Sau Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan 80 năm, thời vua Hoàn Đế cuối đời Hậu Hán, lại có Ngài An Thế Cao và Ngài Chi Lâu Ca Sấm tới Trung Quốc.
Ngài An Thế Cao là một vị thái tử của vua An Tức (Parthia). An Thế Cao là tiếng phiên âm của chữ Arsakes, vì Arsakes đệ nhất là ông vua sáng lập nước An Tức. Sau khi xuất gia, An Thế Cao chuyên học kinh, luận, thông hiểu phép thiền quán, niên hiệu Kiến Xương năm thứ nhất (147) đời vua Hoàn Đế, Ngài tới đất Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Từ đó, trong khoảng hơn 20 năm, Ngài chuyên về công việc phiên địch kinh điển. Những kinh điển Ngài đã dịch sang chữ Hán có tất cả 34 bộ gồm 40 quyển, nhưng trong tạng kinh hiện nay chỉ thấy có những bộ Tứ Đế Kinh, Chuyển Pháp Luân Kinh, Bát Chính Đạo Kinh, đều là những bộ kinh thuộc Tiểu thừa. Ngài là một dịch sư nổi tiếng đương thời, nên trong cuốn Lịch sử Phật giáo Trung Quốc của tác giả Chou Hsiang Kuang đã chép: “An Shih Kao, which is the Chinese translation of a Sanskrit name meaning the best in the world” (An Thế Cao là cái tên tiếng Phạn được chuyển ngữ sang tiếng Hán, có nghĩa là tốt nhất thế giới). Cuối đời Hậu Hán vì gặp lúc loạn lạc, nên Ngài phải lánh nạn xuống phương Nam, và mất ở đất Cối Kê (huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang).