Chúng ta thường nói cái đáng sợ không phải mình phạm sai lầm. Cái đáng sợ là sau khi phạm sai lầm không biết tỉnh ngộ, mà vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng, như vậy là hết thuốc cứu chữa. Ngộ Không trong 500 năm “bị giam có thời hạn” đã bắt đầu tỉnh ngộ. Tôi nghĩ Tôn Ngộ Không trong một trăm năm đầu tiên chưa tâm phục khẩu phục, thường hét lên: “Như Lai, Lão Tôn ta bị ngươi gạt rồi”. Một trăm năm kế tiếp, Ngộ Không luôn tự hỏi mình, tại sao mình lại ở đây. Một trăm năm thứ ba có lẽ Ngộ Không sẽ suy nghĩ tại sao mình thất bại. Một trăm năm năm thứ tư cuối cùng, anh đã hiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Một trăm năm thứ năm, Ngộ Không bắt đầu tỉnh ngộ ra. Một trăm năm thứ sáu, Ngộ Không dần dần trưởng thành, vui vẻ tiếp nhận ý kiến Quan Thế Âm Bồ Tát – đi theo hộ tống Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, lấy công chuộc tội.
Tôn Ngộ Không bị giam cầm trong suốt 500 năm, nhưng không hề uổng công, Ngộ Không đã bắt đầu tỉnh ngộ.
Khi tôi có buổi báo cáo với các bạn sinh viên đại học, tôi thường nói tới 12 chữ mà tôi thích nhất: tổng kết quá khứ, phân tích hiện tại, hoạch định tương lai. Rất nhiều người nói câu “hoạch định tương lai” thành “hướng đến tương lai”. Tôi cho rằng chỉ có hướng đến tương lai vẫn không đủ, chúng ta thật sự nên bình tĩnh suy nghĩ mục tiêu cuộc sống của chúng ta là gì, suốt đời muốn theo đuổi cái gì, đồng thời phải kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, tiến lên phía trước. Tôi từng đọc bài viết sau cho con gái tôi, thấy rất có ích, mọi người có thể tham khảo. Bài viết này viết về việc khảo sát liên quan đến mục tiêu cuộc sống con người của trường Đại học Harvard. Điều kiện trường đại học Harvard lúc đầu còn rất thiếu thốn, khi sinh viên đến lớp phải đi qua một cánh đồng ngô. Có người ghi chép lại lí do tại sao họ lại cực nhọc như vậy để vượt qua cánh đồng ngô. 25 năm sau công bố kết quả điều tra như sau:
3% trong số đó, 25 năm qua nỗ lực không biết mệt mỏi để theo đuổi theo con đường mình đã chọn, trở thành người thành công trong các giới. Trong đó có không ít các nhà lãnh đạo tiên phong đầu ngành, tinh hoa của xã hội.
10% trong số đó ngừng thực hiện các mục tiêu ngắn hạn của mình, cuối cùng trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực, đa số thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội.
60% trong số những người kể trên, có cuộc sống và công việc ổn định, nhưng không có thành tích gì đặc biệt, hầu như sống trong tầng lớp trung bình của xã hội.
27% số người còn lại, họ sống không mục tiêu, sống cuộc sống không như ý. Họ thường hay than thân trách phận, oán trách xã hội, trách cuộc đời “không chịu cho họ cơ hội”.
Cuối cùng, qua cuộc điều tra cho thấy, sự khác biệt trong cuộc đời và cuộc sống hiện nay của những người được khảo sát có liên quan chặt chẽ với quan niệm của họ đối với việc tại sao phải vượt qua cách đồng ngô đó.
Chí hướng cao xa, có hoài bão lớn, là sự khác biệt lớn nhất giữa Tôn Ngộ Không và Ngưu Ma Vương – anh em kết nghĩa với Ngộ Không. Kỳ thực, nói về mặt pháp lực và võ công, Ngưu Ma Vương đâu phải là xoàng. Khi giao đấu, Ngộ Không cũng phải rất chật vật mới thắng được Ngưu Ma Vương. Ngưu Ma Vương tuy võ công cao cường, nhưng lại không có chí hướng cao xa, suốt ngày đắm chìm trong tửu sắc, bị nhấn chìm trong dục vọng, không tự gượng lên được. Ngưa Ma Vương đã cưới một tuyệt sắc giai nhân là Thiết Phiến công chúa làm vợ, nhưng vẫn “đèo bòng ” bên ngoài, suốt ngày cặp kè Ngọc Diện Hồ Ly, còn thường xuyên tụ tập bạn bè chè chén đến say bí tỉ. Kết cuộc như thế nào? Chơi bời trác táng, vợ con ly tán, còn bị đánh trở lại nguyên hình.
Lòng ôm chí lớn, mục tiêu rõ ràng, đó là phẩm chất quý giá của Tôn Ngộ Không. Sau 500 năm bị giam cầm, Ngộ Không đã tỉnh ngộ: phải làm nên sự nghiệp lớn. Hộ tống Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, thực ra không bằng bất kỳ chức quan nào trên Thiên Đình. Nhưng Ngộ Không rất yêu thích công việc này, dốc hết tâm sức vì việc lớn. Mười bốn năm ấy, Ngộ Không và Đường Tăng cùng đón mặt trời lên, cùng tiễn mặt trăng lặn, diệt trừ yêu ma trên đường, giúp đỡ người nghèo khổ, cuối cùng hộ tống được Đường Tăng đến được Linh Sơn, lập được chiến công hiển hách, tạo dựng sự nghiệp huy hoàng. Ngộ Không được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật là lẽ đương nhiên.