Trong bốn tác phẩm lớn của văn học Trung Quốc, hình tượng nhân vật trong “Tây Du Ký” hoàn toàn khác với hình tượng nhân vật trong “Tam Quốc diễn nghĩa” và “Thủy Hử”. “Tam Quốc diễn nghĩa” và “Thủy Hử” tập trung miêu tả tập thể anh hùng, còn “Tây Du Ký” tập trung miêu tả bốn thầy trò đi Tây Thiên thỉnh kinh. Mặc dù truyện có đề cập đến các nhân vật như Thần tiên, Đạo sĩ, Phật v.v… trên đường thỉnh kinh còn có rất nhiều yêu ma quỷ quái, nhưng những nhân vật này chỉ làm nền cho bốn thầy trò, không đi sâu đặc tả. Bốn người trong đoàn thỉnh kinh, ai có việc nấy, vai trò và bổn phận khác nhau. Đường Tăng là lãnh tụ tinh thần, nhưng trên thực tế nhân vật chính lại là Tôn Ngộ Không. Trong bốn người chỉ có Tôn Ngộ Không là hình tượng anh hùng chân chính. Ba người còn lại cũng có điểm đáng ca ngợi, nhưng đều tồn tại không ít khuyết điểm, không thể xem họ là anh hùng. Sa Tăng lặng lẽ ít nói, hình tượng mờ nhạt, không có tính cách nổi trội. Đường Tăng được khắc họa rõ nét hơn với những đặc trưng rất riêng. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho độc giả chính là Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, nhưng chỉ có Tôn ngộ Không đáng mặt anh hùng. Cho nên, từ góc độ hay ý nghĩa nào đó có thể nói “Tây Du Ký” là một bộ truyền kỳ anh hùng miêu tả Tôn Ngộ Không.
Vì sao Tôn Ngộ Không trở thành nhân vật chính của câu chuyện thỉnh kinh? Chúng ta đều biết câu chuyện thỉnh kinh trong “Tây Du Ký” lấy chất liệu từ câu chuyện có thật của Pháp sư Huyền Trang trong lịch sử. Vào triều đại Đường Thái Tông, hòa thượng Huyền Trang đã trải qua 17 năm gian khổ để thỉnh kinh. Sau khi về nước, đích thân ông trông coi việc dịch kinh Phật, đồng thời kể lại những câu chuyện kỳ lạ trong quá trình thỉnh kinh. Đệ tử của ông căn cứ vào những câu chuyện đó viết quyển “Đại Đường Tây vực ký”. Cứ như vậy câu chuyện của Huyền Trang nhanh chóng lưu truyền trong dân gian. Rất nhiều vở kịch dàn dựng lại những đoạn tinh túy này. Câu chuyện càng lưu truyền càng được thêu dệt thêm những tình tiết phong phú ly kỳ, và mang sắc thái thần thoại. “Tây Du Ký” ra đời chịu sự ảnh hưởng của nhiều câu chuyện dân gian. Chuyện đi thỉnh kinh trong “Tây Du Ký” có hai diễn biến hết sức quan trọng: Một là làm nhẹ bớt sắc thái tôn giáo, gần gũi với phong tục tập quán của người dân, chủ đề truyện chuyển từ tôn giáo sang xã hội. Hai là vai chính của câu chuyện từ Đường Tăng chuyển thành Tôn Ngộ Không. Rất nhiều phẩm chất cao quý của nhân vật lịch sử Đại sư Huyền Trang như ý chí ngoan cường, lạc quan dũng cảm đều được chuyển sang Tôn Ngộ Không. Đây chính là lý do tại sao tôi thường nói rằng Tôn Ngộ Không cộng Đường Tăng bằng với Huyền Trang.
Cho đến khi Ngô Thừa Ân viết “Tây Du Ký”, ông phong cho tôn Ngộ Không làm Tề Thiên Đại Thánh, đồng thời xây dựng một hình tượng anh hùng thần thông quảng đại, kiên trì dũng cảm, có lòng chính nghĩa. Tuy đây chỉ là Thần thoại, nhưng do “Tây Du Ký” có tầm ảnh hưởng sâu sắc, nên dưới ngòi bút sáng tạo tuyệt vời của nhà văn, Tề Thiên Đại Thánh dần dần chuyển từ “yêu” biến thành “thần”, từ “thú” trở thành “người”, trở thành thần tượng cho người đời sau cung phụng cúng bái. Một số nơi thậm chí còn lập cả Miếu Tề Thiên Đại Thánh. Lịch sử đã ghi lại, có nhiều nơi như Phúc Kiến, Hà Nam, Sơn Đông v.v… trong nhà người dân thường thờ cúng tế lễ Tôn Hành Giả. Các quốc gia như Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan v.v… đều có lập Miếu Tề Thiên Đại Thánh. Nhiều nơi ở Trung Quốc, lập nhiều miếu thờ Đại Thánh, nhà nhà lập bài vị “Tề Thiên Đại Thánh giáng ma trừ yêu”, sự sùng bái Tề Thiên Đại Thánh rất phổ biến. Việc này không thể không kể đến công lao của Ngô Thừa Ân. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy nhân vật thần thoại Tôn Ngộ Không có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong dân gian
Trọn bộ “Tây Du Ký” có thể chia làm ba phần: Phần một từ hồi 1 đến hồi 7, viết về Tôn Ngộ Không sinh ra đời và đại náo Tam Giới. Phần hai từ hồi 8 đến hồi 12, kể nguyên nhân Đường Tăng lên đường đi thỉnh kinh. Phần ba từ hồi 13 đến hồi thứ 100, miêu tả bốn thầy trò trên đường thỉnh kinh gặp phải chín chín tám mốt tai nạn. Câu chuyện thỉnh kinh của phần ba là phần chính của bộ truyện, được viết khá dài. Nhưng phần một chính là phần lôi cuốn nhất, viết xuất sắc nhất.