Đức Phật đã thuyết giảng bài pháp đầu tiên tại Vườn Nai (Migadāya) ở Saranath (Isipatana) gần Ba La Nại (Baranasi) của nước Ấn Độ. Vào một ngày nọ, Ngài thuyết giảng Kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta) cho năm vị tu khổ hạnh là Kiều Trần Như (Koṇḍañña), Bà Sư Ca (Vappa), Bạt Đề (Bhaddiya), Ma Ha Nam (Mahānāma) và A Thuyết Thị (Assaji). Bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết bao hàm giáo lý cốt lõi của Phật pháp. Các giáo lý cơ bản được tìm thấy trong đây được gọi là Tứ diệu đế, tức Bốn chân lý. Bốn chân lý đó là:
1. Sự thật về khổ.
2. Sự thật về nguồn gốc của khổ.
3. Sự thật về đoạn diệt khổ.
4. Sự thật về con đường đoạn diệt khổ.
Từ đó trở đi, trong suốt 45 năm sau khi giác ngộ, Đức Phật vân du khắp nơi, giảng dạy những điều mà Ngài đã chứng ngộ cho những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Ba tháng sau khi nhập diệt, giáo pháp của Ngài được trùng tuyên tại Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất ở thành Vương Xá (Rājagaha) với mục đích gìn giữ được tính nguyên thủy của giáo pháp, vì lợi ích cho các thế hệ mai sau. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (Mahakassapa) chủ trì cuộc kiết tập dưới sự bảo trợ của vua A Xà Thế (Ajātasattu) xứ Ma Kiệt Đà (Magadha), Ấn Độ. Trong kỳ kiết tập kinh điển này, tất cả giáo pháp của Đức Phật được bao hàm trong ba tạng (Tipiṭaka (P), Tripiṭaka (S)). Ba tạng đó bao gồm Tạng luật (Vinaya piṭaka), Tạng kinh (Sutta piṭaka) và Tạng vi diệu pháp (Abhidhamma piṭaka).
Tạng luật (Vinaya piṭaka) là nơi chứa đựng những giới điều liên quan đến luật nghi của chư Tăng ni, bao gồm năm tập. Đó là Căn bản giới (Pārājikapāḷi), Tiểu giới (Pācittiyapāḷi), Đại phẩm (Mahāvaggapāḷi), Tiểu phẩm (Cullavaggapāḷi), Tập yếu (Parivārapāḷi).
Tạng kinh (Sutta piṭaka) là nơi chứa đựng những bài thuyết pháp, gồm năm bộ. Đó là Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya) - tập hợp những bài kinh dài, Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) - tập hợp những bài kinh có độ dài trung bình, Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) - tập hợp những bài kinh liên quan với nhau hoặc cùng nhóm với nhau, Tăng chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) - tuyển tập những bài kinh tăng dần theo pháp số, và Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikāya) - tổng hợp những tập kinh nhỏ.
Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma piṭaka) là nơi chứa đựng những giáo lý thâm sâu vi diệu, bao gồm bảy bộ. Đó là:
• Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅganī) - liệt kê các pháp.
• Bộ Phân tích / Phân biệt (Vibhaṅga) - phân tích các pháp.
• Bộ Chất ngữ / Giới thuyết (Dhātukathā) - luận giải về các nguyên tố.
• Bộ Nhân chế định / Nhân thị thuyết (Puggalapaññatti) - mô tả những danh tính cá nhân.
• Bộ Ngữ tông / Biện giải (Kathavatthu) - những điểm dị biệt.
• Bộ Song đối / Song luận (Yamaka) - tuyển tập các cặp đối.
• Bộ Vị trí / Phát thú (Patthana) - tuyển tập đề cập đến nhân quả tương quan.
Lời Phật soi sáng tâm người tại gia (Kinh Thi Ca La Việt) hay Bài thuyết pháp cho Thi Ca La Việt nằm trong Trường bộ kinh - là tuyển tập những bài pháp dài của Tạng kinh, nội dung tóm tắt như sau:
Một thuở, Đức Phật đang cư ngụ ở Rừng Trúc, thuộc Khu vực kiếm ăn của sóc (Kalandakanivapa) gần thành Vương Xá (Rājagaha). Lúc bấy giờ, Thi Ca La Việt1, con trai của một vị trưởng giả ở thành Vương Xá luôn thức dậy thật sớm, đi đến cửa thành với quần áo và tóc còn ướt, chắp tay đỉnh lễ sáu phương của trời đất - phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, phương dưới và phương trên.
Vào một buổi sáng sớm, Đức Phật rời khỏi thành Vương Xá đi khất thực. Thế Tôn nhìn thấy vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt đang đỉnh lễ, bèn hỏi cậu rằng: “Tại sao con lại rời khỏi thành Vương Xá từ sớm, đến đây đỉnh lễ sáu phương của trời đất với mái tóc và quần áo ướt như vậy?” “Thưa Ngài, lúc cha của con2 hấp hối có trăng trối như thế này: ‘Này con yêu dấu, con nên đỉnh lễ sáu phương của trời đất’. Thưa Ngài, con trân trọng những lời khuyên của cha, tôn thờ và vâng giữ những gì mà cha đã khuyên răn, vì vậy, mỗi ngày con đều thức dậy từ sớm, rời khỏi thành Vương Xá, đỉnh lễ sáu phương”.
Đức Phật bèn nói: “Này vị gia chủ trẻ tuổi, theo pháp của bậc Thánh (trong Phật giáo), sáu phương không phải được đỉnh lễ như thế đâu”.
Thi Ca La Việt hỏi: “Thưa Ngài! Vậy theo pháp của các bậc Thánh, sáu phương phải nên được lễ bái như thế nào ạ? Thật diễm phúc thay nếu Ngài sẵn lòng chỉ dạy cho con biết cách lễ bái sáu phương theo lễ nghi của bậc Thánh ạ”. Đức Phật liền chỉ cho vị gia chủ trẻ tuổi nên lễ bái, tôn thờ sáu phương như thế nào.
“Này vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt! Bởi vì bậc Thánh đệ tử loại bỏ được bốn điều xấu ác về đạo đức; vị ấy không làm các điều ác từ bốn động cơ thúc đẩy; vị ấy không chạy theo sáu đường làm mất đi sự giàu có; nếu tránh xa được mười bốn điều xấu ác này, vị ấy sẽ là người bảo hộ sáu phương. Vị ấy làm như vậy để chiến thắng hai đời, chiến thắng trong đời này và cả đời sau, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh vào cảnh giới an vui, hạnh phúc ở cõi trời”.
Giết hại, trộm cắp, tà dâm và nói dối là bốn điều xấu ác về đạo đức mà bậc Thánh đệ tử phải từ bỏ3. Song, những nghiệp ác này được tạo tác do bốn động cơ nào thúc đẩy? Chúng được thúc đẩy từ sự ham mê, sự thù hằn, sự ngu dốt và sự sợ hãi. Nhưng bậc Thánh đệ tử không bị dẫn dắt bởi những động cơ thúc đẩy ấy và cũng nhờ vậy mà họ không làm những việc xấu ác.
Đức Phật cũng đã chỉ ra sáu đường làm mất đi sự giàu có, đó là: nghiện những chất độc hại, ra đường vào giờ không thích hợp, tụ tập đàn đúm, ham mê cờ bạc, kết giao bạn bè xấu, và lười biếng. Mỗi đường đều có sáu hiểm họa đi kèm.
Đức Phật cũng dạy về bốn kiểu bạn xấu và bốn kiểu bạn tốt, thực sự chân thành, Ngài còn liệt kê lần lượt những phẩm chất của từng kiểu bạn nữa.
Kế đến Đức Phật chỉ dạy về cách sử dụng của cải tích góp như thế nào cho đúng. Của cải phải được chia thành bốn phần, một phần dành cho những chi tiêu hàng ngày, hai phần dành cho việc đầu tư và buôn bán chân chính, và phần thứ tư là để sử dụng trong tương lai4.
Cuối cùng Đức Phật dạy vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt rằng việc thực hiện sáu bổn phận của mỗi con người đó chính là lễ bái sáu phương. Cha mẹ là phương đông, thầy giáo là phương nam, vợ con là phương tây, bạn bè, những người cộng sự là phương bắc5, người hầu, người làm công là phương dưới, những người thầy tâm linh là phương trên. Sau đó, Ngài đã thuyết giảng chi tiết các bổn phận mà mỗi cá nhân cần thực hiện song song với nhau.
Bài kinh này trình bày tất cả những bổn phận và trách nhiệm của một người cư sĩ đối với gia đình và xã hội theo quan điểm Phật giáo. Chính vì thế, bài kinh này nổi tiếng với tên Gihīvinaya - Giới luật dành cho Phật tử tại gia.
Trong quá khứ, có một số người sùng bái mưa gió, đồi núi như thể có các vị Thần trú ẩn trong đó. Đức Phật không đồng ý với quan điểm này. Khi thấy vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt lễ bái sáu phương của đất trời, Ngài đã nói những điều này là vô nghĩa, và thay vào đó, Thế Tôn đã dạy cho cậu phải tôn kính sáu phương bằng việc thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, v.v.
Lời Phật soi sáng tâm người tại gia (Kinh Thi Ca La Việt) thật hữu ích trong việc xây dựng nên một xã hội an bình. Giáo lý về tình yêu và lòng tốt giữa người với người của Đức Phật đã được bài kinh này trình bày với nhiều chi tiết toàn diện hơn các bản khác.
Tôi thiết nghĩ nên xuất bản tác phẩm Lời Phật soi sáng tâm người tại gia (Kinh Thi Ca La Việt) dưới hình thức là truyện tranh để cho cả người lớn cũng như trẻ em đều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong phần trình bày ở đây sẽ không có các hình miêu tả bốn điều xấu ác và bốn động cơ thúc đẩy tạo tác các điều xấu ác ấy.
Tôi thật sự rất biết ơn Thượng tọa, Tiến sĩ Parawahera Pannananda - Hiệu trưởng Trường Đại học Ruhunu ở Sri Lanka; Thượng tọa, Tiến sĩ Pategama Gnanarama - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật giáo Singapore và Đại đức, Thạc sĩ Pandit Obbegoda Dhammatilaka - Viện chủ của Tu viện Pokuunugala Purana Vihara Monaragala tại Sri Lanka đã cố vấn để quyển sách này được hoàn thiện.
Tôi chân thành cảm ơn Đại đức Phrakru Si Phatanakun - trụ trì chùa Wat Nakprok, Băng Cốc; Đại đức Phrakru Setakic Samahito tại tiểu bang Cali, Mỹ; Đại đức Welipitye Ratanasiri; Đại đức Kandaudapanguwe Nagita; ông E. Dayaratne; ông S.S. Wiickramarachchi - nguyên Hiệu trưởng Trường Aluvihara Vidyala tại Matale, Sri Lanka; cùng các vị Ruwan Franendo, cô Evelyn Yeo, K.W. Janaanjana và Mudiyansalage Jayaratna.
Trong các phẩm vật bố thí, bố thí Pháp là tối thượng
Hòa thượng K. Dhammasiri