Trong lịch sử, khi nhà thống trị đối mặt với địch ngoại xâm, luôn có hai phe chủ chiến và chủ hòa. Do rất nhiều nguyên nhân, mọi người thường hiểu phe chủ hòa là phe đầu hàng. Phe chủ hòa đa số là nhân vật phản diện, dân gian thường liên hệ họ với bộ mặt đáng ghét của Tần Cối, còn phe chủ chiến thường được hiểu là anh hùng. Nhưng nhân vật chủ hòa Thái Bạch Kim Tinh trong bộ “Tây Du Ký” có chút ngoại lệ, hoàn toàn trái ngược với bộ mặt xấu xa của phe chủ hòa. Ông là người mặt mũi đôn hậu, tính tình hiền lành.
Trong “Tây Du Ký” , người được Tôn Ngộ Không tâm phục khẩu phục rất ít. Ngọc Đế - người nắm đại quyền trong tay, Ngộ Không gọi thẳng là Lão Ngọc Đế; còn Thái Thượng Lão Quân thường xuyên bị Ngộ Không đùa cợt; Phật Tổ Như Lai, Ngộ Không chỉ sợ mà không kính, cười cợt Như Lai là “Cháu của yêu quái”; Thần tiên trên Thiên Cung càng bị Ngộ không coi chẳng ra gì. Chỉ có Quan Âm Bồ Tát và Thái Bạch Kim Tinh được Ngộ Không kính trọng. Ngộ Không kính trọng Quan Âm Bồ Tát vì Bà luôn giúp đỡ và chỉ bảo. Còn với Thái Bạch Kim Tinh, sự kính trọng của Ngộ Không chủ yếu là vì cảm phục tài giao tế cao siêu và sức lôi cuốn từ nhân cách thật thà chất phác của ông. Thái Bạch Kim Tinh không chỉ khiến Ngộ Không kính trọng, mà còn được độc giả yêu thích. Tác giả Ngô Thừa Ân khắc họa nhân vật Thái Bạch Kim Tinh rất đáng cho chúng ta lưu ý. Chúng ta biết trong chín chín tám mươi mốt nạn gặp phải trong quá trình thỉnh kinh, bị rất nhiều yêu quái vốn là con cháu, thú cưng của các vị tiên cản trở . Còn Thái Bạch Kim Tinh tuyệt đối không có “vết nhơ”.
Khả năng giao thiệp của Thái Bạch Kim Tinh quả thực xuất chúng, vì vậy ông có thể thuyết phục được “Khâm sai đại thần”. Ngộ Không “cướp đoạt” Long Vương, ức hiếp Diêm Vương, kinh động Thiên Đình, Ngọc Đế hạ lệnh bao vây Hoa Quả Sơn, Thái Bạch Kim Tinh lập tức tấu trình, đề nghị thuyết phục Tôn Ngộ Không.
Ngọc Đế cho truyền tất cả văn võ chư tiên khanh hỏi rằng: “Con yêu hầu này được sinh ra năm nào, xuất thân từ đâu, mà lại có tài phép như vậy?” Mhọc Đế vừa dứt lời, Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ tâu: “Con Khỉ này là con khỉ đá được trời sinh ra 300 năm trước. Lúc đó nó không hỗn hào như bây giờ, không biết mấy năm nay nó tu luyện thành tiên ở đâu, dám to gan giáng long phục hổ, hủy tên trong sổ sinh tử.” Ngọc Đế nói: “Thần tiên nào có thể hạ giới thu phục Yêu Hầu?” Lời vừa dứt, một tinh quân râu tóc bạc phơ phủ phục khởi bẩm: “Trong tam giới, phàm người tu hành chín kiếp mới có thể thành tiên. Huống chi con yêu hầu này do trời đất tạo ra, nhật nguyệt nuôi nấng mà thành. Nó cũng đỉnh thiên lập địa, ăn gió nằm sương, đến nay đã tu thành tiên đạo, có tài hàng long phục hổ, khác biệt hơn người. Thần khởi bẩm điện hạ, thường nói trời xanh nhân từ, hạ thánh chỉ, truyền nó lên thượng giới, ban cho một chức quan nhỏ, ghi danh tánh nó vào tiên ban, kết thúc mọi việc. Nếu tuân mệnh trời, sau này hãy thăng chức ban thưởng. Nếu phạm mệnh trời, theo lệ mà trừng phạt. Thứ nhất không động binh đao, thứ hai thụ hưởng ân đức tiên gia.” Ngọc Đế nghe tâu vui mừng, truyền: “Y theo lời khanh thi hành.” Lập tức Văn Khúc Tinh Quân lập chiếu, Thái Bạch Kim Tinh truyền lệnh.
Lời tấu của Thái Bạch Kim Tinh lúc đó rất hợp ý Ngọc Đế: một mặt Ngọc Đế không muốn xuất binh động binh đao; Mặt khác cũng có ý giải quyết cáo trạng của Long Vương và Diêm Vương. Sách lược chiêu an của Thái Bạch Kim Tinh vừa hay vừa hóa giải sự băn khoăn của Ngọc Đế. Thái Bạch Kim Tinh thừa nhận Ngộ Không do trời đất sinh ra, đã do trời sinh nên chiêu nạp lên Thiên Đình, điều này khiến việc mời Ngộ Không lên thiên đình là hợp lý. Cho nên Ngọc Đế vui mừng, lập tức phê chuẩn. Nói đúng hơn, thì đó là do Thái Bạch Kim Tinh đoán bắt đúng tâm lý của Ngọc Đế, kế chiêu an thu phục Ngộ Không mới được thông qua. Mặt khác, để cho Ngọc Đế cảm thấy với cương vị của mình, chiêu an thu phục kẻ nghịch tử phải phát huy đựơc thần uy của Thiên Đình và khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt vời của Ngọc Đế.
Thái Bạch Kim Tinh vừa đến Hoa Quả Sơn là thể hiện ngay vai trò của người điều đình, bỏ đi cái mác “Khâm sai đại thần”, nắm bắt được tâm lý thích được tung hô xưng oai của Ngộ Không. Thái Bạch Kim Tinh mở miệng ra là xưng Ngộ Không là đại vương, khiến Ngộ Không hết sức vui mừng mở tiệc khoản đãi, đồng thời bằng lòng theo Thái Bạch Kim Tinh lên Thiên Đình làm quan ngay. Việc thuyết phục Ngộ Không là việc xem ra rất đỗi bình thường, trên thực tế là việc hết sức khó khăn. Chủ yếu là do Ngộ Không sinh ra đã không có khái niệm giai cấp, thiếu nhận thức đối với quyền lực của xã hội. Bạn thử nghĩ đến cả “Bộ trưởng bộ Thủy lợi” – Long Vương, Ngộ Không chẳng thèm nể mặt, dám đến “cướp bóc”, huống hồ “Khâm sai đại thần”. Nếu như Thái Bạch Kim Tinh cứng nhắc làm theo quy định, mời Ngộ Không như thể ban ơn, chắc chắn sẽ không thành công. Tất nhiên phải bình đẳng và khiêm tốn “thỉnh cầu” Ngộ Không lên Thiên Đình làm quan, Ngộ Không mới chấp nhận. Nếu không thất bại ngay, có khi lại bị Tôn Ngộ Không cho nếm mùi gậy “Như Ý”!. Nhưng Thái Bạch Kim nắm được thóp của Ngộ Không vốn có bản tính háo thắng, thích được người xưng tụng, nhờ vậy mọi việc mới thành công. Thái Bạch Kim Tinh nắm bắt đúng tâm lý của Ngộ Không, bằng tài ngoại giao xuất sắc hóa giải một trận binh đao. Lần mời thứ hai cũng nhờ vậy thành công.
Thái Bạch Kim Tinh thuyết phục thành công Ngộ Không chính là ở việc ông xuất sắc đảm nhận vai trò của người hòa giải, không phải một Khâm sai đại thần diễu võ dương oai. Trước mặt Ngọc Đế ông ra sức ca tụng tán dương Ngọc Đế, trước mặt Ngộ Không lại hết lời ca ngợi Ngộ Không. Bên ngoài thấy có vẻ “dối trá”, nhưng thực tế là thủ đoạn cần thiết trong việc ngoại giao. Ông hòa giải thành công, Ngọc Đế và Tôn Không hóa can qua thành ngọc bạch, làm như vậy có lợi cho cả hai bên.
Trên đường thỉnh kinh, Đường Tăng bị bắt đến Hạm Không Sơn động vô đáy, con yêu nữ đó vốn là con gái nuôi của Thác tháp Thiên vương Lý Tĩnh. Sau khi Ngộ Không biết được chân tướng sự việc liền lên Thiên Đình cáo trạng Thác tháp Thiên Vương dạy con không nghiêm. Ngọc Đế lại sai Thái Bạch Kim Tinh theo Ngộ Không đi tìm Thác Tháp Thiên Vương đối chất. Nào ngờ Thác Tháp Thiên Vương đã quên sạch sành sanh chuyện mấy trăm năm trước mình có thu nhận một đứa con gái nuôi, cho rằng Ngộ Không muốn vu cáo, sai người vây bắt Ngộ Không, đến khi Na Tra nhắc nhở mới nhớ ra. Lần này đến phiên Ngộ Không ra oai, sống chết không chịu bỏ qua cho ông, đòi đến trước mặt Ngọc Đế nói lẽ công bằng. Thác Tháp Thiên Vương đành nhờ Thái Bạch Kim Tinh nói giúp. Thái Bạch Kim Tinh biết Ngộ Không yêu quý sư phụ, tri ân cầu báo, bảo Ngộ Không nể mặt mình. Quả nhiên Ngộ Không đồng ý, không tranh chấp với Thác Tháp Thiên Vương. Thái Bạch Kim Tinh làm cách nào để khiến Ngộ Không “rút lại lời buộc tội” nơi Ngọc Đế? Chúng ta xem qua lời khuyên của Thái Bạch Kim Tinh:
Kim Tinh nói: “Một ngày kiện cáo phải xử 10 ngày. Ngài cáo ngự trạng, nói yêu tinh là con gái Thiên Vương. Thiên Vương chối không nhận. Hai ngài chỉ lo tranh biện trước bệ rồng, tranh cãi không thôi. Ta nói một ngày trên trời bằng một năm dưới trần. Trong một năm này, con yêu tinh đó nhốt sư phụ của ngươi dưới động, lỡ mà nó ép phải lấy nó, sinh ra một tiểu hòa thượng nữa, chẳng phải hỏng sẽ hỏng việc lớn hay sao? Hành Giả cúi đầu suy nghĩ: «Đúng vậy, khi ta đi có nói với Bát Giới và Sa Tăng lâu thì bữa cơm, mau thì tuần trà sẽ về đến. Giờ lại dây dưa đến giờ này, chẳng phải trễ mất hay sao? Lão Tinh quân, theo như ông nói, chỉ ý này làm sao bàn giao?” Kim Tinh nói: “Giao cho Lý Thiên Vương điều binh, theo ngươi xuống dưới trừ yêu, ta quay về phục chỉ.” Hành Giả nói: “Lão nói như thế nào?” Kim Tinh bảo: “Ta chỉ nói nguyên cáo chạy trốn, bị cáo miễn hình phạt.” Hành Giả cười nói: “Hay thật đấy! Ta nể mặt lão, lão lại bảo ta bỏ trốn! Bảo hắn điều binh ra trước cổng Nam Thiên Môn chờ ta, ta cùng lão về phục chỉ dâng cáo trạng.” Thiên Vương sợ hãi nói: “Lần này hắn đi, nếu nói gì sơ sót, là thần mắc tội.” Hành Giả bảo: “Ngươi xem Lão Tôn là người như thế nào? Ta cũng là một đại trượng phu! Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, sao lại buông lời hại ngươi?” Thiên Vương lập tức cảm ơn Hành Giả, Hành Giả cùng Kim Tinh về phục chỉ.
Ngộ Không vốn đã thông minh lanh lợi, Thái Bạch Kim Tinh lại có thể dẫn dụ Ngộ Không “bãi nại”, khiến Ngộ Không mắc bẫy, khiến ai nấy đều khâm phục tài cán của viên quan ngoại giao này.