(Thời đại nhà Tấn từ 280 - 419)
Sau khi nước Ngụy diệt nhà Thục (265), tướng nhà Ngụy là Tư Mã Viêm lại nổi lên cướp ngôi vua, và lập ra nhà Tây Tấn, đóng đô ở thành Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Sau đó nhà Tây Tấn lại tiến về phương Nam diệt nhà Ngô, thống nhất thiên hạ (280), trị vì được hơn 50 năm, rồi bị các dân tộc ở phương Bắc tràn xuống tiêu diệt (317).
Căn cứ theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, các bậc phiên dịch kinh điển ở thời đại Tây Tấn như sau:
Trúc Đàm Ma La Sát (người nước Nhục Chi, nhưng sinh ở Đôn Hoàng), từ năm thứ hai niên hiệu Thái Thụy đến năm đầu niên hiệu Kiến Hưng (266 - 313), đã dịch được 175 bộ, gồm 354 quyển.
Cương Lương Lâu Chí (người Tây Vực), năm thứ hai niên hiệu Thái Khang đến Trung Quốc (281), dịch được 1 bộ gồm 1 quyển.
An Pháp Khâm (người nước An Tức), từ năm thứ hai niên hiệu Thái Khang đến năm đầu niên hiệu Quang Hy (281- 306), dịch được 5 bộ gồm 16 quyển.
Cư sĩ Nhiếp Thừa Viễn (người Hán), trong đời vua Huệ Đế (290 - 306), dịch được 2 bộ gồm 3 quyển.
Cư sĩ Nhiếp Đạo Chân (người Hán), sau thời kỳ Ngài Trúc Đàm Ma La Sát mất, dịch được 24 bộ gồm 36 quyển.
Bạch Viễn (tự Pháp Tổ, người Hà Nội), vào đời vua Huệ Đế, dịch được 16 bộ gồm 18 quyển.
Pháp Lập, trong đời vua Huệ Đế, dịch được 4 bộ, gồm 12 quyển.
Pháp Cự, trong thời đại vua Huệ Đế, dịch được 40 bộ gồm 50 quyển.
Vô La Xoa (người nước Vu Điền), vào năm đầu niên hiệu Nguyên Khang (219) dịch được 1 bộ gồm 20 quyển.
Ưu bà tắc Trúc Thục Lan (người tỉnh Hà Nam), năm đầu niên hiệu Nguyên Khang, dịch được 2 bộ gồm 5 quyển.
Chi Pháp Độ, năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình (301) dịch được 4 bộ gồm 5 quyển.
Danh sách các bậc dịch kinh ở thời đại này tuy liệt kê như trên, nhưng chỉ có Ngài Đàm Ma La Sát (Dharmaraksha), tức Trúc Pháp Hộ là người dịch kinh nổi tiếng hơn cả. Ngài gốc người nước Đại Nhục Chi, nhưng đã sớm di cư tới huyện Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc). Ngài đi xuất gia từ năm tám tuổi, thờ Ngài Trúc Cao Tọa (S’rimitra) làm thầy để học tập kinh điển, và ngoài ra Ngài còn tinh thông cả Lục kinh và Bách gia chư tử. Thời vua Võ Đế nhà Tấn, tuy chùa và tượng Phật đã có rất nhiều, nhưng giáo lý cao siêu của kinh điển Đại thừa hãy còn ở Tây Vực chưa truyền tới, nên Ngài quyết ý chu du hầu khắp 36 nước ở Tây Vực, đồng thời lại học được cả các thứ tiếng và lối viết của các nước đó. Trong khi chu du, Ngài đã tìm được rất nhiều Phạn bản của kinh điển đem về Đại Hạ. Trên đường từ Đôn Hoàng tới Tràng An (tỉnh Thiểm Tây), Ngài đi tới đâu cũng tiếp tục phiên dịch. Từ niên hiệu Thái Thụy năm thứ hai đời vua Võ Đế, đến năm đầu niên hiệu Kiến Hưng đời vua Mẫn Đế, trong khoảng 40 năm, Ngài đã dịch được 175 bộ gồm 354 quyển. Trong đó có các bộ chính như Quang Tán Bát Nhã Kinh (10 quyển), Vô Lượng Thọ Kinh (1 quyển), Tu Hành Đạo Địa Kinh (7 quyển).
Trên phương diện lịch sử dịch kinh, trước thời kỳ Ngài La Thập, thì Ngài đứng ở địa vị bậc nhất. Hơn nữa, vì Ngài là một bậc bác học đa văn, nên tăng đồ và tín đồ thường có hàng ngàn người theo học đạo và nghe giảng, ai nấy đều cảm mến đức độ của Ngài, thường tôn xưng Ngài là Đôn Hoàng Bồ tát (Tung Huang Boddhisattva). Ngài viên tịch năm 78 tuổi (theo Xuất Tam Tạng Ký Tập và Khai Nguyên Thích Giáo Lục).
Lúc còn tại thế, Ngài thường được cha con ông Nhiếp Thừa Viễn và Nhiếp Đạo Chân giúp đỡ trong công việc phiên dịch. Sau khi Ngài mất, Nhiếp Đạo Chân nối nghiệp tiếp tục việc phiên dịch. Nhiếp Đạo Chân đã dịch được những bộ: Chư Phật Bồ Tát Cầu Phật Bản Nghiệp Kinh, Bồ Tát Thập Pháp Trụ Kinh, Thập Trụ Kinh và Đại Phương Quảng Bồ Tát Thập Địa Kinh. Những bộ kinh này thuộc trong bộ kinh Hoa Nghiêm.
Ngoài ra các bộ Phóng Quang Bát Nhã Kinh, Duy Ma Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh v.v., là do các Ngài Vô La Xoa, Ưu bà tắc Trúc Thục Lan, Bạch Viễn, Pháp Cự, Chi Pháp Độ phiên dịch.