng ta có thể chú ý đến bài thơ RVS x 129 (niên đại khoảng giữa năm 1200 và 1000 TTL). Ở đây cho thấy, đầu tiên không có thực thể tồn tại cũng không có phi thực thể tồn tại, mà nói chung là một Đấng, một sự sống, đã trở thành sự tồn tại, chứa đựng mọi thứ trong nó, tồn tại nhờ sức nóng (hiển nhiên là năng lượng sưởi ấm). Do khát vọng mà sinh khởi tâm thức. Sau đó một đường đo lường suy rộng (một sự suy nghĩ hữu ý) được vươn ngang, chia sự tồn tại trong hai nguyên tắc đực và cái (dương và âm). Đến điểm này, biện luận triết học dừng lại, nhưng câu hỏi được đặt ra cho nó là: Ai thật sự biết? Thiên thần cũng không biết! Chỉ có Đấng quan sát vũ trụ từ trên trời cao nhất biết, hoặc có lẽ Đấng này cũng không biết.
Ở cuối thời kỳ phát triển biện luận này, chúng ta có thể thấy có một học thuyết của Addālaka được ghi chép trong bộ Upaniṣads.5 Addālaka đã sống ở thời đại vua Janamejaya (khoảng thế kỷ IX TTL). Trước tiên ông ta loại bỏ tính truyền thống (Vệ Đà) liên quan đến sự tiến hóa của vũ trụ khi cho rằng không có gì cả, phi tồn tại. Nếu điều đó là như vậy thì ông ta hỏi rằng sự tồn tại đó từ đâu đến? Do đó, ban đầu có một sự tồn tại. Uddālaka còn loại trừ những giải thích về hiện tượng của nghi lễ, rằng sự việc nào có được là do dùng nghi thức nào đó để thực hiện nghi lễ nào đó.6 Theo ông, sự tồn tại ban đầu là căn nguyên của mọi sự vật trong vũ trụ. Nó có mặt trong tất cả các sự vật, tuy nhiên nó cực kỳ vi tế, không thể nhìn thấy được. Trong tiến trình tự nhiên, nó hiện hữu trong mọi sự tồn tại: Trước tiên, nó tạo ra sức nóng, đồng thời sức nóng cũng là một sự sống giống như sự tồn tại đầu tiên, nhờ sức nóng mà sinh ra nước và nhờ nước mà sinh ra thức ăn (anna), rồi tiến trình này mở rộng đến với hầu hết các vật thể rắn. Ba nguyên tố sống này được gọi là ‘thần thánh’, nhờ đó mà sinh ra mọi sự vật trong vũ trụ, bao gồm cả con người và tâm thức tột cùng. Như vậy, không có chúa tể siêu nhiên và độc lập, mà chỉ có bản thân của ‘sự tồn tại’, vật chất ban đầu của vũ trụ, hết thảy sự vật nhờ nó mà có, hết thảy sự vật mất đi quay về với nó.
5. Chādogya U. vi.
6. ŚBr 11.4.1 biểu thị sự phản đối những quan điểm truyền thống của ông ta.
Sự giải thích này vốn đủ lý, nhưng điều quan trọng hơn là cách mà Uddālaka chứng minh phương pháp giải thích của ông. Ông đòi hỏi từng bước quan sát thực tế đối với hiện tượng và đôi khi còn phải dùng thực nghiệm để chứng minh những sự vật đó như cách ông đã gợi ý. Để làm rõ trình tự diễn tiến của vũ trụ, ông điều tra nghiên cứu thực tế, truy nguyên sự vật cho đến nguyên nhân cuối cùng. Ông chứng minh sự phụ thuộc của tâm vào thức ăn bằng cách thể nghiệm qua sự nhịn đói. bằng phương pháp này ông phân biệt được bản chất thật sự là những sự biến đổi chỉ khác nhau ở tên gọi. Cho dù khác nhau ở tên gọi, chúng ta vẫn có thể khái quát toàn bộ chuỗi hiện tượng trên thực tế chúng có một tính chất chung.
Với cách suy biện phát triển như vậy hàm ý đây là những tư tưởng và phương pháp khoa học. Ngoài khoa học tự nhiên của bản thân Uddālaka, chúng ta không biết còn có khoa học gì nữa. Trước hết là tinh thần hoài nghi và sự thẩm tra, không chấp nhận sự giải thích theo tính nghi lễ truyền thống hoặc thần thoại. Tiếp đến là sự phân loại và khái quát khoa học. Hơn tất cả, đó là quan sát và thể nghiệm, nhờ vào phát hiện nguyên nhân mà đạt được những kết luận quy nạp. Nguyên tắc của các vị thần là đưa ra quy luật giống với nguyên tắc tự nhiên, một khái niệm trở nên thịnh hành sau này khi triết học Phật giáo và những phần phụ của kinh điển Vệ Đà phát triển.