Đức Phật là bậc toàn giác, từng trải qua vô lượng kiếp trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Sau khi đạt được sự viên mãn hoàn toàn (Ba la mật - pāramitā), Ngài đã tìm ra con đường Trung đạo. Đó là thành tựu mà Đức Thế Tôn đạt được nhờ việc thực hành hạnh Ba la mật. Và cuối cùng, Ngài đã chứng đắc sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn dưới cội cây Bồ đề tại Gaya, Ấn Độ.
Trung đạo là con đường tránh xa hai thái cực: hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác. Trung đạo được hình thành từ tám bước, nên con đường này còn được gọi là Bát chính đạo. Điều này chưa từng được người nào hay Thượng đế nào nói qua. Đây chính là con đường giác ngộ đưa đến sự an lạc tịch tịnh, Niết bàn. Đức Phật chỉ dẫn phương pháp tu tập con đường này và chia cụ thể làm hai hạng đệ tử. Con đường Trung đạo dành cho người thế tục gọi là Giới luật dành cho Phật tử tại gia, còn con đường Trung đạo dành cho chư vị xuất gia gọi là Giới luật cho hàng Tăng sĩ.
Tám bước để tu tập những phẩm chất đạo đức hàm chứa trong con đường Trung đạo dành cho hàng Phật tử tại gia - những người có vô số trách nhiệm và bổn phận cần làm, phải được trau dồi cùng một lúc và có sự hỗ trợ lẫn nhau, tựu trung vì mục đích lợi lạc cho nhân sinh.
Dĩ nhiên, có rất nhiều tài liệu, kinh văn liên quan đã mô tả những cách thức hay phương tiện để sắp xếp những giới điều về đạo đức, nhằm mục đích duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Một trong những ví dụ liên quan được tìm thấy, đó là trường hợp trưởng giả Cấp Cô Độc yêu cầu cậu con trai hoang đàng của mình đi nghe Đức Phật thuyết pháp. Con trai ông đồng ý nhưng với điều kiện cha sẽ phải trả cậu một đồng tiền vàng cho mỗi lần nghe pháp trở về. Song, sau khi nghe bài giảng của Đức Phật, cậu đã hoàn toàn bị thuyết phục và được Ngài chỉ dạy nên tu sửa bản thân bằng cách từ bỏ tất cả những thói hư tật xấu, lối sống phóng túng, và tất nhiên cả việc đòi tiền thù lao của cha mình nữa.
Một ví dụ khác đó là nữ đại thí chủ Visakha từng được cha dạy bảo mười điều trước khi đi lấy chồng. Cô vâng lời và thực hành chúng. Việc làm này của cô đã cảm hóa được triệu phú Migara, cũng chính là cha chồng cô quy y đạo Phật. Giống như vậy, vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt được cha dạy phải đỉnh lễ sáu phương, điều này đã ngầm thể hiện rằng ý nghĩa thật sự của sáu phương có sự tương quan với mười hai mối quan hệ xã hội được thể hiện bởi sáu phương ấy.
Bài pháp được trích trong Trường bộ kinh của kinh tạng Pāli, với hình thức đặt vấn đề do chính Đức Phật toàn giác thuyết giảng để truyền tải thông điệp tốt đẹp đến tầng lớp thanh niên. Người học tập giáo lý cần phải học một cách chậm rãi và đều đặn bằng cả hai giác quan là thính giác (nghe) và thị giác (thấy). Đứng trước mọi việc, chúng ta cần phải suy xét một cách thấu đáo, đúng như thật. Đức Phật từ bi đã mở đường cho sự phát triển đúng đắn của những pháp môn này. Việc thụ trì các chuẩn mực đạo đức, chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất cần phải tuân thủ để có thể nâng cao đời sống tinh thần của chúng ta. Bước thứ hai là thực hành định (samādhi). Bước thứ ba là phát triển tuệ giác thông qua tu tập thiền minh sát tuệ, được chính các vị thiền sư chỉ dạy.
Lời Phật soi sáng tâm người tại gia (Kinh Thi Ca La Việt) được xem như là Giới luật dành cho Phật tử tại gia. Kinh trình bày quy cách ứng xử mà mọi người nên làm theo, để sửa đổi tâm tính cũng như duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh, bền vững, đem lại hạnh phúc trong đời này và những đời sau nữa.
Hòa thượng K. Dhammasiri là một học giả Phật học uyên bác đã từng giảng dạy tại trường chuyên Dhammaduta ở Colombo, Sri Lanka trong một thời gian dài. Ngài hiểu và diễn đạt bài kinh này dưới một phương thức rất khác biệt, đó là qua các hình vẽ minh họa, để truyền tải những ý nghĩa sâu sắc của kinh đến khắp xã hội.
Tác phẩm truyện tranh Lời Phật soi sáng tâm người tại gia (Kinh Thi Ca La Việt) thật sự là một đóng góp cho văn học Phật giáo và tôi rất vui khi được nói rằng Hòa thượng Dhammasiri không những tinh thông Tam tạng mà còn là một vị tu sĩ có đạo hạnh đáng kính, phụng sự đạo pháp bằng việc phổ biến lời dạy của Đức Phật thông qua những phương tiện phù hợp với thị hiếu của xã hội hiện đại. Tôi mong rằng ngài sẽ sáng tác, biên soạn thật nhiều tác phẩm tuyệt vời như thế này để giúp cho thế hệ trẻ ngày càng văn minh, thân thiện và thông tuệ hơn nữa.
Hòa thượng Tiến sĩ Pandit Parawahera Pannananda
Nayaka Maha Thero
Cử nhân danh dự tại London
Tiến sĩ Văn học tại Sri Lanka
Viện chủ Viện Sanganayaka miền Tây Sri Lanka
Hiệu trưởng Trường Đại học Ruhunu