Sự giao thiệp giữa Phật giáo và Đạo giáo thì không quan hệ sâu sắc như ở đời Đường, đến đời Tống, Đạo giáo vẫn được thịnh hành, nên Đạo giáo thường hiệp lực với Nho giáo để đả kích Phật giáo, tuy vậy cũng dần dần đi đến chỗ ba giáo hài hòa.
Những nhân vật đại biểu cho Đạo giáo ở đời Tống là Vương Khâm Nhã, Trương Quân Phòng, Lã Động Tân, Trương Tử Dương, Lâm Linh Tố, Vương Trùng Dương v.v.
Vương Khâm Nhã (998 - 1022) thì thu thập sách vở của Đạo giáo biên thành bộ Bảo Văn Thống Lục, gồm 4.350 quyển ở đời vua Chân Tông. Trương Quân Phòng cũng thu thập được sách của Đạo giáo gồm 2.500 quyển, đó là những sách làm cơ sở cho Đạo Tạng của Đạo giáo. Lã Động Tân là người khai Tổ của Toàn Chân giáo. Giáo này đem Hiếu Kinh, Đạo Đức Kinh và Bát Nhã Tâm Kinh để dạy đời, nêu rõ tinh thần hài hòa của ba giáo. Toàn Chân giáo lại còn có tên là “Kim Liên Chính Tông”.