Đức Phật thuộc về phong trào triết học mới được hưng khởi dưới những điều kiện của xã hội này, đã được trình bày trong phần đầu của chương này. Bà-la-môn đã là hoặc đã trở thành những tu sĩ có tính cha truyền con nối và tác phẩm của những triết gia hay thi sĩ thời kỳ đầu hiện nay như chúng ta được biết vẫn còn được bảo tồn trong văn học Bà-la-môn giáo, thì những Bà-la-môn (brahmans) là những người đàn ông bình thường được Bà-la-môn hóa, chí ít là sau khi chết, được quy về hàng ngũ chính thống. Một phong trào mới chủ trương ngược lại rằng người lãnh đạo không cần phải là một Bà-la-môn mà có thể là người thuộc các giai tầng trong xã hội, thay vì tham gia một trường phái của Bà-la-môn giáo cũng có thể tự thành lập một trường phái độc lập cho riêng mình. Một số Bà-la-môn cũng tham gia những trường phái độc lập này, như thế họ bỏ hẳn Bà-la-môn truyền thống và bị đồng hóa vào phong trào mới. Phong trào này cơ bản không mang tính giai cấp.
Những nhà triết học của các trường phái mới được gọi là Sa-môn (Śramaṇas). Họ là những người đàn ông rút khỏi xã hội phiền toái và trở thành những hành khất lang bạt, sống dựa vào thức ăn nhặt được trong rừng núi và trên những cánh đồng hoặc khất thực. Mục đích của họ là tìm ra chân lý và đạt đến hạnh phúc, hoặc ít nhất là sự bình an của tâm hồn. Họ đã từ bỏ tất cả ràng buộc xã hội, có thể tự do tận dụng thời gian cho việc tư duy, tu luyện khổ hạnh, nghiên cứu tự nhiên và dĩ nhiên còn giảng dạy giáo lý. Họ thành lập các trường phái mới và dạy dỗ đồ chúng ghi nhớ và truyền bá học thuyết của họ, và họ còn thuyết giảng ở những thôn làng hoặc thành thị, thậm chí trước khi được vua cung thỉnh. Nội dung của những bài thuyết giảng mang tính công chúng này có nhiều khác biệt, nhưng đều có khuynh hướng ở mặt đạo đức, hướng mọi người sống như thế nào và họ nhận được thức ăn và lệ phí, có thể được xem là sự đền đáp xứng đáng đối với việc giảng thuyết giáo lý.
Những vị Sa-môn không chấp nhận kinh điển Vệ Đà và quyền uy của Bà-la-môn, tự cho đã được tỏ ngộ chân lý không thể nghĩ bàn mà người bình thường không thể biết được. Họ xem thường những nghi lễ rườm rà và nỗ lực chỉ ra sự phi lý của Vệ Đà tự xưng là kinh điển của chân lý tối thượng, chỉ ra sự mâu thuẫn trong kinh điển và trích dẫn nhấn mạnh một số đoạn được xem như vô vị hoặc cực kỳ vô đạo đức, thậm chí hoàn toàn vô nghĩa, thì làm sao được cho là quyền uy tuyệt đối (vì một bộ phận lớn kinh điển Vệ Đà được tập thành từ thi ca và truyền thuyết cổ xưa, điều này chẳng mấy khó khăn). Sa-môn tiến xa hơn thế và tuyên bố rằng toàn bộ hệ thống Bà-la-môn giáo là lừa đảo: Bà-la-môn âm mưu lừa đảo mọi người với mục đích làm giàu cho họ bằng cách tổ chức nghi lễ ma thuật và hướng dẫn vớ vẩn để thu lệ phí ngất ngưởng.7
7. Phật giáo đã bảo lưu những kệ tụng điển hình đối với vấn đề này phát huy tác dụng trong Ba tạng giáo lý (tiếng Pali J VI 206-14). Trong chương đầu của SDS (Nhất thiết kiến tập luận) có ghi lại ví dụ về những quan điểm của phái thuận thế luận (Lokāyata).
Để thay thế truyền thống quyền uy của Vệ Đà, các Sa-môn tìm ra những lý giải thỏa đáng về vũ trụ và nhân sinh dựa vào điều tra thực tế và suy luận hợp lý. Họ tin rằng dựa vào sự nỗ lực, họ có thể xác nhận những quy luật tự nhiên, không cần phải thông qua quyền uy của cổ nhân hoặc sự giúp đỡ của siêu nhiên, rằng những quy luật này mang giá trị tuyệt đối và phải tiếp nhận bởi vì bất cứ ai muốn nghiên cứu chuẩn xác đều có thể thật chứng chúng.8 Tóm lại, thế giới quan của họ là thế giới quan của khoa học nghiên cứu thể tính của vũ trụ và họ phấn đấu với mục đích thực tiễn trong việc vận dụng tri thức để có được hạnh phúc.
8. Liên quan đến phương diện của Phật giáo, xem ví dụ tương quan đã dẫn trong một tác phẩm tiếng Pali ở mục ehipassika, ‘có thể xác minh’, trong PTC vol. I, tr. 436. Đối với phái thuận thế luận thì nhận thức chỉ có thể xác minh được bằng những cơ quan cảm giác.
Giống tiền bối của họ là Uddālaka, những vị Sa-môn rõ ràng gần gũi, thậm chí đạt được sự tiến bộ khá lớn từ công việc nghiên cứu khoa học tự nhiên ở thời của họ. Họ thật sự có hứng thú với Thiên văn học và Toán học, trong số đó có cả Y học.9 Những học thuyết của họ thường có một số hình thức mô tả về vũ trụ: Những nguyên tố cấu thành vũ trụ, sự phân loại, quy luật vận hành của vũ trụ và vị trí của sự sống trong nó. Lại nữa, khái niệm của họ về vũ trụ là vũ trụ của một hiện tượng tự nhiên, sự tiến hóa của chính nó phụ thuộc vào những quy luật tự nhiên có thể thấy được: Nó không bị thao túng bởi các thần linh và Thượng đế, không phải được sinh ra từ những sức mạnh của siêu nhiên. Nếu có thần linh, như một số người chấp nhận như thế, thì họ cũng chỉ là một sự sống bình thường cùng đẳng cấp như loài người hay loài động vật vậy, tuy chỗ ở khác nhau nhưng cũng phụ thuộc vào những quy luật tự nhiên như con người: Họ không phải vĩnh hằng, có sống tức có chết như con người vậy.10
9. Ví dụ như tham khảo những liên quan này trong REBCS, tr. 51.
10. trong Ba tạng giáo lý gồm có những bài đối thoại về các vị thần và đặc biệt về Brahmā (Phạm thiên), ví dụ kinh Kiên cố (Kevaddha) (D No. 11) = bản tiếng Trung Quốc trong Dīgha T 1, No. 21.
Điểm giá trị ở đây là hầu hết Sa-môn đều tin rằng có luân hồi trong một hình thức nào đó: Của một ‘linh hồn’ hoặc của một dòng suối lưu chuyển tâm thức từ thân thể của người chết đầu thai sang một thân thể mới. Chúng ta đã nói thời kỳ này ở phần trên, kinh điển Vệ Đà hoặc Bà-la-môn giáo cũng chấp nhận tư tưởng này và hấp thu vào truyền thống của họ. Nhiều người ở giai đoạn này hầu như tin rằng họ có thể nhớ về những kiếp ở quá khứ. Sự tiếp nhận thuyết luân hồi có lẽ phản ánh qua sự từ chối đối với việc chấp nhận những kinh nghiệm vui và khổ không hợp lý của con người trong một kiếp sống đơn độc: Loại niềm tin này hy vọng có một nguyên tắc thưởng phạt tự nhiên vận hành trong vũ trụ để bảo đảm sự công bằng tối đa. Đồng thời, hầu hết những nhà triết học của thời đại này quan niệm đời sống trong vũ trụ hoàn toàn không vui, mục đích của họ không phải là được tái sinh trong một hoàn cảnh tốt hơn trong vũ trụ này, cho dù thế nào cũng chỉ tạm thời, không bao giờ mong muốn tái sinh trở lại thế giới này. Ở điểm này chủ đề trở nên khó giải quyết: Không mong muốn tái sinh trở lại thế giới này có nghĩa là gì? Linh hồn hay tâm thức của một người có thể đi đến một cảnh giới khác, có thể đi vào trạng thái tiềm tàng, hoặc hoàn toàn ngừng bặt không còn sự tồn tại nào cả hay chăng?
Cùng với trào lưu Sa-môn vào thế kỷ VI TTL, có một số lượng lớn trường phái triết học đã phát triển độc lập. Mang tính khoa học ít nhiều, luận biện ít nhiều, hệ thống này phát sinh ra ít nhất năm trường phái chính rất thành công đủ để thành lập giáo phái vững mạnh và đóng một số vai trò nổi bật trong lịch sử triết học Ấn Độ (và một số lan tỏa ra bên ngoài) ít nhất kéo dài 2.000 năm sau đó. Họ nhanh chóng phân thành nhiều nhánh và trong số đó đã tu chỉnh học thuyết của họ theo từng giai đoạn, nhưng về sau xuất hiện một số học phái hoàn toàn mới, điều này được hình thành ở thời đại của đức Phật, từ đó đưa ra một xu hướng chung cho triết học Ấn Độ và cung cấp khung sườn chính cho biện luận triết học. Dĩ nhiên điều này khiến người theo Bà-la-môn phản ứng bằng cách phát triển hệ thống triết học của chính họ, hấp thụ nhiều tư tưởng mới vào học thuyết lý luận của họ.
Trong cuộc đua đường dài, rõ ràng tuy không phải lần đầu, thành công và quan trọng nhất trong các trường phải của Sa-môn vẫn là trường phái do đức Phật sáng lập. Trước hết, đức Phật chỉ là một người trong số những bậc thầy hành khất ở nước cộng hòa bạt-kỳ, Ma-kiệt-đà và một số vương quốc ở phía bắc Ấn Độ vào khoảng năm 500 TTL. Ngài đã thu nhận một số lớn đệ tử xuất sắc, mặc dù không bằng những trường phái khác, Ngài đã truyền bá giáo lý chứa đựng tất cả những đặc tính của trào lưu Sa-môn, ít nhất trên bề mặt biểu hiện chỉ là một học truyết đặc thù của Sa-môn. Ngài đã loại bỏ tất cả quyền uy ngoại trừ kinh nghiệm thực tiễn: người đệ tử phải tự chứng nghiệm và thử xem lời dạy của vị thầy đó đúng hay không, không chấp nhận mù quáng cho dù đó là lời dạy của đức Phật nói ra như thế. Vũ trụ cũng là chỉ chủ thể tuân thủ các nguyên tắc tự nhiên, nghiên cứu các nguyên tắc tự nhiên đó có thể đạt đến sự tự do và hạnh phúc. Những quy luật quan trọng nhất là quy luật nhân quả, đạo đức, cũng như vật chất. Thuyết luân hồi cho thấy tâm thức lưu chuyển liên tục từ kiếp sống này sang kiếp sống khác theo định luật nhân quả mang tính đạo đức. Mục đích của nó là kết thúc vòng luân hồi này và đạt đến sự an tĩnh cuối cùng. Phần tinh túy và đặc sắc nhất trong giáo lý này là cương lĩnh tu tập và nghiên cứu để đạt đến mục đích.11 Đức Phật ở đây chứng nhận rằng mục đích của mọi người là đạt được hạnh phúc và do đó giáo lý mà Ngài tuyên thuyết chỉ cho thấy cách để đạt đến mục đích này, cũng là sự giải thoát tối thượng và cuối cùng ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, sự an tịnh tối hậu, hoặc là sự chuyển hóa hoàn cảnh tương đối cho những người chưa sẵn sàng xuất thế. Như vậy, sau khi hiểu chính xác quy luật nhân quả mang tính đạo đức, tùy theo khát vọng hạnh phúc mà gìn giữ hành vi đạo đức, chứ không phải là một trách nhiệm bắt buộc như Bà-la-môn đã chủ trương. Đức Phật đã liệt kê và phân loại những nguyên tố tạo thành vũ trụ12 tạo thành cơ sở học thuyết của Ngài. Trong quá trình tu tập, giới luật tuy rất thiết yếu, nhưng chưa phải là phần quan trọng nhất, mà là công phu thiền định, qua đó có thể triệt ngộ thật tính của vũ trụ và tự chứng chân lý đó, đưa tâm thức dần dần lắng đọng và giải thoát.
11. Đây là bộ khung giáo lý của đức Phật được xác định sau này.
12. ‘Các pháp’ là một giả lập nguyên sơ nhất của đức Phật.