Truyền thuyết dân gian liên quan đến Nhị Lang Thần phong phú và đa dạng, nhưng không giống nhau hoàn toàn. Tên gọi Nhị Lang Thần Dương Tiễn tương đối được mọi người thừa nhận. Hình tượng Nhị Lang Thần được khắc họa tương đối nhất quán: tay cầm thanh Tam Tiêm Nhị Nhẫn Đao, tinh thông Thất thập nhị huyền công (bảy mươi hai phép biến hóa), giữa trán có con mắt thứ ba có thể nhìn thấu căn tu của người khác, có thể phân biệt yêu ma quỷ quái, lưng đeo dây cung và mũi tên vàng, luôn có con Hống Thiên Khuyển theo hộ vệ. Ở phần trên, khi nói về Ngọc Đế đã có nhắc đến thân thế của Nhị Lang Thần. Lớn lên Nhị Lang Thần học được pháp lực, phá núi cứu mẹ, nhưng do hiềm khích trước đây với Ngọc Đế, không muốn nhậm chức, mà còn không tuân theo chỉ ý của Ngọc Đế. Tam Tiêm Nhị Nhẫn Đao là vũ khí biểu tượng của Nhị Lang Thần. Chúng tôi thấy, trong các tiểu thuyết, Nhị Lang Thần đều mang tính “thanh cao”, “khí ngạo” và thần thông quảng đại. Như lời Quan Âm nói: “Nghe điều động không nghe sai bảo”, nhiều thiên binh thiên tướng không đương đầu nổi với Tôn Ngộ Không, nhưng Nhị Lang Thần thì bắt được ngay Tôn Ngộ Không. Ngộ Không ít nể phục ai, nhưng với Nhị Lang Thần thì khác. Tôn Ngộ Không từng nói: “Tiểu thánh Nhị Lang đáng làm đối thủ của ta”.
Ai cũng biết Tôn Ngộ Không tinh thông bảy mươi hai phép biến hóa, nhưng chúng không chỉ là độc quyền của Tôn Ngộ Không. Nhị Lang Thần cũng tinh thông phép này. Chúng ta cùng xem đoạn văn tuyệt vời miêu tả Tôn Ngộ Không và Nhị Lang Thần đấu phép với nhau:
Đại Thánh chân tay rối bời, liền thu nhỏ gậy Như Ý thành cây kim, nhét vào lỗ tai, lắc thân biến hình thành một con chim sẻ, bay đậu trên đầu ngọn cây. Sáu vị thần kia nháo nhào tìm kiếm xung quanh không thấy, cùng thốt lên : “Hầu Tinh chạy mất rồi! Hầu Tinh chạy mất rồi!”. Đang lúc hốt hoảng tìm kiếm thì Chân Quân đến, hỏi: “Các vị huynh đệ, đuổi đến đâu thì không thấy?” Các vị tiên đáp: “Vừa bao vây tới đây thì không thấy nữa.” Nhị Lang Thần dõi mắt thần nhìn quanh, thấy Đại Thánh biến thành chim sẻ, đậu trên cây, liền thu phép lại, cất Thần Phong đi, lấy cây cung xuống, lắc người một cái, biến thành con chim ưng hung ác, giang cánh lao tới. Đại Thánh thấy thế, đập cánh bay lên, biến thành con chim cuốc, lao vút lên trời. Nhị Lang nhìn thấy, thu ngay cánh, lắc mình biến thành con hạc biển to, bay lên trời cao đuổi bắt. Đại Thánh chao mình lại lao thẳng xuống khe suối, biến thành con cá, bơi lội dưới nước. Nhị Lang đuổi đến khe suối, không thấy tung tích Ngộ Không đâu, lòng thầm nghĩ: “Con Khỉ này chắc đã trốn xuống nước, biến thành tôm cá gì đó. Để ta lại biến hình lần nữa bắt nó.” Thế là Nhị Lang biến thành con ưng biển, bay lượn trên sóng nước. Đợi một hồi, Đại Thánh đang là cá bơi dưới nước, đột nhiên thấy một con chim, giống diều hâu, lông lại không có màu xanh; Giống cò trắng, trên đầu lại không có mào; Giống cò, chân lại không có màu đỏ, liền nghĩ: “Chắc do Nhị Lang hóa thành để bắt ta đây!” liền quay đầu bỏ chạy. Nhị Lang nhìn thấy bảo: “Con cá đang bơi kia, trông giống cá chép, đuôi lại không có màu đỏ; Giống cá mè lại không có vảy; Giống cá lóc trên đầu lại không có sao; Giống cá phòng trên mang lại không có xương. Vừa trông thấy ta thì quay đầu chạy, chắc là con Khỉ đó biến thành” bèn đuổi theo, mổ nó một nhát. Đại Thánh liền nhảy khỏi mặt nước, biến hình thành con rắn nước, bơi vào bờ, lẫn vào trong cỏ. Nhị Lang không bắt được, lại thấy trong nước có một con rắn bơi ra, nhận ra là Đại Thánh, liền xoay mình, biến thành con hạc đen đầu đỏ, giương cái mỏ dài, giống như một cái kềm sắc bén, lao đến muốn bổ vào đầu con rắn nước.
Có người trêu chọc bảo Nhị Lang Thần giống như đi săn, giữa lưng đeo cung và mũi tên vàng, còn dắt theo một con Hống Thiên Khuyển, những công cụ đi săn này trở thành “ám khí” độc môn khi chiến đấu. Trên Thiên Đình ngoài Nhị Lang Thần ra, ai mà cầm cung, dắt chó xung trận giết địch chứ? Có thể nói đây là đặc điểm của Nhị Lang Thần. Cung là công cụ bắn chim, trong “Kim Quang tự quét tháp tìm Phật Bảo” , Nhị Lang Thần dùng cung tên chiến đấu quyết liệt với Rắn Chín Đầu. Còn Hống Thiên Khuyển vừa nghe tên đã thấy rõ uy lực: Khi Ngộ Không và Nhị Lang Thần đấu với nhau, Ngộ Không bị Thái Thượng Lão Quân dùng vòng Kim Cang lén trói, ngã lộn nhào ra sau, vừa định bật dậy, thì bị Hống Thiên Khuyển cắn một cái vào đùi, không gượng dậy được nên mới bị bắt giữ. Con Thần Khuyển này cũng rất xuất sắc trong cuộc chiến với Rắn Chín Đầu. Khi Ngộ Không cùng Nhị Lang Thần hợp tác đánh Rắn Chín Đầu, không ngờ Rắn Chín Đầu biến ra nhiều đầu, định cắn Nhị Lang Thần, bỗng Hống Thiên Khuyển từ đâu nhảy xổ ra, táp một cái ngay đầu của Rắn Chín Đầu. Rắn Chín Đầu không còn tâm trí đâu mà chiến đấu, tìm đường thoát thân. Hống Thiên Khuyển của Nhị Lang Thần trong nguyên tác “Tây Du Ký” bị gọi là “Tế Khuyển”, hình dáng nhỏ nhắn, kẻ địch thường không chú ý đến, nên thuận lợi được việc. Ngoài ra bên cạnh Nhị Lang Thần còn có sáu huynh đệ gắn bó keo sơn. Họ là cánh tay đắc lực của Nhị Lang Thần. Năm đó khi Ngộ Không bị Hống Thiên Khuyển cắn té ngã, đã bị sáu huynh đệ này trói lại. Sáu huynh đệ này thêm Nhị Lang Thần là bảy người, trong bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký” họ được xưng là “Thất Quái”.
Thiên binh thiên tướng trên Thiên Đình tuy nhiều, phải trên vạn, nhưng đối thủ thật sự của Tôn Ngộ Không chỉ có Nhị Lang Thần. Cho nên Nhị Lang Thần không đến, thiên binh thiên tướng không cách nào đối phó với Tôn Ngộ Không. Lần thứ hai Tôn Ngộ Không náo loạn Thiên Cung, Ngọc Đế phái người điều Nhị Lang Thần đến. Nhị Lang Thần cùng Tôn Ngộ Không đánh đến trời long đất lở. Tuy Thái Thượng Lão Quân lén trói Tôn Ngộ Không lại, nhưng công lao vẫn thuộc về Nhị Lang Thần. Hơn nữa, khi Tôn Ngộ Không lật đổ Lò Luyện Đan, đại náo Thiên Cung lần nữa, Ngọc Đế không kêu Nhị Lang Thần lần nữa mà cho người đến mãi Tây Phương cầu cứu Như Lai Phật Tổ, nguyên do là gì?
Là Ngọc Hoàng Thượng Đế mà phải đi cầu cứu Như Lai Phật Tổ, dù sao đi nữa cũng là một việc mất mặt. Nhưng nếu ngẫm nghĩ một chút về những nhân tố của nền chính trị Trung Quốc, Ngọc Hoàng Đại Đế làm như vậy e rằng thỏa đáng hơn.
Mỗi vương triều Trung Quốc, khi nội bộ có xào xáo thì nguyên nhân nổi loạn không ngoài tranh giành quyền lợi, địa vị, hoặc tranh giành ảnh hưởng với nhà vua. Mà trong đám kẻ nổi loạn bao giờ cũng có Hoàng thân quốc thích. Cho nên Đế Vương luôn đề phòng nghiêm ngặt thân thích hoàng tộc, có lúc cho đảm nhận trọng trách nhưng vẫn luôn đề phòng mọi chuyện.
Chúng tôi lấy thời đại nhà Minh của Ngô Thừa Ân sinh sống làm ví dụ. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sau khi giành được giang sơn, từng do dự rất lâu khi lập Thái Tử. Ông muốn đưa người con thứ tư là Chu Đệ làm Thái Tử. Chu Đệ là người có cung cách, năng lực làm việc giống ông nhất. Nhưng theo kiến nghị của đại thần, để giữ gìn trật tự trong cung, nên lập con trưởng làm Thái Tử. Chu Nguyên Chương suy nghĩ hồi lâu, tiếp nhận ý kiến quần thần. Để con cái không đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau, ông đành hy sinh đứa con ông thương yêu nhất. Song chính sự do dự này của ông đã gieo rắc mầm mống tai họa. Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, do con trưởng mất sớm, theo luật lệ phong kiến, cháu đích tôn Chu Doãn Văn kế vị, đổi hiệu thành Nguyên Kiến Văn. Nhưng Chu Đệ không coi đứa cháu này ra gì, tìm cớ khởi binh đoạt ngôi hoàng đế từ tay cháu mình, tự xưng là Hoàng Đế Vĩnh Lạc.
Chính vì bản thân dùng thủ đoạn phi pháp đoạt được ngôi vua nên Chu Đệ rất ý thức được tính quan trọng việc phòng trừ các thủ đoạn phi pháp. Sau khi ông lên ngôi, không chỉ quy định Thái Tử phải là con trưởng, mà còn quy định các Hoàng Tử, Phò Mã không có quyền trị dân trị nước, đến độ tuổi nhất định phải rời kinh thành đến vùng đất được phong, ở đó có thể tận hưởng lạc thú, nhưng không được can thiệp vào chính vụ của địa phương, không có chiếu truyền gọi, không được vào kinh. Do đó cả triều đại Nhà Minh từ sau thời Chu Đệ, những long tử, long tôn không được làm Hoàng Đế, chỉ còn cách rời bỏ kinh thành, ra đi mãi mãi.
Hiểu được điều này sẽ lý giải được tại sao Nhị Lang Thần lại không được điều đi lần nữa. Thỉnh Tây Thiên Phật Tổ giúp đỡ, cùng lắm sắm hậu lễ tạ ơn. Nếu để Nhị Lang Thần ỷ công lao lớn đâm ra tự cao, ở lỳ trên Thiên Đình không chịu đi, thì phiền phức to.
Nhớ đến lúc quay đến cảnh tôi và con Hống Thiên Khuyển của Nhị Lang Thần đuổi đánh nhau, đúng thật là thoát hiểm từ miệng “Khuyển”.
“Diễn viên” đóng vai Hống Thiên Khuyển trong phim « Tây Du Ký » là con chó cảnh sát về hưu do một công nhân tại Cửu Giang, Giang Tây nuôi dưỡng. Nó cao lớn uy mãnh, đặc biệt rất hung tợn. Trừ chủ nhân ra, đối với ai, nó cũng nhìn chằm chằm như hổ đói. Đoàn làm phim chúng tôi ai cũng cẩn thận tránh xa nó, không dám vượt qua “Lôi Trì” nửa bước.
Hôm đó, nhân viên đoàn làm phim hóa trang cho tôi xong, mặc áo giáp của Mỹ Hầu Vương chỉnh tề, đội mão làm bằng lông chim trĩ. Mọi thứ chuẩn bị đã xong, nhân viên đoàn làm phim mới dắt con “Hống Thiên Khuyển” ra. Nó đứng cách tôi một khoảng không xa, đợi đạo diễn lên tiếng bấm máy. Có thể do hai cái lông chim trĩ trên đầu tôi, gió thổi bay qua bay lại khiến con chó chú ý. Tôi thấy hai con mắt đen láy của nó nhìn tôi đăm đăm. Nói thật, lúc đó tôi cũng có phần hồi hộp lo sợ.
Đúng lúc đó, đạo diễn hô diễn, bắt đầu quay. Chủ nhân con cảnh khuyển vừa ra lệnh “cắn” chỉ thấy ánh mắt con Hống Thiên Khuyển sắc lạnh, thè lưỡi ra, điên cuồng chạy về phía tôi. Nhân viên đoàn phim đang nấp phía sau vách núi thấy vậy bèn kéo dây, “Tôn Đại Thánh” tôi đây liền bay lên, mới thoát khỏi nguy hiểm. Khi dây kéo tôi lên một khoảng cách mặt đất khá cao, tôi bắt đầu trượt xuống theo sợi dây thép, con cảnh khuyển nhìn tôi trừng trừng nhưng không cắn được, sủa lồng lên như sấm. Tôi chưa kịp thở, ai ngờ lại xảy ra một tình huống trớ trêu. Dây thừng đã kéo được một nửa, “Tôn Ngộ Không” đã trượt đến chính giữa dây, do dây thép chùng xuống, “Ngộ Không” còn cách mặt đất khoảng chưa đầy hai mét. Con “Hống Thiên Khuyển” bèn nắm ngay lấy cơ hội, nhảy lồng lên, xông thẳng về phía tôi, ngoạm lấy chân tôi. Lúc ấy, tim tôi như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Có lẽ do bản năng, tôi lấy hết sức bình sinh giật phắt cái chân lên, thoát khỏi “miệng chó”, nhưng cái giáp trụ đang mặc bị cắn mất một mảnh lớn. Sau đó, nghe anh chị em trong đoàn nói, trước khi cho con “Hống Thiên Khuyển” diễn, đã bỏ đói nó hai ngày để lúc quay đạt đến hiệu quả mong muốn. Thảo nào nó dữ tợn với tôi như thế.
Cảnh quay này rất hay, đạo diễn Dương Khiết rất hài lòng nên không phải quay lại. Cảnh cái áo giáp trụ của Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký” bị con Hống Thiên Khuyển cắn mất một miếng lớn chính là cảnh quay lần “thoát hiểm khỏi miệng chó” của tôi.