Nhà Liêu dựng nước: Khoảng cuối đời Đường, ở thượng lưu sông Liêu Hà, trong dân tộc Khế Đan, có Da Luật A Bảo Cơ xuất hiện, thống nhất các bộ tộc Khế Đan rồi tự xưng Hoàng Đế (907), đóng đô ở Lâm Hoàng (Mãn Châu), tức vua Thái Tổ của Khế Đan, kế đó là vua Thái Tông đem quân tiến về phía Tây, tràn xuống phương Nam, diệt nhà Hậu Tấn và lập ra nhà Liêu, giáp ranh giới của Bắc Tống. Phạm vi của nước Liêu đương thời, hiện nay là Mãn Châu, tỉnh Hà Bắc, và Bắc Bộ tỉnh Sơn Tây, cũng là một phần đất Mông Cổ. Nước Liêu có đặt ra năm kinh đô ở năm nơi gọi là “Ngũ kinh”, tức là Thượng Kinh Lâm Hoàng Phủ (Đông đô Mông Cổ) là quốc đô, và Đông Kinh Liêu Dương Phủ (Mãn Châu, Liêu Dương), Trung Kinh Đại Định Phủ (Nhiệt Hà), Nam Kinh Triết Tân Phủ (Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc), Tây Kinh Đại Đồng Phủ (tỉnh Sơn Tây), đó là những đô thị tập trung về mọi tư tưởng văn hóa. Nhưng núp sau lưng nước Liêu lại có dân tộc Nữ Chân nổi lên, liên hiệp cùng với nhà Tống, diệt được nước Liêu. Dòng dõi nhà Liêu có 9 đời vua, trị vì 219 năm. Phật giáo đời nhà Liêu tuy là dưới quyền thống trị của dị tộc, nhưng Phật giáo vẫn được phát triển, không thua kém Phật giáo nhà Tống phương Nam.
Vương triều đối với Phật giáo: Vương thất nhà Liêu đời đời đều tôn sùng Phật giáo, nên Phật giáo rất thịnh đạt. Thái Tổ sau khi lên ngôi được sáu năm (912), vua sắc dựng chùa Thiên Hùng ở Thượng Kinh, sau vua Thái Tông cũng dựng chùa An Quốc ở đó, và Hoàng thái hậu khi bị bệnh, vua đã đặt ra hội Đại trai cúng dường năm vạn Tăng để cầu đảo bệnh, tiếp đến đời vua Thánh Tông, Hưng Tông, Đạo Tông thì Phật giáo ở nước Liêu là thời kỳ toàn thịnh, có thể gọi là “thời đại hoàng kim” của Phật giáo nhà Liêu.
Thánh Tông: Vua Thánh Tông tại vị khoảng 50 năm, thường xây dựng rất nhiều chùa tháp trong thiên hạ, nên giáo đoàn Phật giáo được phát triển rất nhanh, vua còn hạ lệnh tiếp tục sự nghiệp khắc kinh ở Phòng Sơn, đã được khai thác dở dang từ đời Tùy, tiếp đến Hưng Tông và Đạo Tông cũng tiếp tục bảo hộ sự nghiệp đó, nên đã tiếp tục khắc được vào đá bốn bộ kinh lớn là Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Bảo Tích và Niết Bàn, để ghi lại các di tích của Phật giáo nhà Liêu.
Hưng Tông: Vua Hưng Tông không những chỉ bảo hộ Phật giáo mà còn tự mình tín ngưỡng quy y. Năm Trùng Hy thứ 7 (1039) vua tự phát tâm thọ giới Bồ tát và còn thỉnh danh Tăng vào chốn cung đình để giảng kinh hỏi đạo, chọn 24 vị Tăng giữ chức quan cao cấp trong triều.
Đạo Tông: Đạo Tông là ông vua tôn sùng Phật giáo đứng bậc nhất đời Liêu. Tự vua nhiệt tâm học hỏi và nghiên cứu Phật giáo, nên đã trước thuật được bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Phẩm Tán và còn sắc dựng chùa tháp nhiều nơi. Sự nghiệp đối với Phật giáo của vua Đạo Tông cũng không kém gì sự nghiệp của vua Võ Đế nhà Lương đối với Phật giáo.
Khế Đan Đại Tạng Kinh: Sau khi tiếp nhận được Thục Bản Đại Tạng Kinh của nhà Tống, thì nhà Liêu cũng khởi công khắc bộ Đại Tạng Kinh của nước mình. Bộ này tổng số có 6.000 quyển, nhưng hiện nay không còn, nên không biết được diện mạo như thế nào. Như vậy đủ chứng tỏ rằng giá trị của Phật giáo nhà Liêu đương thời cũng rất xán lạn, phong phú.
Tư tưởng giáo học: Đại Tạng Kinh được ấn hành nên sự nghiệp nghiên cứu Phật giáo cũng thịnh. Các bậc cao tăng lần lượt xuất hiện, và những trước tác của các Ngài cũng còn được truyền lại không ít. Như Sa môn Hành Quân soạn bộ Long Khám Thủ Giám, Hy Lân soạn bộ Tục Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (10 quyển), Ngài Giác Uyển soạn bộ Đại Nhất Kinh Nghĩa Thích Diễn Mật Sao (10 quyển), Chí Thích, Thủ Trăn và Pháp Ngộ đều chú sớ bộ Thích Ma Ha Diễn Luận, Ngài Phi Trược soạn bộ Tùy Nguyện Vãng Sinh Tập (20 quyển) và Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục (3 quyển) để lưu truyền giáo nghĩa của Tịnh độ giáo, đó là những danh tăng đại biểu cho Phật giáo nhà Liêu.
Phật giáo với nhân dân: Nhân dân thời nhà Liêu cũng rất tin sùng hâm mộ Phật giáo, họ còn tập hợp thành nhiều đoàn thể tu trì, giống như các “Ấp xã” và “Nghĩa ấp” ở thời Nam Bắc triều, đó là những “Ấp hội”. Tổ chức Ấp hội này chỉ hạn chế có 1.000 người một tổ, nên có tên là “Thiên nhân ấp hội”. Nội dung tín ngưỡng của các ấp hội này là tín ngưỡng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, hoặc Văn Thù, và giữ tinh thần tương thân tương trợ.
Trong các ngày lễ tết của Phật giáo, nhất là ngày Phật đản mồng 8 tháng 4, thì các chùa đều cử hành đại lễ rất trọng thể, tự viện và dân chúng kết hợp mật thiết với nhau. Riêng các chùa to lớn có quan hệ với nhà vua, và những công khanh quý tộc, đặc biệt được hưởng một thứ thuế chỉ dùng trong chùa, gọi là “nhị thuế hộ”. Nhị thuế hộ nghĩa là, dân gian canh tác ruộng của chùa, hàng năm phải đóng cho nhà nước một số thuế, thì phần thuế đó chia làm hai phần, một phần đóng cho quan, một phần nộp cho chùa. Các chùa to lớn phần nhiều nhờ ở thứ thuế này để lấy tiền chi dùng và tu bổ việc chùa.