Bây giờ chúng ta quay lại chứng cứ về văn học song song với phong trào lớn này để truyền bá và phổ cập Phật giáo. Ở đây chúng ta có thể chú ý đến hai tuyến rõ rệt. Trước tiên, tín đồ Phật giáo tham dự vào xu thế mới của thi ca, xuất phát từ Ma-kiệt-đà cùng thời với đức Phật và suốt ba thế kỷ tiếp theo, đã sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới về luật âm vận và niêm luật của thi ca.2 Thứ hai, để thỏa mãn yêu cầu quần chúng bình dân, Phật giáo đã cho ra đời nhiều chuyện kể, truyền thuyết và đôi khi văn chương mang tính ‘cổ huấn’ cũng được sáng tác tinh tế và cho sáp nhập vào Tiểu A-hàm (Kṣudraka Āgama), hoặc Luật tạng của một số bộ phái (ở trường hợp này, mỗi giai đoạn về cuộc đời đức Phật được mở rộng và tất cả những câu chuyện đó được xen vào những đoạn thơ).
2. Pali Metre (Luật âm vận tiếng Pali) là tác phẩm nghiên cứu phong trào mới về âm vận học. Ở đây chúng ta căn cứ vào những kết luận của tác phẩm này để biết niên đại thi ca của thượng tọa bộ, ngoài ra chúng ta còn nhờ vào nghiên cứu so sánh văn học của các bộ phái, hiện tại ở tác phẩm này chúng ta xác định thời gian và địa điểm của những thi kệ thời kỳ đầu. Tham khảo IKL Vol. Chương XI và XII.
Theo truyền thống thượng tọa bộ, một số tỷ-kheo quy y với đức Phật từng là nhà thơ, thậm chí là diễn viên trước lúc ‘xuất gia’, đương nhiên những cống hiến của họ đối với Phật pháp khá lớn và chuyên sâu. Có lẽ với những thi kệ ngắn tinh túy của các vị tỷ-kheo và tỷ-kheo-ni nguyên gốc trong Tiểu A-hàm dần dần được bổ sung suốt mấy thế kỷ, khả năng là của những nhà thơ này. Trong số đệ tử của đức Phật, nhà thơ nổi tiếng nhất là Vāgīśa, những bài thơ sau (thuộc thi kệ Phật giáo thời sớm nhất và có thể vào thời của đức Phật) được cho là của vị tỷ-kheo này. Vāgīśa vốn là một nhà thơ chuyên nghiệp và có thể ứng khẩu thành thơ. Ở đây là khổ thơ đầu tiên trong một tự truyện bằng thơ:
Ta say mê ca tụng, ngâm nga từ làng này sang làng khác, từ thành phố này sang thành phố khác,
Rồi gặp được đức Phật, bậc siêu việt hết thảy pháp, công hạnh đều viên mãn.3
3. Thag. (Trưởng lão tụng) 1253, cùng với S I 196.
Dưới đây là một đoạn thơ tán thán đức Phật:
Hơn nghìn vị tỷ-kheo lắng nghe đức Thế Tôn thuyết pháp,
Ngài dạy giáo pháp rõ ràng, đạt đến Niết bàn không còn sợ sệt bất cứ điều gì.
Họ lắng nghe diệu pháp được dạy từ bậc Giác ngộ hoàn toàn,
- Trước hàng chúng tỷ-kheo, Như Lai thật rạng ngời!
Ôi đấng Đạo sư, được tôn xưng là ‘Rồng’, bậc thánh của các bậc thánh,
Lời dạy của Ngài như mây lành, như mưa rưới xuống hàng đệ tử.
Sau chốc lát nghỉ trưa, chúng con mong được gặp lại Thầy,
Ôi bậc đại anh hùng, đệ tử là Vāgīśa xin kính lễ dưới chân Ngài.4
4. Thag. 1238, cùng với S I 192-3.
Ca tụng Xá-lợi-phất:
Uyên thâm và trí huệ, tôn giả đã bỏ tà theo chính đạo, Đại trí Xá-lợi-phất, nói pháp cho tỷ-kheo;
Ngài vừa dạy tóm gọn và vừa giảng chi tiết, lời dạy của ngài như chim ca;
Bằng âm thanh vi diệu, nhu hòa và thấm đậm,
Tâm tư các tỷ-kheo được khích lệ và hoan hỷ khi lắng nghe thuyết pháp.5
5. Thag. 1231-3, cùng với S I 190.
Việc dịch thuật chỉ bám theo nguyên nghĩa, không dám thay đổi đặc tính của các bài thơ này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng tôn giả Vāgīśa dùng những ví dụ trực tiếp và một số từ ngữ trữ tình trong chủ đề mới của ông. Trong một bài thơ khác, tôn giả đã miêu tả lời dạy của đức Phật như cơn mưa mát mẻ giúp chúng ta giải trừ nóng bức của ngày hè (rõ ràng sánh với danh xưng ‘Rồng’ ở câu thơ trên; ‘mát mẻ’ ý nói hướng đến Niết bàn, thoát khỏi khổ đau của luân hồi). Ngoài ra còn ẩn dụ thanh âm của đức Phật giống với tiếng của thần ưng.
Bài thơ sau được xem là của tôn giả Ca-diếp (Kāśyapa, rõ ràng là bậc trưởng lão đứng đầu trong Đại hội kết tập lần thứ nhất), và rất nhiều bài thơ khác mà tôn giả Kāśyapa đã mô tả về cảnh núi rừng. Tuy dịch thuật không thể chuyển tải được điểm này nhưng chúng ta có thể chú ý đến chất thơ cao độ trong từ ngữ của bài thơ. Nói chung những ngôn ngữ hàng ngày về ‘voi’, ‘nước’, ‘mây’, ‘chim công’, ‘Tràn đầy’, ‘nơi chốn’… đều không sử dụng đến; nếu muốn miêu tả phải dùng từ đồng nghĩa để thay thế (ngoại trừ điệp từ, đây là một phong cách cổ điển):
Khắp nơi đầy dây leo kết tràng hoa, phong cảnh đẹp làm cho tâm hoan hỷ.
Hòa với tiếng voi vọng lại oai hùng, những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Những đám mây rực rỡ trên bầu trời xanh, nước chảy trong mát,
Khắp nơi là ‘người chăn nuôi của Indra’ (con bọ rùa), những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Mây xanh gợn sóng như mái nhà vòm xinh đẹp,
Tiếng voi rống vui mừng vọng lại, những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Diện mạo núi rừng tươi tỉnh vừa được cơn mưa tắm gội, những bậc thánh tìm đến,
Tiếng công đua nhau ríu rít vang vọng, những vách núi làm mê mẩn lòng tôi.
Quá tuyệt diệu, tôi muốn ngồi thiền, tĩnh tâm, quán niệm,
Đối với tôi thật tuyệt diệu, tôi nguyện cầu những tỷ-kheo đang nỗ lực tu tập được an lành.
Thật tuyệt vời, tôi nguyện cầu cho những tỷ-kheo đang nỗ lực tu tập được an vui,
Thật tuyệt vời, những vị tỷ-kheo nỗ lực tu tập mong muốn được ngồi thiền.
Như khoác trên mình chiếc áo hoa ummā, bầu trời như được mây màu che mát,
Nhiều bầy chim thỉnh thoảng tung bay, những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Người đời không đến quấy nhiễu, nhường cho muôn thú đùa chơi,
Nhiều bầy chim thỉnh thoảng tung bay, những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Nước chảy trong veo trên những tảng đá lớn, bầy trâu tha hồ tắm,
Hồ nước phủ đầy rong sevāla, những vách đá làm mê mẩn lòng tôi.
Tôi chẳng thích gì với tiếng của năm loại nhạc cụ,
Chẳng sánh gì với tâm đã nhập định, tôi đạt được trí tuệ, thâm nhập trực tiếp vào cảnh giới của chính pháp.6
6. Thag. 1062-71.
Những thi kệ giống như thế nếu mục đích không phải để lưu truyền trong chúng tỷ-kheo, thì vị tỷ-kheo xuất sắc đó cũng tìm thấy một nơi thâm u, ở cộng đồng Tăng-già, chứ không ở nơi huyên náo. Thông thường có lẽ những bài thơ ngắn sau đây là phong cách sử thi sớm nhất nói về đức Phật tương lai, ca tụng sự xuất gia của Ngài:
Tôi sẽ ngâm sự kiện xuất gia vĩ đại, một bậc hiền trí đã xuất gia như thế nào,
Trải qua sự suy xét như thế nào, Ngài đã làm nên một sự xuất gia rực rỡ.
Ngài dạy: “Bị giam hãm trong đời sống thế gian, một lối vào bụi bặm”, “Đời sống xuất gia là rộng mở” - nhìn thấy như vậy Ngài đã xuất gia.
Sau khi xuất gia, Ngài đã tránh xa các ác hạnh,
Tránh xa lời nói xấu ác, Ngài đã thanh tịnh đời sống của Ngài.
(Người tường thuật bỗng nhiên đi vào một tình tiết rất nổi tiếng sau này nói về sự hội ngộ giữa vị Phật tương lai và vua tần- bà-sa-la xứ Ma-kiệt-đà:)
Đức Phật (nhưng lúc này chưa thành đạo) đi đến thành Vương Xá, Thủ đô núi cao của vương quốc Ma-kiệt-đà,
Ngài khất thực men theo con đường, toàn thân tỏa ra phong thái diệu kỳ;
Từ trên cung điện, vua Tần-bà-sa-la nhìn thấy Ngài,
Với dung mạo tuyệt vời của Ngài, nhà vua nói rằng…
(Nhà vua ca ngợi phong thái cao thượng của vị Sa-môn này và ra lệnh cho sứ thần đến hỏi Ngài đi đâu; sứ giả được nghe trả lời là đã đi qua núi Pāṇḍava, một trong năm rặng núi lớn của thủ đô cao nguyên này, đợi sau khi khất thực xong, nhà vua cùng người đánh xe của mình đến gặp Ngài, sau khi chào hỏi và bắt đầu câu chuyện:)
“Hiền giả còn trẻ, thanh xuân, tóc xanh,
Khôi ngô và cao lớn, xuất thân từ gia đình của một chiến binh,
Có thể làm nên một chiến công vinh quang, lãnh đạo một đội quân cưỡi voi!
- Ta sẽ cấp đất cho Ngài, hãy hưởng thụ chúng! - Bây giờ hãy nói hiền giả là ai?
“Ôi thưa thật với Hoàng thượng, đất nước tôi nằm trên những sườn núi Himālaya,
thuộc vương quốc Kośala, tài nguyên giàu có và mạnh mẽ,
Bộ tộc của tôi thuộc Mặt Trời, dòng tộc của tôi là Thích Ca,
- Tôi đã thoát ra khỏi dòng tộc đó, không phải là để hưởng thụ thú vui.
Đã hiểu được sự vô ích của thú vui, xuất gia mới an ổn,
Tôi nay tu khổ hạnh - chỉ có việc này mới kích khởi tâm tôi”.7
7. Sn 405-9. Cùng với MSV, SoR I tr. 94-5.
Những đoạn thơ tương tự khác mô tả ‘sự tu tập’ để đạt đến giác ngộ của đức Phật ở bên bờ sông Nairañjanā (gần thành Uruvilvā và Bodh Gayā, nhưng Bodh Gayā nằm khá xa dòng sông này). Đoạn này phát triển sự đối thoại với thần Chết. Thần Chết thuyết phục vị Phật tương lai từ bỏ cố gắng cam go này, khổ hạnh và phóng túng là niềm vui của hết thảy thế gian - chỉ cần hết lòng làm tốt công việc chứ không cần phải cố gắng như thế. Đức Phật từ chối những lời cám dỗ và thái độ đạo đức giả này, vì đời sống mà thần Chết đề cập chỉ là sự trì hoãn của cái chết, thế rồi Ngài tiếp tục tu tập cho dù thịt và máu khô kiệt (ví như nước sông cạnh đó vào mùa khô cạn), nhưng trí óc càng sáng và gia tăng niệm trú, huệ quán và định lực. Ngài hàng phục ‘quân ma’ của thần Chết - ái dục, cô đơn, đói, khát và những điều khác. Thần Chết đành thất bại bỏ đi - giống con quạ mổ nhầm viên sỏi mà tưởng miếng thịt - trong lúc bối rối thần Chết đánh rơi cả cây đàn vīṇā đang cầm trên tay.8 ‘Cách cám dỗ này của thần Chết’ trước lúc thành đạo trở thành một chủ đề thông dụng trong Phật giáo, bằng nhiều loại hình nghệ thuật miêu tả tình tiết đặc thù này trong cuộc đời đức Phật, và dần dần trở thành một sự kiện quan trọng trong Phật giáo phổ thông.
8. Sn 425-49.
Sau đây là một đoạn thơ tự thuật của tỷ-kheo Sunīta:
Tôi sinh ra trong gia đình giai cấp thấp, nghèo và khổ,
Công việc của tôi thấp hèn - tôi là một người quét rác
Mọi người ghét bỏ, coi khinh, đối xử thậm tệ;
Trong đầu tôi phải biết nhường nhịn, phải cúi chào mọi người.
Kể từ khi được gặp đức Phật, hướng dẫn hàng tỷ-kheo,
Bậc đại anh hùng, đi vào thủ đô của Ma-kiệt-đà.
Tôi bỏ cái sào luôn bên mình xuống và tiến đến vái chào
- Bậc thầy của loài người đã đứng đợi tôi, xót thương.
- Tôi đảnh lễ dưới chân của Thầy, rồi đứng qua một bên.
Tôi đã xin bậc chí tôn của loài người cho phép được xuất gia.
Ngài nói với tôi: ‘Này đến đây tỷ-kheo!’- đó là ‘sự thọ giới’của tôi (gia nhập Tăng-già) (tôn giả Sunīta tuân thủ lời giáo huấn của bậc Đạo sư, chứng đắc giác ngộ và giải thoát ngay đêm ngồi thiền đó).
Đêm đã tàn, lúc hừng đông vừa ló rạng,
Vua trời Phạm thiên và chúng Phạm thiên đến và chắp tay chào tôi:
“Chúc mừng tôn giả, bậc trí giữa loài người! Chúc mừng tôn giả, bậc tối thượng của loài người!
Các lậu hoặc đã diệt tận trong tôn giả, bạch tôn giả, tôn giả thật sự là một bậc anh tài…”
Nói cách khác, tôn giả Sunīta là một Bà-la-môn chân chính, xuất thân tối thắng và cao quý của Bà-la-môn. Tôn giả Sunīta cũng là vị thần cao nhất trong những vị thần và Thượng đế cũng đến chào cung kính. Ở cuối bài thơ, tôn giả Sunīta bảo cho chúng ta biết rằng đức Phật đã giảng giải cho tôn giả biết một bà-la- môn chân chính là người sống đời ‘phạm hạnh’, gìn giữ giới luật, chế ngự chính mình.9 Kể từ đây Phật giáo bắt đầu biểu hiện một sự phổ cập: Có sự phân biệt ở cấp độ, dùng công đức thay thế địa vị xuất thân của dòng tộc, điều này đức Phật hoàn toàn không thiên kiến, một vị tỷ-kheo có thể ngồi chung với thiên thần và thậm chí cao quý hơn cả họ.
9. Thag. tr. 620 trở xuống.
Ở trên đã trích dẫn nhiều thi kệ ở giai đoạn sớm nhất hiện còn trong văn học Phật giáo. Một bài thơ dưới đây có thể ra đời một thế kỷ sau đó, có lẽ vào khoảng năm 400 TTL. Ở đây giáo lý đạo đức và xã hội của đức Phật được trình bày theo thể thơ và loại hình thi kệ này hầu như không chỉ dành riêng trong tụng đọc của chư tăng mà còn lưu hành trong xã hội:
Người đã chứng nhập vào cảnh giới thanh tịnh, luôn khéo làm việc vì hạnh phúc của người khác;
Vị ấy có khả năng, vững bước, rất dũng mãnh, dùng lời nói tốt đẹp, dịu dàng và không còn kiêu ngạo,
Biết đủ, dễ biết đủ, tránh việc phiền toái và quen sống tiết kiệm,
Các giác quan thanh tịnh, trí huệ, không ngạo mạn, không tham lam giữa mọi người,
Vị ấy vô tác, nghĩa là không nhiễm ô trước sự chê bai của người khác,
Giúp tất cả chúng sinh hạnh phúc và an toàn, hết thảy được hạnh phúc!
Bất kỳ chúng sinh nào, yếu hèn hay mạnh mẽ, đều không phân biệt,
Cho dù cao to hay lớn khỏe, vừa hay nhỏ, vi tế hay thô nặng;
Thấy được hay không thấy, ở xa hay ở gần,
Đã sinh ra hay đang mong đợi sinh ra, nguyện hết thảy đều hạnh phúc!
Không ai có quyền coi thường người khác hoặc chê bai người ở nơi khác,
Hoặc tức giận, hoặc ganh ghét trù dập làm cho họ bất hạnh.
Như người mẹ chăm sóc đứa con một, bằng cả mạng sống của mình,
Thậm chí tu tập tâm mình phát triển, không hạn lượng, đối với tất cả chúng sinh.
Tâm yêu thương toàn thế giới, một người phải tu tập tâm vô lượng,
Đối với cõi trên, dưới, xung quanh, không khoanh vùng, không sân hận, không oán đối;
Bất cứ đứng, đi, ngồi, nằm, người ấy đều không bị si mê chi phối,
Người tu tập cần phải quyết tâm niệm trú (từ ái) - như vậy họ gọi đây là con đường sống đời phạm hạnh.10
10. Sn 143 trở xuống. Bị lược bỏ khổ cuối, âm vận của nó cho thấy được thêm vào sau này.
Những hình thức thi ca phổ biến trong Phật giáo, chúng ta tìm thấy nhiều bài thơ dường như siêu xuất tư tưởng nghiêm khắc của Phật giáo, mở rộng phạm vi hội nhập vào lĩnh vực truyền thuyết và chuyện kể phổ thông. Những hình thức này có thể gián tiếp giảng giải các khái niệm của Phật giáo, hoặc thậm chí biểu hiện những dấu hiệu đồng bộ và hấp thu với mục đích để giáo hóa. Hãy quay lại một chút với thời kỳ sớm nhất, chúng ta thấy những bài thơ rất lạ sau đây trong một bản kinh thuộc Trường bộ kinh của thượng tọa bộ (kinh số 32), đồng thời cũng có trong kinh điển của Nhất thiết hữu bộ11 và Ba tạng giáo lý tiếng Trung Quốc. Những hình thức thi kệ này xem ra có cùng tư tưởng với những chuyện kể về xã hội lý tưởng mà chúng ta đã đọc ở Chương 6, nhưng ở đây, xã hội này được cho là tồn tại trên trái đất mà hiện nay chưa thể đạt đến, chứ không phải ở thời xưa hay trong tương lai:
11. Āṭānāṭika Sūtra (Tỳ sa thiên vương kinh) (bản của hoffmann).
Cõi sung sướng Uttarakuru, gần núi Meru xinh đẹp,12
12. Núi ở trung tâm Trái Đất, tức Nam cực. Tiếng Pali là Neru.
Con người ở đó sinh ra không có ích kỷ, không có tư lợi;
Họ không cần trồng trọt, không cần kéo cày;
Con người ở đó thưởng thức những loại lúa tự mọc, không cần chăm sóc.
Lúa không có vỏ hay bì, sạch và thơm,
- họ nấu chúng trong một quả bầu và rồi thưởng thức bữa ăn…
…Cây cối luôn ra quả, nhiều loài chim đến líu lo trên cành, tiếng vang vọng của chim công, chim diệc và chim cúc cu hiền dịu…13
13. D III tr. 199 trở xuống.
Một bộ sưu tập chuyện kể lớn nhất, ít nhất trong Ba tạng giáo lý của thượng tọa bộ là bộ kinh Bổn sinh (Jātaka) thuộc Tiểu A-hàm. Hiện tại bộ sưu tập này bao gồm 550 câu chuyện, nhưng những câu chuyện này bị vây quanh bởi nhiều tình tiết nhỏ hơn dần dần được tập hợp lại. Bộ phận này của Tiểu A-hàm bằng thể thơ ngoại trừ cốt truyện (bao gồm văn xuôi và thơ). Tuy nhiên có một số chuyện kể chỉ một bài thơ, trong khi những câu chuyện khác là sử thi đúng nghĩa, gần cả nghìn bài thơ. Như vậy, có một số hoàn toàn là sự mô tả sự thật, trong khi những câu chuyện khác chỉ xác nhận câu chuyện chứ không mô tả nó, vừa là hồi ức mà người miêu tả biết nó và viết lại bằng từ ngữ của mình, hoặc vừa là điểm nhấn của một câu chuyện, chẳng hạn như ý nghĩa mang tính quyết định của những câu vấn đáp trong đàm thoại, trên thực tế có cùng mục đích. Những chuyện kể này không được viết đầy đủ trong truyền thống thượng tọa bộ qua nhiều thế kỷ (một số câu chuyện đã bị quên một nửa), khi mà chúng được đưa vào hình thức ‘sớ giải’ viết thành những đoạn thơ (như chúng ta có trong kinh điển tiếng Pali hiện nay) ở Sri Lanka. Một số ít bài thơ trong những bộ Jātaka giống với những bài thơ cổ điển ở giai đoạn sớm nhất, nhưng công việc sáng tác tiếp tục ở nhiều thế kỷ kế tiếp. Đoạn tiếp theo được trích xuất từ những sử thi dài ra đời khoảng năm 400 TTL giống với bài thơ nói về từ bi ở trên. Ở đời sống kiếp trước của đức Phật, Ngài từng làm đại thần tên là Ma- hauṣadha, một địa vị hiển hách trong triều đình, khiến cho bốn đại thần khác ganh tỵ. Họ âm thầm gièm pha với nhà vua rằng Ngài là một người phản bội, và đề nghị thử đề cập bóng gió đến một số vấn đề bí mật để phát hiện bản tâm của Ngài. Nếu Ngài nói ra điều bí mật mà không được phép tiết lộ với mọi người, họ đề nghị nhà vua không nên tin vào Ngài nữa. Đoạn đối thoại diễn ra như sau:
Vua: Năm vị hiền tài đã đến - một câu hỏi khởi lên trong ta, hãy lắng nghe:
Cho dù chuyện tốt hay chuyện xấu, một điều bí mật có thể tiết lộ cho người khác không?
Senaka: Nếu Bệ hạ cần nói ra, đấng bảo trì trái Đất, chúa tể, điều hành vạn vật, hãy nói cho các thần điều đó;
Theo sự mong muốn và hứng thú, vì vua của thiên hạ, năm cận thần này sẽ nói hết.
Vua: Một điều bí mật có thể tiết lộ cho vợ, cho dù đó là việc tốt hay việc xấu, chỉ cần người vợ trung thực, không gần với người khác, biết thuận theo sự kiểm soát suy nghĩ và nguyện vọng của chồng.
Senaka: Một việc bí mật có thể tiết lộ cho một người bạn thân, cho dù…
Nếu người bạn đó là chỗ thân cận của người ấy trong khó khăn cũng như buồn lo, là chỗ an toàn, là người ủng hộ.
(Ba vị đại thần khác là một nhóm có cùng âm mưu, họ đều nói rằng một điều bí mật có thể tiết lộ cho anh em trung thành, cho con trai ngoan và mẹ hiền, thế rồi:)
Mahauṣadha: giữ việc bí mật là tốt, tiết lộ bí mật là xấu,
Người hiền đức cần hiểu nó khi chưa sinh ra kết quả,
Nhưng khi sự việc đã xong, người đó có thể vui vẻ nói ra.
(Nhà vua có được kết luận như dự tính và sau đó bí mật ra lệnh tử hình Mahauṣsadha, nhưng nghĩ lại công lao trước đây của vị đại thần này, nhà vua đem sự việc bí mật này nói với hoàng hậu:)
Hoàng hậu: Tâu Bệ hạ, có gì buồn phiền chăng? Điều này chúng thiếp đã nghe, nhưng không giống với lời của miệng rồng!
Nghĩ đến việc tại sao Bệ hạ lo buồn? Ôi Bệ hạ, thần thiếp không có tội (xin hãy tha thứ)!
Vua: ‘Hiền nhân Mahauṣadha phải bị tử hình’, bởi vì Trẫm đã ra lệnh xử tử vị hiền nhân này,
Trẫm thật buồn khi nghĩ về điều đó. Ôi Hoàng hậu, nàng không có lỗi gì.
(Cho dù mệnh lệnh này có tuyệt mật thế nào, trước lúc bị bắt, Mahauṣadha đã ra đi. Theo ‘sớ giải’ - vì tình tiết liên quan này hầu như chỉ tìm thấy trong miêu tả bằng văn xuôi, thật sự những đoạn thơ này chỉ nằm trong lời đối thoại - ngày hôm sau, ông ta đã khống chế thủ đô và rồi đối mặt với nhà vua. Nhưng đoạn sau không xác nhận ông làm đến bước này, nhưng chỉ nói thỉnh thoảng ông ta chắc chắn có gặp gỡ nhà vua mà ở đó có cả những vị đại thần khác; chúng ta có thể đoán, sau khi được bảo đảm an toàn, ông ta đã ẩn cư:)
Vua: hiền nhân đã biến mất vào ban đêm và bây giờ xuất hiện, đã nghe được những gì mà biết được?
Ai nói cho ông, hỡi hiền nhân? bây giờ chúng ta muốn nghe những lời đó, hãy nói cho ta biết!
Mahauṣadha: ‘Người thông minh như Mahauṣadha phải biết bị tử hình’. Tâu Bệ hạ, nếu ban đêm Bệ hạ bí mật thảo luận, tự mình nói với vợ, điều bí mật đó đã tiết lộ, bị tôi nghe được.
(Nhà vua nhận ra điểm này và cảm thấy tức giận hoàng hậu, nhưng Mahauṣadha liền nói tiếp như sau:)
Việc làm xấu xa của Senaka trong rừng cây śāla, ông ta đã làm điều tệ bạc, ông ta đã nói với một người bạn; việc bí mật này bị tiết lộ, bị tôi nghe được.
(Senaka thừa nhận việc này và sau đó bị bắt)
Người thân tín Putkasa, thưa Bệ hạ, người ông ta có bệnh, không thích hợp cho công việc của triều đình. Ông ta đã nói điều bí mật này cho người anh của ông ta…
(Putkasa bị bắt, đồng nghĩa hai vị đại thần khác, một người không đủ khả năng với công việc và người khác thì làm thâm hụt tài sản quốc gia; họ đã tiết lộ điều bí mật cho con trai và mẹ của họ. Cả hai đều bị bắt, sau đó Mahauṣadha kết luận công án này bằng cách nói lại bài thơ đầu của ông về chỗ tốt của việc giữ bí mật…).14
14. Jātaka (Bổn sinh kinh) VI tr. 379 trở xuống.
Rất khó để thấy được việc này có liên quan đến đạo đức Phật giáo, ngoại trừ việc nhận ra sự thật rằng nói lời chân thật là đức hạnh, chỉ Sa-môn xuất gia mới có thể làm được. Nhưng điểm trọng yếu của câu chuyện này là để ca ngợi trí huệ của đức Phật trong tiền kiếp. Biểu diễn nghệ thuật kịch trên sân khấu cũng là một điều thú vị, dường như đây cũng là một phương diện hoằng pháp cần thiết. Mặc dù trong Ba tạng giáo lý không có hình thức kịch thật sự (dĩ nhiên không tính đến những văn bản được thêm vào Ba tạng giáo lý tiếng Tây Tạng), nhưng chúng ta vẫn thấy bằng chứng chương tiết hoàn toàn như hình thức kịch trong đó, đặc biệt là ở Tạp A-hàm, lễ hội của cộng đồng Phật giáo được tổ chức trên sân khấu. Không nghi ngờ, những vị tỷ-kheo và tỷ-kheo-ni đi xem kịch được coi là không thích hợp, nhưng những học giả hiện đại đã hiểu sai và nhầm ở vấn đề này. Như chúng ta thấy ở trên (tr. 261), lễ hội dường như không được xem là có hại đối với cư sĩ tại gia, tuy nhiên ‘đam mê’ chúng thì có hại. Thật sự điểm quan trọng là tính chất của lễ hội, như vậy tín đồ Phật giáo dần dần biên soạn những kịch bản biểu diễn cũng như những loại hình văn học khác, chúng ta sẽ phát hiện mỗi giai đoạn nhất định họ đã sáng tác một loạt kịch, rất phong phú. Ngoài ra còn có những vở kịch đàm thoại không giống đoạn trích dẫn ở trên, hoàn toàn mang nội dung Phật giáo, có lẽ cùng một giai đoạn, khoảng thế kỷ IV TTL.
Có lẽ vào khoảng nửa cuối thế kỷ IV TTL hoặc muộn hơn, một số thi kệ được cho là của Āmrapāli sau khi bà xuất gia trở thành tỷ-kheo-ni, viết về vô thường. Ở đây trích dẫn mấy câu:
Tóc của ta gợn sóng, đen như những chú ong;
Qua thời gian khô cứng như đống lá: đúng như những lời này, không sai!
Cổ của ta một thời lộng lẫy, như vỏ ốc bóng loáng;
Qua thời gian, nó tàn tạ, gầy mòn: đúng như những lời này, không sai!
Ngực của ta một thời lộng lẫy, đầy đặn và tròn, chắc chắn và nhô cao;
Qua thời gian như bị khô rúm,15 chúng teo tóp: đúng như những lời này, không sai!
15. Đọc là īti.
Đôi chân của ta một độ lộng lẫy, giống như hai chiếc ngà voi;
Qua thời gian, chúng giống như hai khúc tre: đúng như những lời này, không sai!
Như thân của ta đây - bị tàn tạ, trở thành một nơi chứa nhiều khổ đau,
Nó như một ngôi nhà cũ nát, vôi vữa rơi vãi: đúng như những lời này, không sai!16
16. Thīg (trưởng lão ni tụng) tr. 252-70 (phiên bản thượng tọa bộ là Sthavirīgāthā).