Ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa-mātaṅga), người Trung Ấn, học rộng nhớ lâu. Trong khi đi giáo hóa ở Tây Ấn, Ngài thường tụng Kim Quang Minh Kinh (Suvarṇaprabhāsottama-sūtra). Khi tới phía Bắc Ấn Độ, Ngài gặp đoàn của ông Thái Hâm tại nước Đại Nhục Chi (Tukhāra), Ngài nhận lời mời tới Trung Quốc.
Ngài Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), cũng người Trung Ấn, rất nghiêm trì giới luật, thông hiểu kinh điển, trong khi đi hành hóa ở phương Bắc, gặp đoàn của ông Thái Hâm, rồi cùng Ngài Ca Diếp Ma Đằng đem Phật giáo truyền vào Trung Quốc.
Khi hai Ngài tới Trung Quốc, vua Minh Đế nhà Hậu Hán rất tôn kính và hậu đãi, vua lệnh dựng chùa Bạch Mã, là ngôi chùa được xây cất đầu tiên ở Trung Quốc, để hai Ngài phiên dịch kinh điển. Vua lại sai thợ vẽ tượng đức Thích Tôn do đoàn của Thái Hâm mang về, để thờ tại đài Thanh Lương.
Sau khi đến Trung Quốc, hai Ngài chuyên về công việc phiên dịch kinh điển. Hai Ngài đã phiên dịch được bộ kinh đầu tiên tại chùa Bạch Mã, tức là kinh Tứ Thập Nhị Chương. Riêng Ngài Trúc Pháp Lan phiên dịch được những bộ kinh như Thập Địa Đoạn Kết Kinh 8 quyển, Pháp Hải Tạng Kinh 1 quyển, Phật Bản Hạnh Kinh 5 quyển, Phật Bản Sinh Kinh 1 quyển, Nhị Bách Lục Thập Giới Hợp Dị 2 quyển v.v.
(Theo Cao Tăng Truyện, Khai Nguyên Thích Giáo Lục, Đại Đường Nội Điển Lục, Lịch Đại Tam Bảo Kỷ)