“Vì sao con thích Tôn Ngộ Không?”, khi chúng tôi hỏi, trẻ con thường nói do Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường, có thể đại náo Thiên Cung, diệt trừ yêu quái. Trẻ con rất hồn nhiên, ngây thơ. Trẻ hay nghĩ rằng người lớn hay ngăn cấm chúng làm việc này việc nọ. Trẻ nghĩ, nếu mình có bản lĩnh như Tôn Ngộ Không, thì thật thoải mái, không sợ bị người khác kiểm soát. Có lẽ chúng ta không nên tước mất sự ngây thơ và mơ ước của trẻ con, không nên nói cho trẻ biết rằng để được như vậy, Tôn Ngộ Không đã phải chịu giam cầm 500 năm dưới núi Ngũ Hành. Điều này trẻ sẽ nhận thức được khi ngày một lớn khôn.
Tư tưởng của Tôn Ngộ Không đã phản ánh tư tưởng của Ngô Thừa Ân – “cường giả vi tôn - mạnh làm vua” và “hiền giả vi tôn – kẻ hiền được trọng”. Tư tưởng “mạnh làm vua” đối lập với quan niệm giai cấp trong xã hội phong kiến, chế độ phong kiến tuyên truyền thuyết thiên mệnh luận và huyết thống luận, nhấn mạnh uy quyền của vua chúa. Vào thời đại Ngô Thừa Ân sinh sống, con người bắt đầu có sự giác ngộ, để thoát khỏi sự trói buộc của chế độ phong kiến, cần dựa vào năng lực của mình để phát triển, thậm chí đập tan cả chế độ giai cấp vốn có. Tư tưởng Tôn Ngộ Không cũng phản ánh yêu cầu này của thời đại, nhờ bản lĩnh của chính mình, coi mình là kẻ mạnh, dám to gan nói với Ngọc Đế “Ngai Ngọc Đế luân phiên nhau ngồi, năm sau đến phiên ta”. Kỳ thực khi lũ Khỉ tại Hoa Quả Sơn bầu chọn Hầu Vương thì đã phảng phất tư tưởng “mạnh làm vua”. Lũ Khỉ giao ước: “Ai có bản lĩnh, đi vào tìm ra nguồn nước mà không bị thương sẽ được phong vương.” Tôn Ngộ Không xung phong đi đầu, xong việc, được tôn làm Mỹ Hầu Vương. Chuyện này có phần giống với câu “cạnh tranh thăng quan tiến chức” mà ngày nay chúng ta hay nói đến.
Tiếp theo xin nói về tư tưởng “kẻ hiền được trọng”. Tôn Ngộ Không không thể chịu nổi người khác bất kính và không thừa nhận tài năng của mình. Ngộ Không tự cho mình bản lĩnh cao cường, đòi Ngọc Đế giao cho mình chức danh tương xứng. Ngộ Không hai lần tạo phản, lần thứ nhất do Ngọc Đế phong Ngộ Không làm “Bật Mã Ôn ”, sau khi biết đó chẳng qua là chức giữ ngựa thiên đình thì bất mãn lắm, cho rằng Ngọc Đế hồ đồ “không biết trọng hiền tài”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua cuộc nói chuyện giữa Ngộ Không và Cự Linh Thần có thể thấy rõ.
Cự Linh Thần cao giọng, nghiêm khắc nói: “Con yêu hầu! Ngươi nhận ra ta không?” Đại Thánh nghe tiếng, liền trả lời: “Ngươi là thần thánh phương nào? Lão Tôn không quen ngươi, mau báo danh tánh đi.” Cự Linh Thần đáp: “Con Khỉ lông lá tự cao kia! Ngươi không nhận ra ta! Ta là thần tiên vút trên cao, là tiên phong bộ hạ của Thác Tháp Lý Thiên Vương, Cự Linh Thần Tướng! Nay phụng chỉ Ngọc Đế, đến đây thâu tóm nhà ngươi. Ngươi mau hạ vũ khí xuống, phụng theo mệnh trời, tránh cảnh chết chóc của muôn thú. Nếu ngươi bất tuân nửa lời, ngươi tức khắc tan thành mây khói!” Hầu Vương nghe nói, trong lòng tức giận: “Tên thần tướng kia, đừng ở đó mà khoe khoang cao giọng! Chỉ một gậy của ta đánh ngươi chết tươi, sợ không có người về báo tin, ta chừa lại tính mạng cho ngươi, mau trở về trời, nói với Ngọc Đế: Lão ta không biết dùng hiền tài! Lão Tôn ta bản lĩnh đầy mình, sao lại bảo ta chăn ngựa thay lão? Ngươi xem dòng chữ trên cờ hiệu của ta, nếu theo chức vụ trên cờ hiệu thăng quan cho ta, ta sẽ không động binh đao, trời đất yên bình. Nếu không tuân theo, ta sẽ đánh vào tận Linh Tiêu Bảo Điện, khiến lão không giữ nổi ngai vàng!”
Sau khi Ngọc Đế phong Ngộ Không làm “Tề Thiên Đại Thánh”, Ngộ Không hài lòng chấp nhận. Nhưng khi Vương Mẫu Nương Nương mở tiệc bàn đào mà không mời, Ngộ Không lại thấy bị mất mặt, lại tạo phản lần nữa. Tư tưởng yêu cầu “trọng hiền tài” có mối liên hệ với tư tưởng của phần tử trí thức thời phong kiến Trung Quốc, cũng liên quan đến ý thức khẳng định giá trị bản thân xuất hiện vào thời đó. Dù đến được Linh Sơn, thỉnh được chân kinh, Phật Tổ phong Ngộ Không thành “ Đấu Chiến Thắng Phật”, Ngộ Không cũng chỉ nói một câu đơn giản “Cảm ơn”, căn bản không coi trọng nó, không giống với Đường Tăng khi được thụ phong quỳ hành đại lễ, cảm kích vô cùng. Cái Ngộ Không quan tâm không phải Đấu Chiến Thắng Phật mà là Tôn Ngộ Không ta đã hoàn thành nhiệm vụ thỉnh kinh. Người công nhận thành tích của ta là được rồi.
Cũng có người, khi trò chuyện với tôi nói Tôn Ngộ Không và Tống Giang trong “Thủy Hử truyện” rất giống nhau, đều vốn là anh hùng, sau này phải cúi đầu trước giai cấp thống trị. Lại nói Hắc Hùng tinh là đại biểu cho tầng lớp khởi nghĩa nông dân, Tôn Ngộ Không đại diện cho giai cấp thống trị đi trấn áp người nông dân khởi nghĩa như mình. Tôi cho rằng cách nói này không phù hợp với tư tưởng của Ngô Thừa Ân. Khởi nghĩa nông dân là bùng nổ, là do không chịu nổi áp bức bóc lột. Còn Tôn Ngộ Không tại Hoa Quả Sơn sống cuộc sống tự do tự tại, không hề có áp bức bóc lột. Cái mà Ngộ Không muốn có chính là tự do. Năng lực của Tôn Ngộ Không được mọi người công nhận. Vậy tại sao truyền thuyết về Tôn Ngộ Không lưu truyền bao đời nay, người ta không dứt khoát khẳng định Ngộ Không là kẻ chiến thắng trong lần Đại Náo Thiên Cung, mà bao giờ cũng giữ nguyên chi tiết Tôn Ngộ Không bị phạt đè dưới núi Ngũ Hành 500 năm? Tất cả truyền thuyết đều xuất phát từ cuộc sống của con người. Nếu như Tôn Ngộ Không chiến thắng Thiên Đình, Ngộ Không không thể trở thành người thống trị duy trì trật tự Thiên Đình. Bởi lúc đó Ngộ Không vẫn mang tính sinh vật của Khỉ, không có tính thần thánh của Phật. Muốn hình tượng nhân vật vĩ đại này lưu truyền về sau, Ngộ Không cần làm được những việc chân chính, chứ không phải là một trận càn quấy trên Thiên Đình.