Phản ứng của các nhà triết học thế kỷ VI TTL đối với những vấn đề về đời sống con người ở thời đại đó là như vậy. Họ loại bỏ những ràng buộc thế gian tuế toái của xã hội, chỉ còn một điều quan trọng mà họ cũng như mọi người đều đồng ý rằng hạnh phúc là mục đích của cuộc đời. Đương nhiên khái niệm hạnh phúc của họ và làm thế nào để thật sự có được nó thì hoàn toàn khác với cách nghĩ của người thường. Họ sống ở nơi cách xa xã hội thế tục, tìm cầu chân lý và hạnh phúc thật sự, và họ đều chắc chắn rằng hạnh phúc chân thật có được là khi tâm an bình. Một số khi quay về hòa nhập xã hội với tư cách là những bậc thầy, họ hết lòng giúp mọi người vốn chỉ biết truy tìm hạnh phúc bằng sự giàu có và quyền lực mà chạy theo mấy cũng chẳng được, ngược lại còn dẫn đến khổ đau hơn. Họ nỗ lực chỉ thẳng, nếu còn theo xu hướng như vậy của xã hội thì ngày càng sinh thêm khổ đau, chắc chắn nhận lấy tồi tệ. Do đó, đây là một điều cần thiết để cải tạo sự phát triển bên trong xã hội (cũng như bên ngoài nó), làm cho con người hạnh phúc hơn bằng cách áp dụng chân lý mà bậc trí phát hiện ra, hạnh phúc này một lần nữa trên cơ bản là sự bình yên của tâm hồn.
Cũng như học thuyết cải tạo bên trong xã hội, có học thuyết về đạo đức, các vị Sa-môn tiếp nhận học trò, hướng họ đi theo con đường của khất sĩ, rời khỏi xã hội. Một số họ hình thành nên những cộng đồng chính quy (saṃgha) nằm ngoài xã hội thông thường, ngoài sự thúc chế của pháp luật thế gian, nhưng họ có quy chế kỷ luật riêng. Cộng đồng của ‘tu sĩ nam’ và cộng đồng của ‘tu sĩ nữ’ - tương tự tiếng anh là monks và nuns - ban đầu họ là những nhóm khất sĩ ở trong rừng. Về sau, họ phát triển thành những đoàn thể định cư có tổ chức, đôi khi ở ngoại ô của các thành thị, tiếp nhận sự ủng hộ chính thức từ tín đồ và thậm chí từ triều đình. Cộng đồng Phật giáo có tổ chức hoàn thiện một phần chính là nhờ vào chế độ Cộng hòa bạt-kỳ. Những đoàn thể tu sĩ nam của Phật giáo sinh hoạt độc lập và không có người lãnh đạo tối cao, những vị tỷ-kheo hội tập đều đặn theo giới luật quy định và quyết định cuối cùng dựa vào ý kiến của đa số, khi có sự khác biệt xảy ra giữa các đoàn thể cũng dùng chung cách xử trí, bằng cách triệu tập đại chúng tỷ-kheo, thông qua trình tự biện bạch và bỏ phiếu quyết định. Những vị đại diện cho đoàn thể và chức sắc đều do thành viên trong cộng đồng đó bầu ra.13 Như vậy những cộng đồng Phật giáo được hình thành như một đoàn thể riêng biệt như cộng đồng của những Sa-môn đã làm. Mối quan hệ của những cộng đồng này và chính quyền vương quốc rất phức tạp và đôi khi gặp khó khăn, đặc biệt sau thời đức Phật, chính quyền nhà nước tổ chức xã hội theo xu hướng gia tăng quyền lực tập trung. Quy mô và tầm ảnh hưởng của cộng đồng Sa-môn có thể là vấn đề của một nhà nước tập trung quyền lực, nếu đó là tổ chức nhà nước cộng hòa và dân chủ thì dễ dàng hơn, nhưng đặc biệt đây là một nhà nước quân chủ.
13. Chế độ tổ chức Tăng-già được chế định trong Luận tạng, một trong ba bộ phận hình thành ba tạng giáo lý, sẽ được khảo sát tường tận ở Chương 3.
Vương quốc Ma-kiệt-đà dần dần mở rộng thế lực hầu như khắp Ấn Độ và vì thế có khả năng ra sức kiểm soát cộng đồng của những Sa-môn. Ảnh hưởng của việc này đối với lịch sử Phật giáo cần phải được thảo luận ở phần sau. Ở đây, chúng ta chỉ chú ý một điểm cực kỳ quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử Ấn Độ, tôn giáo và triết học Ấn Độ, đó là chính sách thống nhất mà đế chế Ma-kiệt-đà đã nhận ra và thực hiện cách đó không lâu. Không hợp nhất, không tập trung thế lực, nghĩa là nằm ngoài mọi quyền kiểm soát cá nhân. Đây là một sự thông minh. Điều này có thể giúp cho các nhà triết học được tự do khỏi dòm ngó của chính quyền, bởi vì họ nhận thấy một chính quyền không thích hợp, không ở trong vòng kiềm tỏa đó thì có thể di chuyển sang ở chỗ khác. Mặt khác, sự chia rẽ dẫn đến chính trị mất ổn định là những bất lợi cho triết học Ấn Độ, và trên thực tế nhiều vương quốc ở Ấn Độ bị suy yếu hơn so với một đế chế thống nhất, do đối mặt với nạn xâm lược của ngoại bang. Sự xâm lược của ngoại bang ở thời kỳ này hoàn toàn là những tai nạn đối với đời sống trí tuệ của Ấn Độ, đặc biệt đối với Phật giáo.