Trong cuốn sách Phật Quang thái căn đàm có đoạn: “Cuộc đời có khổ có vui mới đầy đủ; có được có mất mới công bằng; có sinh có tử mới tự nhiên; có thành có bại mới đúng lẽ”.
Cuộc đời con người, thành bại bất định, lúc thành công thì vui vẻ ăn mừng, khi thất bại thì tự hối tự sửa. Kỳ thực, mấu chốt của việc thành bại đều có nguyên do vận hành của nó cả.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại. Có người nói: “Người kiêu tất bại”, một Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ khí phách ngời ngời, chẳng phải cũng thất bại vì kiêu căng hay sao? Có người lại nói: “Người tham tất bại”, Vương Mãng soán ngôi, Tào Tháo chiếm nước, cho dù đắc ý được nhất thời, cuối cùng cũng đều khó tránh khỏi phải chuốc lấy tiếng xấu trong sử sách.
Là người đứng đầu quốc gia, nếu không biết “dùng phép trị quốc để quản lý quốc gia, dùng phép trị dân để quản lý dân chúng” mà chỉ chăm chăm vơ vét lợi ích cho bản thân, thì cuối cùng cũng khó tránh khỏi kết cục nước mất nhà tan. Nhìn vào lịch sử Trung Quốc thời phong kiến, ví dụ những tên hôn quân bất tài vô dụng như: Hiến Đế, Hoàn Đế nhà Hậu Hán, Lưu Thiện nhà Tây Thục, hay những nhà vua hoang dâm vô độ như: Trụ Vương nhà Thương, Dạng Đế nhà Tùy, v.v. đây chẳng phải đều là những minh chứng hùng hồn hay sao?
Có những người không giỏi lãnh đạo đất nước, ví dụ như Hoàng đế Sùng Trinh 1 đến chết vẫn còn cố cãi: “Không phải trẫm là hoàng đế mất nước mà các khanh mới là bề tôi mất nước”. Sai lầm của Sùng Trinh chính là không kịp thời nhận ra bản thân không có tài lãnh đạo đất nước, không biết trọng dụng người tài. Có những người dùng chính sách cai trị sai lầm giống như Lương Vũ Đế 2 “Lúc dùng Phật giáo, khi theo Đạo giáo; khi thì xuất gia, khi lại làm hoàng đế”. Đây đều là những nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ.
1 Tức Minh Tư Tông, là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh và cũng là vị hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc.
2 Hoàng đế khai quốc của nhà Lương thời Nam Bắc triều.
Dương Quốc Trung là tướng quốc dưới thời Đường Huyền Tông, rất giỏi đoán ý vuốt đuôi, nịnh hót nhà vua, góp phần chính gây ra loạn An Sử 1. Đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền nhà Minh, âm hiểm xảo trá, lũng đoạn triều đình, dẫn tới cuộc tranh đấu giữa Đông Lâm đảng và các đảng phái khác trong triều. Từ đó có thể thấy, trong nước nuôi dưỡng kẻ tiểu nhân, há có thể không diệt vong được hay sao?
Nhìn rộng ra thế giới, George Washington 2 một lòng lập nước cho nên về sau được xem là vị cha già dân tộc của nước Mỹ; ngược lại, Richard Nixon vì vướng vào vụ bê bối Watergate 3 mà mất chức tổng thống giữa chừng. Từ đó có thể thấy, những nhà lãnh đạo trong lịch sử dù là mất lòng dân hay tham ô gian trá thì cũng đều bị hạ bệ.
1 Hay “An Sử chi loạn” là cuộc biến loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy. Cuộc nổi dậy kéo dài qua ba đời hoàng đế nhà Đường trước khi bị dập tắt.
2 Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
3 Tổng thống Nixon cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông bị cho là đã tổ chức vụ đột nhập văn phòng của Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate để do thám thông tin. Sau đó tổng thống Nixon đã xin từ chức.
Napoléon Bonaparte 1 của nước Pháp cho dù mang trong mình tham vọng lớn lao muốn chinh phục cả châu Âu, nhưng cuối cùng vẫn thảm bại trong trận Waterloo. Từ đó ta có thể thấy, cậy mạnh tiến nhanh chưa chắc đã có thể thành công.
Các công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo dọc trên con đường tơ lụa đoạn thuộc Afghanistan và Kashmir đã vô số lần bị tín đồ dị giáo phá hoại, nhưng do Phật giáo chỉ mong giữ gìn hòa bình nên không đủ sức để bảo vệ đạo. Từ đó có thể thấy, hòa bình cũng cần có sức mạnh, không đủ dũng khí, mất đi tinh thần “hàng ma” thì không thể nào đạt được thắng lợi hòa bình.
1 Là hoàng đế của nước Pháp từ năm 1804 đến năm 1814 và trở lại ngôi vua vào năm 1815 trong 100 ngày trị vì. Trong thời gian trị vì, Napoleon đã thống trị gần như toàn bộ châu Âu trong hơn một thập kỷ.
Một người có năng lực, bắt đầu từ việc nhỏ cũng có thể làm nên nghiệp lớn; một người không có năng lực thì bắt đầu từ việc dễ cũng có thể làm hỏng rồi rơi vào đường cùng. Bàn về nguyên nhân thất bại thì chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng, không biết xây dựng tập thể, không biết lãnh đạo tập thể, chủ nghĩa gia tộc, bảo thủ cố chấp, ngu si chấp trước, gây thù chuốc oán, không tạo thiện duyên, v.v. đều là những nguyên nhân dẫn đến thất bại mà chúng ta cần cảnh giác, đề phòng.