Nói về mặt pháp lực, Ngọc Đế không bằng Phật Tổ Như Lai, về Pháp bảo cũng không sánh được Thái Thượng Lão Quân. Không thấy Ngọc Đế diệt trừ yêu quái, cũng không thấy Ngọc Đế chiêu hiền đãi sĩ. Vậy tại sao các vị thần tiên trên Thiên Đình đều tuân lệnh răm rắp, tôn ông là Ngọc Hoàng Đại Đế chí cao vô thượng? Chúng ta hãy nghe Như Lai nói với Ngộ Không:
Phật Tổ nghe nói, cất tiếng cười nhạt: “Con Khỉ tu thành tinh như ngươi, dám tự cao tự đại, muốn chiếm đoạt ngôi vị Ngọc Đế? Ngài tu hành từ nhỏ, khổ luyện trải qua 1750 kiếp nạn. Mỗi kiếp nạn mất 129600 năm. Ngươi tính xem, Ngài đã bao nhiêu tuổi, mới có được căn đạo vô biên như ngày nay? Vậy kẻ thú tập tễnh làm người như ngươi, sao có thể cao giọng ăn nói xằng bậy như vậy! Ngươi không xứng đáng, không xứng đáng! Ngươi giữ lấy miệng kẻo thiệt thân! Ngươi mau đi đi, đừng ở đây nói càn! Chỉ e gặp phải độc thủ, mất cả tính mạng, tiếc cho diện mạo vốn có của ngươi!”
Cái mà Ngộ Không không sánh được bằng Ngọc Đế chính là tư cách và lai lịch. Lai lịch “tu hành từ nhỏ” của Ngọc Đế, chính là “tài sản cố định” của Ngài. Quan điểm này xem ra hoang đường, nhưng là sự thật. Nền quân chủ Trung Quốc cổ đại do cha truyền con nối, sau khi hoàng đế khai quốc trị vì giang sơn, con cháu sau này bất kể có tài cán hay không, chỉ cần mang là Thái Tử, sẽ có ngày lên ngôi hoàng đế. Nói Ngọc Hoàng Đại Đế trong “Tây Du Ký” là người đúng hơn là thần. Một phần là vì Ngọc Đế không có pháp lực và phép thuật của thần tiên. Mặt khác, ông thể hiện “khí chất phàm phu tục tử” của người thường. Trừ việc ông trường sinh bất tử và sống cùng chư tiên ra, không thấy Ngọc Đế có bản lĩnh gì. Tha được thì tha, trời yên biển lặng là ổn, đây là một đặc điểm của Ngọc Đế. Long Vương và Diêm Vương tìm ông cáo trạng, Ngọc Đế buộc phải hạ lệnh truy bắt Ngộ Không để giữ thể diện. Nhưng đây không phải mong muốn thực sự của Ngài. Thái Bạch Kim Tinh kiến nghị thuyết phục họ Ngô, Ngọc Đế bèn ban ngay cho Ngộ Không chức quan chăn ngựa. Lần tạo phản thứ hai của Ngộ Không, kế sách thuyết phục không còn phù hợp, Ngọc Đế bất đắc dĩ phải xuất quân. Ai ngờ Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường, một mình đánh bại thiên binh thiên tướng. Ngọc Đế đành phải lần nữa cho người đi thuyết khách, tạm thời giữ được bình yên. Nhưng chẳng bao lâu, Ngộ Không đại náo hội bàn đào, muốn đoạt vị, Ngọc Đế mới nhận thức được vấn đề rất nghiêm trọng, bèn mời Như Lai Phật Tổ đến giúp đỡ.
Theo lẽ thông thường thần tiên đều là cao nhân đắc đạo nên có một trái tim bao dung, không nên ích kỷ, nhỏ nhen, có thù phải báo. Nhưng Ngọc Đế chí cao vô thượng lại là người lòng dạ hẹp hòi, nhỏ nhen. Vào ngày Ngọc Đế tuần hành tam giới, Quận hầu của Quận Phượng Tiên do cãi nhau với vợ nhất thời nổi giận lật đổ bàn cúng xuống đất, quăng hết cống vật, cho chó ăn. Ngọc Đế giận tím mặt, ba năm không ban mưa cho Quận Phượng Tiên, khiến dân chúng điêu linh. Quận Phượng Tiên bày bàn tế lễ nói rõ họ vốn tôn trọng thần tiên, do bất cẩn lật ngã bàn cống vật, khiến chó ăn cống phẩm, hoàn toàn chỉ là do vô ý, cứ cho là Quận hầu phạm tội, thì “tội ai nấy chịu”, không nên trừng phạt hết dân chúng trong thành. Ngọc Đế không phân trắng đen rõ ràng như thế, quả là tàn bạo. Còn cả vụ án oan sai của Sa Tăng. Sa Tăng vốn là Quyển Liên Đại Tướng trên Thiên Đình, hết mức trung thành. Có điều trong hội bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương, Sa Tăng lỡ tay đánh vỡ một ngọn đèn lưu ly, bị Ngọc Đế phạt đánh 800 trượng, đày đến Lưu Sa Hà chịu đói chịu rét, cứ mười ngày lại bị trăm mũi tên xuyên ngực, đau đớn muôn phần. Lỡ tay đánh vỡ ngọn đèn lưu ly, phải chịu trừng phạt tàn nhẫn như vậy, quả thực quá nặng tay.
Về mặt thanh tâm tiết dục, Ngọc Đế cũng khó trở thành tấm gương cho thuộc hạ. Cung điện của Ngài nguy nga lộng lẫy, cao lương mỹ vị, món ngon vật lạ khỏi phải nói, ngày đêm hầu hạ Ngài còn có Vương Mẫu Nương Nương đẹp rực rỡ như hoa. Đời sống tình cảm cũng “phong phú lãng mạn”, mỗi năm vào ngày sinh nhật của Vương Mẫu Nương Nương, cũng tổ chức tiệc bàn đào chúc mừng. Ngọc Đế biết rõ tầm quan trọng của tình yêu trong cuộc sống, mà còn ngăn cản hôn nhân của người khác (đương nhiên không tính việc Trư Bát Giới trêu ghẹo Hằng Nga, hành động vi phạm kỷ cương này không thuộc phạm trù tình yêu). Em gái Ngọc Đế và Dương Quân thật lòng thương yêu nhau, nên duyên chồng vợ dưới trần gian, sinh hạ được một cậu con trai tên là Dương Nhị Lang (Nhị Lang Thần). Họ đã là thật lòng yêu nhau. Lẽ ra Ngọc Đế nên vui mừng mới đúng. Nhưng Ngài không những không tán thành, còn bắt em gái trở về Thiên Đình, giam cầm tại Hoa Sơn. May nhờ Nhị Lang Thần sau khi trưởng thành pháp lực thần thông, phá núi cứu mẹ, nếu không khó thoát tai ương. Nếu tháo bỏ vầng ánh sáng của thần, Ngọc Đế thật đúng là một nhà độc tài chuyên chế.
Chúng ta lại xem hội bàn đào của Ngọc Đế. Trong lòng dân chúng, vị thần có địa vị cao nhất là Ngọc Hoàng Đại Đế, còn vị nữ thần có vị trí cao nhất thuộc phu nhân của ông – Vương Mẫu Nương Nương. Nhắc đến Vương Mẫu Nương Nương, điều mà mọi người biết đến nhiều nhất có lẽ là yến tiệc sinh nhật của bà – Hội bàn đào. Trong truyền thuyết, ngày ba tháng ba âm lịch là sinh nhật Vương Mẫu Nương Nương. Vào ngày này, Vương Mẫu Nương Nương sẽ mở đại tiệc, mời chư tiên đến cùng dự tiệc. Yến tiệc có đủ món ngon vật lạ, rượu ngon, còn có cả đào do chính Vương Mẫu Nương Nương trồng. Chư tiên ăn đào, chúc thọ. “Tây Du Ký” giới thiệu cho chúng ta điều kỳ diệu của bàn đào:
Đại Thánh chơi đùa chán chê, gọi Thổ Địa lên hỏi: “Cây này có bao nhiêu quả?” Thổ Địa thưa: “Có 3600 quả, cây trước đó có 1200 quả, hoa ít quả nhỏ, 3000 năm chín một lần, người ăn vào có thể thành tiên đắc đạo, sức khỏe dồi dào. Cây chính giữa 1200 quả, hoa nhiều, quả ngọt, 6000 năm chín một lần, người ăn vào có thể bay lên mây, trường sinh bất lão. Cây phía sau 1200 quả, vân tím hạt vàng, 9000 năm chín một lần, người ăn vào thọ ngang trời đất, sánh cùng nhật nguyệt.” Đại Thánh nghe nói, vui mừng khôn xiết, hôm đó xem xét rõ cây trong vườn, rồi quay trở về phủ.
Quả đào tiên có lẽ là thần kỳ như vậy cho nên mới có truyền thuyết Hội bàn đào. Đó là bữa tiệc sinh nhật, đáng lẽ nên để lại cho mọi người ấn tượng tốt mới đúng. Nhưng trong ký ức của chúng ta, Hội bàn đào dường như trở thành nơi nảy sinh tai họa, rất nhiều mầm mống tai họa bắt đầu từ đây. Ba đồ đệ của Đường Tăng: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng hòa thượng đều gây họa sát thân ở Hội bàn đào. Tôn Ngộ Không vốn trông coi vườn đào, gắn bó hòa đồng với chư tiên trên Cung Đình. Chính vì Vương Mẫu Nương Nường không mời Ngộ Không đến dự Hội bàn đào, nên Ngộ Không đại náo Thiên Cung, khiến cho Thiên Cung được phen thất điên bát đảo, cuối cùng bị Phật Tổ Như Lai đè dưới núi Ngũ Hành, chịu sự giam cầm khổ sở suốt 500 năm. Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái, do uống rượu say tại Hội bàn đào, chân nam đá chân chiêu, đụng phải Hằng Nga trên Quảng Hàn Cung, mang tiếng bỡn cợt tiên nữ, nhờ Thái Bạch Kim Tinh thỉnh cầu mới miễn được tội chết, nhưng bị phạt nặng đánh 2000 roi, đuổi khỏi Thiên Cung, giáng xuống trần gian, còn đầu thai nhầm kiếp heo. Vài ly rượu tại Hội bàn đào đã khiến Thiên Bồng Nguyên Soái oai phong lẫm liệt trở thành chư tinh. Sa hòa thượng vốn là Quyển Liên Đại Tướng Quân, tại Hội bàn đào lỡ tay làm vỡ ngọn đèn lưu ly, bị bãi quan chức, xử cho tội chết, may nhờ Xích Cước Đại Tiên thỉnh cầu nên được giảm nhẹ tội. Tất cả mọi tai họa đều do Hội bàn đào gây ra.