Đức Phật thường đến trú ngụ ở những miếu thờ. Khi nói về đời sống tịnh hạnh của những vị khất sĩ ở trong núi rừng, chẳng hạn như chính cuộc đời tu tập của Ngài trước lúc thành đạo (tr. 83 ở trên), Ngài đã nói rằng vào những đêm bố-tát của khất sĩ, là lúc Ngài thường đến các miếu thờ trong rừng để thực hành và ngồi thiền ở đó.1 Dường như những nơi này đặc biệt, đối với người khác đây là nơi khủng khiếp và rất đáng sợ. Có thể những nơi này là cây thiêng, xa nơi ở của con người, hoặc thậm chí là chỗ của những bộ lạc du mục, họ cho những nơi này là nơi trú ẩn của ma quỷ, thần linh hoặc nữ thần. Đây là nơi mà những Sa-môn hành cước có thói quen đến viếng: Một số họ có thể đến với mục đích giao tiếp với quỷ thần, nhưng có thể họ đến để nhận đồ cúng và sự cung kính từ cư dân quanh đó, hoặc là cơ hội để họ truyền đạo cho người dân. Tuy nhiên, đối với đức Phật, mục đích viếng thăm các miếu thờ là để thực tập thiền vào ban đêm, khi người địa phương không làm ồn và các loài thú không đến ăn thức ăn mà họ dâng cúng quỷ thần vào ban ngày ở dưới những gốc cây thiêng. Vào ban đêm ở những nơi này thường rất đáng sợ ngoại trừ những ai đã đạt đến định lực lớn và xả ly hết mọi chấp trước, do đó vị Phật tương lai đã xem đây là môi trường tốt để tu tập thực hành niệm trú và thiền định. Khác với ban ngày, những nơi thờ cúng này rất ‘nhộn nhịp’ như đức Phật có lưu ý với tôn giả Ānanda trong chuyến du hóa cuối cùng đến Vệ-xá-ly về miếu thờ Cāpāla và những miếu thờ khác gần thành phố này.
1. M I 20 đề cập điều này.
Có lẽ đức Phật cũng đã nghĩ đến một nơi chiêm bái đặc biệt của Phật giáo, hoặc sửa sang những nơi này thành nơi thích hợp cho việc cử hành lễ bố-tát đặc biệt trong Phật giáo (cho cư sĩ và cho cả tỷ-kheo). Điều này chỉ được ám chỉ rất ít trong Ba tạng giáo lý, nhưng trong Niết bàn kinh (Mahā-parinirvāṇa), chúng ta có một lời đề nghị khác do chính đức Phật nói: Sau lễ hỏa táng, thu thập xá lợi và tôn trí trên một ngôi tháp. Trong một kinh khác có nói ngoài ngôi bảo tháp này còn có ba nơi khác liên quan đến đức Phật, lúc chiêm bái có thể tăng trưởng niềm tin: Đó là nơi đản sinh, thành đạo và chuyển bánh xe Pháp của Ngài. Chưa thể xác nhận phải chăng đức Phật đã đưa ra đề nghị này, hoặc phải chăng phong tục của các tín đồ đến chiêm bái nơi viên tịch và các thánh địa khác liên quan đến Ngài đã phát triển tự nhiên sau khi đức Phật nhập Niết bàn, hay do sau này cộng đồng Phật giáo thêm vào kinh điển. Điều sau dường như dễ chấp nhận hơn, điều trước hoàn toàn không giống với đặc tính của đức Phật như chúng ta đã thấy, nhưng đây thuần túy là sự phán đoán chủ quan.
Nơi thành đạo là dưới một cội cây mà đức Phật ngồi thiền định vào đêm giác ngộ. Trên thực tế cây này hay cây chiết ra từ nó vẫn còn ở đó, bây giờ gọi là Bodh Gayā, người hành hương đến chiêm bái rất đông. Cây này rất đẹp mặc dù hiện nay không lớn lắm, lá tươi tốt và xanh mượt. Bên cạnh cây này có một tòa tháp lớn (tức ‘tháp thờ’). Nơi chuyển bánh xe Pháp đầu tiên nằm ở một công viên gần thành phố Vārāṇasī, được đánh dấu bằng một ngôi chùa, hiện nay chỉ còn nền móng, xung quanh là những ngôi chùa và tịnh xá mới (nơi ở của các tỷ-kheo). (Các tòa tháp và công trình kiến trúc của di chỉ này trông giống ở Bodh Gayā và tất cả chùa, tháp và những trường đại học thời kỳ sau ở bắc Ấn Độ đã bị hồi giáo san bằng sau lần chinh phạt của quân thổ Nhĩ Kỳ, chư tăng bị tàn sát, thư viện bị thiêu rụi và Phật giáo ở đất nước khởi nguyên này bị xóa sạch. Kể từ khi chấm dứt sự thống trị của hồi giáo, Bodh Gayā đã được hồi phục, chùa chiền và tháp miếu được tái kiến ở một vài nơi xung quanh). Nơi đản sinh của đức Phật cũng là một công viên, và thật sự còn một cây thiêng theo truyền thống, mẹ của Ngài đứng tựa vào lúc diễn ra sự kiện này. Hoàng đế aśoka, chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau của chương này, đã đánh dấu di chỉ thánh địa này (hiện nay thuộc nước Nepal và di chỉ này được gọi là Rummindeī, từ một địa danh cổ xưa là vườn Lumbinī) với một trụ đá ở phần đỉnh có con ngựa đứng trên đóa sen úp. (Ngựa không liên quan đến đản sinh nhưng có lẽ biểu tượng này tượng trưng sự xuất gia theo sự tích cưỡi ngựa ra khỏi thành Ca-tỳ-la-vệ). Nhà vua cho dựng trụ đá tương tự trong công viên ở Vārāṇasī, nhưng ở đỉnh trụ có bốn con sư tử đứng trên mỗi bánh xe và cùng nhau cõng trên lưng một bánh xe lớn hơn.
Như vậy, tháp được xây dựng để tôn thờ xá-lợi của đức Phật, theo kinh Niết bàn mô tả, các nước lân cận cũng như nước cộng hòa bắc Malla đều đưa ra yêu cầu sở hữu và vì thế xảy ra tranh cãi. Những người đưa ra yêu cầu này chấp nhận lời hòa giải của một vị Bà-la-môn bằng cách chia cho mỗi nước mỗi phần, như vậy chia ra làm tám phần, mỗi nước xây tháp tôn thờ: tại nước bắc Malla, Nam Malla, Bạt-kỳ, Ma-kiệt-đà (ở thành Vương xá, vì vua A-xà-thế nhận một phần), Śākya, Krauḍya, bulaka và Viṣṇudvīpa. Ngoài ra vị Bà-la-môn này đã xây một ngôi tháp trong làng mình, dùng bình đựng tro cốt của đức Phật còn lại tôn thờ ở đó, và nước của người Mauryas đến muộn, họ thu thập than tro của giàn thiêu và xây tháp tôn thờ (kinh điển Nhất thiết hữu bộ gọi những người đến muộn này là māṇavas, những ‘bà-la-môn trẻ’, nhưng kinh điển của thượng tọa bộ gọi họ là những chiến binh giống với tất cả những người yêu cầu xá-lợi khác, ngoại trừ những Bà-la-môn ở Viṣṇudvīpa). Như vậy, ban đầu có mười ngôi bảo tháp, trong đó tám ngôi được tin là thật sự có xá- lợi của đức Phật. Ở mỗi nơi này đều cử hành lễ tôn trí xá-lợi, sau đó họ tiếp tục duy trì chiêm bái. Những ngôi ‘Tháp’ thời kỳ đầu này có lẽ chỉ là một mô đất hình bán cầu, tương tự nấm mồ thời tiền sử, khác xa với những kiến trúc tháp lớn phát triển bằng gạch và đá về sau này, trở thành ‘chùa’ điển hình như chúng ta gọi bây giờ. Như vậy, tháp ở Kuśinagarī còn nguyên sơ, và sự thật theo truyền thống tháp Krauḍya ở Rāmagrāma là nổi tiếng nhất, vì mọi người tin rằng ngôi tháp này do long thần gìn giữ. Về sau còn có một ngôi tháp (chùa) được xây dựng ở nơi đức Phật nhập Niết bàn.
Còn nhiều nơi khác liên quan đến cuộc đời của đức Phật cũng dần dần trở thành trung tâm chiêm bái và dựng bia tưởng niệm. Ngoài ra còn có nhiều thành thị và những nơi xa khác cũng tuyên bố vinh dự như trên, nhưng không có ghi chép công nhận trong Ba tạng giáo lý cho đến khi họ tự soạn ra những văn bản mới để cổ vũ cho tín tâm đối với những người nhiệt thành ở địa phương. Vì thế, đến thế kỷ ba sau khi đức Phật nhập Niết bàn, dấu tích của đức Phật dường như mở rộng đến cả hindu Kush, sang phía tây bắc và xuống Tamil (Kāñcī), rồi phía nam đến Sri Lanka. Với cách như vậy, dường như họ đã đưa hình ảnh của đức Phật đến với mọi người để cổ vũ tín tâm của họ khắp những đất nước thuộc lục địa Ấn Độ rộng lớn. Những tấm bia đặt ở nơi hành hương chiêm bái được chạm trổ mô tả sự tích về cuộc đời đức Phật để tỏ lòng tôn kính, trong đó có nhiều tác phẩm vẫn còn tại chỗ hoặc lưu trữ ở viện bảo tàng, hiện nay chúng ta có thể thưởng thức, khách thưởng lãm không còn nghi ngờ sẽ nghe hướng dẫn viên thuật lại những câu chuyện chi tiết tương tự. Có lẽ người hành hương tùy chọn đồ lưu niệm được chạm trổ bằng gỗ mang về: một bông sen từ Ca-tỳ-la-vệ, một cây bồ-đề từ Bodh Gayā, một bánh xe Pháp từ Vārāṇasī, một ngôi tháp từ Kuśinagarī, bởi vì đương thời không có phong tục dùng hình tượng tượng trưng cho đức Phật. Sau khi quay về nhà, người hành hương chiêm bái thánh tích tôn trí những vật lưu niệm đó trên bàn thờ của gia đình mình.