Nước Kim dựng nước: Người dựng ra vương triều nhà Kim là dòng dõi dân tộc Nữ Chân (Kim) ở một địa vực nước Mãn Châu ngày nay. Lúc đầu dân tộc này phụ thuộc vào nhà Liêu, sau có A Cốt Đả, thừa dịp nhà Liêu suy vi lập ra nhà Kim, tự lên ngôi vua, đóng đô ở Hội Ninh (tỉnh Cát Lâm) tức là vua Thái Tổ nhà Kim, sau có ràng buộc với vua Thái Tông nhà Tống, cùng hiệp lực diệt được nhà Liêu (1125), nên lãnh thổ của Kim giáp giới với Bắc Tống, sau nhà Kim lại thừa cơ nhà Tống suy nhược, tiến dần về phía Nam, chiếm được kinh đô của nhà Tống là Biện Kinh. Vì thế nên lãnh thổ nhà Kim lại tiếp giáp với Nam Tống, lấy sông Hoài Thủy làm ranh giới của đôi bên, và dời kinh đô về Yên Kinh (Bắc Kinh), tiếp nhận tư tưởng văn hóa của nhà Hán, làm cho văn hóa nước Kim được hưng thịnh, sau cùng bị nhà Nguyên tiêu diệt, gồm có 10 đời vua, trị vì được 127 năm.
Vương triều đối với Phật giáo: Vương triều nhà Kim cũng tôn sùng và bảo hộ Phật giáo. Như vua Thái Tông sắc dựng Phật điện, và tự mình tới quét dọn trong chùa để lấy công đức, mỗi năm lại đặt hội cúng trai hàng vạn Tăng chúng. Năm Thiên Hội thứ 8 (1130), vì muốn duy trì chế độ Tăng bảo được tốt đẹp, vua liền ra lệnh hạn chế việc độ tăng. Như vậy, chứng tỏ giáo đoàn của Phật giáo ở đời nhà Kim cũng rất thịnh. Vua Hy Tông cũng thích Phật giáo. Năm Hoàng Thống thứ 2 (1142), trưởng tử của vua là Tế An mất, vua sắc danh tăng Hải Tuệ thiết lập chùa Đại Trừ Khánh để hồi hướng. Hải Tuệ là danh tăng bậc nhất thời nhà Kim, được đế thất nhà Kim rất hậu đãi. Khi Ngài tịch, vua Hy Tông sắc dựng tháp ở năm nơi để kỷ niệm, tưởng nhớ Ngài.
Vua Thế Tông là ông vua giỏi nhất của nhà Kim, cũng rất có hảo ý đối với Phật giáo. Trong khoảng 27 năm tại vị, vua sắc dựng nhiều chùa tháp ở các địa phương, như năm Đại Định thứ 2 (1162) sắc dựng chùa Đại Khánh Thọ ở Yên Kinh để Huyền Minh Pháp sư trụ trì giảng đạo, truyền bá Phật giáo. Năm thứ 8 (1168) vua lại sắc dựng chùa Thanh An, độ 500 người xuất gia; năm thứ 24 (1184), sắc dựng chùa Hiệu Thiên ở Yên Kinh và tặng ruộng 100 khoảnh v.v. Hơn nữa, sinh mẫu của vua là Chính Ý Hoàng hậu xuất gia làm Ni, vua lại sắc dựng thêm chùa Ni.
Vua Chương Tông cũng thâm tín Phật giáo. Vị cao tăng bậc nhất ở đời Kim là Hành Tú được mời vào cung để thuyết pháp cho vua nghe. Năm Thừa An thứ 4 (1199) vua lại sai dựng chùa và xây ngọn tháp 9 tầng tại chùa Đại Minh, đồng thời độ cho 30.000 người xuất gia.
Giáo đoàn thống chế: Đối với việc thống chế giáo đoàn của Phật giáo, thì nhà vua cấm độ tăng riêng. Thời vua Chương Tông, cứ ba năm có một kỳ thi để tuyển lựa người có đức cho đi xuất gia. Về chế độ thống chế của giáo đoàn, ở kinh đô có chức Quốc Sư để thống nhiếp toàn thể Phật giáo. Ở các địa phương, các phủ có chức Tăng Lục, ở châu có chức Đô Cương, ở huyện có chức Duy Na để giữ kỷ cương của giáo đoàn. Tuy nhiên vì vấn đề lạm cấp độ điệp, nên giáo đoàn cũng không được chỉnh đốn.
Tư tưởng giáo học: Tư tưởng giáo học được phát triển ở thời nhà Kim, chỉ có Thiền tông là đáng chú ý. Các chùa lớn ở Yên Kinh phần nhiều là những chùa thuộc Thiền tông. Đặc biệt Phật giáo thời này có Thiền sư Hành Tú là trứ danh hơn cả. Ngài người Hà Nội (tỉnh Hà Nam), sinh năm Đại Thanh thứ 6 (1161), sau tới chỗ Ngài Tuyết Đậu xin đầu Phật xuất gia, rồi ngộ được áo chỉ của Thiền tông. Ngài là Tổ thứ 23 của phái Thanh Nguyên thuộc Tào Động tông, được vương thất nhà Kim rất hậu đãi, trước tác của Ngài có tập Thung Dung Lục là đặc sắc. Ngoài ra, thời này còn có cư sĩ Lý Thuần Phủ, một tư tưởng gia nổi tiếng ở đời Kim, làm tới chức Hàn Lâm Viện, nhiệt tâm nghiên cứu giáo nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm, soạn ra quyển Minh Đạo Tập Thuyết chủ trương tư tưởng dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, để phản đối tư tưởng bài Phật của Tống Nho.
Khắc ván Đại Tạng Kinh: Sự nghiệp khắc Đại Tạng Kinh ở thời nhà Kim cũng là một sự nghiệp vĩ đại. Nguồn gốc bộ Đại Tạng này như thế nào thì chưa biết rõ, nhưng ngẫu nhiên, năm Dân Quốc thứ 20 (1933), bộ này được phát hiện ở chùa Quảng Thắng, huyện Triệu Thành, tỉnh Sơn Tây, do đó mới biết được ánh sáng xán lạn của Phật giáo đời Kim. Bộ Đại Tạng này bắt đầu khắc từ đời vua Hy Tông, tới cuối đời vua Thế Tông, trong 30 năm thì hoàn thành. Người đứng phát nguyện khắc bộ Đại Tạng này là Tỳ kheo Ni Thôi Pháp Châu ở tỉnh Sơn Tây, phí tổn do dân chúng vùng đó hiệp lực để khắc. Bộ này lấy Đại Tạng Kinh của Bắc Tống làm căn cứ.