Ba tạng giáo lý của thượng tọa bộ còn lưu một bài thơ73 mô tả người anh của vua Aśoka, tên là Tiṣya, đã xuất gia làm tỷ-kheo. Âm vận của bài thơ này dường như phù hợp với thời điểm lúc bấy giờ. Ở đây trích dẫn một vài đoạn như sau:
73. Thag. (Trưởng lão tụng) tr. 537 trở xuống. Tham khảo Mahāvaṃsa (Đại sử) V tr. 154 trở xuống.
... Tự tại vắng lặng và thanh tịnh, Ta đi vào một khu rừng yên tĩnh
Nó tạo cho ẩn sĩ niềm vui và thường thấy voi rừng lui tới.
Rửa tay chân bằng nước mát trong khe núi
Ta sẽ thiền hành một mình trong rừng mát đầy hoa…
Ta sẽ xuyên thủng vô minh, ngồi trên đỉnh núi,
Gió mát hương thơm thổi đến…
Ý nghĩa của bài thơ này có quan hệ mật thiết với tư tưởng của vua Aśoka cùng với một bài thơ trong kinh Pháp Cú thuộc Tiểu A-hàm. Đây là tuyển tập bằng thơ được rút tỉa từ những kinh điển nguyên thủy và có thêm nhiều thi kệ mới. Trong đó đa số ở thể thơ bốn câu, thỉnh thoảng một cặp bốn câu. Những thi kệ này có lẽ có niên đại cách xa nhau nhưng cấu trúc âm vận tương tự văn học thượng tọa bộ74 cho thấy niên đại nói chung vào khoảng đầu thế kỷ III TTL. Điểm quan trọng của hợp tuyển bằng thơ này là tính chất phổ thông và không chuyên môn, diễn tả những lý tưởng xã hội của Phật giáo, rất hài hòa với chính sách và thực tiễn tu tập của vua Aśoka đang cố gắng truyền bá. Ở đây trích dẫn vài đoạn:
74. Dh. (Kinh Pháp Cú). Số kệ tụng được được đánh số ở cuối câu.
Sân hận không thể giải quyết hận thù ở trên đời này
Không sân hận mới xóa được hận thù - đây là nguyên tắc vĩnh viễn. (thi kệ 5)
Như một tràng hoa được kết từ những bông hoa,
Làm người sống ở thế gian này phải làm nhiều việc tốt. (thi kệ 53)
Hương thơm của những bông hoa không bay ngược gió,
- cho dù trầm hương hay tagara hay hoa lài,
- nhưng hương đức hạnh có thể bay ngược gió,
tiếng lành của người làm việc tốt lan xa muôn phương. (thi kệ 54)
Chớ xem nhẹ việc xấu nhỏ - bảo rằng ‘nó không ảnh hưởng tôi’,
Giọt nước tuy nhỏ nhưng lâu sẽ đầy bình,
Người ngu tích lũy dần đầy việc xấu ác. (thi kệ 121)
Người ngu làm tổn hại người tốt,
Người trong sạch thì không chút đáng trách,
Việc làm xấu ác quay lại với người tạo ra chúng,
Giống như người ngược gió tung bụi. (thi kệ 125)
Ai cũng sợ bạo lực, ai cũng quý trọng mạng sống:
Hãy coi người khác cũng như mình, chớ giết hoặc chớ xúi giết. (thi kệ 130)
Người ngu lớn lên cũng giống một con bò:
Cơ bắp phát triển, nhưng hiểu biết chẳng có gì! (thi kệ 152)
Nhẫn nhục là khổ hạnh cao nhất cùng với tha thứ;
Đức Phật dạy Niết bàn là cao nhất (tất cả mọi thứ):
Người làm hại người khác thì không gọi là người xuất gia,
Người hành hạ người khác thì không gọi là Sa-môn! (thi kệ 184)
Hãy sống thật hạnh phúc, giữa những người sân hận chúng ta không sân hận!
Giữa những người sân hận, chúng ta hãy sống không sân hận! (thi kệ 197)
Hãy sống thật hạnh phúc, vì chúng ta không mưu cầu gì,
Hãy nuôi sống chúng ta bằng niềm vui như thần linh ở cõi ánh sáng! (thi kệ 200)
Người chinh phục sinh ra sân hận, người bị chinh phục đau khổ,
Người vắng lặng có được hạnh phúc, đã vứt bỏ chiến thắng và thất bại. (thi kệ 201)
Sức khỏe là lợi lạc cao nhất, biết đủ là tài sản lớn nhất,
Chân thật là người thân thiết nhất, Niết bàn là hạnh phúc cao nhất. (thi kệ 204)
Người tốt có thể thấy được từ đằng xa như dãy núi Himālaya,
Người xấu không thể thấy được dù ở trước mặt như mũi tên bắn vào đêm đen. (thi kệ 304)
Như nước trên lá sen, như hạt cải không ngại mũi dùi;
Người không dính vào vui thú - Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. (thi kệ 401)
Dưới đây là một bài thơ rất có ý nghĩa được phát hiện trong một câu chuyện của kinh Bổn sinh (J V 483):
Bầu trời vươn xa, mặt đất cũng trải rộng,
Bờ kia của đại dương nghe nói cũng xa,
Ôi đại vương, người ta nói có cái còn xa hơn những điều đó,
Đó là pháp lực vô biên, cho dù thế nào đi nữa.
Bộ phận văn học này là lời đối thoại mang tính kịch như trong Tạp A-hàm (theo bản tu chỉnh của thượng tọa bộ có khả năng nằm ở giai đoạn này), dường như biểu hiện kịch tính là sự đối nghịch giữa tư tưởng Phật giáo và những tư tưởng thấp hơn. Có lẽ điều này chỉ sử dụng trong những lễ hội tốt mà vua Aśoka ám chỉ trong một sắc lệnh của ông. Quyển đầu của Tạp A-hàm bao gồm 300 đoạn pha trộn giữa văn xuôi và văn vần, do đó những nhà sớ giải về sau quy chúng về một loại gọi là ‘ứng tụng’ (geya), nghĩa đen là ‘dùng để ca ngâm’. Đặc biệt ‘ca ngâm’ ở đoạn này dường như không thích hợp, vì thế có lẽ chúng ta nên hiểu là ‘để biểu diễn’, như vậy sẽ hợp hơn (đây là một sự phỏng đoán,75 truyền thống này hầu như không ghi chép tính biểu diễn của những đoạn kinh này và sớ giải thích nghĩa không cho thấy chúng khác với những kinh văn bằng thơ khác). Những đoạn kệ tụng này hầu hết thuộc hình thức đối thoại, đặc biệt là để biểu hiện nhiều tính cách nhân vật khác nhau. Đa số những đoạn kệ tụng do một vị thần nói lên bằng thơ và đức Phật trả lời với một ý nghĩa hoàn hảo hơn. Trong đó có khoảng 60 đoạn kệ tụng mang tính biểu diễn của kịch tuồng: thay vì thần linh im lặng đồng ý tiếp nhận lý tưởng vi diệu mà đức Phật thuyết, thì họ lại đưa ra những tư tưởng trái ngược với tiêu chuẩn hiện hành trong thế giới này như quan điểm không bạo lực, khoan thứ...
75. Tham chiếu IKL (Văn học bình dân Ấn Độ) I tr. 156 và II tr. 57.
Chiến tranh diễn ra giữa các vị thần và ma quỷ là chủ đề phổ biến trong thần thoại Bà-la-môn giáo cổ điển. Những đoạn kệ tụng trong Tạp A-hàm đã hấp thu điều này với mục đích dung hòa trong Phật giáo. Ví dụ một trong những kệ tụng đó,76 có cuộc chiến diễn ra giữa những vị thần linh đã chiến thắng và vua của dân ma bị bắt, họ trói lại và mang đến trước mặt vua trời Śakra (Indra). Sau khi hắn ta bị giải đến cung điện của vua trời Śakra và rồi được cởi trói, Ma vương liền lớn tiếng mắng chửi vua của các vị trời (ngôn từ này không thấy viết trong kinh văn, chỉ thấy ở đoạn văn xuôi có tóm tắt hành vi này, nhưng sớ giải bổ sung mấy ví dụ: “Ăn cướp! Đồ ngu! Con bò! Con lừa! bọn ta sẽ chiến thắng lần sau!”). Vua trời Śakra giữ im lặng đối mặt với lời chửi mắng này, vì thế người đánh xe ngựa của vua trời là Mātali trách ông ta, và đoạn thơ đối thoại diễn ra giữa hai nhân vật này:
76. S I tr. 221 trở xuống.
M: Thượng đế Śakra, bệ hạ sợ hay là do yếu đuối mà bệ hạ nhẫn nhịn,
Vì bệ hạ nghe những lời thô bạo từ tên Vemacitrin (Ma vương) phải không?
Ś: Trẫm không sợ cũng không yếu đuối, mà là tha thứ cho Vemacitrin,
Một kẻ hiểu biết như chính trẫm làm thế nào có thể thốt ra những lời ngu xuẩn chăng?
M: Người ngu càng hung dữ nếu không có ai áp chế bọn chúng,
Vì thế người thông minh phải cho kẻ ngu một trận đòn.
Ś: Trẫm nghĩ chỉ có cách này mới trấn áp kẻ ngu:
Ông ta biết người nổi khùng, nên tự kiềm chế và giữ bình tĩnh.
M: Sự khoan dung này đối với thần là sai, tâu Vāsava (Śakra):
Người ngu nghĩ: “Vì sợ nên ông ta không dám làm gì tôi”,
Cái sọ này như một con bò đực, càng hăm dọa Bệ hạ nếu để nó sổng mất.
Ś: Hắn có thể nghĩ vậy hoặc không, ‘Vì sợ mà ông ta không dám làm gì tôi’,
- không có gì lợi hại bằng nhẫn nhịn, cao thượng nhất trong tất cả điều lành;
Thật sự một kẻ mạnh là biết nhẫn nhịn kẻ yếu,
- điều này được gọi là nhẫn nhục cao nhất; đối với kẻ yếu càng luôn nhẫn nhịn!
Loại bạo lực được gọi là yếu đuối, sức mạnh của hắn ta là sức mạnh của kẻ ngu;
Loại sức mạnh này là vô địch, mà nó bảo vệ bởi chân lý.
Do đó, cả hai bên đều tồi, vì ông ta đối trị người sân hận bằng sân hận;
Người không dùng bạo lực đối trị người bạo lực, là người chiến thắng ở chiến trường ác liệt nhất.
Người đem lại cho hai bên lợi lạc, cho chính mình và người khác,
Ông ta biết kẻ khác nổi khùng và vì thế tự kiềm chế và giữ bình tĩnh.
Đây là cách hàn gắn đôi bên, cho chính mình và cho người khác;
Nếu người ta nghĩ: “Ông ta là người ngu” - thì họ không biết chân lý là gì.
Điều này thật sự nằm ngoài tính cách của một vị vua các thiên thần, thần chiến tranh Indra của người Aryan cổ xưa, nhưng trong kinh điển Phật giáo ông ta luôn xuất hiện như một người ủng hộ Phật giáo: Phật giáo quan niệm rằng những Bà-la-môn đã hiểu nhầm ông ta trong hệ thống Vệ Đà của họ.
Một đoạn kệ tụng khác77 thuộc hình thức văn học thần thoại của Bà-la-môn giáo, nói về một con quỷ muốn nuốt Mặt trời và Mặt trăng nên tạo thành hiện tượng nhật thực. Trong thần thoại nguyên sơ, sự tấn công này không có hại, bởi vì ma quỷ từ xưa đã tự cắt đầu chúng (nhưng chúng vẫn sống được), do đó một vị thần bị nuốt chửng lập tức xuất hiện lại. Trong phiên bản kinh điển Phật giáo có một kệ tụng miêu tả thần Mặt trời (hay thần Mặt trăng) kêu cứu đức Phật giúp đỡ. Sau đó đức Phật khiển trách Ma vương (sử dụng một kệ tụng giảng dạy về lòng từ bi), không thể kháng cự lại lời dạy của Ngài, Ma vương liền thả nạn nhân của nó.
77. S I tr. 50 trở xuống.
Thậm chí cảnh giới Niết bàn cũng được kịch hóa:78
78. S I tr. 133.
Thần chết tiến đến tỷ-kheo-ni Upacālā và hỏi: “Cô muốn tái sinh ở cõi nào?” Vị tỷ-kheo-ni trả lời: “ta không muốn tái sinh ở đâu cả, thưa ông”. Thần chết nói lên bài thơ này:
“Có trời Ba mươi ba, trời Yāma và Tuṣita, trời Nirmāṇarati và Vaśavartin;
Hãy chú tâm vào những cõi đó, cô sẽ thích chúng”.
Upacālā:
“Trời Ba mươi ba, trời Yāma và Tuṣita, trời Nirmāṇarati và Vaśavartin,
đều bị ngươi trói bằng những chiếc cùm lạc thú và trôi lăn qua lại trong sức mạnh của thần Chết.
Toàn vũ trụ là một lò lửa nung đốt,
Toàn vũ trụ là ngọn lửa rung chuyển.
Không động, không chuyển, không như người đời mong cầu,
Ở đó thần Chết không thể đến - tâm của ta hướng lên như vậy.”
Thế rồi thần Chết, kẻ xấu xa ấy không vui và chán nản, nghĩ rằng: “tỷ-kheo-ni upacālā hiểu hết ta rồi!” và trốn biệt tăm.
Sự kiện thường thấy đó là sự ‘cám dỗ’ bằng ‘Tham vọng’, ‘bất mãn’ và ‘ái dục’ của những đứa con gái của Ma Vương đối với vị Phật tương lai cũng được tìm thấy trong thi tập này.79 Chúng trách Ngài không thân thiện, nhưng Ngài bảo cho chúng biết mục đích của Ngài là để hàng phục ‘quân địch bên ngoài giả vờ thân thiết và ngọt ngào’ và để đạt đến lợi ích và an tịnh của con tim, hiểu biết và hạnh phúc chân thật.
79. S I tr. 124 trở xuống.