Tướng trạng của các pháp trên thế gian đều dựa vào danh từ để hiểu; công dụng của danh và tướng, thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu như quá chấp trước vào danh tướng này thì ta sẽ bị dính mắc, mê chấp vào tên gọi và hình thức, để rồi nhận lấy những điều không tốt!
“Quỷ” là một danh từ rất đáng sợ. Mọi người mỗi khi “nhắc đến quỷ thì mặt liền biến sắc”. Nhưng có người lại gọi người mình thân nhất, yêu thương nhất là “quỷ”. Ví dụ: Vợ gọi yêu chồng là “đồ quỷ”; mẹ gọi yêu con là “quỷ nhỏ”. Có thể thấy từ “quỷ” cũng là một từ được người ta ưa thích. Đây chẳng phải là “ma thuật” của danh từ hay sao?
Có giai thoại thế này: Người dân của thôn nọ phản ánh với quan phủ rằng: “Mỗi lần chúng tôi ra sông lấy nước thì đều phải đi qua ‘đường năm dặm’ 1 này, rất là cực khổ, đề nghị chính quyền sửa đường giúp bà con”. Nghe xong, quan phủ liền hạ lệnh: “Từ nay con đường này sẽ đổi tên thành ‘đường ba dặm’, không gọi là ‘đường năm dặm’ nữa”. Toàn thể nhân dân trong thôn nghe xong liền vui mừng nói: “Tốt rồi, tốt rồi, từ nay về sau mỗi khi đi lấy nước, chúng ta chỉ cần đi ba dặm đường là tới nơi rồi”.
“Đường năm dặm” và “đường ba dặm” chỉ khác nhau ở tên gọi nhưng lại khiến người ta có cảm nhận khổ vui khác nhau. Đây chẳng phải là ma thuật của danh từ hay sao?
Nếu bị ai đó so sánh với loài súc sinh, bị mắng là đồ con nọ, con kia thậm chí còn bị nói là không bằng cả cầm thú, bạn hẳn nhiên sẽ vô cùng tức giận. Tuy vậy, nhiều người lại đặt tên cho con mình là Mèo con, Chó con, Hổ con, Bò con. Ông Ngô Hỏa Sư, giám đốc Công ty Bảo hiểm Tân Quang lại lấy làm vinh dự với cái tên “Hỏa Sư”, nên đã thành lập nhiều công ty xí nghiệp từ cái tên “Sư” này. Từ đó, “Sư tử” nghiễm nhiên trở thành thương hiệu thành công đầy tự hào của ông. Cựu thị trưởng của thành phố Cao Hùng là Dương Kim Hổ cũng thấy hãnh diện với cái tên “Hổ” của mình; thị trưởng Đài Bắc là Mã Anh Cửu cũng lấy “Tiểu Mã Ca” làm tên gọi để gây dựng cho mình hình tượng gần gũi thân dân. Có thể thấy ma thuật của danh từ có thể xoay chuyển chỉ trong một ý niệm của chúng ta thôi.
1 Lấy ý từ giai thoại Thích ‘đường ba dặm’.
Kỳ thực, cuộc đời con người ta phải trải qua rất nhiều danh xưng, ví như với phụ nữ là từ “cô bé” rồi đến “cô gái”, rồi đến “vợ”, “mẹ” rồi đến “bà ngoại” rồi thành “bà cố”, nhưng thực chất, những danh xưng này cũng chỉ đang nói về một người. Vậy nên, chỉ có tên gọi và hình tướng là biến hóa, còn bản tâm, bản tính thì thật không có sự thay đổi.
Kim cương kinh nói: “Phàm có danh tướng, đều là hư vọng” 1, danh và tướng có nghìn sai vạn khác nhưng về lý của nó thì cũng chỉ là một mà thôi. Đối với muôn ngàn danh tướng khác biệt như vậy, chúng ta chỉ cần có một niệm trong tâm, ta nhận định, ta hoan hỷ, ta tiếp thu, dẫu cho tên gọi của nó có ma thuật biến đổi thế nào đi nữa thì có thể làm gì được ta chứ?
Cho nên, trong Phật giáo có “Tứ y” (bốn chỗ dựa): Một, y pháp bất y nhân (dựa vào pháp chứ không dựa vào người); hai, y nghĩa bất y ngữ (dựa vào ý nghĩa chứ không dựa vào lời nói); ba, y trí bất y thức (dựa vào trí tuệ Bát nhã chứ không dựa vào kiến thức thế gian); bốn, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa (dựa vào rốt ráo cứu cánh chứ không theo phương tiện). Vì vậy, nếu không phân biệt danh tướng rõ ràng ra như vậy thì liệu chúng ta có thấu triệt được chăng?
1 Âm Hán Việt: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”.