Dân tộc Mông Cổ thuộc giống người du mục ở vùng Ngoại Mông, lệ thuộc vào nhà Liêu và nhà Kim, sau có Thành Cát Tư Hãn xuất hiện, thống nhất các dân tộc ở Nội Mông và Ngoại Mông cùng các địa phương lân cận rồi tự lên làm vua (1206), lấy quốc hiệu là Đại Mông Cổ, đóng đô ở Hòa Lâm (Karakorum), tức là vua Thái Tổ. Người kế tiếp Thái Tổ là Thái Tông. Vua Thái Tông lại đem quân tiến ra bốn mặt, diệt được nhà Tây Hạ (1227) và nhà Kim (1234). Sau vua Thái Tông là Thế Tổ Hốt Tất Liệt, đem quân diệt nhà Nam Tống và thống nhất toàn lãnh thổ Trung Quốc (1279). Từ trước vua đã lấy niên hiệu là Chí Nguyên, đóng đô ở Yên Kinh đến năm Chí Nguyên thứ 8 (1271), lại đổi quốc hiệu là Nguyên. Nhà Nguyên kể từ vua Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn cho tới vua Thế Tổ Hốt Tất Liệt, vì có công lao mở mang bờ cõi, nên phạm vi của bản đồ Trung Quốc được mở mang rất rộng, chưa từng thấy từ trước đến nay. Về phía Đông thì giáp giới Cao Ly, phía Tây tới biển Hắc Hải (Black sea), phía Bắc tới hồ Baikal, phía Nam giáp giới nước Đại Việt (Việt Nam), hầu khắp các nước Châu Á và lan tới cả Châu Âu. Quân viễn chinh của nhà Nguyên cũng đã tràn tới cả Ba Lan và Hungary, làm chấn động cả châu Âu đương thời. Cuối cùng nhà Nguyên bị nhà Minh nổi lên tiêu diệt. Nhà Nguyên cai trị thiên hạ được gần 100 năm.
Chính sách tôn giáo của nhà Nguyên chủ trương tự do tín ngưỡng, nên các tôn giáo đều được tự do phát triển. Về tôn giáo cổ truyền có Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, các tôn giáo mới được truyền vào là Lạt Ma giáo, Hồi giáo và Gia Tô giáo v.v. Các tôn giáo kể trên tuy cũng cùng được phát triển lưu hành, nhưng chỉ có Lạt Ma giáo hưng thịnh nhất, vì được triều đình nhà Nguyên hết sức bảo hộ, còn cổ truyền Phật giáo ngoài Thiền tông ra, cũng không rực rỡ lắm.