Điều bạn sẽ học từ tôi, không phải là triết học mà là cách biện luận, không phải là những tư tưởng để bắt chước mà là để suy tư
- Kant -
Rốt cuộc thì, chúng ta mong chờ một liệu pháp như thế nào? Đó hẳn phải là một kĩ thuật có thể thực sự giúp ích được cho những bệnh nhân loạn thần kinh, là những cách thức dễ hiểu và dễ áp dụng nhất có thể. Định nghĩa này cực kì đơn giản, nhưng thực hiện thì cực kì khó khăn. Cần phải nhấn mạnh rằng, đó là một việc gần như bất khả thi, đặc biệt khi người ta không còn tiếp cận vấn đề loạn thần kinh thuần túy chỉ từ góc độ y học nữa. Phân tâm học đã cho thấy rằng, rối loạn thần kinh không chỉ là bệnh lí. Chúng là những nỗi đau khổ thuộc về cảm xúc. Chúng đâm sâu bén rễ trong nội tâm chúng ta suốt quá trình phát triển và điều chỉnh nhân cách. Chẳng có phương cách chữa trị triệt để nào cho nỗi đau đấy cả. Chẳng có phương thức hiệu quả toàn diện nào đủ sức xoa dịu nỗi thống khổ đấy. Cũng không có bất kì kĩ thuật tâm lí trị liệu nào có thể ứng dụng mọi nơi mọi lúc và chi li cho mọi cảnh huống nội tâm. Xét cho cùng, mọi hạnh phúc đều giống nhau, nhưng chẳng có nỗi thống khổ nào giống nỗi thống khổ nào, phải không. Chưa kể, phương thức chữa lành duy nhất mà ngành tâm lí trị liệu sử dụng lại chính là con người, là chính bản thân nhà trị liệu. Theo đó, tâm lí của nhà trị liệu có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với quá trình trị liệu và kết quả của nó.
Nếu nhận định tiêu cực này là tất cả những gì người ta có thể mang đến cho một nhân loại đang ngóng tìm một sự giúp đỡ, vậy thì phải chăng ngay từ đầu công việc này đã là hoài công vô ích? Hay chỉ là tôi đang tự làm khó bản thân khi cố gắng kiếm tìm một liệu pháp phi thực tế? Cuốn sách này, và cả những nỗ lực trước đó của tôi từ cuốn Cái thật và thực tại (Truth and Reality), sẽ cho thấy: Không nỗ lực nào là hoài phí cả! Chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được một liệu pháp thực sự có thể giúp ích cho con người, cho nhân loại thống khổ luôn ngóng tìm sự cứu rỗi này. Song các nhà trị liệu cũng đừng vội sốt sắng, chúng ta phải trở lại mặt đất và đi theo một đường hướng có thể dẫn chúng ta đến gần hơn thực tế của chứng rối loạn thần kinh này. Và rồi tôi đã cố gắng viết ra một triết lí về sự-giúp-đỡ, thay vì về một kĩ thuật trị liệu tâm lí. Nếu thiếu đi thứ triết lí này, thì với tôi, bất kì kĩ thuật hay loại hình trị liệu tâm lí nào cũng đều không còn nghĩa lí.
TRẢI NGHIỆM TRỊ LIỆU: MỘT SÁT-NA CỦA THỰC TẠI, MỘT KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI SỐ PHẬN
Trị liệu phân tâm học, như bạn đã thấy, tự nó rốt cuộc đã đi đến chỗ phải dựa vào việc phân tích cái tội lỗi1 mà bệnh nhân hẳn nhiên không thể tự mình vượt qua được. Phân tâm học lấy đấy làm vấn đề trung tâm của các phương pháp phân tích. Bởi tội lỗi không chỉ là vấn đề hạt nhân của các chứng rối loạn thần kinh, nó còn là cốt lõi của sự hình thành nhân cách nói chung, nó là một vấn đề đạo đức có thể thấy trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Còn trong mối quan hệ giữa người trợ giúp và người tìm kiếm trợ giúp, tội lỗi thể hiện ra ở những va chạm tương đối đặc thù. Chính ở đây, vấn đề tội lỗi dẫn chúng ta đi đến cội nguồn xung đột phổ quát của con người. Chúng ta có thể gọi quá trình này là một trải nghiệm trị liệu, bất kể nó diễn ra trong đời sống thường ngày hay trong phòng trị liệu, trong đó người đóng vai trò trợ giúp có thể là bố mẹ, thầy thuốc hay thầy tu. Trong trải nghiệm trị liệu này, mối quan hệ cá nhân giữa người trợ giúp và người được trợ giúp trở thành điểm then chốt: Nếu người bị tổn thương không chịu tiếp nhận sự trợ giúp, thì dù người trợ giúp có đưa ra những phân tích chuẩn xác về mặt kĩ thuật đến đâu, kết quả trị liệu thu được cũng không như mong muốn. Lúc đấy, một lối “phân tâm sơ đẳng”, kiểu phân tích thô sơ có khi lại mang đến hiệu quả nếu mối quan hệ cá nhân giữa người trợ giúp và người nhận trợ giúp đã được thiết lập hay nuôi dưỡng, nhờ đó bệnh nhân được thỏa mãn về mặt cảm xúc mà không cảm thấy tội lỗi.
Tại sao lại như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu về bản chất của hoàn cảnh trị liệu nói chung.
Tôi xin nhấn mạnh lại: Hoàn cảnh trị liệu có thể là một hoàn cảnh sống rất rộng lớn, nó có thể diễn ra trong các mối quan hệ đời thường, không nhất thiết là trong phòng trị liệu của nhà tư vấn. Điều đó cũng có nghĩa là, muốn thấu tỏ xung đột trong nội tâm một con người, thì bên cạnh tri thức tâm lí học, chúng ta cần có cái nhìn rộng lớn hơn về các vấn đề đạo đức xã hội2.
Trong trải nghiệm trị liệu: Một người vừa phản ứng theo khuôn mẫu nhân cách đặc thù của mình (như đã nói); đồng thời, anh ta cũng phản ứng với cảnh huống trị liệu hiện tại, trong đó các phương diện đạo đức xã hội góp trở thành một tác nhân trị liệu mang tính kiến tạo tức thời – đấy là điều không thể tránh khỏi. Đấy cũng là điều trị liệu phân tâm đã không lưu tâm đến. Theo như lí thuyết Freud, bệnh nhân chỉ phản ứng dựa trên một số cơ chế nhất định như chuyển dịch hay thôi thúc lặp lại3. Còn tôi cho rằng, bên cạnh các cơ chế đấy, mỗi phản ứng bệnh nhân xuất sinh với trải nghiệm trị liệu là độc nhất4, theo một nghĩa nào đó là duy nhất, mới mẻ. Và tôi tin, ý nghĩa trị liệu cũng như kết quả trị liệu của riêng mỗi người chính nằm ở chỗ duy nhất mới mẻ đấy. Cùng với đó, để hiểu rõ và sử dụng các mô thức phản ứng đấy của bệnh nhân cho mục đích kiến tạo nhân cách, thì nhà trị liệu không chỉ dựa vào các kết quả điều trị thực tế, mà còn phải dựa trên cái nhìn xa dài về số phận tương lai của người đấy: Bây giờ anh ta là một bệnh nhân, nhưng tương lai anh ta không còn như thế nữa. Anh ta là một con-người-khác.
Yếu tố mới mẻ và duy nhất này trong phản ứng của thân chủ, từ bản chất đã thật khó mô tả, bởi nó xuất hiện bất ngờ, không thể đoán trước. Thậm chí ngay cả khi mô tả được, thì việc khái quát hóa cũng hoàn toàn vô ích. Lí thuyết phân tâm học đến tận bây giờ vẫn hiến mình để mô tả và chứng minh cho khả năng bao quát ấy, song trong trị liệu, ứng vào trường hợp của mỗi cá nhân lại thành ra vô ích. Bằng phương thức phân tâm lịch sử, lần tìm về quá khứ của cá nhân, Freud đã tìm thấy những cảm xúc tồn lưu chưa được xử lí trong nội tâm con người và mô tả chúng cơ bản như là sự chuyển dịch tâm lí và khái quát thành các khuôn mẫu phản ứng phổ quát nhất định của con người. Từ hiện tượng chuyển dịch, về mặt lí thuyết, Freud suy ra hiện tượng thôi thúc lặp lại. Nhưng cuối cùng chính ông lại xao lãng, đôi khi phủ nhận những phát hiện ấy của mình. Với tôi thì đấy là một phát hiện mà chỉ riêng nó thôi cũng rất hữu ích. Tôi nghĩ rằng bản thân Freud chưa bao giờ có ý định trình bày một kĩ thuật phân tâm học nào cả. Sự hình thành lí thuyết của ông, như trong các tác phẩm thời kì sau này, luôn bắt nguồn từ những khó khăn thực tế và việc cố gắng lí giải chúng, đúng hơn là cố gắng bào chữa cho tính không khả dụng của chúng.
1 Theo phân tích của Rank trong Cái thật và Thực tại (Truth and Reality), tội lỗi hay cảm giác tội lỗi là một tình thế mắc kẹt của Ý chí và Ý thức, của cái-tôi trong mối quan hệ với chính mình và ngoại giới. Đại ý, trong mối quan hệ với ngoại giới, nếu Ý thức phủ nhận Ý chí, tức cái-tôi chối bỏ chính nó, nó dẫn tới cảm giác tự ti, thấp kém. Còn trong mối quan hệ với chính mình, nếu sự Tự-ý thức cực đoan đến độ kìm hãm sự sáng tạo của Ý chí, khiến Ý chí trở nên yếu nhược, không thể hành động, không thể kiến tạo thực tại mà nó mong muốn, thì sẽ sinh ra cảm giác tội lỗi trong chính cá nhân đấy (Xem thêm Cái thật và thực tại, iBooks & Nxb Phụ Nữ phát hành 10-2020).
2 “Có đạo đức” (ethical) theo cách dùng của Rank, trái ngược với “có lương tâm” (moral), nó ám chỉ mối liên hệ cố hữu và không thể tránh khỏi giữa bản thân với ngoại giới. Đạo đức xã hội (ethics – cách dùng khác có thể sử dụng trong sách: luân thường đạo lí), khác với đạo đức phẩm hạnh (morality – phẩm hạnh, phẩm cách, lương tâm), nó không do tự thân con người, nằm bên trong con người, mà nó là kết quả của một mối quan hệ qua lại giữa con người và ngoại giới, bắt đầu bằng mối ràng buộc về mặt sinh học với người mẹ. Đọc thêm Cái thật và Thực tại Truth and Reality, Sđd), trong đó Rank phân tích về mối liên hệ giữa Ý chí cá nhân và Ý thức về phẩm hạnh (moral): (i) Cá nhân hình thành mẫu nhân cách thích nghi khi Ý chí của anh ta chấp nhận lí tưởng phổ quát của số đông, chấp nhận cái quy tắc đạo đức (ethical) của xã hội; (ii) Ý chí đấy trở nên sáng tạo khi anh ta đem cái Ý thức về đạo đức xã hội đấy để kiến tạo cái-tôi của mình; (iii) Trong trường hợp anh ta mắc kẹt giữa Ý chí và Ý thức, giữa đạo đức xã hội và phẩm hạnh cá nhân, anh ta rơi vào các chứng loạn thần kinh. Ba trường hợp đấy có thể hiểu đơn giản là cuộc xung đột của con người – giữa nội giới với ngoại giới, và trong chính nội tâm mình: (i) Thích nghi là cho phép cái bên ngoài trở thành tiêu chuẩn bên trong; (ii) Sáng tạo là hiện thực hóa cái bên trong ra bên ngoài; (iii) Loạn thần là khi cái bên trong và bên ngoài không thể thống nhất được với nhau.
3. Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
4. “Trải nghiệm độc nhất”, theo Rank, đó là tình huống chỉ diễn ra một lần: Dù là cùng một nhà trị liệu đó, cùng một bệnh nhân đó, nhưng mỗi lần trị liệu lại là một “thực tại” khác, giống như mỗi sát-na của thực tại, là duy nhất.
THẤU HIỂU BẢN CHẤT CỦA HOÀN CẢNH TRỊ LIỆU VÀ CHỈ DẪN CÁC PHẢN ỨNG CÁ NHÂN
Quay trở lại, các khuôn mẫu tâm lí của phân tâm học không thể đạt được hiệu quả vạn năng với từng ca riêng biệt: một phần do tính phổ quát của nó; phần khác do tính cá biệt của từng ca, và đặc biệt còn do từng hoàn cảnh trị liệu cụ thể. Hoàn cảnh trị liệu này không thể tái hiện lại, dạy lại hay áp dụng lại cho các trường hợp khác. Nói như thế không phải là không có giải pháp cho vấn đề. Trong khi cố gắng khắc phục những khó khăn trong trị liệu, tôi đã đúc rút ra những điều hữu ích từ những trải nghiệm hoàn toàn thực tế của mình. Mỗi ca cá biệt này sẽ cần đến một phương pháp và kĩ thuật riêng. Cũng đừng cố gắng mang cách giải quyết của ca trước áp dụng cho ca sau. Qua mỗi lần quan sát và tạo dựng mối liên hệ với bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ tích lũy và đúc rút ra được những trải nghiệm nhất định, chúng cũng có thể rất hữu dụng cho các ca sau. Điều cốt lõi nhất vẫn là khả năng hiểu được một cá nhân dưới góc độ của chính người ấy. Đương nhiên chúng ta không phủ nhận những mẫu hình nhân cách phổ quát, song đấy chỉ là một giả thiết, chứ không phải là tất cả những gì chúng ta biết về cá nhân đó. Nói cách khác, nhà trị liệu phải thấu hiểu được cách nói, lối nói của bệnh nhân, chứ không được áp đặt lên anh ta lối phân tích tâm lí và cách diễn giải của mình. Nhà trị liệu cũng phải nhận ra điểm cốt yếu trong tính cách của một người từ một phức hợp giữa cái toàn thể và cái cá biệt, giữa tính phổ quát và tính cá nhân, từ đó sử dụng điểm cốt yếu đấy để giúp họ kiến tạo bản thân trong trải nghiệm trị liệu.
Đấy cũng là điều mà tâm lí học cá nhân của Adler nỗ lực đạt đến, nó đi ngược lại với trị liệu kiểu mẫu (liệu pháp đồng dạng - uniform therapy5) của Freud. Tuy nhiên, trong nỗ lực giáo dục cá nhân theo hướng xã hội hóa của Adler, lại xuất hiện yếu tố không thể tránh khỏi, đấy là sự san bằng về mặt giá trị. Đến đây, trên cơ sở Tâm lí học Ý chí, chúng ta có thể thấy được nghịch lí trong phương pháp trị liệu của Freud và Adler: Phương pháp của Adler, vốn nhấn mạnh vào tính cá nhân, thì kết quả lại hướng người đó đến ý thức xã hội, tức là xã hội hóa cá nhân. Còn liệu pháp đồng dạng “ai cũng như ai” của Freud lại cho ra kết quả trị liệu là tăng cường tính cá nhân trong mỗi người. Bạn hiểu nghịch lí này không?
5 Otto Rank muốn nói đến cách trị liệu dựa trên những mẫu thức và cơ chế tâm lí mà Freud đã cố gắng khái quát hóa trong hệ thống lí thuyết của mình.
Thế nên với tôi, kĩ thuật tâm lí trị liệu không nằm ở sự hình thành lí thuyết khái quát chuẩn mực, nó cũng không nằm ở bộ các quy tắc thực hành và đơn thuốc như Freud nỗ lực liệt kê. Nhà trị liệu có thể thất bại ngay cả khi áp dụng chặt chẽ các quy tắc đó. Ngược lại, ông ta cũng có thể sửa đổi các quy tắc này, thậm chí đảo ngược chúng, hoặc hoàn toàn bỏ qua chúng mà vẫn thu được kết quả trị liệu thực tế. Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự thấu hiểu và khả năng kiểm soát đúng đắn hoàn cảnh trị liệu, nó vốn nằm ở sự thấu hiểu bản chất và chỉ dẫn các phản ứng cá nhân của bệnh nhân.
Phản ứng của bệnh nhân không chỉ nằm trong các khuôn mẫu tâm lí, bắt nguồn từ các phức cảm6 vô thức hay những mục tiêu có ý thức của bệnh nhân, mà còn phụ thuộc vào tác động của hoàn cảnh trị liệu và tính cách của nhà trị liệu. Tác động này, đối với cả người trợ giúp lẫn người được trợ giúp mà nói, phần nào đó là mới lạ, tức là mỗi lần, mỗi cảnh huống đều không giống nhau, đều không theo khuôn mẫu nào cả. Một phần nữa, điều quan trọng không phải là bản thân những cái mà bệnh nhân biểu hiện ra, quan trọng hơn cả là cách anh ta biểu hiện nó. Tức là: Liệu anh ta có thấu hiểu những phản ứng đấy của mình hay không? Anh ta có ý thức về cảnh huống trị liệu hay không? Và bằng trực giác, anh ta nắm bắt các cơ hội mà cảnh huống trị liệu đấy trao cho mình như thế nào?
6 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không thể đoán trước các phản ứng của bệnh nhân. Nhà trị liệu sẽ tiên liệu được những phản ứng đó, nếu ngoài những hiểu biết lí thuyết và kĩ thuật, ông ấy còn biết rõ bản thân, ông ấy thấy được ảnh hưởng không thể tránh khỏi của cá nhân mình đối với hoàn cảnh trị liệu thực tế và biết cách làm thế nào để tận dụng nó. Điều nhà trị liệu phải học đấy là: (i) thấu hiểu hoàn cảnh trị liệu, theo đúng nghĩa đen, và thấy rõ ảnh hưởng của nó tới phản ứng của bệnh nhân. Sự thấu hiểu này vượt lên trên cả khả năng tự thấu hiểu mình, và nó có thể truyền dạy được. Nhà trị liệu phải vượt ra khỏi các quy tắc và đơn thuốc, các thủ thuật và mẹo bắt bệnh, các lí thuyết chung chung lẫn lời diễn giải khuôn mẫu theo kiểu phân tích chỉ để phân tích. Trên tất cả những điều đấy, nhà trị liệu cần học cách (ii) xử lí hoàn cảnh trị liệu. Và để biến một chút tri thức tâm lí học này thành hoạt động trị liệu hiệu quả, nhà trị liệu phải tiệm cận ngày càng gần đến (iii) phẩm chất của một nhà trị liệu lí tưởng, như tôi sẽ mô tả ở những phần sau.
Quan niệm này ẩn chứa một nhận thức mới về hoạt động trị liệu, cũng như một thái độ mới đối với bệnh nhân. Người bệnh thật ra không cần biết đến các giả thiết và hậu quả nhiều đến thế, bởi chúng vốn không giúp gì cho họ về mặt trị liệu tâm lí, chúng cũng dễ hướng họ đến ảo tưởng rằng tự họ có thể là một nhà trị liệu. Người được trị liệu không cần quá nhiều những lí thuyết, càng không cần quá nhiều “nghệ thuật diễn giải”7. Điều cốt yếu là quá trình và việc họ phản ứng ra sao trong hoàn cảnh trị liệu. Tất nhiên cũng có thể so sánh phản ứng trong cảnh huống này với các phản ứng tương tự của họ trong quá khứ, hoặc với các phản ứng khác ở hiện tại trong các tình huống đời sống bên ngoài hoàn cảnh trị liệu.
Nói tóm lại, từ Phân tâm học sang đến Liệu pháp Ý chí, trị liệu từ một quá trình huấn luyện tâm trí, bao gồm những tất cả những phương cách “làm cho người ta phải trở nên có ý thức”, đã trở thành địa hạt của trải nghiệm nội tâm, với một quá trình dò dẫm khám phá và thực sự đi vào đáy sâu nỗi thống khổ thần kinh của con người. Nơi đấy không phải chỉ là những phức cảm ấu thơ như Freud đã thấy, không phải chỉ là mục tiêu xã hội hóa như Adler đã chỉ ra, cũng đâu phải chỉ là trạng thái vô thức tiến nhập vào ý thức như Jung nói đến. Mà đấy chính là một trải nghiệm trị liệu sống động và tươi mới trên hành trình kiến tạo ý chí-sống nơi mỗi cá nhân. Tất nhiên, các yếu tố vừa nêu trên có vai trò của riêng chúng, nhưng thảy mỗi điều trong số chúng chỉ là một phần trong những khoảnh khắc của trải nghiệm hiện tại, trong một sát-na mỏng manh của thực tại hiện hữu mà thôi.
7 Ở đây nói đến Kĩ thuật diễn giải (Interpretation) của phân tâm học. Xem bảng thuật ngữ ở cuối sách.
(i) Trong trải nghiệm trị liệu này, những cảm xúc, cảm giác được trải nghiệm trở thành nhân tố trung tâm trong hoạt động trị liệu. Đối với người được trợ giúp, đấy là những điều mới mẻ và duy nhất vào thời khắc đó, nó không phụ thuộc vào những gì họ đã trải qua trong quá khứ. Đối với nhà trị liệu mà nói, chúng không đơn thuần là sự chịu đựng những phản kháng phiền phức không thể tránh khỏi của bệnh nhân, mà sẽ được sử dụng một cách có chủ đích và hướng đến mục tiêu kiến tạo ý chí nơi bệnh nhân. Vì thế cũng giống như mọi trải nghiệm thực tế khác, giá trị của trải nghiệm trị liệu nằm ở tính ngẫu nhiên và duy nhất của nó: Sự khác biệt quan trọng đấy chắc chắn là yếu tố cấu thành nên cốt lõi của toàn bộ kĩ thuật trị liệu.
(ii) Trải nghiệm trị liệu này chủ yếu đáp ứng chỉ một mục đích, đấy là mục đích mà những trải nghiệm thông thường trong đời sống chỉ có thể thỏa mãn trong những trường hợp cực kì hiếm hoi. Mục đích đấy chính là: Trợ giúp người được trị liệu bộc lộ bản thân, làm phong phú chính mình và nhân cách của mình. Do đó, bằng một cách có ý thức và cùng với kĩ thuật trị liệu, nó phải được thúc đẩy để trở thành một trải nghiệm bản ngã8 sâu rộng hơn mức thông thường.
Theo tôi, ở điểm này tính một chiều của mối quan hệ chuyển dịch đã và đang là yếu tố trị liệu có tác động ngẫu nhiên duy nhất trong tình huống trị liệu phân tâm. Tuy nhiên, trong trị liệu phân tâm cổ điển, sự chuyển dịch vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Nó cũng chưa thấu hiểu được nguồn gốc của cảm giác tội lỗi, đấy là một cảm giác nhất thiết phải xuất hiện theo sau quá trình phong phú hóa bản ngã trong trải nghiệm trị liệu. Đáng lẽ ra, trong vai trò một người trợ giúp, nhà trị liệu cần phải “án binh bất động”, thì trong trị liệu phân tâm, ông ta lại đặt mình ở vị trí trung tâm, thay vì đặt người trợ giúp ở vị trí trung tâm. Chẳng hạn, tôi trong vai một nhà phân tâm, không ngần ngại bóc trần mọi phản ứng của bệnh nhân, ngay cả khi những phản ứng đấy rõ ràng là có liên quan đến tôi. Tôi bóc trần chúng và gán lên bệnh nhân, tôi bảo đấy là phóng chiếu9 những xung đột nội tâm của anh ta và đưa chúng quay trở lại cái tôi của anh ta. Rõ ràng ở đây, khi bóc trần tâm tư bệnh nhân như thế, chứng ái kỉ (narcissism) của nhà phân tâm đã nổi lên, do đó ông ta liên hệ mọi phản ứng của bệnh nhân với bản thân mình. Hay nói cách khác, ông ta “gán” cho bệnh nhân những tâm tư của chính mình, ông ta cho rằng: Đấy là những cảm xúc mà chừng nào bệnh nhân còn không thừa nhận thì chúng vẫn còn ở đấy, thậm chí chúng lùi ngược mãi về thời ấu thơ, và được bệnh nhân phóng chiếu lên ông ta.
8 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
9 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Liệu pháp Ý chí của tôi lại cho rằng: Trong trải nghiệm trị liệu, các phản ứng này của bệnh nhân nổi lên trực tiếp và tức thời. Đấy là sự phóng chiếu, cũng như là nỗ lực giải quyết những xung đột bản ngã ngay tại đó và vào lúc đó của bệnh nhân. Ở đây bệnh nhân vào vai diễn viên chính và được đặt vào vị trí trung tâm của tình huống trị liệu do nhà trị liệu dựng lên, đấy là một tình huống được tạo lập hoặc tái tạo lập dựa trên nhu cầu trị liệu. Đối với Freud, cái gọi là sự chuyển dịch chỉ là “sao chép và tái hồi lại liên tục tâm lí ấu thơ”. Còn đối với tôi, chuyển dịch trở thành một biểu hiện sáng tạo của sự tăng trưởng và phát triển nhân cách trong trải nghiệm trị liệu: Có những giai đoạn cực kì quan trọng mà Freud dán nhãn là “phản kháng”, Adler bảo là “cự tuyệt tính gia trưởng”, thì tôi đề cao và sử dụng nó cho mục đích kiến tạo. Bởi sự phản kháng đấy, dù tiêu cực, cũng là một bằng chứng hết sức thuyết phục cho sức mạnh ý chí của bệnh nhân. Thành công của cuộc trị liệu phụ thuộc vào cái sức mạnh ý chí đấy nơi mỗi con người.