Chúng ta đã nói đến sự tồn tại 13 trường phái. Nhưng theo truyền thống, con số cuối cùng, ít nhất là 18 trường phái thời kỳ đầu (gồm cả những trường phái thuộc Đại thừa). Thực tế, trong những nguồn tư liệu khác nhau cho thấy một số khác biệt nhỏ, có thể con số lên đến 25 hoặc 26 trường phái, mặc dù tư liệu đã xác nhận là 18 và thành lập muộn hơn (trường phái cuối cùng được thành lập vào khoảng thế kỷ IV TL). Để bảo vệ con số 18, chúng ta phải kẻ một đường ranh giới tại năm 50 TTL. Ba trường phái quan trọng đã tách khỏi Thượng tọa bộ sau triều đại vua Aśoka. Có lẽ đến cuối thế kỷ III TTL, trường phái thường được biết đến là Hóa địa bộ đã rút tỉa một số luận điểm trong Luận tạng (giống với Nhất thiết hữu bộ: chủ trương có hai loại ‘vô vi’, hư không không thuộc nhân duyên hòa hợp (saṃskṛta) - hoặc ‘bị phụ thuộc’, xem tr. 182, tập 1); tên gọi của trường phái này thường được biết là bắt nguồn từ tên một nước bị biến đổi là Mahiṣa (xem tr. 374, tập 1). Sau đó không lâu (khoảng năm 190 TTL), những người theo Thượng tọa bộ ở nước Himavant (sau đó họ được gọi là Haimavata) đã trở thành trường phái độc lập, nhưng do về sau một trong những người đứng đầu phái đoàn truyền giáo được phái đến nước này có tên gọi là Kāśyapa (tr. 375, tập 1), nên thường được xưng là Ẩm quang bộ (Kāśyapīya). Họ thể hiện sự trung dung giữa Thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ: Thượng tọa bộ (và Hóa địa bộ) kế thừa quan điểm rằng một A-la-hán đạt đến sự siêu việt hết thảy cám dỗ, không còn thoái chuyển, trong khi đó Nhất thiết hữu bộ và Ẩm quang bộ tiếp nhận quan điểm của Đại chúng bộ, chủ trương rằng thành tựu của một A-la-hán không hoàn toàn tuyệt đối.
Trường phái thứ ba dường như cũng thoát xuất từ Thượng tọa bộ cùng giai đoạn này; y chiếu vào tên gọi của người sáng lập là Dharmagupta nên Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) và rõ ràng xuất phát từ nước Aparānta. Trường phái này dần dần tương cận với Thượng tọa bộ (ví dụ quan điểm về một A-la-hán), nhưng có chút nghiêng về Đại chúng bộ. Theo Vasumitra,1 trường phái này đặc biệt chú trọng việc cúng dường đức Phật hơn Tăng-già, đồng thời nhấn mạnh việc tôn kính lễ bái chùa tháp, điểm này về sau được tìm thấy trong kinh điển của Pháp tạng bộ hiện còn.2 Trường phái này đã nỗ lực hơn nhiều so với những trường phái khác trong việc truyền bá Phật giáo ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ (đến Iran, Trung Á và thậm chí cả Trung Quốc) với nhiều thành tựu rực rỡ; ngoài ‘thờ cúng’ chùa tháp, trường phái này còn đưa ra một số phương tiện để phổ cập Phật giáo cho người ‘còn man rợ’, vì họ rất thích mặt thần kỳ hơn là luận lý triết học.3
1. Xem bản dịch của Bareau, JA (Tạp chí khảo cổ châu Á) 1954, tr. 263 trở xuống. Vasumitra thêm rằng hầu hết quan điểm khác của họ giống với những quan điểm của Đại chúng bộ, đáng tiếc không có mô tả tường tận.
2. Xem Pa-chow, A Comparative of the Prātimokṣa, tr. 42 và 51 trở xuống.
3. Lamotte BHI tr. 549.
Khoảng giữa thế kỷ I TTL, một phái thoát xuất từ Đại chúng bộ, theo Vasumitra miêu tả, do một vị Mahādeva4 nào đó lãnh đạo, thành lập nên (dựa trên quan điểm hợp pháp của Luật tạng: việc ‘gia nhập’ Tăng-già) Chế đa sơn bộ (Caitika) ở nước Āndhra. Trường phái này không lâu sau trải qua nhiều lần phân chia, hình thành nên Tây sơn trú bộ (Apara Śaila) và Bắc sơn trú bộ (Uttara Śaila) (hay Pūrva Śaila). Thượng tọa bộ chép rằng những trường phái này chủ trương một số lớn quan điểm, nhưng rất khó phân biệt trong đó cái nào khác với quan điểm của những chi phái thuộc Đại chúng bộ (truyền thống Thượng tọa bộ được truyền thừa từ Ấn Độ và Tích Lan thật sự quan tâm đến những ‘sai biệt’ của những trường phái ở các nước lân cận và có xu hướng phớt lờ những chi phái thuộc Đại chúng bộ ngoại trừ việc khiển trách chung về lập trường của họ được nói ra ở lần phân chia đầu tiên).5 Như vậy chúng ta có tới 19 trường phái, trừ phi chúng ta không tính 2 chi phái phát xuất từ Chế đa sơn bộ, mà chỉ lướt qua chúng.6
4. Xem Lamotte HBI tr. 309 trở xuống.
5. Kvu (Luận sự chú) liên quan rất nhiều; tham khảo những quan điểm được sưu tập trong bài “Points of Controversy” (Những quan điểm tranh luận), tr. xx trở xuống.
6. Do đó Paramārtha có lẽ nói (Demiéville MCB I tr. 51): ‘Pūva’ (Đông sơn trú bộ) có thể là trường phái Caitika/Śaila cổ điển (Chế đa sơn bộ).
Để hoàn thành danh mục các trường phái có ghi lại trong sử sách, chúng ta có lẽ bổ sung một vài thông tin ngắn: (1) Thượng tọa bộ đã diễn ra hai lần phân chia ở Tích Lan, hình thành chi phái Vô úy sơn bộ (Abhayagirivāsins hay theo tên gọi của người sáng lập là Dharmarucis) vào năm 28 TTL và chi phái Thệ đa lâm bộ (Jetavanīyas hay theo tên gọi của người sáng lập là Sāgalīyas) khoảng năm 300 TL; (2) Chế đa sơn bộ ở Āndhra suốt giai đoạn này đã hình thành chi phái La duyệt sơn bộ (Rājagirikas) và Tất đạt đa bộ (Siddhārthikas); và (3) Nhất thiết hữu bộ ở phía tây-bắc đã hình thành chi phái Thuyết chuyển bộ (Saṃkrāntikas) (một chi phái không rõ, có lẽ chuyển nhập vào tên gọi của chi phái tiếp theo), Kinh lượng bộ (Sautrāntikas) (khuynh hướng này bắt đầu vào năm 50 TL và trở thành một trường phái có lẽ ở đầu thế kỷ II TL) và chi phái Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda) (khá muộn, khoảng thế kỷ III hoặc IV TL).
Ghi chép về sự phân chia bộ phái được bắt nguồn từ những vấn đề về nguyên tắc lý luận, tuy nhiên ở trong một số tình huống có liên quan đến tranh chấp cá nhân, ít nhất là muốn thống nhiếp tất cả vào một. Đồng thời từ sự kiện ở thành Vaiśalī trở về sau được xác nhận rằng có diễn ra sự phân tán về mặt địa lý và chuyển biến giữa các trường phái Phật giáo. Sự phân chia nghiêm trọng lần đầu đã làm cho bản thân họ cảm thấy tách rời theo hai khuynh hướng mạn Tây và mạn Đông; vùng tam giác lớn Kauśāmbī - Mathurā - Ujjayinī đánh dấu mạn Tây, và Vaiśalī là trung tâm của mạn Đông. Ban đầu vẫn có khả năng ngăn ngừa sự phân chia, bởi vì vẫn có thể tổ chức một đại hội chung, hiển nhiên những cộng đồng Tăng-già địa phương rất vừa ý rằng họ là đại biểu chính thức. Sau 37 năm, khi lần phân chia diễn ra thì điều kiện này có lẽ không thỏa mãn. Những vị trưởng lão ở mạn Đông chiếm ưu thế, nhưng có lẽ họ nghĩ rằng nếu tất cả những vị ở các cộng đồng mạn Tây xa xôi được tính vào đại hội thì họ sẽ chiếm đa số. Có bằng chứng có lẽ không hoàn toàn nhưng đa số các trường phái đều thận trọng bảo lưu một số phái đoàn hoằng pháp ở thủ đô của đế quốc (Pāṭaliputra) và duy trì một số đang truyền bá khắp nơi, nhưng nhìn tổng thể chúng ta nhận thấy rằng mỗi trường phái có mỗi sức mạnh ở từng vùng riêng, thậm chí ở mỗi trung tâm hoằng pháp riêng. Ở giai đoạn của những phái đoàn truyền giáo lớn, các cộng đồng Tăng-già phát triển nhanh chóng phủ khắp các vùng, chúng ta chú ý số lần diễn ra sự phân chia lớn nhất nằm ở những cộng đồng Tăng-già mới thành lập.
Nếu trưởng lão Vātsīputra chẳng có ảnh hưởng gì ở nước Vatsa (điều này chỉ là phỏng đoán) và nếu vị sư này đã lãnh đạo cộng đồng tỷ-kheo ở đây với ‘sự phân chia cá nhân’ (càng mang tính phỏng đoán), thế thì Thượng tọa bộ ở lần phân chia thứ hai, một lần nữa phân biệt theo trục đông - tây, như vậy điểm ‘tam giác’ của phía đông đang ly khai. Đây là điều đáng ngờ, nhưng có thể xác nhận rằng khi trường phái này phân chia thêm lần nữa ở điểm phía nam của ‘tam giác’, thì Mathurā đã diễn ra và thoát xuất cùng với những nước phía bắc xa hơn (Gandhāra và Kaśmīra), trở thành lãnh địa của Nhất thiết hữu bộ. Tương tự chúng ta tìm thấy tình huống của Hóa địa bộ, Ẩm quang bộ và Pháp tạng bộ hoàn toàn tách về phía nam của mạn nam (nước Mahiṣa), phía bắc và đông-bắc của nước Mathurā (Himavant) và phía tây của mạn Tây (ở Aparānta, đặc biệt đến Gujarāt và Sindhu). Ẩm quang bộ thật sự là cộng đồng tăng đoàn của những người thoát xuất từ Nhất thiết hữu bộ ở Mathurā, đã hoạt động trên chính lãnh địa của Thượng tọa bộ ở Avanti; do trải qua một thời gian dài, họ vẫn giữ mối liên hệ với cơ sở nguyên thủy của họ gần Vidiśā (nhiều văn bia của họ được tìm thấy ở Caityagiri, Sañcī), nên đôi khi đối phương đơn giản gọi họ là những vị Thượng tọa (Sthaviras), nhưng họ đã tu chỉnh một số quan điểm của Thượng tọa bộ. Bản thân những người theo Thượng tọa bộ cũng nhanh chóng phát triển về hướng nam, từ Avanti sang Mahārāṣṭra và Āndhra, rồi xuống vương quốc Sañcī, cũng như Tích Lan. Mặc dù đôi lúc họ duy trì truyền thống ở Avanti cũng như những giáo tuyến truyền giáo mới của mình, nhưng dần dần hướng đến sáp nhập cộng đồng của họ về phía nam, cho nên chùa Lớn (Mahāvihāra) ở Anurādhapura và thủ đô của Tích Lan trở thành trung tâm chủ yếu của truyền thống này, dĩ nhiên trung tâm thứ hai là Kañcī và những vùng ở phía bắc đành bỏ lại cho những trường phái khác hoạt động. Hóa địa bộ cũng đã xây dựng truyền thống của họ ở Tích Lan và sinh hoạt bên cạnh những vị thượng tọa một cách hài hòa: Hóa địa bộ ở Tích Lan cuối cùng bị hấp thu một cách yên bình trở lại Thượng tọa bộ. Hai trường phái mới đã hình thành ở Tích Lan là cộng đồng Tăng-già tách rời từ chùa Lớn của Thượng tọa bộ, tạo thành hai chùa khác nhau ở thủ đô (tức chùa Abhayagiri và chùa Jetavana).
Trong phong trào này, ở phía bắc và tây, Thượng tọa bộ vẫn duy trì địa bàn nguyên thủy là Kośala (Śrāvastī) và Vārānasī cũng như ở Mathurā (trung tâm đầu tiên của họ), nhưng có xu hướng tập trung ở Gandhāra và Kaśmīra. Cuối cùng hai quốc gia sau trở thành hai trung tâm chính của trường phái mới Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ. Liên quan đến giai đoạn sau này, chúng ta thấy những người theo Nhất thiết hữu bộ hoạt động truyền bá ở Trung Á và Trung Quốc. Phật giáo lần đầu truyền bá đến Trung Á là những giáo đoàn của Pháp tạng bộ. Họ dường như đã đi vòng rất xa, xuất phát từ Aparānta theo hướng tây-bắc men theo con đường buôn bán vào Iran, đồng thời đến Uḍḍiyāna (thung lũng Suvastu, bắc Gandhāra, về sau trở thành những trung tâm truyền bá chính của họ). Sau khi đã đứng vững ở viễn tây Parthia, họ đi theo ‘con đường tơ lụa’ (silk route), trục đông- tây của châu Á, phía đông vươn đến Trung Á và đến Trung Quốc, ở đây họ đã xây dựng thành công cơ sở Phật giáo một cách hiệu quả vào khoảng thế kỷ II và III TL. Hóa địa bộ và Ẩm quang bộ dường như cũng đã theo chân họ vượt qua châu Á đến Trung Quốc. Chúng ta có chứng cứ về sự kiến lập của Hóa địa bộ ở phía tây Vāhīka (Salt Range) và chùa tháp của Ẩm quang bộ ở Gandhāra. Phật giáo được truyền bá vào Trung Quốc thời kỳ đầu thuộc Pháp tạng bộ, họ đã xây dựng trường phái này với tầm ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí về sau Luật tạng của họ đã trở thành nền tảng giới luật ở đó. Những trường phái theo sau cũng đã xác lập vai trò quan trọng (kinh điển của họ cũng được tham khảo), đó là Hóa địa bộ, Ẩm quang bộ, Nhất thiết hữu bộ và Đại chúng bộ (đôi khi Độc tử bộ cũng được đề cập thành trường phái thứ sáu). Đại chúng bộ được nhận thấy có ít nhất một cộng đồng Tăng-già được kiến lập ở Kāpiśa, Thuyết xuất thế bộ có một cộng đồng ở Bactria và Đa văn bộ có một cộng đồng ở Gandhāra, nhưng sự truyền bá chính của Đại chúng bộ đến Trung Quốc có lẽ bằng đường biển từ Tāmralipti, một cảng của sông Hằng đến bờ đông của Trung Quốc.7
7. Xem Zürcher, The Buddhist Conquest of China (Phật giáo truyền bá đến Trung Quốc), Phật giáo du nhập vào Trung Quốc bằng đường bộ từ hướng tây và bằng đường biển từ hướng đông.
Giữa những chi phái thoát xuất từ Độc tử bộ thì Pháp thượng bộ được phát hiện ở Aparānta trong một nghĩa hết sức nghiêm túc, ở bờ biển của Mahārāṣṭra (gần một cảng lớn của Śūrpāraka, thủ đô chính thức của nước Aparānta và những vùng lân cận), còn Hiền vị bộ (Bhadrayāṇīyas) đứng sau họ (Nāsikā), truyền bá ở rìa cao nguyên Mahārāṣṭra, nhưng mỗi trường phái có ít nhất một chùa trong biên giới của trường phái khác. Trường phái có sự truyền bá rộng và tích cực hơn là Chính lượng bộ (Saṃmitīya), đã vượt qua Avanti và Gujarāt, thành lập trung tâm chính ở Sindhu, tuy nhiên họ vẫn duy trì địa bàn ở mạn đông. Độc tử bộ nguyên thủy dường như cũng duy trì ở mạn đông, ổn định ở Kośala và Vārānasī, (giống Chính lượng bộ) trở thành một trong những trường phái thời kỳ đầu vẫn còn hưng thịnh ở trên quê hương của Phật giáo thời đế quốc Pāla (thế kỷ VIII-XII TL).8
8. Tāramārtha tr. 274.
Đại chúng bộ lấy phạm vi trong và ngoại thành Pāṭaliputra làm trung tâm chính9 nhưng vẫn truyền bá đến những vùng xa như Kāpiśa, Mathurā, Aparānta và Āndhra. Nhất thuyết bộ ở giai đoạn sau không rõ và có lẽ quy nhập vào Đại chúng bộ. Kê dận bộ tiếp tục hoạt động ở mạn đông, có lẽ là ở Vārāṇasī. Những kinh điển hiện còn của Thuyết xuất thế bộ cho thấy đây là những tác phẩm của họ ở ‘nước giữa’ (the middle country), nghĩa là vùng trung tâm của Bắc Ấn Độ, nhưng trường phái này có một nhánh xa tận Bactria. Có lẽ Đa văn bộ có trung tâm truyền bá ở Kośala, nhưng đã định cư ở Gandhāra và Āndhra.10 Thuyết giả bộ không được rõ tình hình đã truyền bá ra ngoài vùng đất nguyên thủy phía đông của Phật giáo. Đối với bốn chi phái thuộc Đại chúng bộ: Đại chúng bộ, Kê dận bộ, Thuyết xuất thế bộ và Thuyết giả bộ, vẫn tiếp tục thịnh hành ở mạn đông dưới triều đại Pālas.11 Chế đa sơn bộ mở rộng phạm vi từ trung tâm Āndhra vượt qua tây-bắc men theo thung lũng Godāvarī đến tận nước Nāsikā và một số vùng rìa cao nguyên theo hướng đó. Bốn chi phái của trường phái này là Tây sơn trú bộ, Bắc (Đông) sơn trú bộ, La duyệt sơn bộ và Tất đạt đa bộ, từ vùng đất khởi nguyên của Chế đa sơn bộ, dường như đều đã bắt đầu xây dựng những cộng đồng Tăng-già trên những ngôi chùa riêng quanh thành phố Āndhra thuộc nước Dhānyakaṭaka.
9. Paramārtha (Demiéville MCB I tr. 41, 43) đầu tiên họ hạn định ở Bắc Aṅga (xứ Aṅga nằm ở phía Bắc của sông Ganges = Aṅgottarāpa), nước này gần kề nước Bạt-kỳ ở phía đông (góc đông bắc của bang Bihār hiện nay), đây có lẽ trung tâm hoằng pháp đầu tiên của họ.
10. Harivarman dường như đã viết là gần Hoa Thị Thành (Pāṭaliputra).
11. Tāranātha tr. 274.
Như vậy, trên đây là khái quát12 về sự truyền bá của các trường phái Phật giáo; lẽ ra có thể tận dụng ghi chép của những nhà chiêm bái người Trung Quốc ở mấy thế kỷ sau đó về những tình tiết phức tạp hơn đối với khí thế của họ ở nhiều nơi và hơn nữa đối với những ngôi chùa của họ, nhưng chúng ta không cần thiết phải đi vào chi tiết của những tư liệu đó. Chúng ta đành gác lại Phật giáo ở Đông Nam Á, mà ở đó Thượng tọa bộ đã đi được một đường dài, tuy là trường phái thành công nhất nhưng không phải hưng thịnh duy nhất ở đó. Trường phái này thỉnh thoảng vẫn tiếp tục thiết lập mối quan hệ và xây dựng cộng đồng Tăng-già mới ở Bắc Ấn Độ, bờ đông của Kaliṇga và xa hơn về phía nam, bờ tây của Gujarāt, và ở Ma-kiệt-đà, đặc biệt là ở Bodh Gayā.
12. Nhiều mô tả chi tiết ở đây căn cứ vào tư liệu sưu tập của Lamotte từ những văn bia thời kỳ đầu, HBI tr. 578 trở xuống.
Chúng ta đã thấy được những tư tưởng khác nhau chủ yếu giữa các trường phái Phật giáo, nhưng vẫn phải nói khái quát về văn học đặc thù của họ thì mới có thể hiểu được là họ đã bổ sung nhiều bản tu chỉnh Ba tạng giáo lý với lý do chính đáng. Làm như vậy chúng ta có thể thêm vài điểm mang tính lịch sử để kết nối sợi dây liên tục cho lịch sử Ấn Độ (cũng như cho Tích Lan hiện nay).
Trước hết, có một điểm khá phổ biến. Theo sử gia Tây Tạng, Bu-ston,13 khoảng thế kỷ I TL hoặc sớm hơn một chút, những bản tu chỉnh Ba tạng giáo lý của ‘Mười tám trường phái’ được viết lại là vì sợ có nguy cơ nhớ nhầm. Sự ghi nhớ thuộc lòng được tiếp diễn từ xa xưa, cách chính để học tập, nghiên cứu kinh điển, nhưng những văn bản sao chép lưu thông dường như để cổ xúy xu hướng tồn tại nghiên cứu kinh điển như một pháp môn giống với thực hành giáo lý. Sự mô tả của Bu-ston ít nhất xác nhận chứng cứ lịch sử văn học Thượng tọa bộ đã được viết ở Tích Lan, nói rõ rằng Ba tạng giáo lý của họ đã được viết vào thế kỷ I TTL. Tác giả người Tây Tạng này nói tiếp rằng căn cứ vào nguồn tư liệu có từ sớm của Ấn Độ (Vinītadeva cùng thời với Padmākaraghoṣa, khoảng năm 700 TL), họ đã sử dụng bốn thứ tiếng khác nhau: Những bộ phái thuộc Thượng tọa bộ sử dụng tiếng Paiśacī (trong đó tiếng Pali rõ ràng là một thứ tiếng địa phương); Đại chúng bộ sử dụng tiếng Parkrit; Chính lượng bộ (gồm Độc tử bộ) sử dụng tiếng Aprabhraṃśa; và Nhất thiết hữu bộ sử dụng tiếng Phạn. Thực tế chắc chắn cho thấy điều này chỉ là tình huống về sau. Thời xa xưa, còn có nhiều nước ở Ấn Độ chắc chắn đã dùng những tiếng địa phương khác nhau, trong khi đó Phạn ngữ không phải là tiếng bản xứ, chỉ được chấp nhận khá muộn sau này, đồng thời tiếng Aprabhraṃśa có lẽ là tiếng địa phương được phát triển khoảng thế kỷ V TL, hiện còn một số văn bản ở Gāndhārī, là một ví dụ. Đương nhiên chúng ta xem đây chỉ là một phiên bản mang tính địa phương. Khả năng đến thế kỷ VII TL, ở những trung tâm Phật giáo phía Bắc Ấn Độ đã sử dụng những phiên bản bằng bốn thứ tiếng đó, nhưng cũng không thể xác định rằng 18 trường phái đó hoặc hơn, mỗi trường phái đã có một phiên bản trong số bốn thứ tiếng đó. Nhất thiết hữu bộ sử dụng tiếng Prakrit từ sớm nhưng đã dịch kinh điển của họ thành tiếng Phạn tiêu chuẩn suốt những thế kỷ đầu TL. Những trường phái thuộc Chính lượng bộ chắc chắn vào thế kỷ V đến VII mới chuyển kinh điển của họ thành tiếng địa phương lưu hành lúc bấy giờ ở Bắc và Tây Ấn Độ.
13. II. tr. 101.