Không có trở ngại nào người ta không thể vượt qua. Bởi trở ngại đó lớn hay nhỏ, chỉ do mức độ ước lượng của ý chí người ta mà thôi. Và thật ra, không có trở ngại nào ngoài cái trở ngại tâm lí trong mỗi người
- Rabbi Nachman -
Phân tâm học, trong hỗn độn lí thuyết và trị liệu, đã thất bại trong việc phát hiện ra các tác nhân trị liệu thực sự hiệu quả. Theo tôi, chỉ cần thấu hiểu khía cạnh tâm lí của các tác nhân đấy thôi cũng đủ cơ sở để khái quát hóa lí thuyết rồi. Hãy xem:
(i) Đầu tiên là phương pháp thăm dò vô thức, hòng đưa vô thức tiến nhập vào ý thức (liên tưởng tự do10) mà chúng ta biết đến ngày nay, tự bản thân nó không phải phép trị liệu;
(ii) Tiếp đến, phương pháp giải tỏa căng thẳng cảm xúc (abreaction)11, một kiểu làm rỗng đầu óc (catharsis – liệu pháp thanh tẩy), cùng lắm chỉ là một giải tỏa tạm thời, không thể duy trì hiệu quả lâu dài, hay không có tác dụng về mặt kiến tạo nhân cách;
(iii) Cuối cùng là mối quan hệ chuyển dịch12 tạo thành từ một dạng tổng hợp của hai yếu tố tâm lí trên. Sự chuyển dịch, về cơ bản, chỉ cho thấy cho khía cạnh thụ động, nhất thời, ngẫu nhiên trong mối quan hệ giữa bệnh nhân với nhà phân tâm. Chính sự thụ động, sự phụ thuộc, sự yếu nhược đấy của ý chí, dù dưới hình thức nào chăng nữa, là khó khăn mà vì đó người rối loạn thần kinh phải tìm đến để trị liệu. Ấy vậy mà, thông qua chuyển dịch tâm lí, nó lại bộc lộ ra hết trong mối quan hệ với nhà trị liệu. Thế thì, về lâu về dài, chuyển dịch không thể là liệu pháp mà chúng ta có thể dùng để gieo một ý tưởng tích cực nào đó vào bệnh nhân được.
10 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
11 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
12 Xem chú thích về cơ chế Chuyển dịch, bảng thuật ngữ cuối sách.
MỘT BƯỚC TIẾN: TỪ PHÂN TÂM HỌC ĐẾN MỘT TÂM LÍ HỌC VỀ Ý CHÍ
Trong tình huống chuyển dịch, có một yếu tố mà tự nhiên và tự bản chất đã mang lại hiệu quả trị liệu nếu được hiểu và xử lí đúng đắn, đấy chính là Ý chí. Cái ý chí đấy thật hùng mạnh trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Khi hai ý chí va chạm nhau, hoặc là ý chí này thống soát, lật đổ ý chí kia; hoặc cả hai ý chí đấu tranh và chống lại nhau hòng giành thế thượng phong. Adler đã nhìn thấy cuộc chiến giành thế thượng phong này trong khi trị liệu phân tâm, ông gọi đấy là “ý chí vươn tới đỉnh cao”13, và ít nhất ông đã không phủ nhận nó giống như Freud. Rõ ràng Freud phớt lờ yếu tố ý chí đấy chỉ bởi ông không muốn nhìn thấy nó. Tuy nhiên Adler dường như không thấy rằng, những hiện tượng ông mô tả chỉ cho thấy một mặt của ý chí, đấy là cái mặt nó biểu hiện ra trong tình huống phân tâm, cũng như trong một số những cảnh huống đời sống tương tự khác, nghĩa là nó khá đặc thù. Nói cách khác, Adler đưa cái ý chí này đến tầng mức cao siêu như thể một thực tế tâm lí tối cùng. Đấy không phải là tâm lí học về ý chí nói chung, không phải là cái bản chất nền tảng của ý chí. Tới đây, chúng ta sẽ cùng tìm ra bản chất này, và chỉ cần soi chiếu dưới cái nền tảng này thôi, thì mọi hiện tượng của ý chí đều trở nên sáng rõ.
Trong khi Adler mặc nhận một cách ngây thơ về cái ý chí tối cùng của con người, đem đường lối sư phạm để xã hội hóa nó. Thì Freud nỗ lực không ngừng nghỉ dành toàn bộ tác phẩm cả đời mình hòng giải thích, diễn giải nó, bằng cách truy nguyên lại nguồn gốc sinh học nguyên thủy ban sơ của nó. Với tôi, vấn đề tâm lí kì lạ đấy, cái hiện tượng ý chí đấy dường như nằm ở giữa điều mà hai người họ nói đến. Chúng ta có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi: Ý chí đấy đến từ đâu? Tại sao chúng ta cần thấu hiểu nó từ cội nguồn của nó, chẳng hạn như ý chí quyền lực, hay những xung năng tính dục14? Và hơn thế nữa, tại sao chúng ta cứ phải diễn giải chúng thay vì nhìn nhận đúng cái bản chất tâm lí của chúng?
13 Bản tiếng Anh: “the will to be on top” (obensein wollen).
14 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Như bạn đã thấy, để đi đến tận cùng của vấn đề ý chí này, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải truy nguyên các khía cạnh đạo đức xã hội của nó, lẫn phần nhận thức luận về nó, thậm chí động đến cả phạm trù triết học và tinh thần của nó. Không phải ngẫu nhiên khi Adler gọi cái “ý chí vươn đến đỉnh cao” đấy là một “nỗ lực thống trị”15, giống như Nietzsche đã cho thấy một sự thực tối cùng mà ông chỉ ra trong “ý chí quyền lực”16. Cũng không ngẫu nhiên khi khái niệm “dục năng” (libido) và “bản năng chết” của Freud17 cho thấy mối liên hệ rất gần gũi với “ý chí mù quáng” và sự phủ nhận cái ý chí đấy trong ước nguyện về một cõi Niết Bàn của Schopenhauer.
Tuy nhiên, ngoại trừ Nietzsche, hầu không ai có thể đến gần được với bản chất của Tâm lí học Ý chí, bởi họ mang vào đó các giá trị phẩm hạnh hoặc xã hội. Các giá trị này tuy có thể được hợp lí hóa về mặt trị liệu hay sư phạm, thậm chí chúng là cần thiết, nhưng chúng lại cản trở việc thấu hiểu ý chí ở góc độ tâm lí thuần túy nhất của nó. Dưới những góc nhìn không thuần túy tâm lí, thì dù là “ý chí quyền lực” của Adler, hay cái bản năng mà Freud gọi một cách hoa mĩ là “khát khao thơ ấu” cũng được coi là “xấu tệ” như nhau. Và với cả Freud lẫn Adler, liệu pháp chữa trị đều hoặc là giải phóng hoặc là diệt trừ tận gốc, hoặc là chế ngự hoặc là thăng hoa18. Khi ý chí của một cá nhân đụng độ với một ý chí khác, Freud gọi đấy là “phản kháng”. Dưới góc độ tâm lí học ý thức, Adler coi ý chí đối nghịch (counter-will) này như là sự “cự tuyệt tính gia trưởng”, và ở góc độ sư phạm thì đấy là sự “bướng bỉnh”. Dù thế nào thì cả phân tâm học của Freud và liệu pháp cá nhân của Adler đều đánh giá dựa trên góc độ đạo đức phẩm hạnh, thế nên họ chỉ thấy cái phần “xấu tệ” của ý chí. Và họ đều đồng thuận rằng: Nhà trị liệu phải chế ngự sự phản kháng đó nơi ý chí của bệnh nhân, cũng như nhà sư phạm phải đập tan tính bướng bỉnh của đám học trò.
Có lẽ trong trị liệu cũng như trong giáo dục, những chuẩn mực đấy là không thể tránh khỏi, chúng rõ ràng cũng cần thiết vì chúng giúp người ta ước chế lại bản thân mình. Nhưng nhà trị liệu phải ý thức rất rõ và tự họ phải minh bạch rằng: Tôi cần đến những chuẩn mực đấy vào một giai đoạn nào đó trong quá trình trị liệu, thay vì cố tạo ra cho chúng một nền tảng mang tính tâm lí học, để rồi quay trở lại lấy chính những chuẩn mực bên ngoài đấy làm định hướng cho liệu pháp của mình. Một tâm lí học vô tư, thuần túy khoa học phải tránh khỏi việc dùng đến các giá trị đạo đức phẩm hạnh như thế để bao biện cho ý chí cá nhân dưới bất kì hình thức nào. Trước hết, nó phải thuần túy là tâm lí học, biệt lập với các giá trị hay chuẩn mực. Nói tóm lại, nó phải mô tả cái tâm lí thuần nhất đúng như nó-là, chứ không phải cái nó nên- là, để rồi phải đi tìm lí do biện giải rằng tại sao nó như vậy hoặc phải như vậy.
15 Bản tiếng Anh: “attempt to dominate” (herrschsucht).
16 Bản tiếng Anh: “the will to power”.
17 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
18 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Thực tế, sự tự tin khẳng định bản thân, sự phản kháng hay tính bướng bỉnh là điều không được khuyến khích trong sư phạm. Cũng như về mặt xã hội, ý chí khăng khăng đòi tự do và khẳng định cá tính luôn vấp phải sự phản đối. Nhưng, hẳn là bạn sẽ khó lòng tìm thấy một người nào có ý chí mạnh mẽ, cũng như có khả năng lãnh đạo tuyệt vời (một biểu hiện của ý chí mạnh mẽ này), mà lại không mang theo cái vẻ tự tin, cứng đầu cứng cổ hay ngang ngạnh19. Thực ra mà nói, cách gọi “ngang ngược”, “phản kháng” cũng chỉ là góc nhìn của những người phải đối cái ý chí đó mà thôi. Về mặt sư phạm, ý chí tối cùng mà Adler mong muốn là cực kì lí tưởng, đấy là một kết quả siêu việt, nhưng ông lại không tính đến những mặt phiền toái đi kèm (rõ ràng cái gì cũng có tính hai mặt của nó). Adler cũng đã quên mất một thực tế rằng, điều mà một phương pháp sư phạm hướng tới lại không phải là một kết quả cao siêu, rốt cùng nó chỉ muốn đưa con người ta về đúng cái chuẩn mực thông thường mà thôi. Cũng giống như liệu pháp phân tâm dành cho người loạn thần kinh của Freud, hóa ra chỉ là một nỗ lực đưa người bệnh trở lại trạng thái bình thường. Trong khi một người loạn thần có thể “sống bình thường” được không? Chúng ta sẽ cùng trả lời câu hỏi đó sau.
19 Theo nghĩa này, người Mĩ đã thật khôn ngoan với phiên bản đầy châm biếm của cái mà Adler gọi là “phức cảm tự ti” (inferiority complex), khi tính đến các lợi ích bù trừ và gọi đó là “phức cảm vàng” (golden complex). Xem Lee Wilson Dodd, The Golden Complex: A defence of Inferiority (Phức cảm vàng: Một cơ chế phòng vệ nỗi tự ti), N.Y, 1927.
Quay trở lại, một liệu pháp mang tính kiến tạo thật sự hướng đến cá nhân, vì cá nhân đấy, thì trước hết phải hạn chế những đánh giá về mặt đạo đức phẩm hạnh dưới bất kì hình thức nào. Quan trọng hơn tất thảy, người rối loạn thần kinh phải học được cách rèn giũa cái ý chí của mình. Tự họ phải khám phá ra rằng, họ có thể làm theo ý chí mà không cảm thấy tội lỗi vì cái ý chí đấy, cái mong muốn đấy của họ. Mối nguy hiểm mà người ta thấy trong việc khẳng định ý chí cá nhân này thực ra chỉ là lo hão. Trong thực tế, luôn có rất nhiều yếu tố tham gia điều chỉnh, chế ngự một người, ngăn người đấy biến ý chí này thành hành động thực sự, chẳng hạn như sự dồn nén trong người đấy và những quan niệm, suy nghĩ của anh ta. Mối nguy hiểm đấy chỉ tồn tại trong trị liệu khi nhà trị liệu coi đạo đức phẩm hạnh như là một tiêu chí bên ngoài áp đặt lên cá nhân, giống như liệu pháp phân tâm của Freud đã làm. Song từ góc độ tâm lí học thuần túy, bạn sẽ nhận ra ngay rằng: Chính sự ức chế nội tâm bên trong mỗi cá nhân mới là điều khiến cho họ giương cao ngọn cờ lương tâm phẩm hạnh, thậm chí đến mức siêu- đạo-đức, có khi là thành đạo đức giả.
Cùng với Tâm lí học Ý chí, tôi sẽ chỉ ra, việc phục hồi ý chí nơi mỗi con người sẽ cùng lúc giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề như thế nào:
Trong trị liệu, ý chí luôn đóng một vai trò to lớn. Nó chỉ thiếu mất cái nền tảng tâm lí giúp cho nó được chấp nhận về mặt khoa học như một tác nhân trị liệu, và do đó, hoạt động hiệu quả trong các cuộc trị liệu.
Hãy xem: Những nhà tu khổ hạnh rất biết cách điều hướng ý chí; trong tay những nhà thôi miên, chúng có tác dụng trị liệu ra sao; và cũng không ít đám lang băm lừa đảo đủ mọi kiểu loại biết tận dụng công cụ này để lừa gạt trục lợi. Có lẽ bởi tình trạng vàng thau lẫn lộn như thế nên chúng ta vẫn coi thường thảy mọi phương pháp củng cố và rèn giũa ý chí. Ngay cả Émile Coué20 cũng có chút nhầm lẫn giữa cái ông gọi là “ý chí” và “trí tưởng tượng”, mặc dù đích thật cái đã giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân của ông trong phép Tự kỉ ám thị đấy là ý chí.
20 Đọc thêm Émile Coué, Bí mật và thực tế về Tự kỉ ám thị, Trần Khánh Ly - Oopsy team dịch, iBooks & Nxb Phụ Nữ Việt Nam phát hành tháng 6/2020.
Bản thân tôi tin rằng: Một người loạn thần kinh, hay một người bình thường bị tổn thương tâm lí, có thể được chữa lành không phải chỉ bởi vì hàng ngày họ tuyên bố rằng “mọi thứ đang trở nên tốt hơn” với mình. Mà bởi trong toàn bộ quá trình họ tự nói, tự động viên mình như thế, có một năng lượng đã được xuất lộ và thể hiện ra, cái năng lượng đấy phát ra chính trong quá trình ý chí biến thành hành động và trong lúc đó, họ được trợ lực: Đấy đích thật là Ý chí, chứ đâu chỉ đơn thuần là niềm tin vào sức mạnh ý chí hay vào cái mong ước yếu đuối về sự mạnh mẽ và sự phi thường. Chính ám thị “ý chí là mạnh mẽ”, bản thân nó đã là biểu hiện cho sức mạnh của ý chí. Vậy mà có lúc rõ ràng chúng ta đã không nhận ra sức mạnh của nó, coi nó là “xấu tệ” và phải gắng gượng tìm cách biện minh hay che đậy nó bằng một lớp vỏ bọc khác, giống như cách Freud đã làm: khoác lên nó bộ trang phục lãng mạn mang tên “ước nguyện”.
Từ bây giờ trở đi, bạn hãy nhớ: Sức mạnh của ý chí là vô cùng to lớn. Những biểu hiện của nó nơi mỗi cá nhân, cũng như với toàn bộ con người, hiển nhiên đến mức đã lấp đầy các tập sách và thư viện bằng những mô tả về các hành vi ý chí, những tác động mang lại lợi ích lẫn hủy hoại của chúng. Đấy là điều không những có thể lấp đầy, mà thực sự đã và đang lấp đầy các ghi chép của lịch sử nhân loại lịch sử dưới đủ mọi kiểu loại và hình thức, đặc biệt trong loại hình được biết đến dưới cái tên tâm lí học, như chúng ta đã biết.
PHÂN TÂM HỌC ỨNG XỬ VỚI Ý CHÍ RA SAO?
Tâm lí học Ý chí trước hết xuất hiện với câu hỏi này: Tại sao chúng ta luôn phải phủ nhận, chối bỏ ý chí? Tại sao chúng ta phải gọi nó lúc thì là “Chúa” (God), khi thì là “Số phận” (Fate), lúc khác lại gán cho nó là bản năng hay tự ngã (id)21. Về căn bản, tâm lí học bấy lâu nay bằng cách này hay cách khác, vào lúc này hay lúc khác đang thủ tiêu sự thật về ý chí, nó giải thích cho sự chối bỏ ấy bằng những cách diễn giải khác nhau. Song đến lúc này, bạn buộc phải thấy rằng, ý chí thực sự là một vấn đề thuộc về tâm lí học – như chính phân tâm học đã thấy, do đó nó cũng là một vấn đề phổ quát của con người.
Có điều phân tâm học đã không thừa nhận cái ý chí đấy, bởi với tư cách là một liệu pháp thì nó có khuynh hướng răn dạy, khuyến khích luân lí phẩm hạnh nơi người ta. Vậy là hễ cứ dính dáng đến ý chí, đến cái chúng ta gọi một cách đơn giản là “tôi muốn”, thì chúng ta lại thường rơi vào một cảm giác tội lỗi rất đỗi dị thường. Vì rơi vào cái bẫy trị liệu của chính mình, phân tâm học cũng không thể giải thích được do đâu ý chí đấy lại là nguồn cơn cho cái cảm giác tội lỗi kì dị xuất sinh trong tâm lí con người ta. Các nhà phân tâm thấy rằng, trị liệu tâm lí thì phải giúp cho người ta không chỉ khỏe mạnh mà còn tốt đẹp lên. Ấy vậy mà với họ, ý chí lại có vẻ như điều gì đó xấu tệ, quỷ quái, ma mãnh: Freud chỉ thấy khía cạnh sinh học của nó là dục năng (xung năng tính dục, hay libido); Adler nhìn khía cạnh xã hội học của nó và gọi đó là ý chí quyền lực, theo lối sư phạm thì đấy là tính bướng bỉnh. Thật ra với tôi, họ gọi thế nào không quan trọng. Quan trọng là tôi muốn tìm ra, đằng sau những nỗ lực diễn giải không mệt mỏi về ý chí như thế, hẳn phải có một động cơ ngầm ẩn nào đấy.
21 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Vậy nên, trước hết tôi muốn cùng bạn tìm hiểu về toàn bộ những góc nhìn đấy, những phỏng đoán đấy của tâm lí học về bản chất con người, cũng như thấu hiểu về tâm lí của con người cá nhân thời hiện đại. Với Liệu pháp Ý chí (will therapy), chúng ta sẽ cùng trả lời cho những câu hỏi đang đặt ra và bạn sẽ hiểu:
• Bằng cách nào ý chí bị phủ nhận và gạt bỏ trong những tình huống trị liệu phân tâm?
• Mặt tích cực của ý chí là gì? Nghĩa là trong trải nghiệm trị liệu, ý chí biểu hiện ra như thế nào? Và làm thế nào để ý chí đấy trở thành một nhân tố tích cực và hoạt động hiệu quả trong quá trình tái kiến tạo một nhân cách mới?
Trong phân tâm học của Freud, cả về phía bệnh nhân lẫn phía nhà trị liệu, ý chí dường như không đóng một vai trò cụ thể nào. Chẳng hạn, trong một kĩ thuật cơ bản của phân tâm học là phép “liên tưởng tự do”22, chúng ta thấy rõ một lời thì thầm bên tai bệnh nhân, kiểu như: Hãy loại bỏ hoàn toàn chút ý chí cuối cùng trong cái tinh thần yếu nhược của ngươi đi. Hãy làm cho nó suy yếu hoàn toàn đi. Hãy từ bỏ bổn phận của chính mình và cam tâm để cho vô thức của ngươi dẫn lối ngươi đến với cái bản năng (id), đồng thời hãy buông lỏng những ước chế của đạo đức xã hội, của cái siêu ngã (super-ego)23 đang kiểm duyệt ngươi. Từ phía nhà trị liệu phân tâm cũng vậy, ông ta phải hết sức cẩn thận để không áp đặt ý chí của mình lên bệnh nhân, bất kể đó là cấm đoán hay là mệnh lệnh, là những lời giải thích “chạy trước” hay mang tính cưỡng chế. Tuy nhiên thực tế chúng ta đều biết rằng, dù là với bệnh nhân hay nhà trị liệu, tình trạng khước từ ý chí chỉ diễn ra ở một mức độ nhất định, bởi thật khó để một con người bình thường đạt đến trạng thái “vô ngã” như trong Phật giáo nói. Và đối với ngành tâm lí trị liệu, phải nói là thật may mắn làm sao khi ý chí này đã không hoặc không thể bị chối bỏ hoàn toàn, vì chính nó cung cấp cái nền tảng cho tình huống trị liệu. Trớ trêu thay, sau khi chứng nghiệm có thể nói rằng, phân tâm học với những thất bại của nó trong trị liệu thực tế, lại vô tình cung cấp một bằng chứng về sự tồn tại và sức mạnh của ý chí. Có thể nói đấy cũng là giá trị liệu duy nhất của phân tâm học. Ai cũng biết là trong một tình huống trị liệu phân tâm được coi là lí tưởng, thì việc áp đặt cái ý chí độc đoán lên nhau và lẫn nhau vẫn xảy ra ở một mức độ nhất định nào đấy. Phương pháp liên tưởng tự do bởi thế vẫn đạt được kết quả trị liệu trong thực tế nhờ vào sự sơ sẩy đó.
22 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
23 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
Thế nên tình huống trị liệu phân tâm cho thấy rằng, chúng ta không thể hoàn toàn loại trừ ý chí. Và thực tế cũng cho thấy, việc loại bỏ hoàn toàn ý chí là không thể. Mọi nỗ lực loại trừ ý chí chỉ làm gia tăng thêm phản ứng của nó mà thôi. Trong cuộc xung đột ý chí liên tục khi cuộc trị liệu phân tâm diễn ra, thì chuyện phản ứng ý chí của ai mạnh hơn, hay ai là người đã khởi lên cái ý chí của mình trước, chỉ là chuyện quan trọng thứ yếu. Thường thì nhà phân tâm, với quy tắc vốn có của mình, ngay lập tức tạo ra một xung đột ý chí. Xung đột này chỉ chấm dứt khi quá trình phân tâm đi đến bước cuối cùng và nó được giải trừ.
Sở dĩ tôi nói nhà phân tâm thường là người “châm ngòi” cho cuộc xung đột ý chí đấy, bởi ông ta nhìn nhận một người bệnh tìm đến sự trợ giúp của ông giống như thể anh ta đến một cuộc thách đấu tay đôi trá hình. Ông ta không thật sự nhận ra rằng, đấy chẳng qua là biểu hiện cho cuộc xung đột ý chí trong nội tâm của anh ta. Chẳng hạn thế này, một bác sĩ thông thường trong tư cách và vai trò của mình, ông ta sẽ khám chữa, khuyên bảo và khuyến cáo bệnh nhân; và bệnh nhân, bằng cách chấp nhận lời khuyên này, anh ta cũng lấy đó làm ý chí của riêng mình, anh ta có thể chấp nhận uống thuốc, vứt bỏ sự ham muốn, tìm kiếm một nơi để thư giãn, hay quyết định phẫu thuật, v.v. Còn nhà phân tâm, tự nhận mình trong vai trò một người trợ giúp, ông ta đặt ra nguyên tắc chữa trị là không thể đưa ra lời khuyến cáo nào cho bệnh nhân. Ông ta cẩn thận tránh mọi thứ mang tính giáo huấn, khuyên bảo, nhằm tìm hiểu và để bệnh nhân tự tìm ra những gì mà bản thân anh ta thực sự muốn. Nhà phân tâm chỉ bám vào một quy tắc “cứng”, quy tắc này sẽ điều hướng và chi phối cả ông ta lẫn bệnh nhân: Tất cả những gì nhà phân tâm làm trong quá trình trị liệu, nói theo kiểu tâm lí học, đấy là không-ý chí. Đấy là một quy tắc mà bệnh nhân không hiểu, và cũng không thể hiểu. Nhà phân tâm thậm chí không thể giải thích cho anh ta, do đó ngay cả khi anh ta làm theo quy tắc, anh ta cũng không thể lấy đó làm ý chí của riêng mình, giống như cách các bác sĩ thông thường đã làm với bệnh nhân của họ. Trớ trêu thay, tình huống này, cả về mặt tâm lí học lẫn thực tế, bên ngoài thì khoác lớp vỏ không-ý chí, thật ra chẳng khác nào mở đầu cho một cuộc đấu chí tay đôi vĩ đại. Trong đó, nhà trị liệu dễ dàng dành chiến thắng ở bước đầu tiên trước một người xin trợ giúp nom có vẻ yếu đuối. Nhưng rồi sau đó hẳn ông ta sẽ phải nhận lại những cú phản đòn cay đắng. Một nhà trị liệu thực sự phải biết rằng: Sự suy sụp, yếu thế vào lúc đấy của bệnh nhân chỉ là vỏ bên ngoài thế thôi. Anh ta không thể nào tuân theo nguyên tắc căn yếu nhất của liên tưởng tự do mà buông bỏ hoàn toàn cái ý chí của mình, ngay cả khi anh ta muốn thế.
Đến đây, chúng ta có thể dần dần nhìn rõ sự thật đằng sau hai kiểu phản ứng điển hình luôn thống trị bức tranh trị liệu phân tâm, đấy là: (i) sự phản kháng và (ii) cảm giác tội lỗi. Trong tình huống phân tâm, và cũng chính bởi quy tắc trị liệu không-ý chí của nó, mà mọi biểu hiện của ý chí nơi bệnh nhân chỉ có thể biểu lộ ra ở mặt tiêu cực của nó đấy là sự phản kháng. Và rồi sự phản kháng đó lại được che giấu dưới vỏ bọc của cảm giác tội lỗi. Cảm giác tội lỗi xuất sinh là bởi vì anh ta luôn “ngầm” được ám thị rằng không nên có bất kì sự phản kháng nào, nghĩa là anh ta phải phế bỏ ý chí của chính mình, trong khi đó anh ta lại không cách nào ngăn được ý chí của mình nổi lên.
Thành thực mà nói chúng ta đều biết rằng, hẳn nhiên sự phản kháng là không thể tránh khỏi, thậm chí nó rất cần thiết, nó có cái hữu ích của nó. Điều đó chỉ có nghĩa là ý chí không thể bị tiêu diệt, mặc dù trên thực tế nhà phân tâm định thủ tiêu nó, cũng như trên lí thuyết ông ta đã phủ nhận nó. Sự phản kháng này, dù biểu hiện ra bên ngoài như là phức cảm người cha ở người đàn ông, là sự phản kháng tính gia trưởng nơi người phụ nữ, hay ham muốn thống trị nói chung cũng đều không quan trọng. Ở đây tôi đặt vấn đề là: Làm sao để thấu hiểu bản chất tâm lí của cái ý chí đấy trong tình huống trị liệu, cũng như trong các cảnh huống đời thường mà thôi.
Nhà trị liệu phải thấy rằng, điều bệnh nhân phải chịu đựng không hẳn là phức cảm người cha hay sự phản kháng với tính gia trưởng, mà là một tình huống trong đó cái ý chí ngoại lai từ bên ngoài áp đặt lên anh ta, thế nên anh ta phản ứng bằng cách nêu cao ý chí của riêng mình, bên ngoài nhìn nhận vào thì gọi nó là Ý chí đối nghịch (counter-will). Cái ý chí đối nghịch đấy của bệnh nhân mỗi lúc sẽ được hiểu theo một cách khác nhau, thường là tùy theo điều mà nhà phân tâm diễn giải. Và chắc chắn, bệnh nhân phải chấp nhận những điều nhà phân tâm, với tư cách là một đại diện quyền lực, áp lên mình; đồng thời anh ta phải chấp nhận cả những đánh giá về mặt đạo đức phẩm hạnh đi kèm. Nhà trị liệu đích thực phải thấy rằng, trên thực tế, phản ứng tiêu cực này của bệnh nhân mang chứa những yếu tố thật sự có giá trị cho trị liệu. Cái sự kháng cự, chống đối mà bệnh nhân biểu hiện ra trong tình huống trị liệu đấy, trông thì có vẻ giống như sự phản kháng, như một ý chí đối nghịch, thực ra chính là biểu hiện của ý chí nơi anh ta.
Với tình trạng xung đột ý chí diễn ra ngay từ lúc bắt đầu tình huống trị liệu phân tâm, cuộc chiến không thể tự nhiên hóa giải. Không sớm thì muộn, giai đoạn phản kháng dữ dội hay cảm giác tội lỗi mạnh mẽ cũng diễn ra ở bệnh nhân. Kĩ thuật phân tâm cổ điển không thể giải quyết được điều đó, chúng đã buộc Freud phải đi đến chỗ xây dựng các thuyết mới, đưa ông ngày càng rời xa hạt nhân ý chí ban đầu. Ngay cả khi nhà trị liệu biết cách tránh né những chướng ngại đó, tránh né cái ý chí của bệnh nhân bằng sự kiên nhẫn hoặc điều hướng, thì mọi cuộc trị liệu phân tâm rốt cục vẫn đi đến một điểm: Tại đó xung đột ý chí bùng ra, bất kể trước đó cả nhà trị liệu và bệnh nhân đã cố tình bỏ qua nó ra sao.
Dù thế nào, việc kết thúc cuộc trị liệu phân tâm là rất quan trọng, ngay cả khi nhà trị liệu không đặt ra một giới hạn cụ thể nào. Và như cách phân tâm cổ điển vẫn thường làm, sự xác nhận hoàn tất cho toàn bộ quá trình trị liệu này phụ thuộc vào việc bệnh nhân sẽ chấp nhận một nội dung xác định nào đó. Thường thì nội dung này thể hiện ra trong việc tái kiến tạo lại cái lịch sử thuở ban sơ của cá nhân. Nó giống như là một “khúc xương” mà cả nhà trị liệu và bệnh nhân đều đấu tranh để giành bằng được, còn thật ra về mặt trị liệu nó không mấy giá trị. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân thì cuộc thăm dò vào những chuyện như giao cấu nó chẳng có gì thú vị, hay lời đe dọa về mặc cảm thiến hoạn thuở thơ ấu chỉ hòng làm cho bệnh nhân rúng động khiếp hãi và tiếp tục chịu đựng, cũng như giúp nhà phân tâm thỏa mãn cái hứng thú khẳng định lí thuyết của mình.
Có điều điểm cốt yếu nằm ở chỗ, cái “khúc xương” mà hai bên đều tranh giành đấy thường gắn liền với việc kết thúc cuộc phân tâm, cái kết thúc dẫn đến đặc tính tranh đấu cuối cùng của trị liệu phân tâm – đấy là một hiện tượng chưa từng có trong toàn bộ các lĩnh vực của nghệ thuật chữa lành. Bệnh nhân chống lại lời quả quyết của nhà phân tâm rằng cuộc phân tâm đã kết thúc, rằng anh ta đã khỏi bệnh. Anh ta phản ứng bằng một sự phản đối. Sự phản đối đấy không đơn giản chỉ là sự phản kháng mang tính chuyển dịch, mà về mặt tâm lí nó phải được hiểu như một ý chí phản kháng, một mâu thuẫn. Phải biết rằng, nhà trị liệu phân tâm không thể giải phóng thành công những cuộc đấu tranh cuối cùng này. Có khi ông ta còn làm chúng tăng lên nếu ông ta chỉ xem đấy như là sự chống đối của bệnh nhân. Cuộc phân tâm chỉ kết thúc tốt đẹp khi bệnh nhân, bằng cách này hay cách khác, thành công trong việc thực hiện theo ý chí của riêng mình, bất kể đấy là đòi hỏi tình yêu thương, hay là một phản kháng công khai. Chẳng hạn như sau đó anh ta đồng ý làm phẫu thuật chỉ để chứng minh rằng anh ta đã đúng, và người khác (kể cả nhà trị liệu) đã nhầm lẫn về bệnh tình của anh ta.
LIỆU PHÁP Ý CHÍ VÀ PHƯƠNG PHÁP “SẮP ĐẶT HỒI KẾT”
Bản thân tôi, từ khá sớm đã nắm bắt được tương đối ý nghĩa trị liệu của Ý chí, nhưng đến bây giờ tôi mới có thể định hình nó một cách rõ ràng. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng, các biện pháp mang tính thẩm quyền sẽ dẫn đến phản kháng nơi người được trị liệu. Đấy là điều cực kì khó tránh khỏi, ngay cả với liệu pháp “mềm dẻo” như của Freud cũng thế. Hay việc sử dụng những lệnh cấm đoán cụ thể như của Ferenczi đương nhiên sẽ dẫn đến sự gia tăng các phản kháng. Về bản chất thì những phản kháng đấy chính là những thách thức của ý chí. Thế nên bất cứ lệnh cấm nào dù là nhỏ nhặt từ nhà trị liệu, chẳng hạn như cấm bệnh nhân hút thuốc, quan hệ tình dục, hoặc cấm ăn một số loại đồ ăn thức uống,... cũng đều gây ra phản kháng từ bệnh nhân.
Từ rất sớm tôi đã tự đặt ra giới hạn cho mình trong việc sử dụng các biện pháp thẩm quyền đấy. Về cơ bản, cũng giống như tình huống trị liệu phân tâm, một cái kết là không thể tránh khỏi, và tôi cho rằng nhà trị liệu cần phải làm một điều, đấy là: Sắp đặt một hồi kết. Lẽ tất nhiên, như tôi đã luôn nhấn mạnh, hồi kết đấy không phải là một hành động tùy tiện của nhà trị liệu. Hãy nhớ rằng, hồi kết của một cuộc phân tâm luôn có một xung đột ý chí, và chắc chắn nó phải được kết thúc (dù trong thực tế cũng có những cuộc phân tâm không hồi hết).
Đối với tôi, xung đột ý chí này xuất hiện quả đúng với logic tâm lí của bệnh nhân. Việc của nhà trị liệu là để cho bệnh nhân trải qua những xung đột ý chí không thể tránh khỏi đấy, để có thể đi đến hồi kết của cuộc trị liệu. Do đó khi đưa “sắp đặt hồi kết” vào cuộc phân tâm, tôi đã phải hiểu rất rõ về ý nghĩa của các biện pháp mang tính thẩm quyền nói chung và cố gắng làm sao để không cưỡng ép, không áp chế và biến thành nó một mối bất hòa:
(i) Tôi sẽ để hồi kết diễn ra theo cách của một xung đột ý chí nội tại đơn thuần, đấy là cái xung đột bên trong bệnh nhân, chứ không phải giữa tôi và bệnh nhân;
(ii) Đồng thời, tôi cũng phải tìm kiếm các tiêu chí trong biểu hiện ý chí của chính bệnh nhân, ngay cả khi không phải lúc nào chúng cũng rõ ràng, hòng phát hiện ra đâu là lúc bản thân bệnh nhân đủ chín muồi để kết thúc cuộc trị liệu. Tức là, tôi phải xem xét từ góc độ của bệnh nhân, chứ không phải từ phía tôi.
Có điều, ngay cả khi rõ ràng là bệnh nhân có ý chí hướng đến việc kết thúc cuộc phân tâm thì sau đó anh ta vẫn cự nự với sự đặt định cái kết ấy. Tuy nhiên những phản ứng này trái ngược rõ ràng đến mức bệnh nhân cũng khó lòng phủ nhận đấy là do mâu thuẫn nội tại trong ý chí của chính họ. Chúng cứ dao động giữa hai thái cực, chúng không tìm được điểm cân bằng, và một trong hai thai cực này tự bộc lộ ra như một biểu hiện của ý chí đối nghịch (counter-will). Cái ý chí đối nghịch đấy nơi bệnh nhân sẽ “lên tiếng” đòi hỏi tiếp tục cuộc trị liệu, nó muốn một sự hợp lí hóa rằng: không thể nào đủ thời gian cho kết thúc như đã định, hoặc hãy kết thúc ngay lập tức, bởi chẳng thể làm gì hơn nữa trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Những đòi hỏi này chỉ có nghĩa là “Không... nếu không thì...”, nó chứa đầy sự mâu thuẫn, cự nự. Và nhà trị liệu đã thấu tỏ về nhân tố ý chí trong trị liệu thì không cần phải mất công tìm kiếm một lí do cụ thể nào để biện giải cho phản ứng đấy. Nó đơn giản là mẫu thuẫn nội tâm của chính bệnh nhân, nó là một biểu hiện ý chí của anh ta mà thôi.
Phương pháp sắp đặt hồi kết này thật sự cho thấy tính ưu việt về mặt kĩ thuật, cũng như lợi ích về mặt trị liệu, đương nhiên với điều kiện là nó được áp dụng trên tinh thần đúng chính, với sự hiểu biết về Tâm lí học Ý chí, rằng: Trong tình huốngtrị liệu, ý chí dưới sức ép và áp lực của ý chí ngoại lai chỉ có thể biểu hiện chính nó ra thành ý chí đối nghịch. Hai cái đó là một. Phản ứng này tự động này sinh ra trong tình huống trị liệu, ngay từ đầu nó đã chi phối toàn bộ tình huống trị liệu và rõ ràng sẽ thường trực gây bất lợi đối với bệnh nhân. Chúng ta chỉ cần nghiên cứu chính xác những phản ứng ý chí của bệnh nhân trong cuộc chiến công khai ở hồi kết cuộc trị liệu để nhận ra và hiểu phản ứng này trong cái ý nghĩa đầy đủ của nó: Về cơ bản điều mà nhà trị liệu phải đối phó không phải là sự phản kháng với quyền lực người cha (father-resistance), hay sự phản kháng tính gia trưởng (masculine protest), cũng không phải với sự mê đắm mẫu tính (mother fixation24). Đấy đơn thuần là xung đột ý chí nội tại. Và tùy theo hoàn cảnh, xung đột đấy biểu hiện ra bên ngoài theo những cách khác nhau. Trong cuộc chiến cuối cùng để đi đến hồi kết này, xung đột nội tại đấy trở nên rõ ràng qua thực tế là bệnh nhân muốn hai điều khác nhau cùng một lúc: vừa muốn đi đến hồi kết, lại vừa muốn tiếp tục cuộc trị liệu, như chúng ta đã thấy. Nhân thể, điều này làm sáng tỏ bản chất của cái gọi là mâu thuẫn trong tư tưởng, nói dễ hiểu là kiểu vừa yêu vừa ghét. Nó chẳng là gì khác hơn ngoài cái xung đột ý chí trong mỗi người, hay nói đúng hơn, nó là khả năng của con người trong việc cùng lúc huy động cả ý chí và ý chí đối nghịch bên trong chính mình.
Kĩ thuật sắp đặt hồi kết này giúp giải vây cho toàn bộ thế nước đôi lưỡng nan này. Nếu nhà trị liệu vận dụng chính xác thì nó sẽ đưa đến một giải pháp: Nhà trị liệu đi đến hồi kết cuộc phân tâm theo ý chí ngày càng mạnh của bệnh nhân. Cùng lúc đó ông ta phải ấn định một thời gian hòng kết thúc cuộc trị liệu, đồng thời giải quyết cuộc xung đột ý chí, đấy cũng là lúc (ý chí của) ông ta mâu thuẫn với (ý chí của) bệnh nhân, cản trở cái ý chí của anh ta. Tình huống này làm bùng lên toàn bộcuộc xung đột nội tại bên trong bệnh nhân, bởi thế lưỡng nan bên ngoài vừa hay ăn khớp một cách hoàn hảo với sự bất nhất bên trong của anh ta. Ở đây chỉ có hai tình huống xảy ra: (i) Khi anh ta nhượng bộ, nghĩa là anh ta không còn muốn làm theo cách riêng của mình nữa; và (ii) Khi anh ta không nhượng bộ, anh ta muốn thực hiện nó bằng được. Điểm mấu chốt là nhà trị liệu có thể dễ dàng cho anh ta thấy rằng: Trong những phản ứng cuối cùng này, cuộc xung đột ý chí đấy là một cuộc đấu tranh bên trong nội tâm anh ta, chứ không phải cuộc đấu tranh bên ngoài giữa anh ta với nhà trị liệu. Và phải cho bệnh nhân thấy rằng, đấy mới chính là cái xung đột căn bản, rốt ráo trong toàn bộ đời sống tinh thần của anh ta.
24 Xem bảng thuật ngữ cuối sách.
MỌI CUỘC XUNG ĐỘT BÊN NGOÀI ĐỀU TIỀM CHỨA MỘT XUNG ĐỘT Ý CHÍ BÊN TRONG
Tại sao và làm thế nào mà xung đột bên ngoài lại là xung đột trong nội tâm vậy? Có lẽ đây là câu hỏi bạn sẽ đặt ra. Đấy cũng là lí do chúng ta ở đây, và tôi sẽ nói về Tâm lí học Ý chí – hạt mầm mà tôi đã gieo từ Truth and Reality25 (Cái thật và thực tại) và tiếp tục trong cuốn sách này. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm các khía cạnh trị liệu của ý chí dựa trên nền tảng những gì chúng ta đã nêu ra trong Cái thật và thực tại.
25 Đọc thêm Cái thật và thực tại, bản dịch của Trần Khánh Ly - Một dịch giả của Oopsy, iBooks và Nxb Phụ Nữ Việt Nam, Sđd.
Vừa rồi, chúng ta đã chỉ ra xung đột ý chí căn bản biểu hiện ra sao trong cuộc đấu tranh cuối cùng của tình huống trị liệu. Giờ thì hãy quay trở lại một chút cái thời điểm mà bệnh nhân tìm đến nhà trị liệu. Như đã nói trước đó, chiểu từ giai đoạn sau cuối của quá trình trị liệu, nhà trị liệu có thể coi cái khoảnh khắc bệnh nhân xuất hiện (tại phòng tư vấn) hòng tìm kiếm một sự trợ giúp cũng giống như là một thách thức khơi mào cho cuộc chiến ý chí sau này. Đấy là điều quá rõ ràng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cũng phải thấy rằng, khi ấy bệnh nhân cùng lúc cho thấy một ý chí khác: Đấy là sự đầu hàng, giao nộp chính mình. Sự đầu hàng đấy là lí do thôi bẩy anh ta đến với nhà trị liệu trong tư cách một người tìm kiếm sự giúp đỡ.
Chúng ta thậm chí còn có thể đẩy vấn đề về trước đó nữa, chúng ta phải thấy rằng: Trước khi bệnh nhân xuất hiện ở phòng tư vấn thì anh ta đã trải qua cuộc xung đột ý chí kéo dài từ khá lâu rồi, đấy là tình trạng mà chúng ta vẫn gọi là các chứng loạn thần kinh. Khi anh ta xuất hiện trước mặt nhà trị liệu, đấy là lúc cái ý chí đầu hàng của anh ta đang thắng thế. Nói cách khác, bệnh nhân mang toàn bộ xung đột loạn thần kinh của mình, mà bản chất là xung đột ý chí đã tích tụ từ lâu, đến buổi trị liệu để tìm kiếm sự trợ giúp. Ở đó anh ta vừa muốn từ bỏ bản thân lại vừa muốn khẳng định chính mình, vừa muốn đầu hàng cũng muốn chiến đấu, vừa muốn quy phục cũng vừa muốn phản kháng. Toàn bộ chứng loạn thần kinh của anh ta đặt nền tảng trên xung đột nội tâm này: Một mặt, anh ta không đành lòng phục tòng ý chí khác; mặt khác lại bất lực trong việc làm theo ý chí của mình một cách tích cực. Trong tình huống trị liệu phân tâm, anh ta đi tìm kiếm cách giải quyết xung đột ý chí nội tại này từ bên ngoài, anh ta đặt một ý chí ngoại lai lên ý chí của riêng mình. Nhưng rồi anh ta mau chóng cảm thấy ý chí này áp chế, cưỡng ép mình.
Theo đó, nhiệm vụ của nhà trị liệu không phải là đối xử và hành động với bệnh nhân theo cái ý chí quy phục của anh ta. Ông ấy phải đóng vai trò như một ý chí đối nghịch, sao cho ý chí của bệnh nhân không bị phá hủy, mà ngược lại, phải được củng cố. Nếu vì bất cứ lí do gì, nhà trị liệu không hiểu được động lực này nơi ý chí của bệnh nhân thì ông ta sẽ phải thủ giữ vai “ý chí toàn năng” mà bệnh nhân tạm thời gán lên ông, trong khi đó tự họ đóng vai ý chí đối nghịch, từ đó dẫn tới sự phản kháng và chống đối tiêu cực. Đấy là tất cả những kiểu phản ứng thường thấy của những người rối loạn thần kinh, và cả những người bình thường mang trong mình nhiều xung đột nội tâm cũng thế. Ở đây, nhà trị liệu có thể áp dụng phép liên tưởng tự do của Freud theo một cách rất tâm lí học ý chí, rằng: “Hãy nói bất cứ điều gì anh muốn, vì tất cả chỉ là một mà thôi.” Cách anh nói ra hay cách anh im lặng, thời điểm anh nói ra hay lúc anh im lặng mới là điều quan trọng, chứ không phải bản thân những điều được nói ra. Và tất cả những gì bệnh nhân cần là sự thể hiện ý chí của mình một cách thuận lợi, tích cực mà không bị cảm giác tội lỗi xâm chiếm, ngăn trở. Mục tiêu trị liệu chỉ đạt được khi bệnh nhân thực sự vượt qua nhà trị liệu và hoàn toàn làm chủ những khoảnh khắc của trải nghiệm trị liệu.
Hiểu về xung đột ý chí này và giá trị của nó trong trải nghiệm trị liệu, chúng ta cũng sẽ sáng tỏ một trong những biểu hiện quan trọng nhất của ý chí, và phải đến Tâm lí học Ý chí thì chúng ta mới có thể thực sự hiểu được nó, đấy là: Ý chí muốn khỏe mạnh (will-to-health). Rõ ràng là bên cạnh xung đột ý chí nội tại (chứng loạn thần kinh) của mình, ở bệnh nhân còn có điều gì đó giống như thể là mong-muốn-được-khỏe-mạnh, đấy là điều thôi thúc họ tìm đến với nhà trị liệu. Tuy nhiên, tôi khá chắc rằng, ngay khi quá trình trị liệu bắt đầu, cái ý chí muốn khỏe mạnh này nơi bệnh nhân sẽ dần trở nên suy yếu, và nó sẽ trở nên hoàn toàn yếu nhược nếu nhà trị liệu không hiểu cách nó vận hành về mặt tâm lí và sử dụng nó để trị liệu.
Việc đầu tiên mà bệnh nhân làm khi bắt đầu cuộc trị liệu là phóng chiếu ý chí-muốn-khỏe-mạnh của mình lên nhà trị liệu. Bằng sự bảo chứng chuyên môn của mình, nhà trị liệu đại diện cho cái ý chí muốn khỏe mạnh đấy, cái khát khao đấy của bệnh nhân. Có nghĩa là, trong bệnh nhân xuất sinh một tâm lí: Bản thân mình không còn cần phải có ý chí để trở nên khỏe mạnh nữa, bởi khi đó (ý chí của) nhà trị liệu phải và sẽ làm cho mình khỏe mạnh. Ví dụ này cho thấy cái khuynh hướng xung đột ý chí như đã nói ở trên: Bệnh nhân biến nhà trị liệu trở thành đại diện cho ý chí chủ động tích cực, và tự mình thủ giữ vai ý chí thụ động tiêu cực, yếu đuối. Quá trình trị liệu tâm lí thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào việc nhà trị liệu hiểu chính xác ra sao về khuynh hướng phóng chiếu này.
Sự thành công của trị liệu phụ thuộc vào khả năng cho phép ý chí-muốn-khỏe-mạnh này được bảo toàn và củng cố nơi bản thân bệnh nhân, thay vì để nó phóng chiếu lên nhà trị liệu. Điều này chỉ khả thi khi toàn bộ hoàn cảnh trị liệu cùng thảy mọi biểu hiện của nó được đánh giá một cách tích cực từ góc độ của vấn đề ý chí. Việc củng cố ý chí-muốn-khỏe-mạnh một cách tích cực đến mức có thể thực sự làm cho người ta trở nên khỏe mạnh và duy trì tình trạng khỏe mạnh đấy, hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của bệnh nhân. Ngay cả trong thời gian trị liệu, cái ý chí đấy cũng phải đảm nhận khả năng trở nên khỏe mạnh và duy trì sự lành mạnh về sau. Bạn hiểu điều này không? Nói đơn giản chính là: Tôi chỉ khỏe khi tôi-muốn-khỏe, chứ không phải người khác bảo tôi phải khỏe.
Việc nhận thức không trọn vẹn vấn đề ý chí này đã dẫn đến việc là người ta tìm cách diễn giải về nó, từ đó gây ra toàn bộ cuộc luận chiến giữa Phân tâm học và Tâm lí học Ý chí. Chúng ta sẽ lại giới hạn mình trong khía cạnh trị liệu thuần túy của vấn đề ý chí này, đồng thời cũng sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa chung của nó.
Để minh họa, tôi sẽ nói về việc người ta phản đối phương pháp sắp đặt hồi kết cho cuộc trị liệu và các tiêu chí mà tôi đã áp dụng để xác định kết thúc đó. Hãy thử lấy ví dụ trong giấc mơ, khi bệnh nhân để lộ ra các dấu hiệu cho thấy anh ta muốn rời khỏi cuộc trị liệu. Sẽ có ý kiến cho rằng, đấy có thể chỉ là “ước nguyện” của bệnh nhân thôi. Phản đối kiểu này quá dễ dãi, nó dựa trên lí thuyết “hoàn thành ước nguyện” (wish-fulfilment) thông qua giấc mơ của phân tâm học, mà không hề thắc mắc về cái tâm lí ngầm ẩn đằng sau ước nguyện đấy. Trong khi bệnh nhân thể hiện xu hướng muốn giải phóng bản thân, không phải trong giấc mơ, mà trong các cách phản ứng cảm xúc khác, thì nhà phân tâm lại bảo rằng đấy là “sự phản kháng”. Tôi cho rằng, trong cả hai trường hợp, kể cả giấc mơ lẫn không phải mơ, đấy không phải là sự phản kháng, mà là sự tiến triển trong tâm lí bệnh nhân: Trong những phản ứng này xuất hiện biểu hiện tích cực của ý chí, hiện tại thì thể hiện ra như là sự phản kháng và ngụy trang dưới hình hài ước nguyện.
Ở đây, hãy nói thêm một chút về giấc mơ26: Những gì xảy ra trong mơ là điều mà Freud nhấn mạnh, còn tôi cho rằng đấy chỉ là động lực được thôi dẫn bởi kẻ nằm mộng trong chính anh ta mà thôi. Nhà trị liệu chỉ có thể xác quyết được ảnh hưởng và kết quả của nó sau khi giấc mơ đã diễn ra. Sau khi xem xét tác động sinh ra trong giấc mơ, sẽ thấy lí thuyết hoàn thành ước nguyện của Freud khá hạn hẹp. Đúng ra, chúng ta còn có thể nói về một chức năng khác của giấc mơ, đấy là trút bỏ gánh nặng. Những giấc mơ diễn ra trong quá trình trị liệu, đặc biệt trong giai đoạn cuối của trị liệu, cho thấy rõ ràng rằng chúng có liên quan đến một nỗ lực kiểm soát tình huống nơi ý chí của bệnh nhân. Ở đây giấc mơ không đóng vai trò là một sự hoàn thành ước nguyện, mà là sự hiện thực hóa ý chí của bệnh nhân. Điểm khác biệt này cũng có nghĩa là điểm khác biệt giữa ước nguyện và ý chí, vì nó nói lên rằng bệnh nhân muốn: Thực hiện trọn vẹn thử thách vượt qua xung đột nội tâm bên trong bản thân và sẽ chỉ tìm thấy sự giải thoát thực sự trong sự tự chủ của chính mình.
26 Trong bản tiếng Anh, đây là chú thích của tác giả.
Hơn nữa, ở những người thường không mơ gì cả hoặc rất hiếm khi mơ, điều này cũng giải thích cho sự xuất hiện của những giấc mơ ngay sau khi quá trình trị liệu bắt đầu. Ngoài ra trong trị liệu, giấc mơ cũng có thể mang một ý nghĩa nữa: Nó giống như một món quà dành cho nhà trị liệu, nó cho thấy không gì có thể cản nổi xu hướng tự chủ vốn có nơi ý chí của người được trợ giúp. Giấc mơ thường không phải để người ta chia sẻ hay kể ra với người khác, song một khi nó đã xuất hiện, nó chắc chắn nó có tác dụng tự trị liệu. Trong khi xuất sinh các giấc mơ, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của quá trình trị liệu, bệnh nhân bám giữ vào chức năng tự nhiên của giấc mơ để tự điều hòa tinh thần bản thân, hòng một lần nữa giữ cho mình sự độc lập với nhà trị liệu, cũng chính là độc lập với tình huống trị liệu.
Nhà phân tâm đi theo lí thuyết của Freud thường gặp khó khăn trong việc nhận biết biểu hiện của ý chí từ góc độ tâm lí học. Họ không hiểu tại sao ở bệnh nhân lúc thì nó biểu hiện như là ước nguyện, lúc thì như sự phản kháng. Cụ thể là: Nếu phản ứng của bệnh nhân nằm trong dự liệu của nhà phân tâm thì ông ta sẽ nương theo gợi ý đó và diễn giải cái biểu hiện ý chí đấy là “ước nguyện”. Nếu phản ứng của bệnh nhân không nằm trong dự liệu, thì nó được giải nghĩa như là sự phản kháng. Ở đây, một lần nữa chúng ta thấy rằng, việc hiểu đúng những phản ứng của bệnh nhân phụ thuộc vào thái độ chung của nhà trị liệu đối với toàn bộ trải nghiệm trị liệu, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào một vài chi tiết trong tình huống trị liệu. Nếu ngay từ đầu, ý chí của bệnh nhân đã được kiến tạo một cách có hệ thống và có mục đích để chịu đựng toàn bộ quá trình trị liệu, thì thực tế không cần đặt ra câu hỏi, liệu xu hướng tự giải phóng bản thân của họ là ước nguyện hay đơn thuần là phản kháng. Vì trong cả hai trường hợp, nó đều chỉ là một trong những gương mặt của ý chí mà thôi.
Có điều trong tình huống phân tâm cổ điển, tất cả những biểu hiện đấy đều bị anh ta tìm cách phủ nhận: (i) Trong trường hợp trực tiếp thì anh ta nói, đấy không phải là ý chí của tôi mà chỉ là sự thể hiện cái ý chí ngang ngược, ý chí đối nghịch của tôi, tinh thần chống đối của tôi thôi. (ii) Còn trong trường hợp gián tiếp thì anh ta nói, đấy không phải là ý chí của tôi, đấy chỉ là một ước nguyện thôi. Nói cách khác, diễn giải các biểu hiện ý chí trên cơ sở lí thuyết phân tâm học chỉ khiến cho bệnh nhân củng cố cái khuynh hướng phủ nhận mọi biểu hiện ý chí của mình. Mà bạn phải biết rằng, sự phủ nhận vốn là bản chất của chứng loạn thần kinh nơi anh ta.
Trong trải nghiệm trị liệu phân tâm, ý chí chỉ có thể tự biểu hiện ra dưới gương mặt của sự phản kháng hoặc như một ước muốn rụt rè, là bởi tình huống phân tâm mang trong nó tính giáo dục sư phạm. Do đó, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa Liệu pháp phân tâm và Liệu pháp Ý chí, như đã nói ở trên:
(i) Phân tâm học hướng đến dạy dỗ người ta; trong khi Liệu pháp Ý chí chỉ thuần túy là ứng xử với tâm lí con người ta;
(ii) Phân tâm học muốn đi theo hướng giáo dục, còn bên Liệu pháp Ý chí muốn hoạt động trên tinh thần kiến tạo, tức là để cho cá nhân tự xác quyết chính mình;
(iii) Phân tâm học lấy sự phản kháng làm trọng tâm, và mục tiêu của nó là chế ngự sự phản kháng đó. Tôi thấy đấy là điều này không bao giờ có thể xảy ra, cả trong lĩnh vực sư phạm lẫn trong trị liệu theo định hướng sư phạm. Còn mục tiêu của Liệu pháp Ý chí không phải là vượt qua sự phản kháng, mà là biến đổi các biểu hiện tiêu cực của ý chí (sâu bên dưới là ý chí đối nghịch) thành biểu hiện ý chí tích cực và cuối cùng là ý chí sáng tạo.