Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, sau khi bị Nhị Lang Thần và Quan Âm bắt giữ, thiên binh thiên tướng dùng hết cách này cách cũng không làm sao trị được Ngộ Không, không còn cách nào khác đành phải nhờ đến Phật Tổ Như Lai. Phật Tổ Như Lai trấn áp Ngộ Không dưới Ngũ Hành Sơn, còn dùng một tấm bùa cấm có viết sáu chữ vàng “Om, Ma, Ni, Ba, Mị, Hồng” giao cho đệ tử A Nan, bảo A Nan đem lá bùa dán trên đỉnh núi. Như vậy, Tề Thiên Đại Thánh hô phong hoán vũ bị đè dưới núi cô đơn khổ cực suốt 500 năm.
Ngũ Hành Sơn vốn là vật được biến ra từ năm ngón tay của Như Lai. Chữ vàng của Như Lai dán lên núi, giúp cho Ngũ Hành thêm phần vững chắc, đè chặt Tôn Ngộ Không, khiến Tôn Đại Thánh không còn động đậy gì được.
Việc Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành, dầm mưa dãi nắng, chịu lạnh chịu đói suốt 500 năm, cũng mang một ngụ ý, giống như Mạnh Tử từng nói: “Trời sẽ giao trọng trách cho ai, ắt trước tiên sẽ khiến người đó tâm trí mỏi mệt, gân cốt rã rời, khổ sở đói khát, cho đến khi thân thể gầy còm, nếm mùi nghèo khó, khiến việc anh ta làm lung tung, lầm lỡ, luôn không như ý, thông qua những điều đó giúp anh ta nội tâm thận trọng, tính cách kiên định, bổ sung những tài cán còn thiếu sót.”
Tôn Ngộ Không chịu sự giam cầm khổ sở, nếm đủ mùi đau khổ suốt 500 năm cuộc sống “không phải Khỉ”. So với Ngộ Không phải chịu 500 năm gió dập mưa vùi, thì tôi còn may mắn hơn nhiều. Những năm tháng trong suốt 500 năm đó, tôi chỉ mất có một ngày để quay. Đoạn phim này được quay ở Thạch Lâm tại Vân Nam.
Nhân viên thiết kế mỹ thuật nhanh chóng tìm được một hang động đá vôi nhỏ cho “con Khỉ gặp nạn” như tôi dung thân. Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành 500 năm, trải qua vô số giá lạnh, khô hạn. Trong hang đá vôi này, tôi cũng phải biểu hiện ra những đau đớn, khổ sở của Tôn Ngộ Không trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Tuy không thể sánh với những khó khăn Tôn Đại Thánh chịu đựng trong 500 năm, cảnh quay này cũng chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng cũng chẳng phải thoải mái gì. Ban đầu thiết kế của đoàn phim là cho đầu và hai tay của tôi đều thò ra ngoài, tôi cảm thấy như vậy vẫn quá tự do, không biểu hiện ra hết những gian khổ Tôn Ngộ Không phải chịu đựng, cho nên xin chỉ để lộ đầu và một tay ra ngoài, tay chỉ thò ra đủ để nhặt tuyết ăn. Tôi ở trong cái động đá nhỏ đó quay cảnh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa hè, mưa trút xối xả lên cái đầu thò ra ngoài hang của tôi. Mùa thu, để thể hiện “thử thách” của thiên nhiên với Ngộ Không trong suốt mấy trăm năm, đạo diễn muốn trên đầu Ngộ Không phủ lớp rêu xanh, nhưng lúc bấy giờ điều kiện quay phim thô sơ, người ta bèn dùng đất dưới thân ngựa trét dính lên đầu tôi, thật ra đó là nước đái ngựa và đất quyện vào nhau, sau đó lấy cành cây khô treo trên đầu tôi. Mùa đông, gió bắc lạnh căm, cuốn bay từng lớp tuyết, gió mạnh đến nỗi tôi không mở được mắt, Tôn Ngộ Không còn phải ăn “hoa tuyết”. Lúc đó, do điều kiện hạn chế, chỉ có thể dùng phân bón hóa học và bọt trộn thành “hoa tuyết”. Để diễn như thật, tôi cũng bốc “hoa tuyết” bỏ vào miệng ăn ngon lành. Quay xong cảnh này, tôi biến thành con “Ngọc Hầu” lóng lánh như tuyết. Trong suốt ngày quay hôm đó, tôi còn phải mặc bộ áo Khỉ. Bộ áo Khỉ này làm bằng chất liệu lông nhân tạo giống với loại vớ liền quần giới nữ thường mặc. Mặc vào rất bó, lại nóng, mồi hôi nhễ nhại thật khó chịu. Còn nhớ lúc đó một khán giả tại trường quay cười nói với tôi: “Nhìn anh quay gian lao khổ cực như vậy, có thể hình dung ra được Ngộ Không khổ sở đến mức nào lúc ấy.”
Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ rõ cảnh tượng quay đoạn “sư phụ, đệ tử gặp nhau”. Trải qua 500 năm gian khổ, đầu tôi mọc đầy rêu xanh, mặt tôi cũng thế, quần áo rách rưới, lam lũ. Khi diễn đến cảnh Đường Tăng không ngại thế núi hiểm trở, lom khom leo từng bước một lên đỉnh núi, Ngộ Không cảm động rơi nước mắt. Đường Tăng leo lên đến đỉnh núi, tháo bỏ lá bùa, cứu Ngộ Không ra. Đạo diễn Dương sắp xếp cảnh này như sau, tôi vừa chạy, vừa kêu to “sư phụ”, cho đến khi chạy tới quỳ xuống dưới chân sư phụ. Đá vụn ở Thạch Lâm sắc nhọn, lúc đó tôi chỉ nghĩ diễn sao cho thật, những việc khác không cần nghĩ nhiều. Nghe đạo diễn hô “diễn”, tôi lập tức điều chỉnh tâm lý, nhập vai, với cảm xúc vui mừng sau khi thoát khỏi đại nạn cùng sự cảm kích vô bờ ơn tái sinh của sư phụ, vội vàng chạy đến, hai mắt mở to nhìn sư phụ một hồi lâu, đột nhiên quỳ xuống. Chính giây phút đó, một cơn đau thấu tim gan ở đầu gối nhói lên khiến tôi đau đến suýt kêu thành tiếng… May quá, cảnh quay đến đây là xong, nhưng tôi không đứng lên nổi nữa. Tôi từ từ nhấc gối trái lên, chiếc quần Khỉ làm bằng ni lông bị mòn vẹt, lủng lỗ, máu chảy liên tục.
Chuyện Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc sức sống kiên cường của hình tượng nghệ thuật Tôn Ngộ Không, cũng khiến chúng tôi cảm nhận được sự yếu ớt của sinh mạng. Tôn Ngộ Không đem đến cho chúng ta một lung linh huyền ảo, cũng có thể đây là nguyên nhân thật sự khiến hình tượng Tôn Ngộ Không không hề phai nhạt.