Người học lái ô tô nếu chỉ biết lái tiến lên phía trước thì chưa đủ, phải biết lùi xe nữa mới có thể coi là giỏi được. Học lái tàu thuyền không thể chỉ biết mỗi lái về phía trước, bởi có lúc điều khiển tàu thuyền quay đầu, chạy lùi càng quan trọng hơn.
Làm người không thể cứ phăm phăm tiến về phía trước, biết cân nhắc tiến lui chính là môn học tu dưỡng cần thiết trong cuộc sống.
Bạn chỉ biết tiến lên phía trước, lúc gặp tường rào cản lại, bạn sẽ làm thế nào? Bạn chỉ biết lui về phía sau, phía sau là vách đá, vực sâu, bạn sẽ làm thế nào? Cho nên, làm người, khi cần tiến phải tiến, lúc cần lui phải lui, tiến lui nhịp nhàng mới là đường đời đúng đắn.
Chúng ta thường cổ vũ mọi người phải dũng cảm tiến lên phía trước, nhưng chúng ta cũng nên biết rằng, chân trời trước mắt mới chỉ là một nửa thế giới, phía sau lưng ta vẫn còn một nửa thế giới nữa. Cho nên đừng vội nhất nhất cho rằng tiến lên phía trước chắc chắn sẽ tốt và cũng đừng khăng khăng bảo rằng lui về phía sau là không tốt.
Cuộc đời mỗi người đều cần biết tiến biết lui một cách linh hoạt. Trong một trận chiến, khi thắng thế, mạnh mẽ xông pha, dũng cảm tiến lên đương nhiên là quan trọng; mà khi thất thế thì quay đầu rút chạy, chuyển tiến thành lui càng quan trọng hơn. Bởi thế, thắng thế dễ đánh, thua lui mới khó; làm người phải giỏi tiến lên phía trước, nhưng cũng phải khéo lui về phía sau.
Người xưa có câu: “Bậc đại trượng phu thành đạt thì tạo phúc giúp thiên hạ, không thành đạt thì giữ mình trong sạch”. Khi không thể tiến lên phía trước mà bạn vẫn cố sống cố chết bước tiếp thì tiền đồ bạn sẽ mờ mịt, tương lai bạn sẽ trắc trở; khi không cần lui về sau mà bạn cứ cố chấp, lui đến chẳng còn đường lui, vậy rồi bạn sẽ làm thế nào?
Tiến lên phía trước là trách nhiệm của chúng ta; lùi về phía sau cũng là trách nhiệm của chúng ta. Khi cần “phá băng mà đi”, mạo hiểm tiến lên mà bạn không tiến thì làm sao có thể đạt được mục tiêu? Khi cần bạn lui về tuyến phòng thủ cuối cùng để đảm bảo an toàn mà bạn không lui thì làm sao có thể có được kết quả tốt đẹp?
Cho nên, khi xông pha trong xã hội, bất kể là ở đâu, vào lúc nào, chúng ta đều phải biết tiến biết lui đúng điệu. Chúng ta lăn lộn chốn công danh phú quý, cũng cần biết “tiến được phải tiến, lùi được phải lùi”; trong chuyện bạn bè, tình cảm, công việc, v.v. ta càng nên biết “lúc cần tiến liền tiến, lúc phải lui liền lui”; thậm chí khi ứng xử với cha mẹ, người thân, chúng ta cũng luôn phải nhớ kỹ quy tắc này.
Một cỗ máy vận hành trơn tru là một cỗ máy có thể tiến lui nhịp nhàng; một người đủ thấu tình đạt lý tự nhiên cũng biết tiến lui có lề có lối. Cả hai đường tiến lui này bạn đã nắm vững hết chưa?