Giáo đoàn Phật giáo: Giáo đoàn Phật giáo vì phải trải qua thời kỳ phế Phật của Võ Tông đời Đường và Thế Tông đời Hậu Chu, nên giáo đoàn đã bị suy vi, nhưng tới đời Tống thì giáo đoàn của Phật giáo lại nhanh chóng gia tăng phát triển. Tổng số tự viện ở thời Bắc Tống có 40.000 ngôi, Tăng số có 397.615 người, Ni số có 61.239 người. Tới đầu thời Nam Tống thì số Tăng Ni có 200.000 người, nhưng sau vì việc lạm phát độ điệp nên giáo đoàn gia tăng tới 1.000.000 người. Tự viện đã nhiều, Tăng Ni lại đông, nên nền kinh tế của giáo đoàn cũng được tăng trưởng và mở rộng.
Kinh tế của tự viện: Tài sản của tự viện gồm có những hoa lợi của núi, rừng, ruộng, vườn thuộc tư hữu của chùa, và những nguồn kinh doanh khác, cũng như “Công đức phần tự”. Công đức phần tự là những ngôi chùa do vương công quý tộc dựng ra, để làm nơi mộ địa riêng, độc quyền sở hữu, không có tính chất công cộng như các chùa khác. Người ở chùa đó được đặc quyền miễn trừ mọi tạp dịch thuế khóa. Do những lẽ trên nên kinh tế của giáo đoàn Phật giáo phát triển rất mạnh.
Cấp phát độ điệp: Kinh tế của giáo đoàn Phật giáo rất phát triển nhưng trái lại về mặt tài chính của quốc gia lại ở trạng thái kiệt quệ. Vì ở thời Bắc Tống cũng như Nam Tống, đều phải đối phó với rợ Khế Đan (Liêu) và rợ Nữ Chân (Kim) ở phương Bắc, nên tài chính của quốc gia phải đổ dồn vào việc quân bị. Với mục đích chấn hưng tài chính của quốc gia, triều đình phải ngó tới các tự viện, nên vấn đề cấp phát và bán độ điệp xuất hiện.
Độ điệp được cấp cho Tăng Ni được phát hành từ Thượng Thư Từ Bộ của chính phủ trung ương, người được cấp độ điệp, được đặc quyền miễn trừ mọi tạp dịch. Trong độ điệp, lẽ đương nhiên là ghi rõ tên tuổi, chức tước và sở thuộc các chùa, nhưng những độ điệp được đem bán ra lại để trống tên. Độ điệp sau khi được tới tay dân gian lại đem bán cho nhau. Vì thế nên độ điệp không phải là điều kiện để chứng nhận của người xuất gia, mà trở thành công trái buôn bán lưu hành đương thời. Độ điệp cứ mỗi năm bán ra tới năm sáu vạn tờ, giá mỗi tờ là 130 quan tiền ngay khi còn tại cửa quan, nhưng khi độ điệp tới tay dân gian, thì giá đó có thay đổi, có khi giá cao tới 500 quan một tờ. Vì lẽ đó, nên những người ham công danh đua nhau xuất gia, thật giả lẫn lộn, trở thành nguyên nhân sa sút của giáo đoàn Phật giáo. Năm Thiệu Hưng thứ 12 (1242) đời vua Cao Tông, vua phải hạ lệnh đình chỉ việc cấp phát độ điệp để chỉnh đốn lại giáo đoàn Phật giáo.
Về mặt văn hóa: Văn hóa Phật giáo đời Tống chỉ là duy trì văn hóa Phật giáo của đời Đường chứ không có gì đặc sắc. Nhưng vì giáo đoàn của Phật giáo được phát triển, nên văn hóa của Phật giáo được phổ cập sâu rộng trong dân chúng.
Văn hóa Phật giáo đời Tống, trước hết có các Ngữ Lục của Thiền tông, do các bậc Thiền sư trước tác, và các Ngữ lục này được ảnh hưởng tới các ngành văn hóa khác. Sau là những Thuyết thoại văn học cũng tiếp tục xuất hiện, như Đại Đường Tam Tạng Thủ Kinh Thi Thoại và Mục Liên Nhập Địa Ngục Cố Sự, Mục Liên Cứu Mẫu Thân Biến Văn, Bát Tướng Thành Đạo Biến Văn, Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh Biến Văn đều là những tác phẩm phổ thông quần chúng.
Sự nghiệp xã hội của Phật giáo, có đặt ra “Từ ấu cục” để nuôi trẻ nhỏ, “Thí được cục” và “Dưỡng tế cục” để cấp phát thuốc men và giúp đỡ người già ốm, “Lậu trạch cục” để mai táng cho những người chết không ai thừa nhận v.v.