Sau đời Hậu Hán, nước Trung Quốc chia thành ba nước là Ngụy, Thục và Ngô. Vùng Giang Bắc, vua Văn Đế lên ngôi lập ra nước Ngụy, đóng đô ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Vùng Giang Nam, Ngô Tôn Quyền chiếm lĩnh Kinh Châu và Dương Châu, lập ra nước Ngô, đóng đô ở Kiến Nghiệp (tỉnh Chiết Giang). Lưu Bị thì phù trợ hoàng thất nhà Hậu Hán, lập ra nước Thục, đóng đô ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên). Ba nước này chia nhau thiên hạ để trị, trong khoảng 42 năm, lịch sử gọi là thời đại Tam Quốc. Ở thời đại này, chỉ có hai nước Ngụy và Ngô có Phật giáo, riêng nước Thục Phật giáo chưa phổ cập tới.
Phật giáo ở nước Ngụy lúc phôi thai cũng chỉ có việc dịch kinh là đáng kể. Các bậc dịch kinh điển thời nhà Ngụy có các Ngài Đàm Ma Ca La, Khương Tăng Khải, Đàm Đế, Bạch Diên, An Pháp Hiền v.v.
Đàm Ma Ca La (Dharmakàla) - Ngài là người Trung Ấn tới Lạc Dương vào niên hiệu Gia Bình năm thứ hai (250) đời nhà Ngụy. Trong khi lưu tại Lạc Dương, Ngài đã dịch bộ Tăng Kỳ Giới Bản (Cao Tăng Truyện). Hai năm sau, lại có Ngài Khương Tăng Khải (Sangha - varman), người nước Khương Cư (Sogdian) tới Lạc Dương, dịch Kinh Vô Lượng Thọ. Sau hai năm (254), lại có Ngài Đàm Đế (Dharmatràta) tới, và phiên dịch bộ Đàm Vô Đức Yết Ma, cách tác pháp thụ giới. Sau nữa là Ngài Bạch Diên, người nước Quy Tư (Kucha) tới dịch bộ Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Trong việc dịch kinh sau này còn có Ngài An Pháp Hiền là người Tây Vực.
Các vị Phạm tăng tới nước Ngụy phiên dịch kinh điển, đặc biệt có hai Ngài Đàm Ma Ca La và Đàm Đế đã dịch về giới luật, là những vị truyền bá giới luật đầu tiên ở Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế. Vì khi Ngài Đàm Ma Ca La tới Trung Quốc, tuy đời Hậu Hán cũng đã có người đi xuất gia, nhưng chưa biết cách thọ giới pháp, sau khi bộ Tăng Kỳ Giới Bản của Ngài ra đời, mới nương vào đó để làm giới pháp căn bản cho người xuất gia; và sau khi bộ Đàm Vô Đức Yết Ma của Ngài Đàm Đế ra đời, mới dựa vào đó mà biết cách tác pháp thọ giới. Vậy Ngài Đàm Ma Ca La có thể nói là vị thủy tổ về giới luật của Phật giáo Trung Quốc. Người Trung Quốc được thụ giới luật đầu tiên là Chu Sĩ Hành.
Chu Sĩ Hành (Chu Sinh-hsing), người Dĩnh Châu (tỉnh Hà Nam), sau khi xuất gia, lấy việc nghiên cứu kinh điển làm nhiệm vụ chính, và thường giảng Đạo Hành Bát Nhã Kinh (Tiểu phẩm Bát nhã) do Ngài Trúc Phật Sóc phiên dịch đời Hậu Hán, nhưng vì nghĩa lý và văn ý trong kinh khó hiểu, nên Ngài quyết ý đi Tây Vực tìm nguyên văn Phạn bản. Vào niên hiệu Cam Lộ thứ 5 đời Ngụy (260), Ngài xuất phát từ Tràng An, đi qua sa mạc tới nước Vu Điền (Khotan). Ngài lưu lại ở đó nhiều năm để nghiên cứu, và đã tìm được nguyên văn Phạn bản, nhưng vì đã 80 tuổi, nên thị tịch tại nước Vu Điền. Sau khi Ngài mất, đệ tử là Như Đàn (Pungatàra), người Vu Điền, vâng lời thầy đem Phạn bản về Trung Quốc. Tới đời Tây Tấn, Ngài Vô La Xoa (Moksala), người nước Vu Điền và Cư sĩ Trúc Thục Lan, người tỉnh Hà Nam1, dựa vào Phạn bản đó dịch thành bộ Phóng Quang Bát Nhã Kinh. Vậy Chu Sĩ Hành đã tới Tây Vực cầu pháp, chính là người mở đường “Nhập Trúc Cầu Pháp” cho hậu bối.
1 Tổ tiên Trúc Thục Lan, gốc tích người Thiên Trúc, nhưng rồi tới sinh cơ lập nghiệp ở Trung Quốc đã lâu, và sinh Ngài ở tỉnh Hà Nam.