Thái Bạch Kim Tinh khuyên Tôn Ngộ Không nên đến Thiên Cung, và được Ngọc Đế phong làm “Bật Mã Ôn”. Sau này khi Ngộ Không hiểu ra rằng “Bật Mã Ôn” chẳng qua chỉ là “anh chăn ngựa” thì nổi giận đùng đùng bỏ Thiên Đình, quay về Hoa Quả Sơn, dựng cờ hiệu “Tề Thiên Đại Thánh”, ngang nhiên khiêu chiến với Thiên Đình. Ngọc Đế phái cha con Thác Tháp Thiên Vương thống lãnh binh mã bao vây Hoa Quả Sơn.
Kẻ đầu tiên xung trận là Cự Linh Thần bị Ngộ Không đánh tơi bời, Na Tra đích thân nghinh chiến cùng Tôn Ngộ Không. Na Tra – cái tên này chắc không xa lạ với chúng ta, trẻ con ai cũng thích nhân vật này. Chuyện về Na Tra được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Đó là do “Tây Du Ký” và “Phong thần diễn nghĩa” đã khắc họa và làm nổi bật lên hình tượng của nhân vật này.
Nhân vật chính trong “Tây Du Ký” là Tôn Ngộ Không, Na Tra chỉ là nhân vật phụ. Cho nên so với “Phong thần diễn nghĩa”, hình tượng Na Tra được khắc họa ít hơn. Trong “Tây Du Ký”, Na Tra chỉ xuất hiện trong đoạn Thái Bạch Kim Tinh xin Ngộ Không bỏ qua chuyện Thác Tháp Thiên Vương quản con không nghiêm mà chúng ta vừa nhắc đến. Thác Tháp Thiên Vương cho rằng Ngộ Không vu cáo, định dùng đao giết chết Ngộ Không. Na Tra sợ ngộ sát Ngộ Không, liền giúp Ngộ Không gạt đao ra. Thác Tháp Thiên Vương lấy làm kinh ngạc, tưởng Na Tra định thừa cơ trả mối thù “bóc thịt trả mẹ, lóc xương trả cha” năm xưa, bèn vội vàng thu tháp về. Chúng ta xem đoạn miêu tả Na Tra trong “Phong thần diễn nghĩa”: Phu nhân Lý Tịnh là Ân Thị mang thai ba năm mà chưa mãn nguyệt khai hoa. Ngay từ khi Na Tra còn nằm trong bụng mẹ, Lý Tịnh tưởng đứa con trong bụng vợ mình là “quái thai”, nên đã có lòng căm ghét. Đến ngày Âu Thị trở dạ, sinh ra một bọc thịt. Lý Tịnh vừa kinh sợ vừa tức giận, lấy kiếm chém đứt đôi bọc thịt. Ai ngờ, từ trong bọc, một cậu bé khôi ngô tuấn tú, hớn hở nhảy ra, hết mực đáng yêu, tay cầm Càn Khôn Quyền, lưng quấn dải lụa Hỗn Thiên Lăng. Hình ảnh cậu bé vui vẻ đáng yêu này khắc sâu vào lòng bao thế hệ độc giả. Đến nay chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh cậu bé Na Tra trên hình tranh tết dán trong nhà mỗi độ xuân đến.
Nhắc đến Na Tra, dân gian thường hình tượng đến cậu bé tay phải cầm Trường Thương Hỏa Tiễn Thần Phong, tay trái cầm Càn Không Quyền, vai đeo dải lụa Hỗn Thiên Lăng, lưng giắt Cửu Long Thần Chạo và Cục Kim Chuyên, chân đi bánh xe Phong Hỏa. Na Tra là hiện thân của bậc thần tiên phóng khoáng, tính cách hiếu động và nghịch ngợm, và còn mang tính trẻ con. Chẳng thế mà Tôn Ngộ Không vừa nhìn thấy Na Tra đã trêu: “Tiểu Thái Tử, răng sữa của ngươi còn chưa rụng, tóc mới sinh còn chưa khô, sao lại dám lớn tiếng như thế? Ta tha mạng sống cho người, không thèm đánh ngươi.” Cho nên, trong các hồi sau, khi Thanh Ngưu quái dùng vòng kim cang thu mất binh khí và bảo vật của Na Tra, Ngộ Không ngồi một bên cười trêu. Na Tra tức giận, vùng vằng nói: “Đại Thánh xem có được không! Ta đã bại trận, lại mất hết bảo bối, buồn bực thế này, mà cũng vì Đại Thánh cả đấy, thế mà Đại Thánh còn ngồi đó cười nữa à?” Đoạn văn này miêu tả sinh động tính khí trẻ con của Na Tra -nghịch ngợm, đánh thua là hờn dỗi, bực bội.
Na Tra tuy là một đứa trẻ, nhưng khi đánh nhau lại đủ phép thần thông. Na Tra không những có nhiều bảo bối, biết cách tạo hình, thường hóa thân thành ba đầu sáu tay, mỗi cánh tay cầm một loại binh khí đánh nhau với kẻ địch. Trận chiến tại Hoa Quả Sơn, Ngộ Không cũng hóa thân ba đầu sáu tay đánh nhau với Na Tra. Hình tượng “ba đầu sáu tay” còn thể hiện kinh nghiệm chiến đấu thực tế của người dân Trung Quốc thời cổ đại, ba đầu tựa vào nhau, chia không gian xung quanh làm ba, mỗi mặt trấn giữ 120 độ độc lập tác chiến, binh khí không hế vướng đụng vào nhau, đồng thời, tạo thành một vòng tròn khép kín, không một kẽ hở. Có thể thấy, ba đầu sáu tay là trận hình đánh địch toàn diện lý tưởng nhất trong binh pháp cổ đại của Trung Quốc, trong đó chứa đựng sự tinh hoa của võ thuật Trung Hoa.