Một người biết làm việc hay không, có thể làm được việc hay không thì phải xem khi bạn hỏi anh ta, câu trả lời của anh ta là khẳng định hay phủ định? Câu trả lời sẽ cho thấy được khả năng của anh ta như thế nào.
Nếu bạn đến nhờ người có năng lực, câu trả lời của anh ta sẽ là “Ok” (được); nếu bạn nhờ người không có năng lực, câu trả lời của anh ta sẽ là “No” (không). Ví dụ, tôi không biết viết thư cho người nước ngoài nên tới tìm một người thành thạo việc đó giúp đỡ tôi, người đó chắc chắn sẽ nhận lời. Nếu thực sự không có thời gian, anh ta sẽ nói: “Chiều nay hoặc ngày mai tôi sẽ viết giúp bạn”. Hoặc anh ta có thể nói: “Tôi sẽ tìm người viết giúp bạn thay tôi!” Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, anh ta sẽ giúp tôi hoàn thành công việc. Ngược lại, một người không làm được sẽ nói: “Tôi không có thời gian”, “Tôi không thích”, “Tôi không muốn”, “Tại sao bạn không nhờ người khác giúp?”, v.v.
Tôi thường nghe thấy một số người hễ mở miệng ra là nói câu: “Không có cách nào!” Trên thực tế, có phải thực sự là không có cách nào hay không? Chính vì chẳng bao giờ chịu suy nghĩ để giải quyết vấn đề nên anh ta mới cho rằng “không có cách nào”. Ví dụ, nếu bạn muốn hẹn gặp anh ta, anh ta nói rằng mình bận, “không có cách nào thu xếp”; bạn nhờ anh ta hỗ trợ người khuyết tật thì anh ta lại nói rằng bản thân cảm thấy rất thương người khuyết tật, nhưng thực sự là “không có cách nào giúp được”; bạn mời anh ta làm tình nguyện viên nửa ngày thôi, anh ta nói rằng mình không có hứng thú, “không có cách nào làm được”; khi bê vật nặng, bạn nhờ giúp đỡ, anh ta nói sức mình không đủ, “chịu thôi! Hết cách rồi!”, v.v. “Không có cách nào” cuối cùng chỉ mang lại cho anh ta một cuộc sống “không có cách nào” mà thôi!
“Cách” là do con người nghĩ ra, thế nhưng một số người gặp phải thất bại trong quá trình khởi nghiệp, gặp khó khăn trong công việc, bị mọi người đổ lỗi, trách móc hoặc gặp phải những khúc mắc trong suy nghĩ, họ thường sử dụng câu “không có cách nào” như một lời bao biện. Trên thực tế, do anh ta đã sử dụng những phương pháp cũ kỹ và cách thức lỗi thời nên công việc không trôi chảy; ngược lại, nếu có thể thay đổi tư duy, nhận định khách quan, tham khảo nhiều phía và nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, thì nhất định mọi chuyện sẽ có cách giải quyết. “Mọi con đường lớn đều dẫn đến Trường An” 1, những con thỏ tinh khôn luôn có tới ba cái hang; tất cả mọi chuyện trên đời này làm sao hóc búa đến nỗi khiến con người không thể nghĩ ra cách giải quyết chứ?
1 Ý nghĩa như câu: Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome, tức là có nhiều cách để đi đến thành công, mọi việc còn tùy thuộc vào con đường bạn chọn để đi.
Vậy nên, ta hãy thay đổi cách nghĩ của mình: Nói những điều tốt: “Tôi có cách!”; giữ tấm lòng tử tế: “Tôi có cách!”; làm những điều tốt: “Tôi có cách!”; kết nối thiện duyên: “Tôi có cách!”; thành Phật thành Thánh cũng đều có cách. Đã như vậy rồi thì trên đời này còn có cái gì là không có cách chứ!
Hán Cao Tổ Lưu Bang, Minh Cao Tổ Chu Nguyên Chương, một người làm chức Đình trưởng, người còn lại là Sa di của chùa Hoàng Giác. Cả hai về sau đều đã trở thành hoàng đế, không phải là do bọn họ đều “có cách” sao? Ông Vương Vĩnh Khánh 1 bán gạo, còn ông Lâm Bách Lý 2 chỉ là một Hoa kiều bình thường nhưng hai người họ đều có thể trở thành tỷ phú, chẳng phải là vì họ “có cách” hay sao?
“Cách” là do người ta nghĩ ra. Có câu “cùng tắc biến, biến tắc thông” (gặp lúc khốn cùng thì thay đổi, thay đổi rồi thì được hanh thông) nên không thể nói là “hết cách”, “không có cách” được! Nếu cho rằng mình thực sự không thể nghĩ ra biện pháp thì có thể học hỏi ở người khác. Nếu đường này không đi được thì hãy đi con đường khác; nếu việc này không tốt thì lại có việc khác; nếu người này không được thì tìm người khác; nếu cách này không ổn thì sao ta không tiếp tục thử tìm cách khác tốt hơn?
1 Vương Vĩnh Khánh (1917 - 2008): Một trong hai nhà sáng lập tập đoàn nhựa Formosa.
2 Lâm Bách Lý (1949): Nhà sáng lập và chủ tịch của tập đoàn Quanta Computer.