Cùng với sự thịnh hành của Phật giáo, tín ngưỡng Phật giáo ngày càng được phổ biến đến nhiều người, tâm cung kính của tín đồ theo đó cũng ngày một tăng trưởng. Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, nơi nào cũng thấy có tín đồ thực hành việc cúng dường chư pháp một cách chân chính.
Cúng dường, không đơn thuần chỉ là dâng cúng tài vật, như cúng dường “mười món” gồm hương, hoa, đèn, nước, quả, thức ăn, trà, bảo, châu, y cho đức Phật; cúng dường “ba thứ” là lễ bái, tán thán, quán tưởng lần lượt ứng với thân, khẩu, ý cho Pháp bảo; cúng dường “bốn thứ” là pháp phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc thang cho Tăng bảo. Mà ngoài việc cúng dường Tam bảo như vậy, chúng ta cũng đề xướng việc tăng chúng gieo duyên cho tín đồ, cũng có nghĩa là giúp cho tín đồ hiểu thêm về Phật pháp, cho tín đồ lời khích lệ, niềm tin và sự quan tâm. Khi tín đồ dâng cúng cho chùa viện những vật phẩm như hương, hoa, đèn, dầu, v.v. thì tăng chúng cũng nên tiếp nhận và có phương thức cảm ơn, báo đáp. “Tài pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt” 1 được ghi trong kinh văn chính là nhắc đến điều này.
1 Bố thí vật chất và bố thí đạo pháp đều như nhau, không có sự khác biệt.
Cúng dường đối với Phật và pháp có mức độ như nhau nhưng cúng dường chư tăng lại có một chút phân biệt. Có câu: “Cúng dường năm trăm người bình thường không bằng cúng dường một người có học vấn; cúng dường năm trăm người có học vấn không bằng cúng dường một người có tâm từ bi; cúng dường năm trăm người có tâm từ bi không bằng cúng dường một người có trí tuệ; cúng dường năm trăm người có trí tuệ không bằng cúng dường một người có tâm Bồ đề”. Cho nên, người ngày nay khi bố thí luôn suy nghĩ rằng: “Tăng chúng mà tôi cúng dường có tu hành chăng, có từ bi chăng, có đạo đức chăng? Những hạt giống tôi đang gieo trồng trên mảnh ruộng phúc, sau này có thể thu được quả lành chăng?”
Thực ra mọi người không nên có suy nghĩ như vậy. Người ta nói rằng: “Tài tấn sơn môn, phúc quy thí chủ” 1, chỉ cần bạn phát tâm thuần thành, chỉ cần bạn cúng dường thanh tịnh, dẫu cho đối phương có thế nào chăng nữa thì cũng không cần phải tính toán, so đo.
1 Cúng dường tài vật vào chùa thì thí chủ có phúc ngay.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã từng hỏi Đại sư Huyền Trang rằng: “Trẫm rất muốn cúng dường tăng chúng nhưng nghe nói đa số người xuất gia bây giờ không có tu hành, trẫm nên làm thế nào?”
Đại sư Huyền Trang đáp: “Vùng Côn Sơn tuy sản sinh ra ngọc nhưng nơi đó cũng chứa nhiều bùn cát; đất Lệ Thủy tuy sản sinh ra vàng nhưng cũng trộn lẫn nhiều sỏi đá; những bức tượng La Hán dù được nặn bằng bùn đất hay được đẽo tạc bằng gỗ thì người cúng dường các tượng này đều có phúc báo; tượng Phật được đúc bằng đồng, nếu ai phá hủy tất sẽ bị trừng phạt; con rồng được nặn bằng bùn đất không thể phun mưa, nhưng nếu muốn cầu mưa thì vẫn cần phải có con rồng ấy. Tăng chúng không nhất định có thể ban phúc cho người, nhưng để tu phúc, ta vẫn cần lễ bái tăng chúng. Quan trọng là người cúng dường có thể phát khởi tâm thiện lành cao quý từ những bức tượng được tô đắp ấy hay không thôi”.
Đường Thái Tông nghe xong bỗng nhiên tỏ ngộ: “Từ đây về sau, bất luận gặp được tăng chúng như thế nào, nhất định trẫm sẽ kính lễ chư tăng bằng tâm tôn kính lễ bái chư Phật”.
Sự tỏ ngộ của vua Đường Thái Tông cũng có thể dùng cho tín chúng ngày nay tham khảo!