Khi mới ra đời, Tôn Ngộ Không thực ra cũng chỉ là một con Khỉ con thích đùa giỡn với sông núi. Tôi còn nhớ rất rõ tập đó được quay trước con thác lớn ở thác Hoàng Quả Thụ tại Quý Châu. Vách núi dựng đứng, vách đá cheo leo treo lơ lửng giữa trời, khí thế hùng vĩ, hào hùng. Cảnh sắc vô cùng thanh tú, một cảnh giới thần tiên lý tưởng. Khi đó tôi mặc một bộ quần áo bằng lông ny lông do các nhà thiết kế thuộc công ty điện ảnh Bắc Kinh thiết kế đặc biệt riêng cho tôi, đằng sau gắn một cái đuôi Khỉ, đó chính là bộ “áo Khỉ”. Để cái đuôi này trông tự nhiên hơn, nhà thiết kế đã tốn rất nhiều công sức: ban đầu, đuôi được làm bằng vải và giấy nhưng đuôi trông cứng và không tự nhiên. Sau này, họ lấy dây thép mỏng và keo cuộn một miếng bọt biển dài hơn một thước ta, rộng gần ba tấc thành cái đuôi thô và dán cố định, bên ngoài phết lên một lớp thuốc màu gần giống như màu lông khỉ, rồi may dính vào chiếc quần lông, thế là có ngay một cái đuôi “thật”.
Không biết mọi người có phát hiện ra hay không, chiếc “đuôi” này về sau biến mất. Nó biến mất lúc nào vậy? Khi Tôn Ngộ Không vừa sinh ra đời còn vẫy đuôi nhảy tới nhảy lui, sau này khi đại náo Thiên Cung, Ngộ Không đối đầu với Nhị Lang Thần. Khi Ngộ Không biến thành ngôi miếu nhỏ, không biết để cái đuôi vào đâu, không còn cách nào khác, đành biến cái đuôi thành cột cờ để thoát. Nào ngờ bị Nhị Lang Thần phát hiện, lao tới, Ngộ Không đành cắp đuôi bỏ chạy. Đây là lần xuất hiện cuối cùng của chiếc đuôi “tai họa” này, từ đó Tôn Ngộ Không đã “tiến hóa” rồi.
Ngộ Không sau khi ra đời, vẫy đuôi tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Lúc ấy, Ngộ Không còn mang bản tính của Khỉ, hoàn toàn hòa nhập với thế giới tự nhiên. Theo cách viết của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không hái hoa trên núi, ăn quả rừng; làm bạn với bầy sói, lập đàn với hổ báo, kết tình huynh đệ với Khỉ, thậm chí còn gối đầu lên cọp để ngủ. Rất tiếc điều kiện quay phim lúc đó không cho phép, nếu không chắc sẽ rất hay. Một con Khỉ con bình thường không hơn không kém như thế làm cách nào lại trở thành Mỹ Hầu Vương của Hoa Quả Sơn?
Lũ Khỉ nhìn thấy một con thác cuồn cuộn, như từ trên trời đổ xuống thì hết sức kinh ngạc, bèn thương lượng rằng: “Ai dám xông vào thác, tìm ra ngọn nguồn của con suối, mà không bị thương, thì sẽ phong làm vương”. Thạch Hầu hú một tiếng nhảy cẫng lên, hớn hở bảo: “Để ta! Để ta !”, Thạch Hầu nhắm mắt nhún mình nhảy vào thác nước, cảm thấy hình như không phải đang ở trong nước, mở mắt ra nhìn quanh, thì thấy mình đang đứng trên một cây cầu sắt, nước từ dưới cầu bắn vào trong động đá, đổ ngược xuống dưới, che mất cây cầu, khiến cho người bên ngoài không nhìn thấy bên trong. Thạch Hầu đi qua cây cầu, phát hiện đây quả là một nơi tốt. Ghế đá, giường đá, chậu đá, chén đá, mọi thứ đều có. Nơi đây dường như trước đó đã có người ở, căn nhà của thiên nhiên, yên tĩnh gọn gàng, nồi, chén, muôi, chậu, tất cả đều sắp xếp gọn gàng trên bếp. Ngay chính giữa có một tấm bia đá, phía trên có khắc: Hoa Quả Sơn phúc địa, Thủy Liên Động động thiên. Thạch Hầu vui không kể xiết, liền xoay người đi ra ngoài, vù một cái nhảy ra khỏi động. Lũ Khỉ nhìn thấy Thạch Hầu bước ra, trên người chẳng hề có một vết xước nhỏ, vừa mừng vừa sợ, xúm lại hỏi tình hình trong suối. Thạch Hầu bứt tai, gãi gãi đầu, cười hì hì nói: “Bên trong không có nước, trú thân rất tốt, khi trời nổi gió to chúng ta có nơi trú ngụ, trời mưa chúng ta cũng không sợ ướt”. Lũ Khỉ vừa nghe xong con nào con nấy vui mừng nhảy cẫng lên. Lũ Khỉ theo chân Thạch Hầu nhảy qua màn thác, tiến vào Thủy Liên Động và thấy bao nhiêu vật dụng tốt. Giữ đúng lời hứa, tôn Thạch Hầu làm vương, từ đây Thạch Hầu đăng ngôi vương, bỏ chữ Thạch đi, tự xưng là “Mỹ Hầu Vương”.
Vì Ngộ Không không cam lòng làm một con Khỉ bình thường, nên mới có được thành công vượt trội như vậy. Bước nhảy này của Tôn Ngộ Không xem ra bình thường đơn giản, nhưng cần có dũng khí. Nếu không có dũng khí, cơ hội sẽ không thể đến với Tôn Ngộ Không. Nếu không có bước nhảy dũng cảm này, thì chỉ có thể cam tâm sống cuộc sống bình dị. Vào thời khắc nhảy qua Thủy Liên Động, Tôn Ngộ Không đã hoàn toàn khác với những con Khỉ khác. Nó dũng cảm thử sức, vượt qua chính nó nên nó chính là con Khỉ xuất sắc nhất trong bầy .
Những người biết nắm bắt cơ hội mới là người dũng cảm. Khi cơ hội đến gần, bạn có dám thử thách để tiến đến thành công hay không?