Tôi nghĩ tôi và Tôn Ngộ Không thật sự có duyên. Bước nhảy của Ngộ Không tại Hoa Quả Sơn có thể nói là lần đầu tiên nó mạo hiểm tính mạng. Năm đó, khi quay cảnh này cũng là cảnh nguy hiểm đầu tiên của tôi trong quá trình đóng Tây Du Ký.
Trong lúc quay, đạo diễn Dương Khiết đã chọn một con thác dữ làm bối cảnh. Khi quay, để cảnh quay đạt hiệu quả như thật, đạo diễn yêu cầu tôi vừa bò vừa chạy, lại còn vui vẻ tung tăng nhảy nhót liên tục trên vách núi và mỏm núi đá cheo leo phủ đầy rêu xanh. Lúc sắp bấm máy, nhân viên đoàn phim luôn nhắc nhở tôi phải cẩn thận, cố gắng đi sát mép trong của vách núi. Máy quay được đặt cạnh tôi, ống kính chĩa thẳng vào tôi, một “con Khỉ” vừa từ đá nứt chui ra. Đạo diễn vừa nhìn vào máy quay vừa liên tục chỉ đạo. Nói ra cũng thật trùng hợp, hôm đó tôi mang một đôi giày cao su bằng lốp xe, đi lên những tảng đá trơn trượt, chân tôi liên tục trượt lên trượt xuống. Mới đầu, tôi còn có chút lo âu, cẩn thận bước từng bước một. Sau đó tôi vươn người, duỗi chân, vươn vai cho dãn gân dãn cốt, dần dần hưng phấn hẳn lên, và tôi cũng bạo dạn hơn. Nào ngờ sơ ý một cái, trượt chân mất thăng bằng té xuống. May thay tôi còn khá lanh trí, tuy chân tay lúng túng, thần trí vẫn chưa đến mức hoảng loạn. Tôi chụp vội lấy một túm cỏ tranh, có một cành cây mây quấn lấy chân phải của tôi. Nhờ vậy tôi mới không bị té xuống vách núi. Lúc đó, đầu tôi dốc ngược, thân người treo lơ lửng giữa không trung, đong qua đưa lại. Tất cả xảy ra quá đột ngột, lúc đó đạo diễn bỗng thấy tôi biến mất khỏi màn hình giám sát, cuống cuồng kêu to lên: “Khỉ, Khỉ đâu rồi? Ngộ Không đâu mất rồi?” thế là mọi người đổ xô nhau đi tìm. Tôi liền kêu to: “Ơ, tôi ở đây này!” . Mọi người nghe tiếng kêu liền đổ đến bên vách núi, trông thấy tôi bị treo lơ lửng như vậy, ai nấy đều thót tim, nhao nhao cả lên: “Trời ơi! Nhanh lên, nhanh lên, mau cứu Khỉ con…” thế là mọi người mỗi người một tay kéo tôi lên. Đầu tôi chỉ còn cách mặt đất hơn nửa thước! Dưới đất toàn là đá cuội, xém chút nữa là tôi vỡ đầu, vỡ óc ra mất. Hai nhân viên trường quay đỡ tôi xuống khỏi cây mây, đầu gối bên trái và lưng tôi bị xước chảy cả máu. Mọi người để tôi nghỉ ngơi một chút, tôi ngồi yên, thở dốc. Một hồi sau, tôi nói với đạo diễn: “Anh cho quay lại lần nữa ngay đi!” Nhân viên hóa trang đưa cho tôi một chiếc gương, nói: “Mau đi trang điểm lại! Xem anh kìa, con Khỉ Đá sắp biến thành con Khỉ Đất rồi!” Buổi tối hôm đó, mọi người cùng nhau ngồi xem cảnh quay, lúc đó mới thấy rõ lúc ban ngày tôi đã diễn một đoạn “Phim ngoài phim” nguy hiểm tới mức nào.
Trong suốt quá trình quay Tây Du Ký, tôi phải trải qua rất nhiều cảnh nguy hiểm, mấy lần suýt chút mất mạng, nhưng tôi không hề sợ. Tôi biết năm xưa Pháp sư Huyền Trang đi Tây Thiên thỉnh kinh gặp phải ngày càng nhiều nguy hiểm. nhưng lòng tin của ông cũng theo đó mà tăng lên. Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: ngày xưa trên cùng một ngọn núi, có hai tảng đá giống hệt nhau, nhưng ba năm sau thì chúng khác hẳn nhau, một tảng được mọi người kính ngưỡng và quỳ bái, còn một tảng lại chẳng được ai chú ý đến. Tảng đá ấy bất bình nói: “Anh à, ba năm trước chúng ta đều là đá trên cùng một ngọn núi, bây giờ sao lại khác nhau một trời một vực thế này. Tôi buồn lắm.” Tảng đá còn lại trả lời: “Anh à, anh vẫn còn nhớ chứ? Ba năm trước có một nhà điêu khắc đến đây, ông ta muốn tìm một tảng đá để khắc tượng Phật. Anh sợ từng mũi dao khắc lên thân anh gây đau đớn, anh bảo ông ấy chỉ cần khắc cho anh vài nhát đơn sơ thôi. Còn tôi lúc ấy tưởng tượng đến hình dạng của mình bây giờ, không ngần ngại chịu đau đớn để dao khắc lên thân mình, cho nên mới có sự khác biệt của ngày hôm nay.”
Sự khác nhau của hai tảng đá, một tảng chú ý đến cái mình muốn, một tảng chỉ lo nghĩ mình sợ cái gì. Mấy năm trước, có những người là bạn thân từ nhỏ, cùng học chung một trường, làm việc trong cùng một đội, công tác trong cùng một đơn vị. Vài năm sau, thấy người bạn thân, bạn học, chiến hữu, đồng nghiệp thuở xưa đã thay đổi, có người trở thành tảng đá dưới hình dạng “Tượng Phật”, có người lại trở thành tảng đá còn lại. Bạn muốn mình sống trên đời này thế nào, sau này trở thành người ra sao, cái bạn muốn đạt được là gì? Giả sử có một chiếc xe đua không tay lái, dù động cơ của nó mạnh đến đâu đi nữa, cũng sẽ không biết nên đi về đâu. Bất kể điều mà bạn muốn đạt được là tiền tài, sự nghiệp, niềm vui hay điều gì khác, cũng cần xác định phương hướng của nó, tại sao mình lại muốn đạt được nó ? Tôi phải suy nghĩ và hành động thế nào để đạt được nó. Giả sử hôm nay cho bạn một cơ hội, để bạn lựa chọn năm việc bạn muốn đạt được nhất, đồng thời biến ước mơ của bạn thành sự thật, điều đầu tiên bạn muốn làm là gì? Giả sử chỉ cho bạn chọn một, bạn sẽ chọn cái gì? Giả sử bạn chỉ còn sống một ngày nữa, điều bạn hối tiếc nhất là gì ? Mong ước nào của bạn còn dang dở? Giả sử cho bạn cơ hội được sinh ra lần nữa, điều bạn muốn làm nhất là cái gì? Nếu như bạn thấy được điều bạn muốn làm nhất, thì hay xác định nó ngay. Hoạch định được điều đó sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh, nó sẽ ăn sâu vào ý thức, tư tưởng của bạn, in sâu trong trí óc bạn, để tiềm thức giúp bạn đạt được tất cả những gì bạn muốn.