Sau khi Bắc Kinh đăng cai thành công Olympic 2008, mọi người bắt đầu chọn con vật may mắn biểu trưng Olympic 2008. Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không nhận được rất nhiều phiếu bầu và đề cử. Na Tra cũng vậy. Xem ra hai nhân vật trong “Tây Du Ký” rất được yêu thích và in đậm trong lòng người. Tháp Thác Thiên Vương Lý Tịnh không mấy được lòng dân gian. Tôi cho đó là do Lý Tịnh từng đối đầu với hai vị anh hùng trong lòng người dân: một là con trai ruột của mình - Na Tra, hai là Tôn Ngộ Không. Tuy sau này Lý Tịnh và Na Tra nối lại tình cha con, làm bạn với Ngộ Không, hết lòng giúp Ngộ Không diệt trừ yêu ma, nhưng người dân vẫn không mấy có thiện cảm với Lý Tịnh. Có thể nói Lý Tịnh là nhân vật có công nhưng không được ưu ái.
Hình tượng Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh hình thành qua một loạt các diễn biến. Trong lịch sử có nhân vật Lý Tịnh thật. Ông là một đại tướng dưới trướng Đường Thái Tông Lý Thế Dân, dũng cảm, mưu trí, lập chiến công hiển hách trong việc tạo dựng và thống nhất giang sơn Đại Đường. Thác Tháp Thiên Vương là vị Thiên Vương nổi tiếng ở vùng phương Bắc – là một trong Tứ Đại Thiên Vương của Phật giáo Ấn Độ. Sau khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của văn hóa và ý thức thẩm mỹ của Trung Quốc mà nhân vật này mang đậm nét văn hóa Trung Quốc: mình mặc áo giáp, đầu đội Kim Ô Bảo Quán, tay trái giữ tháp, tay phải cầm cái đinh ba. Tháp là tượng trưng cho Phật Giáo, chùa chiền thông thường đều có tháp, là nơi cất giữ kinh văn nhà Phật, báu vật của Phật và Xá Lợi Tử (di vật sau khi cao tăng đắc đạo viên tịch hỏa thiêu). Đường Tăng thường xuyên răn dạy Ngộ Không “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ”. Từ “phù đồ” là chỉ ngọn tháp. Tại sao trên tay Lý Tịnh luôn cầm một ngọn tháp? “Tây Du Ký” giải thích ngọn tháp này do Như Lai tặng cho Lý Thiên Vương để hóa giải ân oán giữa Lý Tịnh và Na Tra, cho nên gọi ông là Thác Tháp Lý Thiên Vương. “Phong thần diễn nghĩa” lại lý giải cái tháp này như sau: Na Tra để trả mối thù hận ăn sâu trong lòng, đuổi Lý Tịnh đến không còn nơi trốn chạy. Đúng lúc ấy may gặp được Nhiên Đăng Đại sư. Nhiên Đăng Đại Sư lấy bảo tháp thu Na Tra vào trong, rồi nổi lửa to. Nóng quá, Na Tra đành phải đầu hàng. Để đề phòng Na Tra tìm Lý Tịnh báo thù, Nhiên Đăng Đại Sư tặng bảo tháp cho Lý Thiên Vương. Bất kể nói thế nào, ngọn bảo tháp trong tay Lý Thiên Vương ban đầu là dùng để đối phó với Na Tra. Có điều trong “Tây Du Ký”, nó được nói đến một cách ý nhị hơn, còn ở “Phong thần diễn nghĩa” thì nói thẳng hơn mà thôi.
Thác Tháp Lý Thiên Vương trong “Tây Du Ký” – vị tướng nắm trong tay hơn mười vạn thiên binh thiên tướng cũng có điểm giống với Đại tướng quân Lý Tịnh đời nhà Đường trong lịch sử. Nhưng nét khí khái anh hùng bách chiến bách thắng của Lý Tịnh trong lịch sử không hề tồn tại trong hình tượng Thác Tháp Thiên Vương. Trận chiến đầu tiên tại Hoa Quả Sơn, Thác Tháp Thiên Vương bị Tôn Ngộ Không đánh cho tơi bời hoa lá. Lần thứ hai xuất trận, nhờ có Nhị Lang Thần ra tay giúp sức mới may mắn khỏi bị bại trận. Trong các trận chiến khác, Thác Tháp Thiên Vương cũng không mấy xuất sắc. Trận chiến với Thanh Ngưu quái, Thác Tháp Thiên vương phụng ý chỉ Ngọc Đế thu phục Thanh Ngưu quái. Kết quả không thắng nổi yêu quái, phải nhờ đến Thái Thượng Lão Quân. Lý Thiên Vương chỉ biết nguyên tắc: “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Thanh Ngưu quái đến cả Như Lai cũng hết cách thì tất nhiên chỉ còn cách thỉnh Thái Thượng Lão Quân thu phục Thanh Ngưu Quán. Nhưng với tư cách là thống soái của thiên binh thiên tướng, Thác Tháp Thiên Vương biết rõ vũ khí lợi hại riêng của từng người, bửu bối của các vị thần tiên trên Thiên Đình, ông hiểu rõ như lòng bàn tay, thấy vòng kim cang biết ngay là bảo vật của Thái Thượng Lão Quân. Nếu không có tài như vậy sao làm được nguyên soái của Thiên Đình? Bảo bối độc môn Kính Chiếu Yêu của Lý Thiên Vương cũng có ích trong việc này. Khi Thác Tháp Thiên Vương giúp Tôn Ngộ Không thu phục Ngưu Ma Vương, nhờ ông dùng Kính Chiếu Yêu chiếu vào Ngưu Ma Vương, khiến Ngưu Ma Vương không động đậy được, bó tay chịu trói. Lần này xem như lấy lại chút thể diện cho Thiên Đình.
Thác Tháp Thiên Vương có ba người con trai: Kim Tra, học nghệ tại Cửu Long Sơn, là hộ pháp của Như Lai. Mộc Tra học nghệ tại Cửu Cung Sơn, là đệ tử của Quan Âm Bồ Tát; Na Tra là đệ tử môn hạ của Thái Ất Chân Nhân. Do còn nặng nợ trần gian và số kiếp gian truân, Na Tra đã tự mình gây ra họa lớn: Đánh chết con trai Ngao Bính của Đông Hải Long vương. Gia đình Lý Tịnh bị Tứ Hải Long Vương bắt, gây sức ép buộc Na Tra phải đền mạng. Để giữ trọn đạo hiếu và không làm liên lụy tới gia đình, Na Tra đã bóc thịt trả mẹ, lóc xương trả cha. Sau khi chết, hồn Na Tra bay về với Thái Ất Chân Nhân. Thái Ất bày cho Na Tra báo mộng cho Ân Thị lập miếu thờ để giữ cho hồn không bị tan biến. Song cũng vì Lý Tịnh quá cố chấp với những việc Na Tra đã gây ra nên đã đập tan miếu thờ. Chính vì lý do đó sau khi được sư phụ Thái Ất hoán thân tráo cốt vào cây sen, Na Tra đã tìm tới cha mình để trả thù... Nhờ Nhiên Đăng Đại Sư hòa giải, cha con Lý Tịnh mới cởi bỏ hiềm khích.