VIIISố phận và tự xác quyết

Ôi, Số phận, ta theo ngươi! Nếu không thì, dầu thế nào ta cũng phải thở dài phiền não

- Nietzsche -

Chia lìa và tội lỗi, xét cho cùng, là một xung đột trong nội tâm của tất cả chúng ta, giữa sinh mệnh và đấng tạo tác. Ở người rối loạn thần kinh, nó biểu hiện ra thành xung đột ý chí và tội lỗi trên phương diện đạo đức xã hội. Tình huống trị liệu đã tiết lộ cho chúng ta thấy một điều mà chúng ta đã bắt gặp trong các trải nghiệm thông thường của đời sống, rằng: Bất kể khi nào một cá nhân cần phải đi đến bước trở nên độc lập và tự chủ, anh ta lại không muốn chịu trách nhiệm cho bản thân mình, thì một “người khác” sẽ được giao cho vai Số phận, xác quyết thay anh ta. Đây là vai trò mà nhà trị liệu phải gánh lấy, và là vai mà ông ấy không thể tránh khỏi. Bởi ngay khi bệnh nhân quyết định tìm đến ông ấy để được giúp đỡ, thì tức là anh ta đã đi đến một điểm nhất định trong cuộc xung đột ý chí của mình. Đấy là điểm mà anh ta chắc chắn muốn một thứ gì đó, và điều anh ta xác quyết chính là tìm sự biện hộ cho giá trị phẩm hạnh của mình nơi nhà trị liệu.

Do đó, tất cả những mục tiêu mà anh ta cho thấy là anh ta muốn đạt được thông qua cuộc trị liệu, đa phần lại không phải là điều anh thực sự muốn. Hay ít nhất, đấy không là điều duy nhất hoặc cuối cùng anh ta muốn. Bởi anh ta vẫn phải phủ nhận ý chí của mình và cố gắng biện minh cho nó thông qua trải nghiệm trị liệu. Ở một mức nhất định, anh ta có ý chí tự quyết, nhưng lại không có khả năng tự quyết. Thế nên bằng một trải nghiệm do tự bản thân mình tạo ra, anh ta vẫn phải mượn đến “bàn tay” của Số phận để thúc đẩy khả năng tự quyết này.

Một nhân tố trị liệu hiệu quả, do đó, phải tìm và tạo ra cho anh ta một đối tượng: Đối tượng đấy không chỉ trao cho anh ta khả năng tự quyết anh hằng muốn, mà còn phải cưỡng đặt khả năng tự quyết đấy lên anh ta như thể đấy là số phận không thể khác. Vai trò kiến tạo của nhà trị liệu thể hiện ở chỗ, ông ấy phải truy lần lại những khuynh hướng và động cơ này và đem chúng trở về nơi cội nguồn xung đột ý chí của bệnh nhân. Bởi thế, dẫu sẽ có lúc phải đóng vai trò biện minh và khẳng định thay cho cái tôi của bệnh nhân, thì nhà trị liệu chỉ đại diện cho một con đường duy nhất: Con đường quay trở về với chân ngã đích thật trong anh ta. Con đường vứt bỏ hết những bào chữa và ngụy biện. Và dẫu quyền năng như Số phận, cũng chỉ là một sức mạnh bên ngoài, không thể xác quyết thay chính anh.

SỐ PHẬN: NGƯỜI TẠO TÁC HAY KẺ ĐƯỢC TẠO TÁC

Đối với trị liệu mà nói, thì người trợ giúp chính là hiện thân được nhân cách hóa của tất cả những nhân tố mang tính trợ giúp trị liệu. Trong đời thực, người ta có thể gọi nó bằng cái tên như sức mạnh số phận – một ý tưởng có lẽ dựa trên mối ràng buộc về mặt sinh học của chúng ta với tự nhiên. Còn trong đời sống tâm linh, quyền lực số phận được gán cho Chúa Trời như một phóng chiếu của tinh thần. Bất kể xuất hiện dưới dạng hình nào chăng nữa, Số phận luôn là một tải thể đảm nhận vai trò gánh vác trách nhiệm thay cho ý chí của chúng ta. Có lẽ, chẳng có điều gì đủ sức minh chứng cho khả năng tự quyết của ý chí tốt hơn là Số phận, với vai trò to lớn mà nó nắm giữ trong lịch sử loài người.

Trong bất cứ trải nghiệm trị liệu nào, bệnh nhân dường như phải phóng chiếu cái ý chí sáng tạo số phận của mình lên một đối tượng khác, hòng trút bỏ tội lỗi sáng tạo của mình với tư cách là một sinh mệnh được tạo tác. Anh ta phải tự hạ mình xuống, để sống đúng-như-một- con-người. Trong trị liệu phân tâm, ý chí vốn được chia thành hai vai. Còn trong trải nghiệm chia lìa của liệu pháp kiến tạo, ý chí nên được hợp nhất lại, bởi ở đây cá nhân được đặt vào vị trí trung tâm, anh ta phải đảm nhận và khẳng định vai trò sáng tạo của bản thân cùng với cái ý chí tạo ra số phận đi liền với vai trò đấy.

Và xét cho cùng, chứng loạn thần kinh cũng chỉ là một thứ do bản thân anh ta tạo nên, một biểu hiện của ý chí: thà tự làm chính mình sụp đổ, còn hơn phải thừa nhận sự bất lực của mình. Theo nghĩa này, chứng loạn thần kinh là một sự tự xác quyết của cá nhân, biểu hiện ra dưới gương mặt của số phận, thay vì là một hành động tự chủ. Nó cũng là hành động tự sáng tạo của cá nhân, khoác lớp áo cưỡng bách của số phận, thay vì là tự do sáng tạo. Trong đó, cá nhân đồng thời vừa là người tạo tác, vừa là kẻ được tạo tác. Duy chỉ có cách biểu hiện ý chí sáng tạo của anh ta là tiêu cực, bởi nó phủ nhận vai trò của người sáng tạo.

Trong tiến trình của trải nghiệm trị liệu, cá nhân (i) từ chỗ vào vai một sinh mệnh được tạo tác, anh ta phải nhân cách hóa vai người sáng tạo của mình lên một người khác; (ii) cho đến một giai đoạn, đặc biệt là trong trải nghiệm chia lìa, anh ta trở thành người sáng tạo, không những thế còn cố gắng thực thi vai trò sáng tạo của mình đối với nhà trị liệu, thay vì với bản thân.

Nhà trị liệu cũng phải đề phòng để không rơi vào hai khả năng: một là, cố vào vai Số phận xác quyết thay cho bệnh nhân; hai là, làm những việc mà bệnh nhân với khuynh hướng sùng bái hóa của mình sẵn lòng dụ dỗ ông ấy làm – mà ở vào vị trí của ông thì rất dễ nương theo. Mặt khác, bệnh nhân cũng dễ chơi trò số phận với nhà trị liệu, anh ta biến ông thành số phận của mình. Tất cả những vai trò biến hóa khác nhau mà anh ta gán lên nhà trị liệu, xét cho cùng, đều ứng với vai Số phận đấy. Hành động này rõ ràng đã tiết lộ khuynh hướng sáng tạo của ý chí bệnh nhân, khi anh ta biến người khác trở thành đại diện cho một mẩu quá khứ (hoặc hiện tại) của anh ta. Trong trải nghiệm chia lìa, việc dùng người khác “đóng thế” vai số phận trở thành hành động sáng tạo số phận của riêng anh ta, ở đó anh nâng nhà trị liệu lên vai trò người sáng tạo, Chúa trời hay cha mẹ, nhằm giải phóng cái kiếp sinh mệnh được tạo tác của mình khỏi ông ấy.

Như tôi đã mô tả trong The Trauma of Birth (Chấn thương sinh nở), mượn quá khứ như một tải thể chính là một cơ chế xoa dịu tâm lí, và ở đây nó được nhìn nhận như một biểu hiện của ý chí. Cá nhân xoa dịu bản thân mình bằng cách nhớ nghĩ đến những chia lìa mình đã vượt qua trong quá khứ, thay vì cảm nhận nỗi đau chia lìa ở hiện tại, anh ta làm vậy là có lí do của mình. Bởi nỗi đau chia lìa phần lớn chỉ là một kiểu cảm giác tội lỗi phát xuất từ cái ý chí chia lìa mang tinh thần kiến tạo mà cả người tạo tác và sinh mệnh được tạo tác đều mang theo. Chỉ có điều, ở mỗi kiểu người nó được diễn giải theo lối khác nhau: Đối với sinh mệnh được tạo tác, thì đấy là sự cưỡng ép của số phận. Đối với người tạo tác, thì đấy là sự tự do định đoạt.

Đến giờ, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề chia lìa và tội lỗi biểu lộ ở góc độ người tạo tác và kẻ được tạo tác: một bên tạo nên số phận và một bên được số phận tạo nên; một bên là tự xác quyết và một bên là số phận định đoạt. Sự tương phản đấy đã tóm lược được những khía cạnh khác nhau của xung đột ý chí:

(i) Quá khứ, sự Tương đồng, Áp lực và Tội lỗi tương ứng với gương mặt của Số phận: Đây là các hiện tượng ý chí tiêu cực, những khao khát bị phủ nhận bởi những quyền lực khác mạnh hơn cái tôi cá nhân;

(ii) Trong khi đấy, Hiện tại, sự Khác biệt, Tình yêu và Chia lìa tương ứng với sự Tự xác quyết: Đây là các hiện tượng ý chí dựa trên sự tự do trải nghiệm của cá nhân.

Về mặt tâm lí mà nói, tạo ra số phận hay được số phận tạo ra đều chỉ là những gương mặt khác nhau của ý chí: một đằng tích cực và một đằng tiêu cực. Chúng có xu hướng khiến những người khác phụ thuộc vào ta và làm bản thân chúng ta phụ thuộc vào người khác. Biểu lộ ra, chúng ta có loại người sáng tạo và bản sao lỗi của họ – những người rối loạn thần kinh với những biểu hiện xung đột ý chí và tội lỗi trong nội tâm. Trong đó: (i) Người tạo tác trước hết tạo ra chính bản thân mình, thế nên ý chí sáng tạo của anh ta hướng tới sự độc lập; (ii) Còn người rối loạn thần kinh tự hủy hoại chính mình, thế nên anh ta không chỉ phủ nhận ý chí sáng tạo của mình và tự nhận lấy vai kẻ được số phận tạo ra, mà thậm chí anh ta còn phủ nhận bản thân với tư cách một sinh mệnh.

Trong trị liệu, chừng nào anh ta vẫn coi mình là một sinh mệnh được tạo ra dưới bàn tay chơi đùa của số phận, như tư tưởng phức cảm Oedipus của phân tâm học, thì chừng đó sự phủ nhận này không thể bị loại bỏ. Chỉ khi nào anh ta có thể khẳng định mình là người tạo tác, chịu trách nhiệm cho số phận của mình, khi đó sự phủ nhận kia mới loại bỏ được. Và chỉ thông qua trải nghiệm chia lìa với nhiệm vụ giải phóng và kiến tạo, bệnh nhân mới có thể coi mình là người tạo tác. Trong đó, trước hết anh ta muốn thực thi ý chí sáng tạo vừa mới thức tỉnh của mình với nhà trị liệu, trước khi anh ta thực thi nó với bản thân và số phận của riêng mình. Theo đó, nhà trị liệu không nên diễn giải những biểu hiện của ý chí tạo nên chính mình này là sự phản kháng, ngay cả khi chúng thể hiện đúng là như thế. Chúng ta cũng không nên diễn giải cái khao khát sáng tạo nên chính mình nơi người đàn ông như là như sự nổi dậy chống lại người cha, còn nơi người phụ nữ là “phức cảm nam tính”.

Trải nghiệm trị liệu đặc trưng ở chỗ, cả bệnh nhân lẫn nhà trị liệu cùng lúc là người sáng tạo và là sinh mệnh được tạo tác: Bệnh nhân không chỉ là sinh mệnh được tạo tác, anh ta sẽ phải trở thành người tạo tác. Trong khi đó, nhà trị liệu không chỉ đóng vai người tạo tác, mà còn phải là người trợ giúp cho ý chí sáng tạo của bệnh nhân với tư cách một “chất liệu”. Trong trải nghiệm đời sống thông thường, điều đấy là không thể tránh khỏi; còn trong trải nghiệm trị liệu, sự “đổi vai” đấy tự động và lần lượt diễn ra. Cả nhà trị liệu và bệnh nhân đều đã tạo ra một điều gì đó chung, và sớm muộn họ sẽ phải từ bỏ cái điều chung đấy, có lẽ không chỉ bởi những đòi hỏi về khía cạnh đạo đức xã hội của tình huống trị liệu, mà còn từ đòi hỏi đạo đức xã hội nói chung. Nói thẳng ra, một cá nhân không được phép giữ hay sở hữu thứ do anh ta tạo nên, bất kể điều đấy là cha mẹ, con cái, hay những sáng tạo tinh thần của anh ta. Trên tất cả, đấy là một dạng quy luật đạo đức xã hội, nó không phải chỉ là một dạng cấm giới mang tính biểu trưng, hay những động cơ mang tính hợp lí hóa. Đấy là sự chia lìa hoàn toàn cá nhân khỏi sản phẩm tạo tác của anh ta, cũng như tách rời vật phẩm được tạo tác khỏi người tạo tác. Tuy nhiên, cho dù khuynh hướng bảo tồn tạo phẩm như một phần của cái tôi có mạnh mẽ thế nào, thì đối với ý chí mà nói, một thứ gì đó thuộc về cái tôi, cũng như tác phẩm thuộc về người sáng tạo, cũng sẽ không còn sức hấp dẫn nhiều nữa. Thay vào đó ý chí sẽ hướng sang những cuộc chinh phục mới. Tâm lí này cũng diễn ra trong trải nghiệm trị liệu, vào thời điểm khi cuộc chia lìa đến: Khoảnh khắc then chốt quyết định giữa lựa chọn để Số phận định đoạt, hay là Tự định đoạt.

LỰA CHỌN CỦA Ý CHÍ: CHỊU ĐỰNG SỐ PHẬN HAY LÀ TỰ ĐỊNH ĐOẠT

Chịu đựng số phậnTự định đoạt tương ứng hai kiểu tâm lí khác nhau của cá nhân trước vấn đề ý chí và tội lỗi: (i) Số phận là sức ép của nhân quả; (ii) Tự định đoạt là tự do của ý chí trên phương diện đạo đức xã hội. Nguyên lí nhân quả áp lên đời sống tinh thần nhất định sẽ dẫn đến sự chấp nhận một áp lực mà Nietzsche gọi là “sự lặp lại vĩnh cửu”52 và Freud mô tả trong Beyond the pleasure (Vượt trên nguyên tắc khoái lạc) là “thôi thúc lặp lại”. Áp lực duy nhất thống trị đời sống tinh thần, đấy là áp lực của ý chí, là đại diện về mặt tinh thần của nguyên lí nhân quả. Tuy nhiên, những biểu hiện đạo đức xã hội của ý chí này lại đối ngược với nguyên lí nhân quả và áp lực, đấy là: Tự do và Tự định đoạt. Xét cho cùng, thứ tái lặp duy nhất, hay như Nietzche nói, thứ quy hồi vĩnh cửu duy nhất, đấy chính là hành động ý chí – mà bất cứ cá nhân nào mang chút phủ nhận thôi cũng có thể diễn giải tự do ý chí đấy là Số phận, bất kể theo tôn giáo, thuyết định mệnh hay là theo khoa học. Diễn giải gần nhất với tâm lí học, như tôi đã chỉ ra53, đấy là diễn giải theo kiểu anh hùng của thần thoại Hi lạp về những thiên tài, ở đó cá nhân phải chịu trách nhiệm cho số phận của anh ta, đúng hơn là cho hành động ý chí của anh ta:

(i) Kiểu anh hùng hay kiểu sáng tạo cũng có thể diễn giải tự do ý chí như thể là số phận, nhưng đấy là một số phận do bản thân anh ta tự lựa chọn, và vì vậy, anh ta chuyển biến cái áp lực thành tự do, bởi anh ta thừa nhận ý chí của mình;

(ii) Còn người rối loạn thần kinh mang tính hủy hoại, bởi anh ta có khuynh hướng phủ nhận, anh ta diễn giải tự do ý chí thành cái sức ép của số phận, rồi quay lại phản ứng với nó bằng ý chí đối nghịch và cảm giác tội lỗi.

52 Nguyên văn tiếng Đức: “die ewige Wiederkehr des Gleichen” (Bản dịch tiếng Anh: “the eternal recurrence of the same”).

53 Xem chương “Sáng tạo và Tội lỗi” trong Cái thật và thực tại, Sđd.

Trong trải nghiệm trị liệu, sự phủ nhận ý chí được chuyển thành sự khẳng định ý chí, và cái gọi là “chuỗi số phận” sẽ xuất hiện khi bệnh nhân nhận ra nguyên lí nhân quả đằng sau ý chí của riêng mình. Trong những trải nghiệm khác, anh ta sẽ diễn giải nguyên lí nhân quả này như là sự cưỡng bách của số phận, nhân cách hóa nó trong một người khác có ý chí mạnh hơn, hoặc biểu tượng hóa nó thành một sức mạnh siêu nhiên. Thế nên vấn đề thực tại, xét cho cùng, phụ thuộc vào ý chí, hay đúng hơn là vào thái độ của cá nhân đối với ý chí: Một khi thực tại đã xuất hiện trong vai Số phận, thì nó chính là cái do cá nhân tạo ra để phục vụ cho việc giải quyết xung đột ý chí và tội lỗi bên trong anh ta. Cái thực tại mang hình hài số phận này, bên ngoài thì trông như một ngoại lực, kì thực nó là biểu tượng hóa cho sức mạnh nội lực của ý chí cá nhân. Không những thế, trong vai trò là một tạo phẩm của ý chí, một sản phẩm do cá nhân tạo tác ra, nó còn có vai trò như một sự giải phóng.

Phần lớn người rối loạn thần kinh và những lí thuyết rối loạn thần kinh quy cho cái mà họ gọi là “thực tại” là đã gây ra chứng đau thần kinh. Tuy nhiên ở đây, thực tại đã cho thấy vai trò trợ giúp to lớn của nó trong cuộc vật lộn giữa cá nhân với cuộc xung đột ý chí - đạo đức trong nội tâm anh ta. Về mặt tâm lí, nó giúp anh ta trút bỏ và khách thể hóa, chuyển dịch và hợp lí hóa, phủ nhận và nhân cách hóa cái ý chí đấy. Bạn cứ tưởng giấc mơ đêm có tác dụng giải tỏa, thật ra nó chỉ là sự phó mặc cái tôi hoàn toàn cho chính nó, và vì thế đau khổ vẫn hoàn đau khổ. Khi tỉnh giấc, người ta thấy mọi cơ chế ảo giác đấy đều chỉ là lừa dối, và ảo mộng tan vỡ. Thực tại thì khác, nó rõ ràng có tác dụng trị liệu: Nếu bệnh nhận không dùng cái ý chí tiêu cực để nhìn nhận nó như là một sự cưỡng ép của số phận, mà lựa chọn dùng ý chí tích cực để sáng tạo và chuyển hóa nó trong sự tự do, cùng lúc có thể thấu hiểu toàn bộ cơ chế ảo tưởng đã đề cập ở trên, chứng thật nó như là một điều mà chúng ta tự xác quyết và hành động để hiện thực hóa nó.

Trong chứng loạn thần kinh, chúng ta sẽ thấy rằng, tất cả những cơ chế mà tôi gọi là “ảo tưởng” này bị phủ nhận, thế nên ta cũng không nên gọi chúng là “loạn thần kinh”. Phân tâm học có khuynh hướng gọi như thế bởi nó muốn giáo dục cá nhân và đưa họ trở về thích nghi với thực tại, thay vì giúp họ có khả năng sáng tạo và chấp nhận sự sáng tạo này thông qua việc khẳng định ý chí. Con người ta không thể dùng ảo tưởng về sự sáng tạo để thay thế cho sự thỏa mãn sáng tạo thực sự, và hông thể hoàn thành ý chí theo cách đó. Hai chuyện đấy là hoàn toàn khác biệt về bản chất. Thỏa mãn bằng ảo giác không bao giờ có thể thay thế cho sự thỏa mãn thực sự, cũng như đã là ước nguyện thì không bao giờ có thể được thỏa mãn bởi thực tại. Ảo tưởng và thực tại luôn và vẫn tách biệt với nhau:

Trong ảo tưởng, cá nhân có thể chuyên quyền độc đoán sáng tạo theo ý chí của riêng mình. Anh ta cũng có thể làm như thế trong thực tế với những điều kiện thuận lợi. Nhưng nên nhớ, ở đây, chất liệu sáng tạo lại là một cá nhân khác với ý chí (đối nghịch) của riêng họ. Còn trong tưởng tượng, cái tôi tự nó vừa là nguyên liệu cho ảo tưởng sáng tạo, vừa đóng vai ý chí đối nghịch luôn;

Cũng như, cơ chế ảo tưởng không giúp chúng ta có thể thích nghi với hiện thực, mà nó biến đổi và xác nhận hiện thực tùy theo ý chí của mình. Thế nên cơ chế ảo tưởng cùng lúc ném tất cả những khó khăn và xung đột vào bên trong, vào cái tôi của chính mình, ở đó chúng biểu hiện như là mâu thuẫn ý chí và tội lỗi. thể kì vọng rằng, nhờ cuộc sống hay nhờ một giải tỏa trị liệu mà cá nhân sẽ được tự do thoát cả khỏi xung đột bên ngoài và bên trong. Chỉ có thể là sự cân bằng giữa cả hai, và không thể trong một lần mà đạt được rồi duy trì mãi mãi. Sự cân bằng đấy phải được liên tục tạo ra và duy trì thông qua trải nghiệm, và chỉ khi nào trải nghiệm không bị diễn giải thành số phận, mà được tạo ra trong sự tự do định đoạt của bản thân.

Đến đây, chúng ta có thể định nghĩa sự tự định đoạt, đấy chính là nguyện ý và tỉnh táo sáng tạo nên số phận của riêng mình. Điều đấy có nghĩa rằng, sẽ không có cái gọi là số phận như một lực cưỡng ép từ bên ngoài. Chỉ có một số phận do tự bản thân mỗi cá nhân chấp nhận và xác quyết, cũng chỉ có sự xác quyết đấy mới là sức mạnh tạo nên số phận. Cái số phận ở bên trong này cũng hàm chứa sự tự định đoạt, đấy là một cuộc đấu ý chí lí thú với bản thân, là xung đột mà chúng ta chấp nhận nó bằng một ý chí tỉnh táo, vì một cuộc đổi thay và sáng tạo nên chính mình. Chúng ta không xem nó như là một áp lực mạnh mẽ hơn từ những lực lượng siêu nhiên, hay những quyền lực trần thế cưỡng ép chúng ta – giống như những người loạn thần kinh vẫn nhìn nhận.

ẢO TƯỞNG VÀ THỰC TẠI: TRI THỨC VÀ TRẢI NGHIỆM

Thế có nghĩa là, mọi thứ phụ thuộc vào cách ta cảm nhận về sự tự sáng tạo nên số phận của riêng mình và cách mà ý thức của chúng ta diễn giải nó. Và một lần nữa điều này lại được quyết định bởi việc liệu về căn bản, chúng ta có một lí tưởng bên ngoài hay bên trong, và đấy là lí tưởng mà theo đó chúng ta muốn sáng tạo nên bản thân và số phận của mình. Chính ở điểm này, ý chí, cảm xúc và suy nghĩ tương tác lẫn nhau, rồi chuyển hóa thành hành động và biến đổi thực tại bên ngoài. Tuy nhiên, bản thể đích thực lại không hiển lộ trong những địa hạt đấy, mà lại luôn hiển lộ trong một bản thể khác: Cái bản thể mà chúng ta muốn-trở-thành, nó trái ngược với bản thể mà chúng ta đã-trở-thành và không-muốn-trở-thành. Do đó, liệu pháp phải thay đổi để phù hợp với những khoảnh khắc trải nghiệm nhất thời này, nó không thể dựa trên một cái nền tâm lí theo kiểu “nhất thành bất biến” của bệnh nhân. Không có sự thật nội tâm bất biến. Chỉ có cái thật hiển hiện trong thời điểm này, khoảnh khắc này mới là điều thực và mang tính kiến tạo. Đừng nên ảo tưởng vào một sự thật tinh thần bất biến, bởi nó vốn luôn là sự diễn giải, ức chế và hủy hoại.

Ở đây, sự tương phản giữa số phận và tự định đoạt là công thức chung nhất cho cái mâu thuẫn mà tôi đã mô tả trong Cái thật và thực tại (Truth and Reality), đấy là sự khác nhau giữa tri thức trải nghiệm. Xét cho cùng, biểu hiện sáng tạo của tính cách trong trải nghiệm đời thực, cùng với tất cả sự dối gạt của cơ chế chuyển dịch và phủ nhận cảm xúc là có tính kiến tạo và tích cực của nó. Trong khi, tự-biết chính mình (tự soi xét nội tâm), bằng tất cả sự thật mà nó phơi bày trước mắt ta về thế giới đen cùng trong tâm hồn, vẫn và luôn sẵn sàng hủy diệt con người ta.

Ở đây, chúng ta tiếp cận các chứng rối loạn thần kinh từ góc độ một vấn đề của ý thức. Rõ ràng xét từ góc độ này, những người được coi là “bình thường”, “khỏe mạnh” bởi họ thiếu sự tự biết, họ hiểu lầm, họ hoàn toàn chẳng biết gì về tâm lí của chính họ, nói tóm lại họ chìm trong những ảo tưởng. Tri thức của một người bình thường về những quá trình và động lực tinh thần của anh ta về cơ bản đều là sai lầm. Anh ta chỉ có thể hiểu biết về mình trên một cái nền hoàn toàn giả tạo mà anh ta tưởng là thật, trong một cái ảo tưởng không biết thực hư thế nào. Thực tại luôn sai khác, vênh lệch so với cái thật nội tâm. Cũng giống như giấc mơ, nó chứa đựng những yếu tố và cơ chế ảo tưởng cần thiết để người ta có thể sống được ở đời mà không chết vì đau khổ, vì vậy chúng đều có tính kiến tạo. Thế nên, không thể có một tâm lí học thuần túy khoa học tự nhiên hay khoa học trí tuệ. Tâm lí học, xét đến cùng, phải là vấn đề của ý chí và cảm xúc. Và nếu không được định hướng bằng triết học, hay đúng hơn là bằng nhận thức luận và đạo đức học, thì nó sẽ lập tức phá hủy nội tâm con người.

Bởi thế, trị liệu không thể dựa trên việc đào xới cái sự thật tâm lí của cá nhân, mà phải dựa trên trải nghiệm thực tại, dựa trên những biểu hiện nhân cách năng động của con người. Theo đó, bệnh nhân cần cái thực tại được nhân cách hóa nơi nhà trị liệu, ông ấy đại diện cho tác nhân trị liệu duy nhất: Vào vai ý chí đối nghịch với tư cách là một sự thật tinh thần, đấy là nhân tố rất cần thiết để đưa người rối loạn thần kinh quay trở lại cuộc sống đời thực. Trải nghiệm này biểu hiện ra trong mọi ảo tưởng của đời thực bằng phóng chiếu và nhân cách hóa, cho đến khi bệnh nhân trải qua và thông qua trải nghiệm chia lìa, hoàn thành một việc lớn lao, đấy là: Cắt bỏ mọi mối ràng buộc, tách rời bản thân với tư cách một cá nhân khỏi những người khác và tất cả những gì mà anh ta nhân cách hóa. Đây thực sự là một bước tiến rất con người, đánh dấu sự thoát khỏi những gì ràng buộc để đến với bản thể đích thực của mình. Trong khi những người loạn thần kinh bám chấp vào những mối liên hệ đấy, nhằm bù đắp cho cảm giác tội lỗi của mình bởi trót đã mang lấy cái ý chí tự do và độc lập.

Trong trải nghiệm trị liệu, bước tiến từ chịu đựng số phận đến thái độ tự định đoạt số phận không phải theo kiểu lấy bản thân làm trung tâm, hay là có khuynh hướng xa lánh hiện thực, mà là cá nhân cố gắng chấp nhận bản thân như là một người định đoạt số phận, thay vì chấp nhận thực tại như là số phận. Toàn bộ trọng tâm của trải nghiệm trị liệu, do đó, chuyển từ cuộc chiến với một số phận có thực nào đó đã tạo nên mình, sang chấp nhận cá tính hay ý chí của riêng mình – cái ý chí không chỉ tạo nên thực tại của riêng nó, mà còn khẳng định những gì diễn ra là do tự mình định đoạt.

Trong khi một người bình thường nhìn nhận bản thân như là một thực thể có thực và cố làm cho thực tại vừa khớp với cái tôi của anh ta, đúng hơn là làm cho thực tại đấy có thể chấp nhận được thông qua cơ chế ảo tưởng. Còn người rối loạn thần kinh lại nhìn nhận mình như thể là không-có-thực và thấy thực tại là không thể chịu đựng nổi. Bởi anh ta đã quá rõ về cái cơ chế ảo tưởng kia và bị chính tình trạng tự-ý-thức bản thân này hủy diệt. Anh ta không còn có thể tự lừa dối chính mình thêm nữa, anh ta vỡ mộng, ngay cả với lí tưởng nhân cách của chính mình. Anh ta xem mình là xấu tệ, đầy tội lỗi, thấp kém, là một sinh vật nhỏ bé, yếu đuối, vô dụng, anh ta xem đấy là sự thật về con người, giống như Oedipus đã khám phá ra vào lúc định mệnh anh hùng của anh sụp đổ. Thảy tất đều là ảo tưởng, là lừa dối, nhưng là sự lừa dối cần thiết để con người có thể chịu đựng chính bản thân, từ đó, chịu đựng cuộc sống.

CHỐI BỎ CHÍNH MÌNH HAY TIN VÀO CHÍNH MÌNH

Người rối loạn thần kinh như là một tuyên bố sống cho sự phá sản của sự tự-biết-mình nơi con người nói chung. Anh ta không chỉ phá hủy cái nỗ lực bào chữa của ý chí bằng những dự phóng mang tính siêu thực của tôn giáo, bằng những quyền lực rất thực hay lí tưởng tình yêu của thế gian. Anh ta còn xây đắp cho cái lí tưởng luân lí đạo đức của mình bằng ý thức quá mạnh mẽ về tội lỗi. Và anh ta cố gắng dùng lí tưởng luân lí đạo đức đấy để bào chữa, che đậy ngay cả cho sự hình thành cái tôi lí tưởng của chính mình. Và rồi cái tôi xấu xa, phụ thuộc, yếu đuối đấy lại nhìn nhận chính nó trong anh ta như là một tạo vật vô dụng, phải tự biện minh cho mình thông qua một đấng sáng tạo: có thể mang tầm vóc vũ trụ như Chúa Trời, mang tính cá nhân như người cha trong gia đình; hay cuối cùng là, tự mình tạo ra một nhân cách, nhân cách này xem cái tôi cá nhân của chính nó như một lí tưởng, và đem nó thay thế cho vị trí của những biểu tượng quyền lực có thực và siêu thực kia.

Loại rối loạn thần kinh thời hiện đại, vì vậy, đã hoàn thành xong quá trình nội tâm hóa của con người. Họ hấp thụ thái độ, quy tắc và tín ngưỡng, và đạt đến đỉnh cao của quá trình này là sự tự hiểu biết về tâm lí của mình. Thật phi lí khi những kẻ biết về chính mình lại bị coi là những kẻ dở hơi, ngớ ngẩn, điên khùng. Có điều thật ra, từ góc độ trị liệu mà nói, anh ta không cần phải biết (về mình) thêm nữa, có lẽ chỉ trải nghiệm và khả năng trải nghiệm mới có thể cứu được anh ta. Do đó hiểu biết của anh ta, về mặt tâm lí, là đúng hay sai cũng không mấy quan trọng. Mấu chốt đấy là nó bao hàm một sự tự diễn giải về bản thân, sự tự diễn giải này đi ngược lại tinh thần của trải nghiệm. Bạn hiểu điều này không? Đã là diễn giải, thì dù là thần kinh học hay phân tâm học cũng vậy, dù đúng hay sai, đơn giản đấy chỉ là những lối diễn giải khác nhau. Và thật ra thì diễn giải này được thúc đẩy đúng hay sai cách, cũng không mấy khác biệt, không có tiêu chuẩn chung nào cả. Ngoài thực tế duy nhất là: (i) Động lực sâu thẳm nào trong con người buộc người ta phải tự diễn giải cho mình như thế; (ii) Con người ta cần đến một diễn giải nào đó và diễn giải đó phải được tin cậy, nghĩa là được chấp nhận như một ảo tưởng, cho phép người ta tiếp tục sống. Đấy là nhu cầu tâm lí của con người giữa thực tại khắc nghiệt này.

Tuy nhiên, người loạn thần kinh ngày nay đã mang nặng những tri thức phân tâm, anh ta không còn có thể chấp nhận một ảo tưởng nào trong trị liệu nữa, dù chỉ là một ảo tưởng của khoa học tự nhiên. Còn những ảo tưởng tôn giáo và cá nhân làm nền tảng cho nó đã bị phá hủy cùng với ý thức tội lỗi ngày càng gia tăng nơi anh ta. Giúp con người này, không thể giúp bằng cách cho anh ta biết thêm nhiều hơn, mà phải giúp anh ta mang vác lấy ý chí của chính mình; không phải bằng cách cho anh ta những hiểu biết về số phận mình, mà bằng cách để anh ta sống một cuộc đời do anh ta tự định đoạt. Tất nhiên, việc tạo ra những ảo tưởng mới không còn khả thi nữa, dù đấy là những ảo tưởng có thực hay tinh thần, thậm chí xuất hiện dưới lớp vỏ của khoa học tự nhiên, bởi với anh ta, tất cả chỉ là chuỗi vỡ mộng liên tục mà thôi. Chỉ bằng cách chấp nhận bản thân, chấp nhận cá tính vốn có như là một thực tại duy nhất không thể hoài nghi, thì phép chữa lành mới khả thi.

Trong trải nghiệm chia lìa của liệu pháp kiến tạo, cá nhân thực sự cảm thấy bản thân anh ta là-thật, anh ta một lần nữa tin tưởng vào ý chí của chính mình, mà không buộc phải bào chữa cho ý chí đấy về mặt phẩm hạnh thông qua một người khác, hay là cảm thấy tội lỗi với nó. Anh ta thậm chí không cần phải bào chữa cho ý chí của mình với lí tưởng của riêng mình về mặt đạo đức xã hội, nếu trong trải nghiệm sáng tạo, anh ta chấp nhận lí tưởng này như con người thực của chính mình.

Con người bình thường luôn đóng một vai diễn nào đó, nhưng thực ra họ chỉ đóng vai chính mình. Đúng hơn là, họ phải giả vờ mình đang diễn để biện minh cho sự tồn tại bản thể của mình. Ngược lại, người loạn thần kinh từ chối đóng kịch, từ chối giả vờ, ấy thế họ cũng không thể là chính mình mà không cần đến bào chữa cho ý chí. Vì không thể nhập vai, việc hợp lí hóa, ngụy tạo cho ý chí cũng dần tiêu biến, bệnh nhân rối loạn thần kinh cũng không thể tự chịu trách nhiệm cho chính mình. Tuy nhiên, trong phương pháp trị liệu năng động, bởi anh ta không còn có thể gán vai trò bào chữa cho những người khác được nữa, nên anh ta chỉ còn một giải pháp duy nhất là không giả vờ đóng vai chính mình nữa, mà thực sự là chính mình, tức là, chấp nhận chính bản thân như anh ta vốn có. Khi ấy bản thân và lí tưởng trùng khớp, và được coi là thật; trong khi hiện thực bên ngoài trở thành nguyên liệu cho việc khẳng định ý chí và trở thành một phương tiện trị liệu hòng trút bỏ tội lỗi. Trong cả hai cách thể hiện, chắc chắn một nguồn cảm giác tội lỗi mới sẽ phát sinh. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể vượt qua cảm giác tội lỗi này bằng trí óc, vì bản thân nó đã là hệ quả của ý chí. Chúng ta chỉ có thể chuộc tội trong trải nghiệm sáng tạo, khi nó là tội lỗi cá nhân, chứ không phải là ý thức tội lỗi kiểu rối loạn thần kinh.

Vì vậy, trị liệu cho chứng rối loạn nhân cách, chúng ta không thể đối xử với họ bằng sự hiểu biết hay sự ngu dốt, cũng không cần cung cấp cho họ một hiểu biết “khác” hay “tốt hơn”. Chúng ta phải đối mặt với ý chí cá nhân của riêng anh ta: Những tri thức, những sự hiểu biết, ban đầu có thể đóng vai trò giúp hợp lí hóa cái ý chí đấy, nhưng về sau thì chống lại ý chí bằng cách ức chế nó. Tự do ý chí mà cá nhân buộc phải đạt được trước hết liên quan tới bản thể của anh ta, tới cá tính của anh ta. Do đó mục tiêu của liệu pháp kiến tạo chính là giúp bệnh nhân đạt tới ý chí này. Trong khi các phương cách trị liệu giáo dục đều mong chỉnh sửa cá nhân theo một tư tưởng định sẵn, khuôn anh ta vào cái phải-nên-là. Theo quan điểm của trị liệu giáo dục, cá nhân phải chấp nhận hệ tư tưởng này là có thẩm quyền, tức là – tin tưởng nó. Còn từ quan điểm trị liệu kiến tạo ý chí, anh ta trước hết phải tin vào chính mình, thay vì áp vào mình bất kì hệ tư tưởng nào để rồi tự nhìn nhận chính mình như là một kẻ xấu tệ và kém cỏi.

Cảm giác tự chối bỏ bản thân bởi không thể đạt được lí tưởng cá nhân, đấy là đặc trưng của các chứng rối loạn thần kinh. Trong khi đó, người mang ý chí sáng tạo không bị ràng buộc bởi tư tưởng đương thời của đám đông, họ khẳng định bản thân với tư cách một cá nhân, một thực thể khác biệt. Và tương ứng với mức độ ý thức đạt được, họ tạo ra một tư tưởng mới cho chính mình. Hệ tư tưởng này luôn mang vai trò kiến tạo trong mỗi giai đoạn nhất định, bất kể đấy là chủ nghĩa anh hùng, là nghệ thuật hay là triết học. Mọi sự kiến tạo đều có giới hạn và mang tính tạm thời, nhưng vai trò của nó là mấu chốt. Cốt lõi của sự kiến tạo là tìm ra và khẳng định một khía cạnh mới của ý thức, khía cạnh này biểu hiện ra trực tiếp ngay trong cái xung đột ý chí và tội lỗi hồ như vĩnh cửu kia. Càng sớm thừa nhận khía cạnh mới này và càng khẳng định nó một cách mạnh mẽ, thì càng có thể sử dụng nó để kiến tạo ý chí, cả trong hoàn cảnh trị liệu cũng như trải nghiệm đời sống nói chung.

Tuy nhiên, trải nghiệm trị liệu khác với trải nghiệm đời thực ở một điểm quan trọng: Trải nghiệm đời thực căn bản là một cảnh huống bên ngoài; còn trải nghiệm trị liệu là một trải nghiệm nội tâm, có thể được cụ thể và khách thể hóa ra bên ngoài, đủ để bệnh nhân nhận ra và chấp nhận nó chính là bản thân mình trong cái thực tại phân tâm do chính anh ta tạo ra. Theo nghĩa này, liệu pháp cá nhân dành cho chứng loạn thần kinh phải mang tính triết học. Freud không thừa nhận vì ông chỉ suy nghĩ dựa trên hệ tư tưởng y học mà trong đó ông chìm đắm và phát triển lí thuyết của mình. Nhưng chính ông cũng đã thấy rằng, chứng loạn thần kinh không phải là một vấn đề y học mà là một vấn đề phẩm hạnh. Do đó phương pháp trị liệu phù hợp không phải là đào sâu vào quá khứ hay nội tâm bệnh nhân, mà phải là kiến tạo. Đấy là một quá trình cho phép người bệnh đạt đến một tầng mức phát triển mà bình thường anh ta không thể tự làm được một mình trong tình trạng liên tục chìm vào trạng thái tự ý thức về mình. Tất nhiên điều này là cần thiết, bệnh nhân cần một thế giới quan và sẽ luôn cần đến nó, bởi con người luôn cần đức tin, và càng mạnh mẽ, càng được củng cố càng tốt. Song khi càng ý thức nhiều về bản thân, người ta sẽ càng rơi vào trạng thái hoài nghi. Trị liệu tâm lí vì thế không thể trốn tránh khía cạnh triết học của nó. Nó cần phải trao cho những con người thống khổ thứ triết lí mà anh ta cần, nhất là lòng tin vào bản thân.