Có một anh chàng quyết tâm xuất ngoại học đạo. Bạn đồng môn đi cùng sợ anh ta không đủ nghị lực nên sớm giao hẹn trước: “Chuyến này chúng ta đi là một hành trình dài, có năm việc tôi không thể giúp anh được: việc thứ nhất là đi đường, việc thứ hai là ăn cơm, việc thứ ba là đi ngủ, việc thứ tư là đi vệ sinh, việc thứ năm là xách hành lý hộ anh”.
Thật vậy, cuộc sống có rất nhiều việc người khác không thể nào giúp đỡ hay làm thay cho ta được, ví dụ như tuổi già sức yếu, bệnh tật đau đớn, người khác dù muốn cũng không thể chịu thay cho ta.
Thuyết nghiệp báo của Phật giáo chủ trương, bất kể việc gì cũng đều là tự làm tự chịu, chỉ có bản thân mới có thể thay đổi được số mệnh của chính mình; hành vi của thân, khẩu, ý sẽ quyết định mọi chuyện xảy đến trong tương lai của chúng ta.
Đọc sách cầu học, người khác không thể làm thay; khởi nghiệp, lập nghiệp, người khác cũng không thể làm hộ. Tự uống trà mới có thể giải khát; tự ăn cơm mới có thể no bụng. Ngay cả trong thể chế chính trị dân chủ hiện đại, ta cũng phải dựa vào việc được dân bầu mới có thể trúng cử vào quốc hội.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Ở nhà dựa bố mẹ, ra ngoài dựa bạn bè”; cha mẹ, bạn bè đều là “duyên” của chúng ta, duy chỉ có bản thân mới là “nhân”. “Nhân” là chính yếu, “duyên” là trợ giúp. Nếu chỉ có “nhân” mà không có “duyên” thì không thể nên việc. Ví như một vị quốc vương luôn phải dựa vào sự phò tá của bề tôi trong triều, nhưng nếu vị đó không phải là minh quân thì dù có sở hữu tướng giỏi, tôi hiền cũng chẳng ích lợi gì.
Cho nên, dẫu có nhiều ngoại duyên1 nhưng nếu bản thân không biết thu nhận thì ngoại duyên cũng không giúp được gì. Giống như cho dù có kim cương, vàng bạc từ trên trời rơi xuống, nếu bạn không biết đem về thì bạn sẽ chẳng thể giàu lên; cho dù giải thưởng, bằng khen tự dưng xuất hiện, bạn không tự đón nhận lấy thì vinh dự cũng chẳng thuộc về bạn.
1 Là duyên từ bên ngoài có năng lực giúp cho sự vật sinh thành và biến hóa. Đối ngược với khái niệm “nội nhân”.
Trên đời này, có một số chuyện có thể làm thay được, ta gọi đó là duyên phận; có một số chuyện không thể làm thay được thì ta buộc phải dựa vào bản thân, tự lực cánh sinh. Dựa cây to được hưởng bóng mát, nhờ có cầu mà qua được sông, nhưng nếu chúng ta không trồng cây cũng chẳng xây cầu thì lấy đâu bóng râm để nghỉ mát, lấy đâu ra cầu để đi qua?
Thi hào Hàn Dũ 1 từng viết trong tác phẩm Mã thuyết rằng: “Đời có Bá Nhạc rồi mới có Thiên lý mã 2; Thiên lý mã đời nào cũng có mà Bá Nhạc lại không thường có”. Ngay cả khi bạn là Thiên lý mã, nếu không có duyên gặp được Bá Nhạc, không có Bá Nhạc tán thưởng, bạn cũng không tài nào có đất diễn để khoe ra bản lĩnh của mình.
1 Hàn Dũ là một trong “tám nhà thơ văn lớn thời Đường Tống”, ông là người đưa hình ảnh Bá Nhạc và Thiên lý mã vào các tác phẩm kinh điển của mình, từ đó khiến hình ảnh Bá Nhạc trở thành điển hình cho người biết xem tướng ngựa, nói rộng ra là điển hình của người biết nhìn người.
2 Thiên lý mã vốn là loại ngựa tốt và quý nhất trong các giống ngựa, nhưng rất ít người nhận biết được nó. Nhờ có Bá Nhạc mà Thiên lý mã được phát hiện và trở nên nổi tiếng trong dân gian.
Cho nên, phàm chuyện gì cũng phải dựa vào nhân duyên, mà trong nhân duyên thì yếu tố quan trọng nhất là “nhân”. “Nhân” chính là bản thân mình, dựa vào bản thân mình mới có thể có được duyên. Bản tính thiện lương, thân thể khỏe mạnh, biết đường cư xử, chịu thương chịu khó, v.v. chỉ khi có những thứ này làm “nhân” thì bạn mới có thể nhận được sự trợ giúp của “duyên”.
Có câu chuyện rằng, có một đứa trẻ vô cùng tin tưởng nhân quả nhưng mẹ đứa trẻ lại bảo với nó rằng không cần phải sợ nhân quả vì mẹ nó sẽ gánh thay cho nó tất cả quả xấu. Một ngày kia, không may đứa trẻ bị đứt tay, máu chảy không ngừng, đau đớn giày vò, đứa trẻ mới khóc toáng lên: “Mẹ, mẹ mau chịu đau thay con đi!”
Nhưng chẳng ai có thể chịu thay nhân quả cho ai cả! Ngay cả khi chúng ta cầu xin sự phù hộ của chư Phật, chư Bồ tát thì cũng phải dựa vào lòng thành của bản thân, nếu không thì cũng như người đang chìm trong cơn lũ, cho dù chư Phật, chư Bồ tát hóa thân thành người bơi thuyền đến cứu, nhưng nếu cố chấp không chịu lên thuyền, bạn cũng không thể nào được cứu độ. Hoặc nếu bạn chẳng chịu gieo hạt thì dù thời tiết thuận hòa, đất đai màu mỡ bao nhiêu, cây cối cũng chẳng thể mọc lên.
Từ đó có thể thấy, muốn có được thành công, tất cả đều phải dựa vào sự cố gắng, nỗ lực của tự thân chúng ta!