Sau đời Khổng Mạnh, Nho giáo suy vi, mãi tới đời Tống mới có các danh Nho như Chu Liêm Khê, Trương Hoành Cừ, Trình Minh Đạo, Trình Y Xuyên, Chu Hối Am, Lục Tượng Sơn xuất hiện, làm cho nền Nho học được phục hưng, thoát hẳn lối học huấn hỗ ở đời Hán Đường, lấy tính lý làm trung tâm, nên cũng gọi Nho học ở đời Tống là Tính lý học hay Tống Nho. Các nhà Nho ở đời Tống phần nhiều đều chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo, nên Nho học đương thời rất gắn bó với Phật giáo. Nếu người nghiên cứu về Nho học đương thời không hiểu Phật giáo thì cũng khó lòng hiểu được Nho học, đó là một đặc sắc của Nho học Tống Nho.
Các nhà Nho học đương thời như Chu Liêm Khê học về Phật giáo ở Ngài Phật Ấn chùa Đông Lâm Lư Sơn, Trình Minh Đạo thông hiểu về nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm và Niết Bàn, Trình Y Xuyên lại học tham thiền, đều có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Môn đệ của các nhà Nho học đó cũng noi gương thầy mà tiếp tục nghiên cứu Phật giáo không ngừng. Kết quả, trong nhà Nho có người đã thoát tục xuất gia, có người thì thâm tín Phật giáo.
Mặc dù đã có những quan hệ mật thiết trên, nhưng trong Nho học cũng nảy sinh những tư tưởng bài xích Phật giáo, để tranh luận về học thuyết hơn kém. Sự bài xích này, trước hết có Âu Dương Tu đời Bắc Tống, soạn ra cuốn Bản Luận để công kích Phật giáo, rồi tiếp đến Quái Thuyết của Thạch Thủ Đạo, Tiềm Thư của Lý Thái Bá xuất hiện. Bên Phật giáo có Minh Giáo Đại sư (Khế Tung) soạn quyển Phụ Giáo Biên, bàn về tư tưởng dung hòa, Nho Phật nhất trí, để phản kích lại Bản Luận. Cư sĩ Trương Thương Anh soạn cuốn Hộ Pháp Luận cũng để bài bác lại thuyết bài Phật của Âu Dương Tu. Những đại biểu bài Phật đương thời, ngoài Âu Dương Tu còn có Trình Hạo, Trình Di đời Bắc Tống và Chu Hy đời Nam Tống v.v., nhưng dần dần Nho giáo và Phật giáo cũng đi tới chỗ dung hòa nhất chí. Bên Nho giáo có Lý Cương đã trước tác quyển Tam Giáo Luận thời vua Cao Tông, Lưu Bật trước tác cuốn Tam Giáo Bình Tâm Luận, bên Phật giáo, Ngài Trí Viên cũng soạn quyển Nhàn Cư Biên, đều là những tác phẩm chủ trương nghĩa điều hòa của ba giáo là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.