Một học giả phương Tây khi bình luận sự phát triển của văn học thế giới đã nói: vào thế kỷ 16, ánh sáng trí tuệ của nhân loại cùng lúc chiếu rọi cả phương Đông lẫn phương Tây.
Ông chỉ ra rằng khi phương Tây xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại W.William Shakespeare và nhà tiểu thuyết vĩ đại Premio Cervantes; thì phương Đông lúc đó cũng xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại Thang Hiển Tổ và tiểu thuyết gia vĩ đại Ngô Thừa Ân.
Tác phẩm của Shakespeare và Cervantes đã sớm nổi danh thế giới, trở thành biểu tượng của văn học phương Tây. Đồng thời tác phẩm của Thang Hiển Tổ và Ngô Thừa Ân cũng nổi tiếng khắp Phương Đông, trở thành niềm tự hào của văn học Phương Đông.
Theo tiêu chuẩn bình luận của lý luận văn nghệ hiện đại, “Tây Du Ký” là kiệt tác của chủ nghĩa lãng mạn. Theo cách phân loại tiểu thuyết Trung Quốc, “Tây Du Ký” được liệt vào hàng đầu của thể loại “Tiểu thuyết thần thoại”. Ở trong nước, “Tây Du Ký” là một trong “Tứ đại kỳ thư” của thời nhà Minh. Ở nước ngoài, “Tây Du Ký” đã được dịch sang mười mấy thứ tiếng. Hiện nay, các ngôn ngữ chính trên thế giới và ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á đều đã có bản dịch hoàn chỉnh. Theo thống kê, độc giả của “Tây Du Ký” đông nhất nhì thế giới. Phần lớn người Trung Quốc đều là độc giả trực tiếp hoặc gián tiếp của bộ kiệt tác này, hầu như không ai không biết đến Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới. Thành ngữ, tục ngữ có liên quan đến “Tây Du Ký” càng đếm không xuể.
Nếu đánh giá sự ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ điển đối với người Trung Quốc, “Tây Du Ký” phải xếp bậc nhất. Tác phẩm cổ điển người Trung Quốc biết đến sớm nhất chính là bộ kiệt tác này. “Tây Du Ký” cũng đứng đầu Trung Quốc về phạm vi và số lần được cải biên thành các loại hình nghệ thuật khác. Nó có mặt trong hầu hết các loại hình nghệ thuật như hý kịch (kinh kịch và kịch của các địa phương), ca khúc, điện ảnh (phim truyện, kịch nói, phim hoạt hình), phim truyền hình, truyện tranh, tranh vẽ v.v… Trong đó, loại hình nghệ thuật cải biên nhiều nhất là Kinh kịch. Hiện nay, danh mục các tiết mục trong Kinh kịch vẫn còn hơn mấy mươi loại, tương đương với số lượng tiết mục kịch về Tam Quốc, Bao Công.
Tác phẩm truyền đời tất nhiên có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Quyển tiểu thuyết một trăm hồi “Tây Du Ký” ra đời từ thời nhà Minh, được lưu truyền đến tận bây giờ đã hơn 400 năm, nhưng vẫn có một sức sống mãnh liệt và lan tỏa khắp thế giới. Một bộ tiểu thuyết thần thoại mang màu sắc diệu kỳ, miêu tả đệ tử nhà Phật không quản ngại đường xá xa xôi trắc trở, gian nan đi thỉnh kinh Phật. Chỉ một câu chuyện thế thôi nhưng sao lại có sức cuốn hút mạnh mẽ đến mức độc giả xem mãi không chán? Đó chính là, ngoài những tình tiết hấp dẫn của “Tây Du Ký”, còn chứa đựng rất nhiều triết lý cuộc sống và trí tuệ nhân sinh khiến cho người đọc phải nghiền ngẫm. Tôi tin rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội đều yêu thích “Tây Du Ký”. Trẻ con mê các tình tiết ly kỳ hấp dẫn. Người lớn thì thích sự chính nghĩa, lương thiện, thành thật, lạc quan dũng cảm, tự tin và say mê. Ở một góc nhìn khác, nó mang đến lòng say mê nghệ thuật và niềm vui bất tận cho những người yêu nghệ thuật. Nó cũng thể hiện triết lý cuộc sống, trí tuệ nhân sinh, và một cách nhìn ở góc độ học thuật cho những học giả, những nhà nghiên cứu.
Tôi dành 17 năm cho vai diễn Tôn Ngộ Không trong bộ phim truyền hình “Tây Du Ký”. Tôi có tình cảm và sự cảm nhận sâu sắc vai diễn này. Cuốn “Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du Ký” được thể hiện dựa vào nội dung và phong cách của lối tiểu thuyết chương hồi. Nó là một cái nhìn xuyên suốt, là sự kết hợp của tính biến hóa của Tôn Ngộ Không – tính động của Khỉ, tính thần kỳ của Thần, tính xã hội của Người, tính thần thánh của Phật. Ngoài việc bình phẩm nguyên tác và các nhân vật, tôi còn lồng vào đó những mẩu chuyện thực khi tôi đóng bộ phim truyền hình dài tập “Tây Du Ký” này. “Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du Ký” thông qua phân tích, mở rộng các tình tiết và hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong “Tây Du Ký”, nêu bật lên triết lý sống, nhân sinh quan, trí tuệ ẩn chứa trong bộ trước tác này trước hiện thực cuộc sống của lớp người đương đại chúng ta.
Chân thành cảm ơn ông Quý Ngưỡng Lâm đã đặt tên cho tựa sách, cảm ơn các ông Phùng Kỳ Dung, Vương Thạch, Trịnh Uông Hạo viết bài giới thiệu và lời tựa.
Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các ông Vương Khải Huy và Vương Thiệu Hâm, Vương Trạch Ninh, Trần Hy Hoa Bí thư diễn đàn Quốc Tế sinh viên Trung Quốc. Họ đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu cho quyển sách này.
Một lần nữa cảm ơn sự giúp đỡ và khích lệ của tất cả bạn bè dành cho “Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du”. Hy vọng quyển sách này cũng giống như hình tượng nghệ thuật của nhân vật Tôn Ngộ Không luôn mãi tồn tại trong ký ức các bạn.
Tác giả