Phật giáo truyền bá ở phương Nam, nhà Ngô có Phật giáo sớm hơn. Các bậc dịch kinh điển để truyền bá ở nước Ngô như Ngài Chi Khiêm, Khương Tăng Hội, Duy Kỳ Nan, Trúc Luật Viêm, Chi Cương Lương v.v.
Cư sĩ Chi Khiêm (Chỉnh Ch’ien, biệt hiệu là Cung Minh), tổ tiên người nước Đại Nhục Chi, nhưng sau khi tới Trung Quốc đã ở lại đây. Ông học đạo ở Ngài Chi Lượng là đệ tử Ngài Chi Lâu Ca Sấm. Ba vị này học rộng tài cao, nên đương thời gọi là “Thiên hạ bác tri, bất xuất tam Chi”, nghĩa là trong thiên hạ biết rộng, không ngoài ba ông họ Chi, (theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ, Xuất Tam Tạng Ký Tập). Vì cuối đời Hậu Hán loạn lạc, nên ông phải lánh nạn tới phương Nam, ở thành Kiến Nghiệp (222), được Ngô Tôn Quyền trọng dụng, tặng cho hiệu Bác Sĩ, để dạy bảo Hoàng thái tử, nhưng sau ông vào thâm sơn ẩn dật, tới 60 tuổi thì mất. Trong thời gian ở Kiến Nghiệp hơn 20 năm, ông còn chuyên về công việc phiên dịch và chú thích kinh điển. Những kinh mà ông đã phiên dịch gồm có những bộ như: Đại A Di Đà Kinh, Duy Ma Kinh, Thụy Ứng Bản Khởi Kinh, Đại Bát Nê Hoàn Kinh v.v., chú thích bộ Liễu Bản Sinh Tử Kinh, và trước tác bộ Tán Bồ Tát Liên Cú.
Khương Tăng Hội (Kang Seng Hui), người nước Khương Cư (Sogdian), nhưng ông cha Ngài lại sinh sống ở Thiên Trúc, và sau dời tới đất Giao Chỉ (Bắc Việt Nam) buôn bán. Theo bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập chép: “Khương Tăng Hội, dòng dõi người nước Khương Cư, nhưng đời đời lập nghiệp ở Thiên Trúc, cha Ngài nhân vì công việc buôn bán, sau dời tới đất Giao Chỉ. Khi Ngài mới lên 10 tuổi, thì cha mẹ mất, vì lòng báo hiếu nên phát tâm xuất gia cầu đạo và chuyên việc nghiên cứu kinh điển. Đương thời vua Tôn Quyền thống trị vùng Giang Tả, vẫn chưa có Phật giáo. Vì muốn hoằng dương đại pháp, nên Ngài phi tích Đông du. Ngài đến thành Kiến Nghiệp khoảng niên hiệu Xích Ô năm thứ 10 (247) để truyền bá Phật giáo. Vua Ngô Tôn Quyền rất kính trọng Ngài, liền dựng chùa Kiến Sơ làm nơi để Ngài phiên dịch kinh điển”. Căn cứ vào lý do trên, thì Ngài Khương Tăng Hội cũng là người truyền bá Phật giáo hồi đầu ở Việt Nam.
Ngài Khương Tăng Hội, từ lúc tới nước Ngô, cho tới đầu niên hiệu Đại Khang (280) đời nhà Tấn, trong khoảng hơn 30 năm, Ngài tận lực truyền bá Phật giáo và phiên dịch kinh điển. Những kinh điển mà Ngài đã dịch như: Lục Độ Tập Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh và chú thích bộ Pháp Kính Kinh, Đạo Thụ Vương Kinh. Tương truyền Ngài có giọng nói rất hay, lại khéo tán tụng ngâm nga Kinh kệ, nên thu hút được rất nhiều người tin theo Phật giáo.
Trong khoảng thời gian ông Chi Khiêm tới nước Ngô, thì cũng có Ngài Duy Kỳ Nan (Vighna), người Thiên Trúc tới đất Võ Xương (tỉnh Hồ Bắc) dịch kinh Pháp Cú, Luật Viêm, cũng người Thiên Trúc, tới Dương Châu (tỉnh Giang Tô). Cùng thời kỳ với Ngài Khương Tăng Hội, cũng có Ngài Chi Cương Lương, người nước Tây Vực, cũng từ Giao Châu tiếp tục tới. Theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ chép: “Tháng 7 năm thứ nhất niên hiệu Cam Lộ (256), có bậc Sa môn ngoại quốc là Chi Cương Lương Tiếp (Kalayasas), người đã dịch kinh ở Giao Châu tới”. Bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục cũng chép: “Đời Tôn Lượng, niên hiệu Ngũ Phượng năm thứ hai, năm Ất Hợi (255), Ngài Chi Cương Lương, đã dịch bộ kinh Pháp Hoa Tam Muội ở đất Giao Châu. Như vậy, Ngài Chi Cương Lương cũng là người truyền đạo Phật hồi đầu ở Việt Nam.
Tóm lại, Phật giáo thời Tam Quốc, chỉ lấy việc dịch kinh làm nền tảng, nhưng Phật giáo cũng đã lan tỏa khắp nước Ngụy và Ngô.