Lời Phật soi sáng tâm người tại gia(Kinh Thi Ca La Việt)
Lúc nằm trên giường bệnh, cha của Thi Ca La Việt đã căn dặn con trai mình rằng: “Con trai yêu dấu của ta, sau khi ta qua đời, vào mỗi buổi sáng, con hãy thức dậy sớm với quần áo và tóc hãy còn ướt, đỉnh lễ phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, phương dưới và phương trên, không được có chút lơ là. Đó là lời căn dặn cuối cùng của ta”.
Vâng lời cha, cứ mỗi buổi sáng, vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt đều thức dậy sớm với quần áo và tóc hãy còn ướt, chắp tay đỉnh lễ các phương: đông, nam, tây, bắc, dưới và trên.
Một buổi sáng sớm nọ, Đức Phật đi vào thành Vương Xá để khất thực. Khi nhìn thấy Thi Ca La Việt đang đỉnh lễ, Ngài bèn hỏi cậu vì sao lại làm vậy? Thi Ca La Việt bạch Đức Phật rằng trước khi qua đời, cha đã căn dặn cậu làm như thế. Nhân đó, Đức Phật dạy rằng trong giáo pháp của Ngài cũng có pháp đỉnh lễ sáu phương.
Có sáu hiểm họa khi nghiện những chất độc hại:
- Tổn thất các tài sản hiện có.
- Mất đi những nhân cách tốt6.
- Gia tăng các mối bất hòa.
- Phơi bày sự khiếm nhã7.
- Bệnh tật dễ xâm nhập.
- Trí tuệ suy giảm.
Có sáu hiểm họa khi ra đường vào giờ không thích hợp:
- Không tự bảo vệ được bản thân.
- Không bảo vệ được vợ con.
- Không bảo vệ được tài sản.
- Bị nghi là tội phạm8.
- Bị vu oan bởi những lời đồn vô căn cứ.
- Gặp nhiều chuyện phiền muộn, rắc rối.
Có sáu hiểm họa khi tụ tập đàn đúm: Trong đầu lúc nào cũng chỉ muốn:
- Tìm đến nơi có nhảy múa.
- Tìm đến nơi có ca hát.
- Tìm đến nơi có đàn nhạc.
- Tìm đến nơi có ngâm thơ, ca vịnh.
- Tìm đến nơi có kèn trống.
- Tìm đến nơi có lễ hội, chiêng trống (Tam-Tams).
Có sáu hiểm họa khi ham mê cờ bạc:
- Nếu thắng thì bị oán thù.
- Nếu thua thì buồn rầu vì mất của9.
- Tài sản hiện thời bị hao hụt.
- Lời nói không có giá trị trước pháp luật10.
- Bị bạn bè và đồng nghiệp khinh chê.
- Không được mai mối, kết hôn vì những người ham mê cờ bạc sẽ không có khả năng gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Có sáu hiểm họa khi kết giao bạn xấu11:
- Gặp những kẻ cờ bạc.
- Gặp những kẻ phóng đãng, trụy lạc.
- Gặp những kẻ nghiện rượu.
- Gặp những kẻ nói lời không thật.
- Gặp những kẻ lừa đảo.
- Gặp những kẻ bạo lực.
Có sáu hiểm họa của thói lười biếng12:
- Kẻ ấy sẽ than vãn do trời nóng nên không làm việc được.
- Kẻ ấy sẽ than vãn do trời lạnh nên không làm việc được.
- Kẻ ấy sẽ than vãn do sớm quá nên không làm việc được.
- Kẻ ấy sẽ than vãn do muộn quá nên không làm việc được.
- Kẻ ấy sẽ than vãn do đói quá nên không làm việc được.
- Kẻ ấy sẽ than vãn do no quá nên không làm việc được.
Kẻ có tâm tư lợi (aññadatthuhara). Dựa vào bốn điều sau mà kẻ có tâm tư lợi được xem là kẻ nguy hại trong mối quan hệ bạn bè:
- Kẻ đó tham lam, keo kiệt.
- Kẻ đó cho đi thì ít nhưng luôn mong cầu được nhiều.
- Kẻ đó chỉ làm việc khi bị xâm phạm đến quyền lợi của mình.
- Kẻ đó chỉ mong cầu cho riêng bản thân.
Kẻ giỏi nói mà không làm (vacīparama). Dựa vào bốn điều sau mà kẻ đầu môi chót lưỡi được xem là kẻ nguy hại trong mối quan hệ bạn bè:
- Kẻ đó hay khoe khoang chiến tích đã làm.
- Kẻ đó hay khoác lác về những điều chưa có.
- Kẻ đó cố tạo uy tín bằng những lời sáo rỗng.
- Kẻ đó khi gặp chuyện xảy đến thì viện cớ ngoài khả năng của mình.
Kẻ nịnh hót (anuppiyahānī). Dựa vào bốn điều sau mà kẻ nịnh hót được xem là kẻ nguy hại trong mối quan hệ bạn bè:
- Kẻ đó tán thành khi bạn làm sai.
- Kẻ đó cũng tán thành khi bạn làm đúng.
- Kẻ đó khen bạn trước mặt bạn bè.
- Kẻ đó chê bai bạn sau lưng.
Kẻ tiêu pha hoang phí (apaya sahara). Dựa vào bốn điều sau mà kẻ tiêu pha hoang phí được xem là kẻ nguy hại trong mối quan hệ bạn bè:
- Kẻ đó chỉ là bạn khi cùng ta ăn uống.
- Kẻ đó chỉ là bạn khi cùng ta la cà ngoài đường vào giờ không thích hợp.
- Kẻ đó chỉ là bạn khi cùng ta tụ tập, đàn đúm.
- Kẻ đó chỉ là bạn khi cùng ta ham mê cờ bạc.
Bạn giúp đỡ ta (upakāraka). Dựa vào bốn điều sau mà bạn giúp đỡ ta được xem là bạn chân tình:
- Người đó bảo vệ cho ta khi ta mất cảnh giác.
- Người đó bảo vệ tài sản của ta khi ta bất cẩn.
- Người đó là nơi ta nương tựa mỗi khi ta gặp bất an.
- Người đó luôn giúp ta nhiều hơn ta mong muốn.
Bạn đồng cam cộng khổ (samāna sukha dukkha). Dựa vào bốn điều sau mà bạn đồng cam cộng khổ được xem là bạn chân tình:
- Người đó chia sẻ với ta thật lòng.
- Người đó biết giữ bí mật giúp ta.
- Người đó không bỏ rơi ta khi ta gặp khó khăn.
- Người đó có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì ta.
Bạn khuyên bảo, góp ý (atthakkhāyī). Dựa vào bốn điều sau mà bạn khuyên bảo, góp ý được xem là bạn chân tình:
- Người đó ngăn ta làm điều sai trái.
- Người đó khuyến khích ta làm điều tốt.
- Người đó chia sẻ cho ta những gì ta chưa biết.
- Người đó giúp ta nhìn thấy con đường sinh lên cõi trời.
Bạn có lòng bi mẫn (anukampaka). Dựa vào bốn điều sau mà bạn có lòng bi mẫn được xem là bạn chân tình:
- Người đó không vui khi ta gặp điều không may.
- Người đó vui mừng khi ta thành đạt.
- Người đó cảm phục những ai khen ngợi ta.
- Người đó ngăn người khác nói xấu về ta.
Con cái nên chăm sóc cha mẹ, những người được ví như là phương đông, theo năm cách như sau:
- Cha mẹ đã từng nuôi nấng ta, khi lớn lên ta phải là nơi nương tựa của cha mẹ13.
- Ta sẽ làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con đối với cha mẹ.
- Ta sẽ gìn giữ danh dự và gia phong của gia đình.
- Ta sẽ cố gắng trở thành người xứng đáng để thừa kế gia tài.
- Ta sẽ chu toàn việc cúng dường, làm phước cho cha mẹ sau khi họ qua đời.
Cha mẹ, những người được con cái chăm sóc ví như là phương đông, cũng nên thể hiện tình yêu thương của mình đối với chúng theo năm cách như sau:
- Ngăn con làm những hành vi xấu.
- Dạy dỗ con sống có đức hạnh.
- Dạy con những khả năng và tri thức cần thiết cho nghề nghiệp.
- Lo việc cưới gả, kết hôn cho con.
- Trao tài sản cho con vào thời điểm thích hợp.
Học trò nên chăm sóc thầy cô, những người được ví như là phương nam, theo năm cách như sau:
- Đứng dậy chào hỏi, lễ phép với thầy cô.
- Phục vụ, chăm sóc thầy cô.
- Say mê học hỏi những gì thầy cô chỉ dạy.
- Tự nguyện giúp đỡ khi được thầy cô nhờ.
- Tập trung tiếp thu những gì thầy cô truyền dạy.
Thầy cô, những người được học trò chăm sóc ví như phương nam, cũng cần yêu quý học trò theo năm cách như sau:
- Dạy dỗ học trò thật tốt.
- Dạy học trò giữ gìn và nhớ kỹ những điều cần thiết.
- Hướng dẫn cho học trò kiến thức, kỹ năng một cách kỹ lưỡng.
- Giới thiệu học trò của mình với bạn bè và đồng nghiệp.
- Đảm bảo sự an toàn cho học trò ở mọi nơi.
Một người chồng nên chăm sóc cho vợ, người được ví như là phương tây, theo năm cách như sau:
- Tôn trọng vợ.
- Luôn nhã nhặn lịch sự.
- Yêu thương chung thủy.
- Trao cho vợ quyền quyết định.
- Mua sắm trang sức cho vợ.
Người vợ, người được chồng chăm sóc ví như phương tây, cũng nên thể hiện sự yêu thương dành cho chồng theo năm cách như sau:
- Làm tốt bổn phận của một người vợ.
- Niềm nở với họ hàng hai bên14.
- Một lòng chung thủy với chồng15.
- Bảo quản tài sản nhà chồng.
- Luôn khéo léo và chu toàn mọi việc.
Một thành viên trong gia đình nên đối xử tốt với bạn bè và thân bằng quyến thuộc, những người được ví như phương bắc, bằng năm điều như sau:
- Bằng sự hào phóng.
- Bằng những lời từ ái.
- Bằng những việc làm lợi lạc.
- Bằng sự chân thành.
- Không dùng lời gian xảo*.
* Bản tiếng Anh bị thiếu, dịch giả đối chiếu bản Pāli và bổ sung thêm vào.
Bạn bè và thân bằng quyến thuộc được một thành viên trong gia đình đối xử tốt ví như phương bắc, thì cũng nên thể hiện tình yêu thương của mình lại theo năm cách như sau:
- Bảo vệ khi anh ta mất cảnh giác.
- Bảo vệ tài sản khi anh ta bất cẩn.
- Luôn là nơi nương tựa khi anh ta gặp nguy hiểm.
- Không bỏ rơi khi anh ta gặp rắc rối.
- Luôn kính trọng các thành viên khác trong gia đình của anh ta.
Một người chủ nên đối đãi với những người giúp việc và nhân viên của mình, những người được ví như phương dưới, theo năm cách như sau:
- Giao công việc tùy theo sức của họ.
- Cung cấp thức ăn và lương thưởng đầy đủ.
- Chăm sóc khi họ ốm đau.
- Chia sẻ những món ngon với họ.
- Cho họ nghỉ ngơi hợp lý16.
Với năm cách mà người chủ đối đãi, những người giúp việc và nhân viên cũng nên thể hiện sự quý trọng với người chủ theo năm cách như sau:
- Thức dậy trước chủ (đi làm trước chủ).
- Nghỉ sau chủ.
- Hài lòng với công việc được giao phó.
- Hoàn thành công việc thật tốt.
- Mang lại tiếng thơm cho chủ.
Tín thí nên đối đãi với chư Tăng và các nhà tu hành khác, những người được ví như phương trên, bằng năm điều như sau:
- Bằng những hành động ân cần lịch thiệp.
- Bằng những lời từ ái.
- Bằng những suy nghĩ chân thành.
- Luôn hoan nghênh chào đón họ đến nhà.
- Cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết.
Chư Tăng và các nhà tu hành khác, những người được đối đãi ví như phương trên, cũng nên thể hiện tình yêu thương đối với tín thí theo sáu cách sau đây:
- Ngăn anh ta làm điều ác.
- Khuyến khích anh ta làm điều thiện.
- Yêu thương anh ta bằng lòng từ ái.
- Dạy những điều anh ta chưa biết.
- Giúp anh ta thanh lọc, sửa chữa những điều sai.
- Chỉ bày cho anh ta con đường thác sinh chư Thiên.
Kết thúc bài pháp thoại, Thi Ca La Việt phát tâm quy hướng theo Đức Phật17.